TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Tác hại của Amiang và giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm trong các doanh nghiệ

Tác hại của Amiang và giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm trong các doanh nghiệ

22:27 | 22/04/2023
Mặc dù số người được phát hiện mắc các bệnh liên quan đến amiang chưa nhiều nhưng amiang là loại vật liệu có tiềm năng gây bệnh nghề nghiệp nên việc phòng ngừa khả năng mắc bệnh tật là cần thiết.

Môi trường lao động và tác hại đến sức khỏe

Amiang - ximăng (AC) là loại sợi khoáng vô cơ có cấu trúc tinh thể ở dạng sợi dài và mảnh. Amiang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Các nguy cơ và các yếu tố nguy hại chính phát sinh từ dây chuyền sản xuất tấm lợp amiang gồm: bụi amiang, ximăng, bột giấy, độ ẩm cao, lao động khuân vác nặng, tư thế lao động và một số yếu tố có thể gây tai nạn lao động như lao động trên cao, sàn nhà và sàn thao tác thường xuyên ướt và trơn.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Nguyễn Hòa Bình cho biết: Tất cả các lĩnh vực sản xuất đều tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro trong đó có ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Vì thế, công tác an toàn vệ sinh lao động luôn chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động sản xuất. Việt Nam hiện có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp ximăng đang hoạt động với năng lực sản xuất khoảng 70 triệu m2 tấm lợp/năm, sử dụng gần 10.000 lao động trực tiếp. Nhìn chung công nghệ sản xuất của đa số các cơ sở nói trên đều lạc hậu, nhiều công đoạn chưa cơ giới hóa hoàn chỉnh, không ít công đoạn gây phát tán ô nhiễm ra môi trường tự nhiên. Thực trạng công nghệ như vậy nên môi trường lao động đều có nồng độ amiang cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Theo PGS.TS. Lê Vân Trình, Viện nghiên cứu KHKT - BHLĐ: Tấm lợp amiang là một loại vật liệu lợp được sử dụng rộng rãi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi của nước ta bởi tính ưu việt của nó. Nhưng một thách thức lớn nhất đối với ngành sản xuất tấm lợp amiang khi bụi có chứa amiang phán tán ra môi trường lao động là sự độc hại đối với đường hô hấp và nhiều khả năng gây bệnh ung thư phổi. Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế con người có thể tiếp xúc với amiang qua con đường tiếp xúc nghề nghiệp như khai thác, chế biến, sản xuất các sản phẩm có chứa amiang hoặc qua con đường tiếp xúc không nghề nghiệp. Khi amiang ở trong dạng kết khối với vật liệu khác thì chúng ít gây độc, amiang trở nên độc khi chúng ở dạng sợi và phán tán vào không khí. Tuy nhiên, khác với một số loại bụi, amiang không gây hại tức thì, tác hại của amiang thường 15 - 40 năm sau mới xuất hiện.

Trong thực tế việc chấp hành các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp của doanh nghiệp còn hạn chế. Thạc sỹ, Lê Mạnh Kiểm, Phó trưởng phòng Thanh tra ATVSLĐ-Bộ LĐTBXH nhận định: Từ năm 2006 đến nay Bộ LĐTBXH thanh tra hai đợt chuyên đề về vệ sinh an toàn lao động tại 26 cơ sở sản xuất tấm lợp amiang. Qua thanh tra, 84% doanh nghiệp được kiểm tra chấp hành các quy định về vệ sinh lao động trong sản xuất có sử dụng amiang được đánh giá chấp hành loại trung bình và kém. Việc vi phạm quy định của pháp luật về vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp amiang vẫn còn phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra. Các biện pháp phòng bệnh nghề nghiệp do amiang tại các doanh nghiệp hiện nay rất kém. Đặc biệt là các vi phạm về quản lý sức khỏe, vi phạm quy định về dự phòng bệnh nghề nghiệp và quản lý môi trường lao động.

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Bên cạnh các quy định của Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng về việc đảm bảo môi trường trong sử dụng amiang, gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 121/QĐ-TTg về việc nghiêm cấm việc sử dụng amiang amphibole (nâu và xanh), nhưng vẫn cho phép sử dụng amiang chrysotile (trắng) loại vật liệu đang được các doanh nghiệp sử dụng, song phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế. Do vậy, cùng với các giải pháp như tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức thì việc triển khai các giải pháp công nghệ và kỹ thuật nhằm giảm thiểu mức độ nguy hại, giảm thiểu sự tiếp xúc của người lao động với các yếu tố nguy hại trong các cơ sở sản xuất tấm lợp amiang, kết hợp với bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng là việc làm cần thiết có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Theo PGS.TS. Lê Vân Trình, có 8 giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ người lao động bao gồm: Giải pháp công nghệ; Kiểm soát tại nguồn; Các biện pháp công nghệ và kỹ thuật; Vệ sinh công nghiệp và thu gom chất thải; Phương tiện bảo vệ cá nhân; Giám sát môi trường lao động; Giám sát sức khỏe người lao động; Thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và tư vấn. Về công nghệ có hai hướng cơ bản thay thế amiang trong sản xuất tấm lợp là sử dụng các loại sợi thiên nhiên thuần túy và sử dụng sợi nhân tạo.

“Tăng cường thanh tra chuyên đề vệ sinh lao động đối với lĩnh vực sản xuất amiang và xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp, đồng thời chấn chỉnh công tác kiểm tra bảo hộ lao động của các ban ngành nhằm hạn chế các đoàn kiểm tra không hiệu quả; Căn cứ vào các biện pháp dự phòng và các tiêu chuẩn môi trường lao động cần nghiên cứu xây dựng cơ sở tấm lợp amiang đảm bảo hợp vệ sinh lao động để làm căn cứ phân loại cơ sở sản xuất” - Phó trưởng phòng Thanh tra ATVSLĐ - Bộ LĐTBLĐ nói.

Ông Đỗ Quốc Quang, Viện Công nghệ Bộ Công Thương nhận định: “Việt Nam đã hoàn toàn chủ động về công nghệ, thiết bị cho sản xuất không amiang. Về kỹ thuật có thể nhanh chóng chuyển sang sản xuất không amiang với chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn cao của thế giới mà không mất nhiều thời gian mò mẫm thử nghiệm. Việc sản xuất không amiang góp phần đáng kể hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người và môi trường cả về phương diện sản xuất và sử dụng sản phẩm”.

Nguồn: Internet

Tin cùng loại