TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Quy hoạch điện 8: Vẫn “luyến tiếc” điện than

Quy hoạch điện 8: Vẫn “luyến tiếc” điện than

01:38 | 23/04/2023
Dự thảo Quy hoạch điện 8 vừa được Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành và đơn vị liên quan sau khi đã rà soát, cập nhật lại. Đáng chú ý, trong dự thảo mới đến năm 2030 sẽ tăng thêm trên 3.000 MW điện than và giảm tới 8.170 MW nguồn điện tái tạo.

Tăng thêm trên 3.000 MW điện than trong Quy hoạch điện 8.

Tăng thêm trên 3.000 MW điện than trong Quy hoạch điện 8.

Theo dự thảo mới, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 sau khi rà soát là 130.371 MW, giảm 7.688 MW so với phương án đưa ra vào ngày 26/3/2021 tại Tờ trình 1682 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện 8).

VÌ SAO CHƯA “ĐOẠN TUYỆT” ĐIỆN THAN?

Trong công văn số 5321 ngày 30/8/2021 gửi các bộ, ngành lấy ý kiến cho dự thảo, Bộ Công Thương nêu rõ quan điểm, lần rà soát này là ưu tiên phát triển những dự án có vị trí, quy mô, thời điểm phù hợp với các tính toán tối ưu tại chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện 8.

Đồng thời cũng đã rà soát đánh giá những khó khăn, vướng mắc của tình hình thực hiện Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, những nguyên nhân chính dẫn tới việc triển khai các phương án phát triển điện lực không đáp ứng được quy hoạch, dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình điều hành, đảm bảo an ninh cung cấp điện giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó Bộ Công Thương cũng đã tính toán phương án phát triển nguồn điện với kịch bản phụ tải cao, ngoài ra dự phòng một số nguồn điện có thể đưa vào phát triển trong trường hợp xảy ra các bất lợi xếp chồng, gồm có phụ tải tăng trưởng cao và một số nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh và một số nguồn điện than bị chậm sau năm 2030 để đảm bảo an ninh cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Theo đó, các dự án nguồn điện ở khu vực phía Bắc sẽ được ưu tiên phát triển để tăng cường khả năng cung cấp nội miền, giảm thiểu sản lượng điện truyền tải từ khu vực miền Trung. Đồng thời, sẽ xem xét giãn tiến độ các dự án nguồn điện tại miền Trung, rà soát đầu tư hợp lý các dự án nguồn điện tại miền Nam.

Việc điều chỉnh này xuất phát từ thực tế những năm gần đây, khu vực miền Bắc có tốc độ tăng trưởng điện năng tiêu thụ và công suất phụ tải cao nhất trong 3 miền, tương ứng ở mức bình quân 9,1% và 9,3%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng công suất nguồn chỉ đạt 4,7%/năm, dẫn tới tỷ lệ chênh lệch công suất lắp đặt/công suất phụ tải giảm dần từ mức 55% năm 2016 xuống 31% năm 2020.

Khả năng tự cân đối cung - cầu của hệ thống điện miền Bắc đã giảm dần, phụ thuộc nhiều vào thủy văn, dẫn tới tiềm ẩn rủi ro không đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt trong giai đoạn mùa khô.

Miền Trung và miền Nam có tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp hơn so với miền Bắc, chỉ đạt 5-7%. Tuy nhiên, nguồn điện phát triển mạnh với mức tăng bình quân 16%/năm tại miền Trung và 21%/năm tại miền Nam dẫn tới tỷ lệ chênh lệch công suất lắp đặt/công suất phụ tải của 2 miền ở mức rất cao, tương ứng mức 237% và 87%.

 Quy hoạch điện 8: Vẫn “luyến tiếc” điện than - Ảnh 1

Sau rà soát, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 theo dự thảo mới là 130.371 MW, giảm 7.688 MW so với phương án đưa ra tại Tờ trình số 1682.

Trong đó, công suất nguồn điện giảm chủ yếu từ các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, điện gió trên bờ và gần bờ sẽ chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; điện gió ngoài khơi giảm khoảng 2.000 MW; điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm 1.980 MW về mức 1.170 MW.

 

Riêng điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) giai đoạn đến năm 2030 vẫn giữ nguyên ở mức 18.640 MW.

Đáng chú ý, nguồn điện than sẽ tăng thêm khoảng 3.076 MW so với Tờ trình số 1682, lên mức 40.649 MW. Như vậy, tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời sẽ giảm từ mức 26,5% xuống còn 23,4% tổng công suất các nguồn điện, còn tỷ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất đặt các nguồn điện.

THẮT LẠI LỘ TRÌNH CHUYỂN DỊCH “XANH”

Tại diễn đàn trực tuyến “Quy hoạch điện 8: Mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức ngày 16/9/2021, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) thẳng thắn cho rằng dự thảo Quy hoạch điện 8 mới vẫn “đặt cược” vào điệ̂n than trong vòng 10 năm tới (2021-2030) và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035-2045, sự lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID. 

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID. 

Nhìn từ 30.000 MW điệ̂n than theo hiệ̂n trạng tiếp cận vố́n có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 10 dự án điện than đã thu xếp được vốn và đang xây dựng với công suất 10.800MW, còn tới 15 dự án với công suất khoảng 16.400MW đang ở bước đàm phán, chưa huy động được vốn.

Góp ý cho dự thảo, Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) nhấn mạnh, một số dự án sẽ phải chuyển tiếp từ Quy hoạch điện 7 sang Quy hoạch điện 8 là do những khó khăn về tiến độ cũng như khả năng huy động vốn, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than. Trong thời gian gần đây, việc huy động vốn cho các dự án nhiệt điện than từ các tổ chức tài chính công cũng như tư nhân đã trở nên ngày càng khó khăn, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cũng bày tỏ lo ngại dự thảo Quy hoạch Điện 8 sẽ “thắt lại” lộ trình chuyển dịch xanh. Việt Nam đang rất nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính. Nhưng dự thảo Quy hoạch Điện 8 lại tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Điều này sẽ gây ra nhiều tác động và hệ lụy.

“Việc phát triển điện than cần nhìn nhận ở khía cạnh rộng; không nên nhìn dưới góc độ kỹ thuật hay kinh tế năng lượng. Bởi vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mà các nước xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu, trong đó có Việt Nam phải quan tâm”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn lưu ý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam, khi xây dựng dự thảo Quy hoạch Điện 8 cần bám sát Nghị quyết 55/TƯ ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mặc dù, Quy hoạch Điện 8 đã cố gắng sửa chữa những khuyết điểm từ Quy hoạch Điện 7 và Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh, song có điều cần hết sức cân nhắc đó là vấn đề phát triển điện than.

Ông Huân bày tỏ lo ngại: “Theo dự thảo vừa công bố, có thể thấy rằng điện than được “ưu ái” hơn điện tái tạo, điều này không hợp với xu thế. Bởi điện than phụ thuộc vào vấn đề nhập khẩu rất nhiều, khó tiếp cận nguồn tài chính, gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường”.  Tuy nhiên, ông Huân cũng cho rằng không thể cắt giảm ngay điện than vì đây là việc làm khó phải có lộ trình giảm dần trong thời gian tới.

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại