Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng của tỉnh để phát triển các dự án điện gió trong đất liền và ngoài khơi tương đương quy mô công suất trên 7.000MW.
Đến nay, theo khả năng truyền tải của lưới điện đã được Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch với 20 dự án, với tổng quy mô công suất 1.435MW. Các dự án này đang triển khai khởi công, dự kiến đến tháng 10/2021 đưa vào vận hành 8 dự án. Các dự án còn lại sẽ đưa vào vận hành trong những năm từ 2022 đến 2023.
Sóc Trăng có bờ biển dài, nhiều bãi bồi, rất có tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...
Theo quy hoạch đã được phê duyệt của Bộ Công thương về phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió. Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung. Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu.
Cũng theo ông Chiêu, bên cạnh tiềm năng phát triển điện gió, Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Theo số liệu đo đạc, số giờ nắng trong năm của tỉnh khá cao, dao động từ 2.300 giờ đến 2.480 giờ/năm.
“Tiềm năng điện mặt trời của tỉnh còn khá lớn, trong đó, phát triển năng lượng thông qua việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời sẽ đóng góp quan trọng trong giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng tăng cao ở khu vực miền Nam được dự báo vào giai đoạn 2021 - 2025, nhất là nhu cầu sử dụng điện ở khu vực ĐBSCL tăng bình quân hằng năm gần 14%” - Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng nhận định.
Ngoài ra, Sóc Trăng còn có tiềm năng phát triển điện sinh khối khi nguồn nguyên liệu như cây cối, cây trồng công nghiệp, các loài thực vật khác, bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ...), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm... khá dồi dào.
Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - cho biết: Sóc Trăng đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.
Dự báo, tổng công suất của các nguồn điện tại địa phương đến năm 2025 đạt khoảng 2.500MW đến 3.000MW, sản lượng điện đạt khoảng 7 tỷ kW/h. Đến năm 2030 đạt khoảng 6.500MW đến 7.000MW, sản lượng điện đạt khoảng 22 tỷ kW/h. Trong đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng đạt khoảng 70% đến 75% vào năm 2025 và khoảng 85% đến 90% vào năm 2030.
Nguồn: Greenid