TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Phát triển điện than: Việt Nam có cần đi ngược xu thế toàn cầu? (kì 2)

Phát triển điện than: Việt Nam có cần đi ngược xu thế toàn cầu? (kì 2)

18:46 | 21/04/2023

“Khoảng lùi” nhìn từ góc độ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Cố vấn Nhóm đối tác Chuyển dịch năng lượng bền vững ĐBSCL (SMEP) cho rằng nếu nhìn từ góc độ phát triển vùng ĐBSCL, dự thảo QHĐ 8 hiện có khá nhiều bất cập, thậm chí có thể xem là một “khoảng lùi” so với Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2020 và thậm chí, một số điểm trong QHĐ 8 còn lạc hậu hơn hoặc mâu thuẫn với Nghị quyết 120/NQ-CP đã được ban hành cách đây 4 năm.

Ông đơn cử Nghị quyết 120/NQ-CP đã yêu cầu “hạn chế tối đa việc bổ sung các nhà máy NĐT mới”, thậm chí còn đề xuất “nên dừng cấp phép đầu tư các nhà máy điện than ở ĐBSCL”“tập trung phát huy tiềm năng phát triển NLTT” thì QHĐ 8 lại đi theo hướng chậm lại hoặc ngược chiều. Cụ thể, trong khi Quy hoạch phát triển ĐBSCL đề xuất trong giai đoạn 2021-2030, chỉ phát triển 3.600MW NĐT thì QHĐ 8 đã “bổ sung” thêm hơn 5.000MW NĐT bằng việc đề xuất xây thêm 3 nhà máy mới là: Sông Hậu II (2.000MW); Long Phú II&III (3.000MW). Trong khi đó, đối với NLTT, Quy hoạch phát triển ĐBSCL đến năm 2030 đề xuất phát triển 9.400 MW thì QHĐ 8 chỉ nhỏ nhẹ đề xuất ở mức 6.700 MW.

“QHĐ 8 đang mâu thuẫn với quy hoạch tích hợp ĐBSCL và Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL khi vẫn đưa thêm nhiệt điện than vào quy hoạch sau năm 2030 ở kịch bản cao” - TS Trần Hữu Hiệp - Cố vấn Nhóm đối tác Chuyển dịch năng lượng bền vững ĐBSCL.

“Tại sao chúng ta lại rẽ sang một hướng khác, tại sao lại đẻ ra các nhà máy mới và không tiếp tục phát huy tiềm năng NLTT vùng này được đánh giá là có kết quả tốt, có tiềm năng rất lớn?” – ông Hiệp đặt câu hỏi tại một diễn đàn đóng góp ý kiến cho QHĐ 8 do VSEA tổ chức ngày 4/3/2021. Ông cũng cho biết từ thực tế triển khai kéo dài suốt 10 năm qua của dự án Long Phú 1  (Sóc Trăng) cho thấy việc phát triển NĐT không hề dễ dàng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề môi trường, nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, trong vùng hiện có rất nhiều dự án NLTT như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… đang được khảo sát.  Vì vậy ông cho rằng, nếu bản dự thảo QHĐ 8 hiện nay được phê duyệt thì rất có thể sẽ trở thành “điểm nghẽn” cho sự phát triển của ĐBSCL.  

Cần một tư duy mới

Bộ Công Thương thường giải thích rằng Việt Nam vẫn cần phát triển NĐT vì đây là nguồn năng lượng có tính ổn định cao, giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh nguồn thủy điện ở Việt Nam khó có thể phát triển thêm, năng lượng gió và mặt trời nhiều tiềm năng nhưng công suất không ổn định, nếu phát triển mạnh thì chi phí cho việc truyền tải, trữ điện rất lớn … Theo TS Ngô Đức Lâm, đối diện với bài toán năng lượng này và để tránh việc phát triển các nhà máy NĐT mới, Bộ Công thương cần có thêm những nghiên cứu về việc sử dụng khí hóa lỏng LNG vì đây là nguồn năng lượng có tính ổn định cao, có thể thay thế NĐT lại không gây ô nhiễm. Đây cũng là một hướng đi mới mà nhiều nước trên thế giới và một số nước trong khu vực đang đẩy mạnh.

Theo một báo cáo trình Bộ Công thương trong tháng 3/2021 về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có thể sẽ phải cắt giảm công suất điện gió và điện mặt trời ở nhiều thời điểm trong năm 2021 do dư thừa nguồn và cắt giảm ở mức cao trong giai đoạn mùa mưa lũ và dịp cuối năm 2021. Mức cắt giảm này có thể lên tới 350-400 triệu kWh mỗi tháng trong giai đoạn tháng 10-12/2021 vì đây là thời điểm mùa lũ chính vụ Miền Trung và Nam đồng thời cũng là lúc có nhiều dự án năng lượng gió mới được hoàn thành.

Dùng LNG tốt hơn rất nhiều so với dùng than. Nó không có ô nhiễm như than, không có xỉ, không có bụi, hiệu suất cao, vận tải dễ. Ở gần ta Trung Quốc, Malaysia và Indonesia đã làm rồi” – ông nói và cho rằng ban soạn thảo QHĐ 8 cần cập nhật về xu hướng phát triển này, chứ không nên tiếp tục nhìn nhận là đắt quá không làm.

“Việc cập nhật thông tin tình hình thế giới của Tổng sơ đồ 8 vừa qua theo tôi là chưa đầy đủ. TSĐ 8 có đưa về LNG nhưng giải thích không thỏa đáng. Chưa có điều tra khảo sát kỹ nên họ vẫn có nhận định như xưa, nghĩa là LNG thì đắt lắm, phức tạp lắm” – ông cho biết và nói rằng không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia đổ xô làm LNG nên Việt Nam cần tiến hành khảo sát xem thế giới làm như thế nào, tránh tình trang chỉ nói chung chung mà không có chứng minh tính toán cụ thể thì không thuyết phục. Vì khí hóa lỏng LNG sẽ dùng trong nhiều lĩnh vực dân dụng và giao thông vận tải nên ông cũng gợi ý, để đạt hiệu quả kinh tế tốt, ngành điện nên bàn thảo với các ngành liên quan về sử dụng và nhập khẩu nguồn nguyên liệu này.

 Theo thống kê, kể từ sau Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu (COP 21) nhu cầu khí hóa lỏng (LNG) trên thế giới tăng đáng kể, đạt tốc độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên dự kiến đạt 453 triệu tấn/năm vào năm 2022. Qatar, Autralia, Mỹ, Malaysia, Nga là những nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Tại các quốc gia nhập khẩu LNG lớn thế giới như Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc, LNG chủ yếu được dùng trong sản xuất điện và thương mại.

Ông Lâm cũng nêu lên vấn đề xuất khẩu năng lượng. Từ thực thế Việt Nam đã bắt đầu thừa năng lượng, đặc biệt có tiềm năng lớn về năng mặt trời và gió, ông cho rằng QHĐ 8 cần bắt đầu bàn đến vấn đề xuất khẩu năng lượng chứ không thể để trống như hiện nay.

“Từ trước đến nay Việt nam luôn thiếu năng lượng nên khi bàn đến [quy hoạch] tương lai thường là bàn cách nhập năng lượng. Theo tôi giờ phải bàn cách xuất khẩu năng lượng. Đã đến lúc Việt Nam thừa năng lượng, phải bàn về vấn đề xuất ngay từ bây giờ thì 10 năm nữa mới có thể xuất được” – ông Lâm nói và cho cho rằng trước mắt Việt Nam có thể nghiên cứu xuất khẩu năng lượng gió và mặt trời sang các nước trong khu vực có nhu cầu nhập khẩu điện như Thái Lan và Myanmar.

Nguồn: Internet

Tin cùng loại