TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Tác động của bụi amiăng đến sức khỏe con người và môi trường, đề xuất giải pháp kiểm soát (kì 1)

Tác động của bụi amiăng đến sức khỏe con người và môi trường, đề xuất giải pháp kiểm soát (kì 1)

01:30 | 23/04/2023


     1. Tác động của bụi amiăng đến sức khỏe và môi trường

Amiăng làcác hợp chất silicatkép của Can xi (Ca) và Magie (Mg), chứa SiO2  có trong tự nhiên, trong môi trường dưới dạng các bó sợi có thể được tách thành các sợi mỏng, bền để sử dụng trong các ứng dụng thương mại và công nghiệp. Những sợi này có khả năng chịu nhiệt, lửa và hóa chất và không dẫn điện, chủ yếu sử dụng làm vật liệu xây dựng và trong công nghiệp. Có hai loại amiăng trắng và xanh nâu.Tất cả các loại bụi amiăng, kể cả amiăng trắng (Chrysotile) được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Sau 40 năm nghiên cứu, từ năm 1973, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người.

Tấm lợp xi măng- amiăng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe trong quá trình lắp đặt, phá hủy, cải tạo hoặc làm sạch bề mặt. Nhất là khi chúng được rửa áp lực, chà nhám, cưa, khoan, đập vỡ hoặc xáo trộn, các sợi amiăng có thể bay vào không khí và những người dân có thể hít phải mà không biết.Thời gian và thời tiết(mưa, bão, gió) cũng có thể làm suy yếu các tấm lợp này, làm các sợi amiăng đang bám dính trên tấm lợp có thể phát tán thành bụi ra môi trường.

Tác hại của amiăng đến sức khỏe người lao động và môi trường cho cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi amiăng(asbestosis), ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc từ 20-30 năm.Amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất, với ước tính gây ra ½ số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới. Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiăng là mỗi năm có hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu năm phải sống với khuyết tật. Số người chết do ung thư phổi là 41.000 người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiăng là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều amiăng trong quá khứ.

Phơi nhiễm với bụi amiăng xảy ra khi hít vào những sợi mảnh chủ yếu từ không khí bị ô nhiễm trong môi trường làm việc, cũng như từ môi trường xung quanh trong vùng phụ cận của điểm nguồn hay không khí trong nhà có chứa các nguyên vật liệu có sợi amiăng. Mức độ phơi nhiễm cao nhất xảy ra trong khi đóng gói lại các công cụ để chứa amiăng, trộn lẫn với các nguyên vật liệu thô khác và cắt khô các sản phẩm có chứa amiăng bằng các công cụ để mài mòn. Phơi nhiễm cũng có thể xảy ra trong khi lắp đặt và sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng và bảo trì xe cộ.

Ở Việt Nam, bệnh bụi phổi amiăng là một bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm từ năm 1976 và đã có 3 trường hợp được giám định và chi trả bồi thường. Đã có 150 trường hợp ung thư trung biểu mô được ghi nhận tại 9 trung tâm và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc chẩn đoán các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư trung biểu mô yêu cầu kỹ thuật cao về thiết bị và đội ngũ bác sỹ giỏi nên Việt Nam mới chỉ đáp ứng một phần. Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2019/BYT, trong đó quy định, giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi amiăng tại nơi làm việc đối với amiăng Serpentine (chrysotile: amiang trắng) là 0,1 sợi/ml không khí trong 1 ca làm việc và amiăng Amphibole là 0 sợi/ml không khí.

     2. Một số khó khăn trong công tác kiểm soát tác động của amiăng tới sức khỏe ở Việt Nam và thế giới

Theo nhận định của các chuyên gia, rất khó có thể kiểm soát mức độ an toàn đối với sức khỏe con người tại các cơ sở sản xuất và sử dụng amiăng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, amiăng có khả năng gây bệnh cao, dù với mức độ tiếp xúc thấp và không thể sử dụng amiăng một cách an toàn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại amiăng để phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng. Hiện nay, trên thế giới, 66 quốc gia đã cấm tất cả các loại amiăng, trong đó có nhiều quốc gia lớn như Ôxtrâylia, Braxin, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản.... Chỉ còn 6 quốc gia vẫn sử dụng một lượnglớn amiăng trong sản xuất (hơn 50.000 tấn ) gồm Inđônêxia, Việt Nam, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Uzbekistan. Chính phủ tại các quốc gia sản xuất nhiều amiăng như Nga, Kazakhastan, Zimbabwe, Trung Quốc cũng đều yêu cầu ghi cảnh báo độc hại trên các bao bì amiăng dòng chữ “Sản phẩm này gây hại cho sức khỏe của bạn”, “Hít phải bụi amiăng có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sức khỏe”…

Tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, ngành y tế, lao động đã phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu triển khai các hoạt động phòng chống bệnh liên quan đến amiăng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông qua Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế như xây dựng Hồ sơ quốc gia về amiăng; chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất và sử dụng amiăng; nâng cao năng lực giám sát môi trường lao động và chẩn đoán các bệnh liên quan đến amiăng; giám sát các trường hợp ung thư trung biểu mô tại cộng đồng; tuyên truyền về tác hại của amiăng và các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, việc phổ biến các thông tin vẫn còn hạn chế, nhất là cho đối tượng người lao động và cộng đồng dân cư.

Cho đến nay, ở Việt Nam ít phát hiện được bệnh bụi phổi do amiăng gây ra, do những nguyên nhân:Giám sát sức khỏecủa người lao độngchưa thường xuyên; Người lao độngkhi chuyển công việc không được theo dõi về tiền sử tiếp xúc với amiăng; Không có các trung tâm theo dõi người lao động tiếp xúc với amiăng; Kinh nghiệm chẩn đoán, phát hiện bệnh amiăng còn ít, nguồn lực kém, trong khi bệnh do amiăng gây ra khá phức tạp, không dễ phát hiện;Các nghiên cứu dịch tễ học của Việt Nam về vấn đề này còn chưa sâu;Nhiềudoanh nghiệp không có điều kiện cho người lao động khám sức khỏe sâu; Tổ chức khám sức khỏe cho cộng đồng có tiếp xúc với amiăng rất tốn kém…

Nguồn: Internet

Tin cùng loại