Tại Việt Nam, gần 80% lượng amiang nhập khẩu được sử dụng để sản xuất tấm lợp fibrô – xi măng. Ngoài ra, amiang có mặt ở một số vật liệu/sản phẩm khác như: Cách nhiệt, cách điện, chống cháy, má phanh, tấm trần cách nhiệt, các sản phẩm của hệ thống bảo ôn.
Amiang xâm nhập vào cơ thể người như thế nào?
Amiang xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp khi người lao động và người sử dụng sản phẩm có chứa amiang hít phải sợi amiang phát tán trong môi trường. Ngoài ra, amiang còn có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa.
Các công việc phát sinh bụi amiang chủ yếu trong quy trình sản xuất như: Xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…
Tại cộng đồng, người dân tiếp xúc với bụi amiang trong môi trường chủ yếu do khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiang, sử dụng các tấm lợp hư hỏng có chứa amiang để làm đường, đổ móng nhà.
Tác hại của amiang đối với sức khỏe?
Amiang xâm nhập vào cơ thể qua mũi, miệng do ăn uống hoặc hít phải. Sợi amiang khi nuốt vào bị tích tụ lại và có thể gây ung thư màng phổi, thanh quản, buồng trứng, dạ dày và ruột…
Thời gian phát bệnh do amiang gây ra thường muộn. Mỗi người tiếp xúc với amiang có thể bị 1 loại bệnh khác nhau. Trong đó, 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô ở người được xác định do amiang gây ra.
|
Do chưa hiểu hết tác hại của amiang nên đồng bào vẫn mua tấm lợp có chứa amiang về sử dụng |
Cách phòng ngừa, hạn chế những tác hại của amiang
Với người dân
Nên sử dụng vật liệu an toàn, tốt nhất là không dùng tấm lợp fibrô – xi măng có chứa amiang.
Tránh làm vỡ các vật liệu chứa amiang gây phát tán bụi amiang. Cụ thể như dùng tấm lợp chứa amiang để làm đường, đổ móng nhà
Xếp gọn các vật liệu thải loại có chứa amiang vào nơi an toàn, tránh mọi hình thức phát tán bụi ra môi trường và thông báo với cơ quan môi trường để xử lý.
Người dân sống gần các nhà máy sản xuất vậy liệu chứa amiang và có nguy cơ tiếp xúc với amiang… nếu thấy các biểu hiện bệnh đường hô hấp cần đi khám để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Với người lao động
Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy định (khẩu trang chuyên dụng, quần áo bảo hộ lao động).
Không hút thuốc, ăn uống tại nơi làm việc.
Tắm rửa trước khi về nhà, không mang quần áo bảo hộ lao động về nhà.
Yêu cầu được định kỳ hàng năm khám sức khỏe (chụp phim X – quang phổi, đo chức năng hô hấp để kiểm tra).
Khi có các biểu hiện bệnh đường hô hấp cần đi khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: Internet