TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Tăng điện than, giảm điện gió, điện mặt trời ở quy hoạch điện 8: Bước lùi?

Tăng điện than, giảm điện gió, điện mặt trời ở quy hoạch điện 8: Bước lùi?

00:25 | 23/04/2023
Một số chuyên gia cho rằng, bản dự thảo sẽ là bước lùi khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030.

 

 

Tăng điện than, giảm điện gió, điện mặt trời ở quy hoạch điện 8: Bước lùi? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Tại dự thảo quy hoạch, năng lượng điện gió chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; riêng điện gió ngoài khơi giảm 2.000 MW, tức là về 0 trong tờ trình điều chỉnh.

Tăng thêm 3.000 MW điện than là bước lùi?

Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Công Thương vừa đưa ra bản dự thảo Quy hoạch điện VIII để lấy ý kiến sau khi đã thực hiện rà soát lại theo yêu cầu tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, một số nội dung thay đổi tại bản dự thảo mới nhất này so với Tờ trình 1682 mà Bộ này trình Chính phủ hồi tháng 3 năm nay đã nhận được những ý kiến trái chiều.

Góp ý về bản dự thảo lần này của Bộ Công Thương, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết, bản dự thảo là bước lùi khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030.

Tăng điện than, giảm điện gió, điện mặt trời ở quy hoạch điện 8: Bước lùi? - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Chênh lệch công suất các loại điện sau rà soát tại dự thảo mới nhất của quy hoạch điện VIII.

Theo đại diện VSEA, việc tập trung các nguồn điện truyền thống này cho lưới điện hiện tại chỉ nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện mà làm mất đi cơ hội bắt nhịp và hòa nhập, tạo xung lực cho nền kinh tế năng lượng tiên tiến và phát triển xanh của quốc gia.

Thay vì cắt giảm mạnh nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo, tăng nguồn điện than nguy cơ gây ô nhiễm với nhiều hệ lụy, VSEA cho rằng cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh.

Theo tổ chức này, chỉ khi có "lộ trình điện cạnh tranh rõ ràng" với cơ chế, chính sách đồng bộ, thì ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam mới phát triển, đóng góp quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.

Còn đối những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW), VSEA cho rằng cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế.

Theo đó, các phương án thay thế mà tổ chức này đề xuất bao gồm: Điện mặt trời nổi kết hợp với các nhà máy thủy điện hiện có, đẩy mạnh khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời phân tán, phát triển mô hình kết hợp "lợi ích kép - dual use" điện mặt trời, điện gió với nông nghiệp, thủy sản kết hợp thực hiện các chương trình sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng.

Đáng chú ý theo tổ chức này, dù xuyên suốt trong Tờ trình và Dự thảo quy hoạch đều nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu, và định hướng phát triển nguồn điện "giảm điện than, ưu tiên, đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện", "phát triển nguồn điện phân tán", "ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nổi". Tuy nhiên phần cơ cấu và dự kiến phát triển các nguồn điện không phản ánh điều đó.

Căn cứ vào đâu để điều chỉnh?

Trao đổi với Dân trí, PGS-TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý, cho biết, trong bản dự thảo quy hoạch điện 8 được trình hồi tháng 3 năm nay trên cơ sở phân tích 7 kịch bản, nhóm dự thảo đã lựa chọn theo kịch bản 1 - Kịch bản mục tiêu năng lượng tái tạo theo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Theo đó tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện lớn) trong tổng điện năng sản xuất điện toàn quốc sẽ đạt 38% năm 2020, đạt 32% năm 2030 và 43% năm 2050 và cơ cấu công suất nguồn của hệ thống điện Việt Nam giai đoạn 2020 - 2045 là kịch bản cho kết quả hợp lý nhất, ông Bình nhấn mạnh. "Nay điều chỉnh thay đổi nhiều thì căn cứ vào đâu. Phương án điều chỉnh này ưu điểm hơn phương án trước ở những điểm nào?", ông Bình đặt vấn đề.

Về việc tăng tỷ trọng điện than lên, giảm năng lượng tái tạo so với dự thảo trước, vị chuyên gia cho rằng thật khó đưa ra ý kiến đồng ý hay phản đối vì cơ bản cũng có các tính toán thay đổi.

"Ý kiến của tôi là cần tập trung nghiên cứu cả về công nghệ và cơ chế để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái theo đúng nghĩa. Tức là các hộ tiêu thụ tự đầu tư các dự án điện mặt trời trên mái nhà, đầu tư các thiết bị lưu trữ điện năng để tự túc phần lớn nhu cầu điện của riêng họ. Các dự án này sẽ tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo vừa làm giảm áp lực đầu tư lên hệ thống điện", ông Bình nhấn mạnh.

Còn GS. Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội điện lực - cho rằng, xu thế chung là phát triển nguồn điện dựa trên các yếu tố về bảo vệ môi trường, tận dụng tài nguyên thiên nhiên thì ưu tiên năng lượng tái tạo sẽ có ưu điểm, nhưng nếu tính an toàn trong vận hành hệ thống thì điện than lại đảm bảo hơn.

Ông Long nhận xét, gần đây điện mặt trời vào quá nhiều quá nhanh, trong khi điện gió thì phân bố trong ngày đều hơn, ưu điểm hơn. Đặc biệt, xu thế phát triển điện gió ngoài khơi với đặc điểm không chiếm đất, ít tác động lên môi trường cũng là điểm cần được quan tâm.

"Các nhà lập quy hoạch họ căn cứ vào thông tin thị trường, các dự án đầu tư. Nếu có những dự án đầu tư tốt thì quy hoạch ở mức cao hơn, chỉ số không tốt lắm thì nên giảm bớt", ông Long nhận định.

Còn riêng về vấn đề giá, ông Long cho biết nhiệt điện than giá sẽ ngày càng tăng khi chi phí đầu vào là giá than tăng. Trong khi các loại điện năng lượng tái tạo giá sẽ ngày càng giảm.

Lãnh đạo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cũng cho rằng, sự biến động của giá than trong thời gian qua cảnh báo rủi ro rất lớn về hệ lụy kinh tế nếu tiếp tục phát triển điện than.

Cụ thể theo tổ chức này, thực tế giá than 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn có nghĩa là tăng 150%,10 gấp hơn 100 lần so với tốc độ dự báo trong Quy hoạch điện VIII.

"Giá điện than không hề rẻ mà ngược lại đắt nhất và đắt hơn tất cả các loại năng lượng tái tạo đang hưởng giá FIT. Khi sản lượng điện than chiếm gần 50% tổng sản lượng hệ thống điện, với xu thế biến động tăng giá như vừa qua sẽ tạo nên áp lực lớn đối với ngành điện và làm tăng giá điện", Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam nhấn mạnh.

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại