Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu Biến đổi Khí Hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho biết, BĐKH đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người nông dân vùng ĐBSCL. Đứng trước thực tế đó, người nông dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để thích nghi.
Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, thay đổi rõ nhất là tỷ lệ người nông dân hiểu biết về BĐKH ngày càng tăng. Nếu như năm 2009 chỉ có khoảng 30% trong tổng số những người nông dân được phỏng vấn hiểu biết về BĐKH, thì nay tỷ lệ này đã nâng lên hơn 70%; đồng thời các yếu tố cực đoan của BĐKH đang tác động mạnh và thường xuyên hơn đến trồng trọt, sản xuất, người nông dân đã linh hoạt chuyển phương thức sản xuất từ độc canh cây lúa sang đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.
|
Hiện nay, nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh đa canh cây trồng trên đất lúa để thích ứng với BĐKH.
|
Vào thời điểm này, nông dân ở các địa phương như Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ,… đang tất bật be bờ, cải tạo đất để đồng loạt gieo xạ vụ lúa Đông Xuân năm 2021. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Thanh Tính, ở xã Hỏa Lựu, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Khoảng 2 năm gần đây, thời tiết thay đổi thất thường nên tôi xuống giống sớm hơn gần 1 tháng nhằm phòng ngừa thiếu nước, xâm nhập mặn khi mùa khô 2021 -2022 đang cận kề”. Theo ông Tính, việc sản xuất nông nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vì hầu như năm nào nông dân cũng phải đối diện với hạn hán, xâm nhập mặn, nắng, mưa thất thường. Để thích nghi với những khó khăn này, bản thân ông cũng như người dân nơi đây đã thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp bằng việc chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa/ năm sang trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc 2 vụ lúa 1 vụ thủy sản.
Hiện nay, phần lớn các hộ nông dân trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ không còn mặn mà với việc trồng lúa mỗi năm 3 vụ như trước đây nữa, thay vào đó họ linh động chuyển sang đa canh cây trồng, vật nuôi trên đất lúa. Trò chuyện với phóng viên, ông Đào Mến, ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho biết: “Mấy năm gần đây tôi chỉ tập trung sản xuất 2 vụ lúa/năm, thời gian còn lại tôi cải tạo đất trồng cây màu. Với cách làm này không chỉ giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định mà còn phù hợp với sự thay đổi thất thường của thời tiết”.
Tập trung hỗ trợ nông dân
Qua các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với BĐKH mà các hội viên đang thực hiện là hướng phát triển phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước, làm gia tăng giá trị trên mỗi thửa ruộng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng tiếp tục hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH.
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ cho biết: “Hiện nay, phần lớn cán bộ, hội viên nông dân đều ý thức được tác động của BĐKH; đồng thời xây dựng nhiều mô hình canh tác lúa thích ứng với BĐKH, trong đó chú trọng tiết kiệm nước, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trồng rau màu, cây ăn trái trong nhà lưới, lắp hệ thống tưới phun cho vườn cây”.
Về định hướng trong thời gian tới, bà Trần Thị Thiên Thư cho rằng, Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân qua các kênh sinh hoạt chi, tổ hội, zalo, website, bản tin của Hội Nông dân thành phố; đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp nhân rộng mô hình sản xuất thích ứng BĐKH; hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp quy hoạch nông nghiệp thích ứng BĐKH trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Vừa qua, HĐND tỉnh Hậu Giang đã thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng giúp cho ngành nông nghiệp nói chung, người nông dân tỉnh Hậu Giang nói riêng trong sản xuất thích nghi với các điều kiện thời tiết, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Mục tiêu của Đề án này là phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững, quy mô lớn, chất lượng cao thông qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với BĐKH, đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Nguồn: INternet