TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: GIẢI PHÁP TOÀN CẦU VÀ Ở VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (kì 1)

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: GIẢI PHÁP TOÀN CẦU VÀ Ở VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (kì 1)

01:31 | 22/04/2023
Hoạt động con người và các quá trình tự nhiên có thể dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà, giảm chất lượng không khí đô thị, được coi là 2 nhân tố quan trọng trong số những ô nhiễm độc hại của giới ngày nay.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nguồn: Internet

Ô nhiễm không khí đe dọa hầu như toàn bộ cư dân sống trong những thành phố lớn tại các nước đang phát triển, khiến hơn 3 triệu người bị chết sớm hàng năm. Theo Fox News, 80% thành phố trên thế giới không đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chất lượng không khí sạch. Tổ chức này cho biết, mức độ ô nhiễm không khí toàn cầu gia tăng dẫn đến nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư phổi cùng hàng loạt vấn đề về bệnh hô hấp ngày càng thêm nghiêm trọng (Wikipedia 2020).

Tác động bất lợi của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và cuộc sống nhân loại, trở thành vấn đề nóng luôn nhận được sự quan tâm rộng lớn của các cộng đồng xã hội. Ở nước ta, hàng loạt sự cố môi trường không khí như cháy tại nhà máy Rạng Đông, tro bay tại khu vực nhiệt điện Vình Tân và nhiều nhà máy, khu công nghiệp đã gây những bức xức trong xã hội. Tuy nhiên, nguồn gây ô nhiễm không khí vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Từ góc nhìn đa chiều, tiếng nói người dân về hiện trạng, nguyên nhân và tác động đã góp phần vào tìm kiếm  giải pháp thiết thực thúc đẩy hành động cộng đồng cùng chung tay  xây dựng và hoàn thiện các chính sách về không khí sạch. Bài viết đề cập đến bản chất của chất thải gây ô nhiễm, xu thế toàn cầu, thưc trạng ở Việt Nam và những giải pháp cần làm

Bản chất chất thải gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe 
Con người

Chất ô nhiễm không khí là những chất gây hại cho con người và hệ sinh thái. Đó có thể là các hạt rắn, giọt chất lỏng hoặc khí, được phân loại dưới dạng sơ cấp và thứ cấp. Chất gây ô nhiễm sơ cấp thường phát thải từ các quá trình như tro bụi phun trào của núi lửa và hoạt động sản xuất nhiệt điện than (NĐT). Các chất gây ô nhiễm thứ cấp không phát trực tiếp, nhưng được hình thành khi chất ô nhiễm sơ cấp phản ứng hoặc tương tác với các thành phần của môi trường, Trong đó, tầng Ozon mặt đất là một ví dụ nổi bật. Một số chất gây ô nhiễm có thể ở cả dạng sơ cấp và thứ cấp, chúng được tạo thành và thải trực tiếp từ các chất ô nhiễm.

Chất gây ô nhiễm không khí do hoạt động của con người phát thải bao gồm: Carbon oxite (COx) Sulfur oxit (SOx) và Oxit nitơ (NOx) là những chất khí độc hại được hình thành trong các quá trình đôt cháy nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ…); hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) như metan (CH4) là loại khí nhà kính làm tăng sự ấm lên toàn cầu; các hạt mịn (PM) tồn tại ở dạng rắn hoặc lỏng lơ lửng dưới dạng khí; những kim loại độc như chì ,thủy ngân và đặc biệt là các hợp chất của chúng.

Carbon dioxite (CO2) có vai trò như một khí gây hiệu ứng nhà kính, được mô tả là "chất gây ô nhiễm hàng đầu"và là dạng "ô nhiễm khí hậu tồi tệ nhất".Sulfur oxit (SOx) đặc biệt là sulfur dioxide SO2. được tạo ra bởi núi lửa và trong các quy trình sản xuất công nghiệp. Quá trình oxy hóa SO2, thường có sự hiện diện của chất xúc tác NO2 để hình thành H2SO4, gây mưa acid. Oxit nitơ (NOx) đặc biệt là nitơ dioxit (NO2),được thải ra trong quá trình đốt cháy ở nhiệt cao là một trong những chất gây ô nhiễm không khí nổi bật.

Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) là những khí nhà kính có vai trò quan trọng trong tạo ozon và kéo dài tuổi thọ Methane. Các benzen thơm, toluene và xylene được cho là chứa chất gây ung thư. có thể dẫn đến nhiều bệnh như bạch cầu

Các hạt mịn (PM), là những hạt rất nhỏ ở dạng rắn hoặc lỏng lơ lửng dưới dạng khí. Trên quy mô toàn cầu, bụi PM hiện chiếm khoảng 10% trong bầu khí quyển. Những hạt có kích thước dưới  2,5 micron (PM 2.5) là dạng bụi đáng bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan như nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, đột quỵ, đau tim, phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi.

Ô nhiễm thứ cấp do hàm lượng được tạo ra từ các chất ô nhiễm chính và các hợp chất trong khói quang hóa. Sương khói là một loại ô nhiễm không khí, đó là kết quả của lượng lớn than đốt trong một khu vực, do hỗn hợp khói và lưu huỳnh dioxit tạo thành. Khói từ khí thải xe cộ và hoạt động công nghiệp được tia cực tím từ mặt trời tác động hình thành những chất ô nhiễm thứ cấp,nó thường kết hợp với khí thải để tạo thành những lớp sương khói quang hóa.

Ở một số vùng, thực vật thải ra một lượng đáng kể hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). Những VOC này phản ứng với các chất gây ô nhiễm do con người tạo ra như NOx, SO2 hình thành nên những đám mây mờ chất ô nhiễm thứ cấp theo mùa,dẫn đến mức ozon cao gấp 8 lần so với các loài cây có ảnh hưởng thấp.

Theo các nhà phân tích, khí thải độc hại phát sinh bao gồm những nguồn cố định từ ống khói khói của các nhà máy điện, cơ sở sản xuất, lò đốt chất thải, lò nung và thiết bị sưởi ấm dùng nhiên liệu hóa thạch…. Ở các nước đang phát triển và những nước nghèo, chất đốt sinh học truyền thống (gỗ, chất thải cây trồng và phân gia súc…) cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí. Theo đó, nguồn thải di động bao gồm cả từ những xe cơ giới, tàu biển và máy bay; khí thải do cháy rừng; hơi khói từ sơn, hơi xịt và các dung môi. Một nguồn quan trọng khác đó là chất thải lắng đong trong các bãi chôn lấp rác tạo thành khí metane, rất dễ cháy nổ và gây nghẹt thở.

Quá trình gây ô nhiễm là hệ lụy của việc  đốt nhiên liệu hóa thạch ( than, dầu, khí đốt…)tạo ra lượng lớn khí CO2, CO, SO2, NOx,… chất hữu cơ chưa cháy hết, cùng với muội than, khói bụi và các quá trình rò rỉ, thất thoát trên dây chuyền công nghệ hoặc bay hơi và gây bụi trong vận chuyển các hóa chất.

Từ đặc điểm nguồn phát thải, các nhà phân tích nhận thấy, sản xuât công nghiệp có nồng độ chất độc hại cao thường tập trung trong một không gian nhỏ. Tùy thuộc vào quy trình công nghệ, quy mô sản xuất và nhiên liệu sử dụng, lượng và loại chất độc hại có sự khác biệt giữa các nhóm ngành nghề.

Là nguồn gây ô nhiễm lớn đối với không khí, đặc biệt là ở khu vực đô thị và nơi đông dân cưsinh sống, quá trình tạo ra khí gây ô nhiễm là kết quả của đốt nhiên liệu sản sinh nhiều loại khí, bụi độc hại như: CO, CO2, SO2, NOx, Pb, CH4…Mặt khác, các phương tiện giao thông khi di chuyển còn cuốn theo nhiều bụi đất, đá …. Nếu xét trên từng phương tiện giao thông thì nồng độ ô nhiễm không lớn, nhưng nếu mật độ cao và quy hoạch địa hình, đường sá không tốt thì sẽ gây ô nhiễm nặng cho hai bên đường.Trong sinh hoạt và đời sống, ô nhiễm diễn ra còn do các hoạt động đun nấu sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm cục bộ trong từng một hộ gia đình hoặc những hộ xung quanh với tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là khí CO, bụi, khí thải từ máy móc gia dụng,..Vật liệu xây dựng gồm cả thảm và ván ép phát ra khí formaldehyde (H2CO), sơn chì có thể thoái hóa thành bụi; lò sưởi có thể gia tăng đáng kể các hạt khói vào không khí gây ô nhiễm.

Ảnh: VOV

Tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà còn do sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc xịt hóa học mà không thông gió thích hợp.Ngộ độc carbon monoxide và tử vong thường do các lỗ thông hơi và ống khói bị khiếm khuyết, hoặc do đốt than trong nhà hoặc trong một không gian hạn chế.  Amiăng đã bị cấm ở nhiều nước, nhưng việc sử dụng trong môi trường công nghiệp và trong nước đã trở thành một chất liệu rất nguy hiểm ở nhiều địa phương. Hiện tượng này gây viêm mãn tính ảnh hưởng đến mô phổi, xảy ra khi tiếp xúc lâu với chất asbestos từ vật liệu có chứa amiăng.

Ô nhiễm không khí là một nguy cơ đáng kể đối với một số bệnh liên quan đến ô nhiễm và tình trạng sức khoẻ, bao gồm nhiễm trùng hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Ảnh hưởng sức khoẻ do ô nhiễm không khí gây khó khăn khi thở; thở khò khè, ho, hen suyễn ..làm gia tăng tình trạng trầm trọng của bệnh đường hô hấp và tim mạch.

Các phản ứng cá nhân đối với chất gây ô nhiễm không khí tùy thuộc vào loại chất gây ô nhiễm, mức độ tiếp xúc, tình trạng sức khoẻ và di truyền cá nhân. Nguồn phổ biến nhất của ô nhiễm không khí bao gồm những hạt ozon, nitơ dioxide và dioxide lưu huỳnh. Trẻ em dưới 5 tuổi sống ở các nước đang phát triển là những người dễ bị tổn thương nhất và dễ bị tử vong do ô nhiễm không khí cả ở trong nhà và ngoài trời.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hàng năm trên thế giới ô nhiễm không khí đã gây chết non tháng của khoảng 7 triệu người. Trong đó, Ấn Độ là nước có nhiều ca tử vong hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Số tử vong hàng năm của người châu Âu do ô nhiễm không khí ước tính khoảng 430.000 ca. Nguyên nhân quan trọng của những người chết là do nitơ dioxit và các oxit nitơ khác (NOx) phát ra từ các phương tiện giao thông đường bộ, nhìn chung ô nhiễm không khí đã làm giảm tuổi thọ của người dân đến gần 9 tháng.

Nghiên cứu tác động của sức khoẻ và chi phí liên quan đến ô nhiễm không khí ở lưu vực Los Angeles và Thung lũng San Joaquin ở Nam California còn cho thấy, mỗi năm có hơn 3.800 người chết sớm (khoảng 14 năm so với bình thường) do vi phạm tiêu chuẩn ô nhiễm không khí liên bang. Nhiều bằng chứng cho thấy nguy cơ ô nhiễm không khí xung quanh là yếu tố dẫn đến tổng số tử vong tăng lên do các biến cố tim mạch.

Ô nhiễm không khí cũng đang nổi lên như là một yếu tố nguy cơ cho đột quy, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đối với phụ nữ, ô nhiễm không khí liên quan đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh nguy cơ mắc bệnh hen suyễn bởi gia tăng ô nhiễm không khí do giao thông gây ra. Sống trong môi trường đô thị nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng càng trở nên rõ ràng hơn; nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ở khu vực thành thị bệnh nhân bị nhược điểm nhầy, giảm chức năng phổi, dễ bị bệnh viêm phế quản và khí phế thũng.

Tiếp xúc với môi trường không khí  ô nhiễm là yếu tố có nguy cơ gây bệnh ung thư. Dữ liệu nghiên cứu cũng cho phép rút ra, phơi nhiễm các hạt bụi mịn đường kính 2,5 μm (PM2.5) hoặc nhỏ hơn làm tăng nguy cơ tử vong bất ngờ lên 6%. Tiếp xúc với PM2.5 với hàm lượng tăng 10 microg / m3 làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư phổi từ 15% đến 21%và tử vong do tim mạch cũng tăng từ 12% đến 14%. Các nhà phân tích cũng tìm thấy những bằng chứng có liên quan đến SO2 làm tăng tử vong do ung thư phổi (Wikipedia 2020).

Tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu và ở Việt Nam
Xu thế ô nhiễm không khí toàn cầu

Ô nhiễm không khí là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội toàn cầu; tình trạng ô nhiễm được xem là tác nhân hàng đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Đây là nguyên nhân gây đột quỵ, suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, ung thư, cùng hàng loạt các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi, thậm chí ung thư phổi ngày càng tăng cao. Tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu đã lên tới mức báo động. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ  năm 2016, ô nhiễm không khí đã làm trên 4,2 triệu người chết sớm. Trong số này 91% ở các nước nghèo đông dân thuộc Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Phó Chủ tịch WHO Bob O'Keefe, nhận xét "Ô nhiễm không khí thực sự là một cú sốc lớn. Vấn nạn này khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây ra những cái chết sớm …".

Trong báo cáo thường niên năm 2018, Viện Health Effects Institute (HEI) ghi nhận, hơn 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm, trên 60% phải sống ở những khu vực không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản nhất của WHO. Theo đó, ô nhiễm môi trường không khí gây tử vong cao. RiêngTrung Quốc và Ấn Độ đã chiếm tới 50% số ca tử vong do ô nhiễm không khí toàn cầu. Trong năm 2016, Trung Quốc có 1,1 triệu người chết vì ô nhiễm không khí (Quang Đào 2019).

Cho dù nhận thức về môi trường sống và ô nhiễm không khí được cải thiện, song tình hình vẫn trầm trầm trọng hơn khi 2/3 dân số thế giới phải hứng chịu nạn ô nhiễm khủng khiếp tại Châu Á, Trung Đông và Châu Phi với chỉ số hạt bụi PM2.5 cao trên mức 35 µg/m3không khí. Dân số tăng lên quá nhanh và các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí không theo kịp là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này.

Dữ liệu của WHO còn cho thấy, 97% thành phố ở các nước thu nhập thấp và trung bình với dân số từ 100.000 người không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí sạch, đã trở thành gánh nặng của hệ thống y tế toàn cầu. Theo tổ chức Giám sát chất lượng không khí (AirVisual) và Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), vào năm 2018, Gurugram là thành phố có mức độ ô nhiễm nặng nhất thế giới. 18 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới thuộc các nước Nam Á.

Tại Australia, khói từ hơn 150 đám cháy hoành hành ở cả bờ Đông và bờ Tây đã bủa vây thành phố Sydney, khiến chất lượng không khí nơi đây xuống thấp trầm trọng. Châu Âu cũng không phải là ngoại lệ. Năm 2017, Bulgaria là nước thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) bị tòa án châu Âu kết tội không tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng không khí.

Ô nhiễm không khí là vấn đề được nhắc đến từ cả gần 100 năm trước tại Anh, song đến nay. London vẫn luôn là một trong những thành phố ô nhiễm hàng đầu mặc dù đã có nhiều giải pháp tiếp cận nhằm khắc phục vấn đề này (Quang Đào 2019).

Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, cuộc sống con người đã trở thành vấn đề bức xúc, luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Không chỉ chỉu ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng cuộc sống, Ô nhiễm không khí còn kéo theo gánh nặng chi phí y tế và thiếu hụt lao động gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, gia tăng chi phí thuốc men và làm sụy giảm năng suất lao động.

Giám đốc điều hành của Greenpeace khu vực Đông Nam Á, Yeb Sano ước tính, do giảm năng suất lao động, hàng năm thế giới bị thiệt hại tới 225 tỷ USD. Ngoài ra, còn tổn hao thêm hàng nghìn tỷ USD để giải quyết vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí. Ông cho rằng “Ô nhiễm không khí đang đánh cắp sinh kế và tương lai của nhân loại…” (Thanh Tâm biên dịch 2019).

Nguồn: Greenid

Tin cùng loại