rong bối cảnh một số khu vực có thể loại bỏ than khỏi nguồn năng lượng, các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia vẫn tăng cường đầu tư vào điện than. Điều này đòi hỏi các nhà máy nhiệt điện than phải sử dụng các giải pháp về công nghệ hiện đại để giảm phát thải hiệu quả hơn bao giờ hết
Xung quanh nội dung này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Trương An Hà, trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội về phát thải của các nhà máy nhiệt điện than và biện pháp giảm thiểu.
Phóng viên: Theo bà, hiện nay tại các nhà máy nhiệt điện than, việc phát thải gây ô nhiễm môi trường do hoạt động đốt than sản xuất điện đang ở mức độ như thế nào?
Bà Trương An Hà: Hoạt động đốt than sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện than có thể phát thải ra những chất gây ô nhiễm môi trường như SO2, NOx, các loại bụi PM 10, PM 2.5.
Tại Việt Nam 100% nhà máy nhiệt điện than đã lắp đặt công nghệ lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất cao lên đến 99%. Nhiều nhà máy có công nghệ khử lưu huỳnh hoặc khử NOx. Việc có những công nghệ này có hiệu quả giúp giảm phát thải một số chất ô nhiễm nói trên.
Để đánh giá mức độ phát thải nhiệt điện than so với các hoạt động khác, cần phải có những nghiên cứu tổng thể để đánh giá được tất cả các hoạt động gây ra phát thải và ảnh hưởng đến chất lượng không khí.
Ngoài các hoạt động nhiệt điện than là các hoạt động công nghiệp, đốt trong công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải, hoạt động nông nghiệp hay hoạt động đốt nhiên liệu về dân sinh. Để có thể nhìn nhận được vai trò của nhiệt điện than trong phát thải chất gây ô nhiễm không khí so với các hoạt động có phát thải khác cần phải có những nghiên cứu như vậy.
Gần đây có một nghiên cứu của chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế, Cộng hòa Áo (IIASA). Sử dụng mô hình đánh giá tích hợp GAINS để đánh giá và dự báo được mức độ phát thải từ các hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong tương lai. Nghiên cứu này đã được hoàn thành từ năm 2018. Các kết quả được công bố trên trang web của IIASA và VAST.
Phóng viên: Thưa bà, bà có thể đánh giá chi tiết hơn về những chất phát thải gây ảnh hưởng tới môi trường cũng như sức khỏe con người. Ở Việt Nam đã xử lý được những loại chất nào và những loại chất nào được các chuyên gia quốc tế xử lý bằng công nghệ mới hơn?
Bà Trương An Hà: Đối với các hoạt động của nhà máy nhiệt điện than, có phát thải ô nhiễm không khí như tôi vừa nói như bụi, SO2,… ngoài ra còn có thể phát thải thủy ngân. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hiện chúng ta vẫn đang dùng phần lớn than anthracite có hàm lượng thủy ngân thấp hơn so với các loại than khác như bituminous và sub-bituminous.
Với sự phát triển nhiệt điện than thì Việt Nam đã bắt đầu nhập than bituminous và trong tương lai lượng than bitum nhập khẩu sẽ càng tăng lên. Khi ấy chúng ta cần quan tâm hơn đến những cơ chế, công nghệ để có thể giảm thiểu phát thải thủy ngân ở các nhà máy nhiệt điện than.
PV: Như vậy, có thể thấy trước nhu cầu phát triển như hiện nay, nguy cơ phát thải thủy ngân từ các hoạt động đốt than ngày càng nhiều. Bà có thể chia sẻ mức độ quan tâm hiện nay về việc áp dụng những giải pháp để hạn chế phát thải thủy ngân ở Việt Nam, thưa bà?
Bà Trương An Hà: Qua việc Trung tâm than đá sạch của Cơ quan năng lượng quốc tế tổ chức Hội nghị quốc tế về Phát thải các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt than lần thứ 14 từ ngày 28-30/10 tại Hà Nội, chúng ta có thể thấy việc phát thải thủy ngân ở các nhà máy nhiệt điện than đã được quan tâm tại Việt Nam.
Thông qua những kinh nghiệm quốc tế, chúng ta có thể học hỏi và có thể áp dụng những biện pháp, công nghệ để có thể giảm thiểu phát thải thủy ngân trong tương lai.
Phóng viên: Xin bà cho biết công nghệ nào đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam có phù hợp để áp dụng công nghệ đó?
Bà Trương An Hà: Công nghệ đồng đốt sinh khối với than tại các nhà máy nhiệt điện than đã được áp dụng tại nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Công nghệ này chưa được áp dụng tại Việt Nam, tuy nhiên đây là công nghệ có thể giúp các nhà máy nhiệt điện than giảm một phần lượng phát thải khí nhà kính cũng như một số chất gây ô nhiễm không khí thông qua việc thay thế một phần lượng than bằng sinh khối. Sinh khối có hệ số phát thải của một số chất gây ô nhiễm không khí như SO2 hay NOx thấp hơn than, do vậy có thể giúp giảm phát thải.
Với công nghệ đồng đốt, các nhà máy nhiệt điện than có thể sản xuất một phần điện năng từ sinh khối, một dạng năng lượng tái tạo. Ngoài ra nếu như các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp được sử dụng cho đồng đốt cũng sẽ góp phần giảm hoạt động đốt đồng, một hoạt động có đóng góp đáng kể vào ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên để có thể áp dụng công nghệ đồng đốt sinh khối, cụ thể hơn là phụ phẩm nông nghiệp tại các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam cũng cần có các giải pháp để các nhà máy có thể thích ứng được với việc đốt chung sinh khối với than trong các lò hơi, do đây là hai loại nhiên liệu có nhiều đặc điểm, tính chất vật lý, hóa học khác nhau (chẳng hạn như vấn đề tro xỉ sinh khối có thể gây tắc nghẽn hay ăn mòn lò hơi do có hàm lượng Cl cao).
Ngoài ra, tính hiệu quả về mặt kinh tế của việc áp dụng công nghệ này cũng cần được tính đến.
Nguồn: Tài nguyên và Môi trường