TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: GIẢI PHÁP TOÀN CẦU VÀ Ở VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (kì 2)

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: GIẢI PHÁP TOÀN CẦU VÀ Ở VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (kì 2)

01:33 | 22/04/2023

Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Trong báo cáo thường niên về chỉ số hiệu suất môi trường (The Environmental Performance Index-EPI) do tổ chức môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam đứng trong nhóm 10 nước ô nhiễm không khí hàng đâù Châu Á. Đáng lưu ý là tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều liên tục tăng cao, khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.

Theo GreenID, từ năm 2016, chỉ số AQI trung bình của Hà Nội đã lên tới 121 với nồng độ bụi PM2.5 gấp trên 2 lần tiêu chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 5 lần so với khuyến nghị từ WHO (10 µg/m3). Tương tự, AQI trung bình và nồng độ bụi PM2.5 ở thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) cũng  cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia và gấp 3 lần khuyến nghị của tổ chức WHO. Chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam có nhiều biến động theo xu hướng ngày một xấu đi.

Thời gian gần đây,Tổng cục Môi trường Việt nam cho biết, từ 13 đến 20 tháng 3 năm 2020, Thủ đô Hà Nội đã có 4 trên 7 ngày bị ô nhiễm bụi mịn PM2.5, nhiều ngày AQI đã vượt giới hạn cho phép của tiêu chuẩn Quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT. Kết quả tính toán chỉ số AQI tại các trạm quan trắc cũng cho thấy, chất lượng không khí nhiều ngàyở mức kém (AQI từ 101đến150) và xấu ( từ 151đến 200). Xét tới yếu tố thời tiết các nhà phân tích đều nhận thấy, những ảnh hưởng rõ rệt của thời tiết đến chất lượng không khí. Nhiều tuần lễ đã có tới 3 ngày ngày trời âm u, sương mù nặng, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn và giá trị thông số PM2.5 quan trắc được cũng tăng cao (Tống Minh 2020).

Nguồn bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và sản xuất công nghiệp. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội chỉ sau New Delhi (Ấn Độ), là nơi ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới với nồng độ bụi PM2.5 lên tới 124 µg/m3 không khí. Đối với khu vực nông thôn, mức độ ô nhiễm chủ yếu bị tác động cục bộ bởi các hoạt động sản xuất của các làng nghề,hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ, rác thải và đun nấu.

Các nhà quản lý từng đã đưa ra 12 nguồn gây ô nhiễm không khí, song chuyên gia môi trường cho là quá rộng và còn chung chung nên cần tập trung vào 3 vấn đề chính nhằm đề xuất giải pháp khắc phục nhanh và hiệu quả. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam đã chỉ ra máy nhiệt điện than (NĐT) có thể là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm ngày càng gia tăng.

Dự án nghiên cứu chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam  do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) nước  Áo cho thấy, các nhà máy NĐT ở Việt Nam đã tăng mạnh những năm gần đây,đưa công suất phát điện từ 13 GW lên 18,5 GW vào năm 2018, đã làm tăng nhanh ô nhiễm bụi mịn PM2.5.Tại Hà Nội, năm 2011 các nhà máy NĐT đã tạo ra lương bụi PM2.5 hơn 5 microgram/m3 không khí và ước tính năm 2030 sẽ lên 12 microgram/m3 (BBC.com 2019).

Các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam phát thải cao gấp 5 đến10 lần so với những nơi thực hiện theo tiêu chuẩn tốt.Nghiên cứu Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia của các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard ước tính, năm 2011, các nhà máy NĐTở Viêt Nam đã gây ra 4.252 ca chết sớm và dự báo sẽ tăng lên 19.223 vào năm 2030.

Phương tiện giao thông được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Trong đó, xe máy là 'thủ phạm' hàng đầu. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí Đại học Quốc gia Tp. HCM cho biết, kết quả đo đạc, khảo sát đã chỉ ra, với số lượng ngày một tăng cao, xe máy đã đóng góp tới 29%vào phát thải NO, 90% CO và 37,7% vào lượng bụi mịn PM2.5 .

Chỉ số AQI đạt thấp của Hà Nội do thiếu kiểm soát hoạt động con người, đặc biệt đối với  các công trình xây dựng, để bụi tự phát tán vào không khí. Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, Hoàng Dương Tùng nhận xét, nhiều công trình xây dựng không quây kín theo quy định, xe ra vào công trường không rửa sạch, mang theo rất nhiều bụi bẩn phát tán ra ngoài môi trường.đã làm nhiều tuyến đường của thành phố luôn trong tình trạng khói bụi mù mịt..

Những tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, cuộc sống con người đã trở thành vấn đề bức xúc, luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Mới đây, tại Hà Nội, ngày 12 tháng 6, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đã tổ chức Tọa đàm về “Mối quan tâm của cộng đồng về ONKK từ nguồn phát thải công nghiệp”. Cuộc tọa đàm với những vấn đề mới nổi đã thu hút được sự tham gia của đông đảo công chúng, giới nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và truyền thông.Tuy nhiên, nguồn gây ô nhiễm không khí vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Tọa đàm “Mối quan tâm của cộng đồng về ONKK từ nguồn phát thải công nghiệp”

Sản xuất công nghiệp là lĩnh vực tạo ô nhiễm không khí lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đại diện cho cộng đồng dân cư dân bị ảnh hưởng nặng bởi ô nhiễm không khí ở Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tình Hà Nam, cựu chiến binh Trịnh Văn Sỹ cho biết, xã Thanh Hải nằm gần các khu công nghiệp, cách nhà máy NĐT than Ninh Bình khoảng 10km,có nhiều nhà máy xi măng, xây dựng và khai thác đá…Ông nhấn mạnh, với quỹ đất hạn chế của một xã nhưng “ …Thanh Hải đã có đến 5 nhà máy xi măng. Về chiều nắng nóng cả khu vực hàng chục cây số, khói bụi mờ như sương, hằng ngày nếu không quét dọn là bụi đầy mái nhà, dân khổ như nhưng không biết làm thế nào. Báo cáo Đánh giá tác động xã hội môi trường của các công ty, xí nghiệp đều đưa ra các phương án, phương pháp tốt, nhưng khi đi vào thực tế đến 80% là không được thực hiện….”,

Khằng định thêm tác động từ sản xuất công nghiệp đến ô nhiễm không khí, Trưởng trạm y tế xã Thanh Hải, Đinh Hồng Tảo đã đưa ra những con số đáng giật mình với 297 ca tử vong trên địa bàn xã  chỉ tính từ năm 2015 đến tháng 5 năm 2020. Đáng quan ngại trong số tử vong này là, số ca ung thư đã lên tới 28% với 39/83 ca về đường hô hấp (chiếm gần 50%).

Tại tọa đàm, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, sản xuất công nghiệp gia tăng tăng thì ô nhiễm không khí ngày càng nhiều hơn. Ông cho biết, ngày nay trên thế giới cứ 10 người thì đến 9 đang hít thở không khí bẩn. Những hạt bụi nhỏ mang theo chất độc nguy hại từ công nghiệp không chỉ dừng ở phổi mà còn ngấm dần đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể, khiến tỷ lệ người già và trẻ em bị bệnh hen suyễn tăng nhanh, chưa kể đến ung thư…. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ điện dân dụng và từ các hộ kinh doanh cao khiến cho hoạt động của các nhà máy NĐT vẫn diễn ra thường xuyên hơn. Qua ảnh vệ tinh, nhà quản lý ngành y tế này đã thấy được lượng phát thải từ các nhà máy NĐT, các khu công nghiệp ở Quảng Ninh,Ninh Bình và Nam Hà Nội đều tăng mạnh.

Giải pháp khăc phục ô nhiễm từ tầm nhìn quốc tế và trong nước

Trước thực trạng ô nhiễm không khí toàn cầu, WHO cho rằng, các quốc gia phải có cam kết mạnh mẽ hơn trong cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, cần tăng cường năng lực hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và chia sẻ thông tin, số liệu với công chúng nhằm tăng cường các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải khí trong giai đoạn ô nhiễm không khí đã vượt quá ngưỡng khuyến cáo này, Theo đó, nguồn gây ô nhiễm cần được xác định thấu đáo trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch.

Các chính sách giảm ô nhiễm không khí được WHO đưa ra bao gồm cả những công nghệ sạch nhằm giảm phát thải khí công nghiệp; cải thiện quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp; thu hồi khí mê tan từ các bãi thải để thay thế cho thiêu đốt rác; đảm bảo tiếp cận năng lượng sạch tại hộ gia đình dùng vào đun nấu, sưởi ấm và chiếu sáng. Một giải pháp cần ưu tiên là sử dụng phương tiện vận chuyển đô thị với tốc độ cao, các mạng lưới đi bộ và đi xe đạp trong thành phố, vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt giữa các đô thị.

Cùng với thay đổi phương tiện di chuyển, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang dùng năng lượng sạch, ít phát khí thải bao gồm những nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà và làm cho thành phố xanh hơn. Gia tăng sử dụng nhiên liệu ít phát thải cùng với những nguồn năng lượng không đốt, có thể tái tạo được như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện là những giải pháp được cộng đồng quốc tế đăc biệt quan tâm.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đế tất cả mọi người và các Chính phủ cần phải thực hiện vai trò kiểm soát khí phát thải một cách quyết liệt hơn. Chính phủ, xã hội dân sự và các cơ quan đối tác quốc tế cần phối hợp chặt chẽ để tìm những giải pháp cả trung hạn và dài hạn để phòng ngừa ô nhiễm ngay từ nguồn phát thải. Đây chính là lúc cần hành động quyết liệt vì không khí sạch và vì sức khỏe cộng đồng.

Từ Đại học Khoa học-Công nghệ Hà Nội, trong nghiên cứu năng lượng và phát triển bền vững, NCS Trương An Hà cho rằng, bài toán ô nhiễm không khí hết sức phức tạp, cần giải quyết tổng thể từ các ngành và địa phương chứ không thể chỉ riêng lẻ một ngành. Đồng tình với quan điểm này, Tổng giám đốc Công ty D&L, nơi vận hành hệ thống quan trắc không khí PAM Air, Hoàng Dũng cho biết, cần phải nghiên cứu tổng thể để xác định tỷ lệ ô nhiễm từ các nguồn phát thải để từ đó xây dựng giải pháp khăc phục đồng bộ mang tính chiến lược lâu dài. Theo ông , trước mắt cần có nhiều hơn các điểm quan trắc, phải nâng số điểm quan trắc của Hà nội lên thành 300 thay vì 100 trạm như hiện nay. PGS-TS Hồ Quốc Bằng đề xuất, nhanh chóng có đề án kiểm soát khí thải xe máy. Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hoàng Dương Tùng lại cho rằng, các giải pháp như trồng cây xanh, mở nhiều tuyến xe buýt, sử dụng nhiên liệu sạch, hạn chế đốt than tổ ong là cần nhưng chưa đủ, lãnh đạo các địa phương và thành phố cần phải hành động quyếtt liệt hơn nữa đối với những hành vi gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là trong các công trình công nghiệp, giao thông và xây dựng đang gây ô nhiễm nặng nề.

Riêng với nhiệt điện than, ở Việt Nam vẫn là một ngành quan trọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày một gia tăng. Trong bối cảnh này, Phó Giám đốc Green ID Việt Nam, Trần Đình Sinh cho rằng, cần phải công bố công khai các số liệu phát thải cho công chúng biết một cách minh bạch, đầy đủ và dễ hiểu để cùng tìm giải pháp ngăn ngừa, khắc phục tình trạng ô nhiễm .

Nguồn: Greenid

Tin cùng loại