TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Những điều cần biết thêm về amiăng

Những điều cần biết thêm về amiăng

14:31 | 21/04/2023
Có thật rằng amiăng trắng không thực sự là một dạng của amiăng không ? Không. Amiăng trắng là một trong sáu dạng của amiăng, các dạng khác gồm crocidolite, amosite, tremolite, actinolite và anthophyllite Chính sách của WHO về ami ăng là như thế nào ? Chính sách WHO về amiăng là rõ ràng […]
 
Có thật rằng amiăng trắng không thực sự là một dạng của amiăng không ?

Không. Amiăng trắng là một trong sáu dạng của amiăng, các dạng khác gồm crocidolite, amosite, tremolite, actinolite và anthophyllite
Chính sách của WHO về ami ăng là như thế nào ?
Chính sách WHO về amiăng là rõ ràng dứt khoát. Amiăng gây ung thư cho phổi, thanh quản và buồng trứng, ung thư trung biểu mô (một loại ung thư màng phổi và màng bụng) và bụi phổi amiăng (xơ hóa phổi). Các bệnh liên quan đến amiăng có thể phòng ngừa được, và cách hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh này là ngừng sử dụng tất cả các dạng của amiăng để phòng ngừa phơi nhiễm. Các chiến dịch toàn cầu của WHO để loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng nhằm hỗ trợ các nước để đạt được mục tiêu ấy.
Tại sao WHO rất quan tâm đến amiăng ?
Có bằng chứng khoa học rõ ràng là amiăng gây ra ung thư và các bệnh hô hấp mãn tính ở người. WHO đang làm việc để làm giảm gánh nặng toàn cầu các bệnh không lây nhiễm, kể cả ung thư và các bệnh hô hấp mãn tính, nhận thấy rằng dự phòng ban đầu làm giảm các chi phí dịch vụ chăm sóc y tế và giúp đảm bảo tính bền vững về chi tiêu cho y tế. Trên toàn thế giới, ung thư là nguyên nhân hàng đầu thứ hai gây tử vong. Năm 2008, có 7,6 triệu tử vong do ung thư cùng với 12,7 triệu ca nhiễm mới. Có khoảng 19% tất cả các ca ung thư được ước tính là có liên quan đến môi trường, kể cả nơi làm việc.
Hiện nay, khoảng 125 triệu người trên thế giới bị phơi nhiễm với amiăng tại nơi làm việc. Theo ước tính của WHO, ít nhất 107 000 người chết hàng năm do ung thư phổi liên quan đến amiăng, ung thư trung biểu mô và bụi phổi amiăng do các phơi nhiễm nghề nghiệp. Có khoảng một nửa số tử vong do ung thư nghề nghiệp được ước tính là do amiăng gây nên.
WHO trao đổi với cấp chính quyền nào về amiăng trắng và các dạng ami ăng khác và việc quản lý chúng ?
WHO đang chỉ đạo và điều phối cơ quan có thẩm quyền về y tế trong hệ thống Liên Hợp quốc. WHO có trách nhiệm lãnh đạo về các vấn đề y tế toàn cầu, xây dựng chương trình nghị sự nghiên cứu sức khỏe, tạo lập các tiêu chí và chuẩn mực, thông báo về các lựa chọn chính sách dựa trên bằng chứng, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước và theo dõi cũng như đánh giá các xu hướng sức khỏe.

Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) là cơ quan ra quyết định tối cao cho WHO; Hội đồng họp thường niên và gồm có các đoàn đại biểu từ 194 Quốc gia thành viên. Chức năng chính của WHA là khẳng định chính sách của WHO.
Chính sách của WHO về amiăng có nguồn gốc từ 3 nghị quyết của WHA: WHA 58.22 năm 2005, WHA 60.26 năm 2007 và WHA 66.10 năm 2013. WHA 58.22 đề cập ung thư với phơi nhiễm có thể phòng tránh được đối với các chất gây ung thư là một yếu tố nguyên nhân, WHA 60.26 kêu gọi các chiến dịch toàn cầu để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng và WHA 66.10 đề cập việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm, kể cả ung thư.
Người ta bị phơi nhiễm với amiăng như thế nào?
Phơi nhiễm với amiăng xảy ra với việc hít vào và, ở mức độ thấp hơn, là ăn uống trong khi khai mỏ và nghiền amiăng cũng như trong sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng. Đó là phơi nhiễm khi cắt gọt và lắp nguyên vật liệu có chứa amiăng trong quá trình xây dựng, bảo dưỡng và phá hủy công trình nhà cửa. Amiăng thường được sử dụng hoặc đã được sử dụng là hỗn hợp sợi, kết dính với các nguyên vật liệu khác (v.d. xi măng, chất dẻo và nhựa) hoặc dệt thành vải may mặc. Những ứng dụng trong đó có sử dụng amiăng là nhiều và bao gồm việc lợp mái nhà với các tấm lợp, gạch xi-măng lát sàn nhà và tường, ống xi-măng (v.d. cho cung cấp nước), cách nhiệt và cách điện, kể cả chăn chữa cháy và tấm mành cách lửa công nghiệp, vật liệu làm tấm đệm chịu ma sát (v.d. guốc phanh và má phanh cũng như khớp ly hợp của xe ô tô). Ngày nay, phơi nhiễm với sợi amiăng vẫn xảy ra đặc biệt là trong các bối cảnh các sản phẩm amiăng trở nên xuống cấp như trong thời gian bảo dưỡng và phá dỡ tòa nhà và xử lý chất thải xây dựng, và cũng trong bối cảnh thảm họa tự nhiên.
Tại sao đề cập đến ami ăng là một chất gây ung thư lại rất quan trọng khi có rất nhiều ác chất gây ung thư khác có thể thấy trong môi trường ?
Một số ung thư do các yếu tố môi trường được tin là có nhiều chất gây ung thư. Mặc dù các ung thư khác cũng có các nguyên nhân là chất gây ung thư đơn lẻ có thể xác định được như thuốc lá và amiăng, và phơi nhiễm với chúng có thể phòng tránh được. (Chú ý: Đây không phải là trường hợp đối với nhiều tác nhân khác được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế [IARC] phân loại là có trong Nhóm 1, chất gây ung thư cho người, và nhiều trong số này có gánh nặng bệnh tật tương tự.
Một trong những lý do cho tầm quan trọng này là các nước có hành động về amiăng rất sớm bởi vì thời gian ủ bệnh dài bất thường từ khi phơi nhiễm với sự tiến triển ung thư trung biểu mô, thường là kéo dài đến 40 năm. Vì lý do này, gánh nặng bệnh liên quan đến amiăng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian hiện nay, thậm chí ở các nước đã cấm sử dụng amiăng nhiều năm trước đây.
Tất cả các dạng amiăng đều gây ung thư ở người (kể cả amiăng trắng là dạng phổ biến chính của amiăng vẫn còn đang được sản xuất và sử dụng), và không có ngưỡng nào được xác định cho các nguy cơ gây ung thu. Đây là kết luận của WHO và IARC trong một loạt những đánh giá quốc tế có căn cứ đích xác được thực hiện trong một thời gian trên 15 năm, và đánh giá gần đây nhất đã được IARC công bố năm 2012. Các kết luận này phản ánh sự đồng thuận quốc tế của các chuyên gia khoa học được WHO triệu tập để đánh giá các tác động đến sức khỏe của amiăng.
Ngoài ra, người ta cũng đã thấy rằng đồng phơi nhiễm với khói thuốc lá và sợi amiăng sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ ung thư phổi, và tác động ít nhất là mang tính cộng thêm, có nghĩa là hút thuốc lá càng nhiều thì nguy cơ càng lớn.
Chúng ta có thể chắc chắn là những đánh giá khoa học về amiăng của WHO và IARC là hoàn toàn độc lập với những ảnh hưởng bên ngoài không ?
Có. Trong mọi trường hợp, các biện pháp đã được thực hiện để đảm bảo rằng những xung đột lợi ích tiềm năng được xác định và giải quyết, rằng những đánh giá là cực kỳ nghiêm túc và độc lập với quan điểm của chính phủ, các định chế quốc gia và các nhóm lợi ích đặc biệt, và rằng các đánh giá xem xét những quan điểm từ tất cả các vùng trên thế giới và tùy thuộc vào việc bình duyệt quốc tế rộng rãi.
Những hành động nào được các nước thực hiện ở cấp quốc gia?
Nhiều nước đã ra luật để cấm sử dụng amiăng với trên 50 Quốc gia Thành viên WHO hiện nay (cuối 2013) đã thực hiện để bảo vệ và tăng cường y tế công cộng.2 Điển hình là quyết định đã được thực hiện sau khi đã tham vấn với các chính phủ, xem xét những lợi ích của ban ngành nhưng tránh sự ưu thế quá mức trong việc đưa ra quyết định cuối cùng. Khi xem xét việc thực hiện hành động pháp lý chống lại việc sử dụng amiăng, cần phải xem xét nhiều vấn đề chi phí và lợi ích, kể cả các chi phí cung cấp dịch vụ y tế và những vấn đề mất năng suất của lực lượng lao động do sức khỏe yếu kém trường diễn, ngoài những xem xét về kinh tế và thương mại quy ước.
Những hành động nào đã được các nước thực hiện hoặc đang được đề xuất ở cấp độ quốc tế?
Công ước Basel về Kiểm soát Vận chuyển xuyên biên giới các Chất thải Nguy hại và việc Thải bỏ chúng có hiệu lực năm 1992 và có 181 quốc gia là Thành viên, nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường chống lại các tác động không mong muốn của chất thải nguy hại. Amiăng (bụi và sợi) được liệt kê là loại chất thải được kiểm soát trong Công ước. Các Thành viên của Công ước được yêu cầu cấm hoặc không cho phép xuất khẩu chất thải này cho các Thành viên đã cấm nhập khẩu chất này theo Công ước.
Gần đây hơn, đa số trong 154 nước là Thành viên của Công ước Rotterdam về Quy trình cho phép có báo trước đối với các Hóa chất Độc hại và Thuốc trừ sâu trong Thương mại Quốc tế (có hiệu lực năm 2004) đã thể hiện một mong muốn được thấy amiăng trắng được đưa vào trong Phụ lục 3 của Công ước. Điều này có nghĩa là amiăng trắng sẽ trở thành đối tượng của quy trình mà một quyết định có đầy đủ thông tin của một quốc gia sẽ cần phải có trước khi đồng ý hoặc không đồng ý nhập khẩu chất đó trong tương lai. Tuy nhiên cho đến nay việc liệt kê amiăng trắng đã bị một số lượng nhỏ các nước ngăn chặn, chủ yếu nhưng không phải hoàn toàn là các nước vẫn có lợi ích trong thương mại và sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm có chứa amiăng trắng.
Có thật là amiăng trắng ít có hại hơn các loại amiăng khác và vì thế không cần phụ thuộc vào các biện pháp kiểm soát tương tự ?
Bằng chứng khoa học là rõ ràng. Kết luận chắc chắn từ các đánh giá của WHO và IARC là amiăng trắng gây ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiăng, cho dù nó có ít độc hại hơn các loại amiăng amphibole trong việc gây ra ung thư hay không. Việc xác nhận về các đặc tính hóa lý khác nhau, vấn đề về liệu hay không các nghiên cứu dịch tễ học trong lịch sử có thể đề cập đến amiăng trắng bị lẫn/nhiễm với các loại amiăng amphibole, và việc loại amiăng amphibole có mặt một cách vật lý trong xi măng có mật độ cao hiện đại (vào lúc sản xuất) cũng không thay đổi được kết quả này.
Một quan tâm chính là thậm chí việc sử dụng được quản lý một cách phù hợp, các sản phẩm cho xây dựng có chứa amiăng trắng (v.d. tấm lợp mái, ống dẫn nước) bị hư hại và giải phóng ra sợi amiăng vào trong môi trường trong quá trình bảo dưỡng, phá dỡ nhà và vứt bỏ chất thải xây dựng, cũng như hậu quả của các thảm họa thiên nhiên. Việc phơi nhiễm như thế có thể diễn ra thời gian nào đó sau này chứ không phải lúc lắp đặt (được kiểm soát) ban đầu.
Nguy cơ này có thể hoàn toàn được ngăn chặn bằng việc ngừng sử dụng những sản phẩm như vậy. Thông tin về các nguyên vật liệu và sản phẩm thay thế có thể được sử dụng an toàn đều có từ các tổ chức cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Nghiên cứu hiện tại hoặc tương lai về độc chất của amiăng trắng có thể thay đổi quan niệm hiện nay của WHO và IARC về việc gây ra ung thư không?
Hoàn toàn không. Quan điểm chắc chắn của WHO và IARC, dựa trên những đánh giá lặp lại về các bằng chứng khoa học rằng amiăng trắng gây ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiăng, và ngừng sử dụng tất cả các dạng amiăng, kể cả amiăng trắng, để ngăn ngừa phơi nhiễm với amiăng cần được công nhận là cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng. Mặc dù khả năng gây ung thư của amiăng trắng đã được xác định rõ ràng, chỉ có một số nghiên cứu có đề cập tới phụ nữ. Cũng có những ung thư khác bị nghi ngờ là liên quan đến amiăng trắng, nhưng những nghiên cứu hiện tại vẫn chưa đề cập đầy đủ về chúng. Vì vậy, hiện nay liên tục có nhu cầu về những nghiên cứu tiếp theo để điều tra những nguy cơ của phơi nhiễm với amiăng trắng đối với các loại ung thư bổ sung khác, đặc biệt là những ung thư đặc thù đối với phụ nữ.
Có sẵn thông tin gì về các sản phẩm thay thế, đặc biệt là nguyên vật liệu xây dựng, khi có khẳng định là các chất sợi thay thế hiện đại cho amiăng trắng bản thân chúng là độc hại hoặc tính độc hại chưa xác định được ?
Rất nhiều chính phủ các quốc gia, các cơ quan khu vực và các tổ chức quốc tế đã xác định các lựa chọn và chất thay thế đối với sử dụng amiăng, và các đánh giá về sức khỏe con người đối với các nguyên vật liệu thay thế cũng đã được công bố. Ví dụ, một hội thảo đã được WHO/ IARC tổ chức năm 2005, và có những ấn phẩm của chính phủ Anh Quốc, Ủy ban Châu Âu và Văn phòng khu vực châu Âu của WHO. Các đánh giá về tính độc hại với sức khỏe con người của các nguyên vật liệu thay thế amiăng trắng đã tập trung vào các loại lựa chọn nguyên vật liệu sợi do những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến việc hít vào các sợi. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng đối với một số tác dụng, amiăng trắng có thể được thay thế bằng vật liệu không sợi – ví dụ, polyvinyl chloride (uPVC) không dẻo hóa và thép tấm.
Liệu thiếu báo cáo các ca ung thư trung biểu mô ở một quốc gia có cho thấy rằng không có gánh nặng bệnh tật đáng kể do amiăng gây ra và vì vậy không có lý do phải hành động do ung thư trung biểu mô là một chỉ điểm cụ thể về việc phơi nhiễm amiăng?
Không. Phát hiện các ca ung thư trung biểu mô và việc đo lường chính xác số lượng các ca cần có các hệ thống giám sát mang tính hệ thống ở cấp quốc gia, và các hệ thống này thường không có. Cũng cần ghi nhớ rằng giai đoạn tiềm tàng từ khi phơi nhiễm với amiăng và sự phát triển ung thư trung biểu mô có thể kéo dài tới 40 năm hoặc hơn, và vì thế những hệ thống như vậy cần phải tồn tại bền vững.
Amiăng có khả năng gây ung thư phổi hơn là ung thư trung biểu mô (tỷ lệ nguy cơ ước tính 6:1), và khả năng thì lớn hơn ở những cá nhân hút thuốc lá. Ung thư phổi thì phổ biến hơn nhiều so với ung thư trung biểu mô và là đa yếu tố về nguồn gốc. Một tiền sử phơi nhiễm với amiăng (và điều này có thể bao gồm
cả các môi trường không làm việc, xem ở dưới) trong nhiều năm trước đây có thể dễ bị bỏ qua. Việc hiện nay không có bằng chứng ở cấp quốc gia không phải là bằng chứng không có, và các bài học kinh nghiệm của các nước khác với các dịch ung thư trung biểu mô lớn vẫn đang xảy ra, thậm chí nhiều năm sau việc phơi nhiễm rộng rãi đã bị ngăn chặn, cũng cần phải được xem xét.
Liệu phơi nhiễm amiăng chỉ là một vấn đề nghề nghiệp, không có hoặc có ít nguy cơ đối với quần thể nói chung không?
Không. Nhiều ca ung thư trung biểu mô đã được mô tả với vợ và con của công nhân amiăng là kết quả của phơi nhiễm gia đình (ít nhất 376 ca), ở các nhân viên văn phòng trong ngành công nghiệp amiăng và ở các cá nhân sống gần các mỏ amiăng, vì bị ô nhiễm không khí; bệnh bụi phổi amiăng cũng được báo cáo ở vợ và con cái công nhân amiăng. Các ca ung thư trung biểu mô đã được mô tả ở các cá nhân bị phơi nhiễm với amiăng xảy ra trong tự nhiên hoặc các khoáng chất giống amiăng trong đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Síp, Corsica, Sicily, New Caledonia, tỉnh Vân Nam – Trung Quốc và California. Mặc dù nhóm cuối cùng sẽ không được các biện pháp kiểm soát bảo vệ về sản xuất và sử dụng amiăng, các nhóm khác có thể được bảo vệ.
Các loại phơi nhiễm môi trường khác cũng xảy ra. Các báo cáo từ Úc và Anh Quốc đã xác định những nồng độ gia tăng của sợi amiăng trong không khí lân cận ở những điểm giao cắt giao thông bận rộn từ các sản phẩm chịu ma sát của xe cộ. Những phơi nhiễm phi nghề nghiệp gia tăng từ việc cải tạo sửa chữa nhà cửa và các hoạt động bảo dưỡng xe cộ. Ngoài những phơi nhiễm ngề nghiệp của các công nhân xây dựng (vì các biện pháp để kiểm soát phơi nhiễm amiăng khó được triển khai với lực lượng lao động lớn, phân tán có thể bao gồm nhiều người lao động phi chính thức), cũng có khả năng có phơi nhiễm phi nghề nghiệp với chất thải xây dựng có chứa amiăng nếu chất thải không được bảo quản và vứt bỏ một cách đúng đắn. Điều này bao gồm cả tiềm năng chất thải xây dựng có chứa amiăng được quét dọn và tái sử dụng ở các khu định cư phi chính thức.
Mối quan tâm đối với các nhà hoạch định chính sách ngày nay là ít hơn đối với việc phơi nhiễm nghề nghiệp trong khai mỏ và các ngành sản xuất các sản phẩm amiăng và nhiều hơn về việc sử dụng các nguyên vật liệu có chứa amiăng trong ngành công nghiệp xây dựng. Những quan tâm tới việc phơi nhiễm nghề nghiệp trong các hoạt động xây dựng và phơi nhiễm không chủ ý của quần thể lớn hơn từ các nguyên vật liệu xây dựng bị hư hỏng (v.d. tấm lợp mái lượn sóng amiăng bị vỡ) và việc vất bỏ chất thải xây dựng không phù hợp. Việc sử dụng các vật liệu xây dựng có chứa amiăng ở các cộng đồng nghèo nhất, đưa gia đình đến gần hơn với nguồn phơi nhiễm sợi amiăng trắng vẫn là một quan tâm đặc biệt.

Nguồn: Internet

Tin cùng loại