TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Quy hoạch điện VIII chưa… “sáng tỏ”

Quy hoạch điện VIII chưa… “sáng tỏ”

13:09 | 23/04/2023
Sự lệch pha khá lớn giữa định hướng và thực tiễn đang khiến cho Dự thảo Quy hoạch Điện VIII chưa thực sự… sát với thực tế.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển điện lực đến năm 2030 rất lớn, cần đẩy mạnh xã hội hoá. Nhà đầu tư và doanh nghiệp đang kỳ vọng rất nhiều vào Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) sẽ có sự nghiên cứu tổng thể với một tầm nhìn chiến lược để tránh được sự thiếu đồng bộ như thời gian qua. Nhà đầu tư làm ra “điện sạch” mà không bán được.
 
Mất cân đối
 
Trong phần thuyết minh Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Viện Năng lượng nêu rõ: “Quy hoạch Điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới”. Tuy nhiên, hiện nay lượng công suất đăng ký của các nhà đầu tư đã vượt xa kết quả tính toán tối ưu mở rộng phát triển nguồn điện đến năm 2030. Các dự án năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở 4 vùng Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
 
Về điện mặt trời, năm 2030, kết quả tính toán tối ưu ở khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 1.500 MW, nhưng tổng công suất đã và đang đăng ký đầu tư là 5.500 MW, khu vực Nam Trung Bộ tính toán đạt khoảng 5.200 MW nhưng đã đăng ký tới 11.600 MW, khu vực Nam Bộ dự kiến đạt khoảng 9.200 MW nhưng đã đăng ký 14.800 MW.
 
 
Biều đồ tỷ trọng các nguồn năng lượng theo quy hoạch đến năm 2030.
 
Đối với điện gió, năm 2030, chương trình phát triển nguồn điện tối ưu đề xuất khu vực Tây Nguyên là 4.000 MW nhưng đã đăng ký là 10.000 MW, khu vực Nam Bộ đề xuất 6.800 MW nhưng đã đăng ký lên tới 17.000 MW. Việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020 đã gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia. Hệ quả, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo do quá tải đường dây 500kV.
 
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII nêu rõ, mặc dù cơ cấu nguồn điện tại 6 vùng đã được xác định bởi chương trình tối ưu nguồn, nhưng việc phân bổ chi tiết nguồn về các tỉnh, nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn gặp nhiều khó khăn.
 
Theo GS.TSKH Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Nếu không tính toán tối ưu, một cách tổng thể, dài hạn, rất có thể sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện vùng miền, gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện và lãng phí trong đầu tư hạ tầng lưới điện, hậu quả là tổn thất lâu dài về kinh tế – xã hội.
 
Hiệu quả đầu tư?
 
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD. TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) ước tính: Trong tổng số vốn dự kiến đầu tư làm điện trong 10 – 15 năm tới, vốn do nhà nước đầu tư chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% phải đi vay từ các quỹ, tổ chức tín dụng trong nước và thế giới. Bởi vậy, ngành điện nên xem xét kỹ dự án nào cần thì làm, dự án nào chưa cần thì thôi.
 
TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng cũng chỉ rõ cả chủ đầu tư và người tiêu dùng đều đang phải chịu hậu quả của việc phát triển điện tái tạo quá nóng nhưng chưa thấy dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể.
 
Quan trọng hơn, theo PGS-TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cần nhìn nhận vấn đề điều hành giá điện thấu đáo, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Hiệu quả kinh doanh của ngành rất thấp, lợi nhuận và khấu hao không bảo đảm nổi 30% vốn tự có cho các công trình xây dựng mới. Ngân hàng Thế giới từng khuyến cáo Việt Nam cần có lộ trình tăng giá bán điện lên 10-11 cents USD/KWh để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Bản dự thảo cũng đã không đưa ra được bất cứ tính toán cân đối cụ thể nào về lợi nhuận và khấu hao hằng năm để có thể huy động từ nguồn xã hội hóa.
 
Nguồn: Internet
Tin cùng loại