Tại hội thảo công nghệ nhiệt điện than và môi trường do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, Việt Nam nằm trong 5 nước ở Đông Nam Á (Indonexia, Thái Lan, Malaysia…) đang ở giai đoạn 2, tốc độ phát triển cao, nhu cầu điện năng rất lớn, tăng trưởng sản lượng điện trung bình hàng năm đều trên 2 con số. Dự báo nhu cầu điện thương phẩm nước ta những năm tới (2020, 2025, 2030) tương ứng 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh, 506 tỷ kWh. Trong khi đó tiềm năng năng lượng trong nước cho sản xuất điện, thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, tổng công suất đưa vào cân đối khoảng 20.000 MW, điện sản xuất trên 70 tỷ kWh. Các nguồn năng lượng khác tương đối hạn chế. Tổng công suất nhiệt điện khí cũng khoảng trên 12.000 MW với sản lượng điện 63 tỷ kWh. Các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời chiếm hơn 27.000 MW với tỷ trọng 21% vào năm 2030. Nước ta cũng đã dừng điện hạt nhân. Chính vì vậy, nhiệt điện than (NĐT) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Theo quy hoạch, đến 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49% điện sản xuất; tương tự năm 2025 đạt khoảng 47.000 MW, chiếm 55%; năm 2030 đạt khoảng hơn 55.000 MW, chiếm 53%...
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết thêm, than có trữ lượng lớn nhất trong các loại hình thiên nhiên hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại 300 năm nữa. Sau thủy điện, nhiệt điện than cho giá thành thấp nhất (khoảng 7 cent Mỹ/kWh). Đặc biệt, vốn đầu tư không quá cao, tương đương 1.500 USD/kWh, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân. Trong khi khả năng huy động công suất lớn khoảng 6.500 giờ/năm, có thể tới 7.500 giờ/năm khi thiếu hụt, sản lượng điện phát ra lớn, đáp ứng nhu cầu điện năng trong giai đoạn phát triển kinh tế cao như hiện nay ở nước ta. Địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện than không quá lệ thuộc như thủy điện, chỉ cần đặt gần sông có lưu lượng lớn hoặc ven biển, cung cấp sản lượng điện cho đường dây 500 kV Bắc - Nam. Thời gian xây dựng nhà máy này trong vòng 3 năm. Với ưu điểm này, trong những năm gần đây ở phía Nam nước ta đã hình thành loại hình nhiệt điện than như các trung tâm nhiệt điện: Vĩnh Tân ở Bình Thuận, tổng công suất 6.264 MW, Duyên Hải (Trà Vinh), nhà máy điện Long Phú, Sông Hậu… Tuy nhiên PGS. TS Trương Duy Nghĩa cũng thừa nhận nhược điểm: Các nhà máy nhiệt điện than dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm 60% giá thành sản xuất điện); là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, nhất là các chất thải rắn và khí; chi phí về đầu tư, vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém; chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy, làm bãi chứa tro xỉ; nhu cầu nước làm mát lớn.
Phải gắn với bảo vệ môi trường
Hiện tại các nhà máy nhiệt điện than đều sử dụng công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới, với thông số hơi cận tới hạn, siêu tới hạn. PGS. TS Nghĩa lưu ý, để giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện than cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại, tổ chức quan trắc thường xuyên đánh giá kết quả xử lý. Công ty chủ quản nhà máy tận dụng hết tro xỉ làm vật liệu xây dựng là biện pháp triệt để sử dụng hiệu quả chất thải này để bảo vệ môi trường; các địa phương có chính sách khuyến khích sử dụng tro xỉ. Ngay trong dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện than cần có nội dung về sử dụng tro xỉ; như Nhà máy điện Long Phú, Sông Hậu có cảng riêng xuất khẩu tro bay, thạch cao...
Hiện nay các nhà máy nhiệt điện than do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý đều đạt các chỉ tiêu về môi trường. Tất cả các nhà máy đều có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt. Sau khi làm mát bình ngưng tuabin hơi được dẫn trong kênh tuần hoàn có chiều dài đủ để đưa nhiệt độ nước về dưới mức quy định của quy chuẩn VN. Việc xử lý tro xỉ ở một số nhà máy đã có đối tác tiêu thụ hết. Một số tro xỉ chưa được tiêu thụ cũng được xử lý, theo dõi như lắp camera giám sát, phun nước tự động hạn chế phát tán bụi. Các thông số môi trường online được kết nối với các Sở Tài nguyên & Môi trường để giám sát thường xuyên, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quy định. Tại Bình Thuận, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân) đã ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ tro xỉ với Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh để sản xuất vật liệu xây dựng trong vòng 28 năm. Nhà máy cũng đã thực hiện các giải pháp đồng bộ bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất phát tán bụi xỉ.
Nguồn: Internet