TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » TIỀM NĂNG SẢN XUẤT NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TỪ CHẤT THẢI SINH HOẠT HỮU CƠ

TIỀM NĂNG SẢN XUẤT NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TỪ CHẤT THẢI SINH HOẠT HỮU CƠ

10:55 | 22/04/2023
Mỗi khi nói đến xử lý ô nhiễm môi trường chất thải chăn nuôi người ta đều nghĩ ngay đến công nghệ Biogas. Tuy nhiên, các loại Biogas quy mô nhỏ và vừa, hiện có lâu nay, không đáp ứng được kỳ vọng đó.
Hiện nay, với nước ta, trong nông nghiệp nông thôn đang tồn tại 3 vấn đề lớn, là: (1) Đưa chăn nuôi – Sinh kế quan trọng nhất của nông dân, lên thành ngành chính. (Vấn đề đặt ra từ rất lâu, đã hàng chục năm, đến nay vẫn chưa đạt được. Nhưng, khi nói chăn nuôi, người ta nói đến vấn nạn ô nhiễm môi trường); (2) Ô nhiễm môi sinh môi trường khu vực nông thôn; (3) An ninh Năng lượng cho Nền kinh tế Xanh trong toàn cục phát triển Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn.

Trên quan điểm xem chất thải Chăn nuôi, phế phụ phẩm Nông nghiệp, rác sinh hoạt hữu cơ là tài nguyên/ là nguồn “vốn”, nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất tiếp theo, như Năng lượng tái tạo, phân hữu cơ .v.v... nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng các sinh kế cho nông dân, tạo thành “Vòng Kinh tế khép kín”, không có “chất thải” trong nông nghiệp nông thôn, với 3 trụ cột chính là VAC. (Hình 1)

Mỗi khi nói đến xử lý ô nhiễm môi trường chất thải chăn nuôi người ta đều nghĩ ngay đến công nghệ Biogas. Tuy nhiên, các loại Biogas quy mô nhỏ và vừa, hiện có lâu nay, không đáp ứng được kỳ vọng đó. Vì tất cả các loại Biogas quy mô nhỏ và vừa có mặt ở Việt Nam và trên thế giới, đều hoạt động theo nguyên lý hố xí tự hoại, có cửa xả đặt khoảng giữa (1/2) chiều cao bể phân hủy, nên đều có những nhược điểm, hệ lụy giống nhau, như không chịu đựng được quá tái; đẩy phân bán hoai và phân tươi ra ngoài gây tái ô nhiễm môi trường thứ cấp nghiêm trọng; mất đi nguồn phân hữu cơ (nông dân không có tập quán dùng phân nước bón ruộng) .v.v...

Để tháo gỡ nút thắt trên, việc nghiên cứu phát triển công nghệ Biogas mới thay thế, phải được xem như “chìa khóa Vàng” vạn năng, khắc phục các nhược điểm và hệ lụy của các mẫu hầm Biogas hiện có; nếu không có nó thì vòng xoáy luẩn quẩn về xử lý chất thải chăn nuôi vẫn tồn tại như bấy lâu nay.

Trong khi hàng năm, tổng đàn vật nuôi Việt Nam mỗi ngày một phát triển, thải vào môi trường khoảng bảy tám chục triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và vài ba mươi triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại). Trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20-24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và sẽ phát thải vào không khí khoảng mười bảy, mười tám triệu tấn CO2.

Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/10/2018, Nghệ An, tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nhì cả nước có tổng đàn trâu 275.654 con, tổng đàn bò 470.389 con, trong đó bò sữa 63.130 con. Tổng đàn lợn đạt 912.475 con. Tổng đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đạt 23.167 nghìn con. Quy mô chăn nuôi nông hộ chủ yếu nhỏ và vừa.

Với tổng đàn trên, hàng năm, ngành chăn nuôi Nghệ An thải ra môi trường khoảng 6.157.425,47 tấn chất thải rắn và 4.044.938,90 tấn chất thải lỏng (nước tiểu).

Bên cạnh đó, dân số Nghệ An có 3.104.270 người, trong đó có khoảng 70 % dân số sống ở nông thôn. Nếu mỗi người dân thành phố, hàng ngày thải ra khoảng 0,53 kg rác thải và mỗi người dân nông thôn thải 0,3 kg rác thải. Hàng năm, dân số toàn tỉnh thải ra 931,30 tấn phân, 2.017,78 tấn nước tiểu và 418.098,60 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, có 250.859,16 Tấn rác thải hữu cơ. Với lượng chất thải trên, nếu không được xử lý tốt sẽ thải vào mổi trường 2.408.967,52 tấn CO2. Đây là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường không hề nhỏ. (Bảng 1)

Để thực hiện chuỗi sản xuất không có phế thải thì công nghệ Biogas Vị Nông (Sáng chế độc quyền số 0020468) là “chìa khóa Vàng vạn năng” cho phép xử lý có hiệu quả chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp quy mô nông hộ, cho ta 02 sản phẩm có giá trị là Biogas và phân hữu cơ chất lượng cao, chính nó, là nguyên liệu đầu vào cho chuỗi sản xuất Carbon thấp tiếp theo. Công nghệ Biogas Vị Nông, “chìa khóa Vàng” vạn năng cho phép biến chất thải hữu cơ thành tài nguyên, được tái chế và sử dụng mãi mãi. (Hình 2)

Công nghệ Biogas Vị Nông hoạt động theo nguyên lý hoàn lưu đã được xây dựng đưa vào hoạt động, mô hình lâu nhất đã gần 10 năm, mô hình mới nhất cũng đã trên ba bốn tháng nay, tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã chứng minh được điều đó.

Mô hình Biogas Vị Nông của ông Lê Hồ Cát, tại xã Cát Văn (Thanh Chương) có dung tích 12 mét khối, tích hợp luôn hố xí tự hoại hợp vệ sinh, hoạt động gần 10 năm nay, xử lý toàn bộ chất thải chăn nuôi cho 1 con trâu, 1 con bò, trên 15 con heo và rác thải sinh hoạt hữu cơ cũng như phế phụ phẩm nông nghiệp. Gia đình ông gần 10 năm nay không phải đun củi, không phải mua gas bình, có thừa gas đun nóng lạnh để tắm; phân hữu cơ ngoài bón ruộng còn có thừa để bán, một xe bò 100.000 đồng. Mấy năm trước, ông còn lấy bã mùn thải của hầm Biogas Vị Nông nuôi giun quế để nuôi lươn và làm thức ăn bổ sung cho gà vịt.

Anh Lê Giang Nam con trai ông ra ở riêng, cũng làm hầm Biogas Vị Nông 7 mét khối, để xử lý chất thải cho 2 con bò, 4 – 5 con heo và gần trăm con gà, đồng thời nhà anh có luôn một hố xí tự hoại tiện nghi và hiện đại; gas khi nào cũng thừa để đun nấu. Anh còn thừa phân chuồng để làm ruộng và bán 15.000 đồng/ xe rùa.

Gia đình ông Giản Viết Trung, làm hầm Biogas Vị Nông 7m3. Ông có luôn một hố xí tự hoại tiện nghi hợp vệ sinh. Ông nuôi 3 con trâu, 4 - 5 con heo. Gia đình ông không phải đun củi, không phải mua gas bình. Ông tính, Gas hầm nầy đun nấu thoải mái, không phải tính toán gì cả. Với cách đun nấu thoải mái như vậy, mỗi tháng như gia đình ông, tiết kiệm được gần bình gas, còn tiết kiệm thêm được 100.000 đg tiền điện do không phải nấu nước sôi. Như vậy, một năm tiết kiệm được khoảng trên 4,5 - 4,6 triệu đồng/ năm; Chỉ cần 4 – 5 năm, thu hồi đủ toàn bộ vốn đầu tư làm hầm Biogas. Ông cho biết, khoảng 18 – 20 năm về sau là lãi ròng, tính cả cũng lãi cỡ 90 – 95 triệu đồng. Đó là chưa tính tiền tiết kiệm do mua phân bón các loại. Ông Trung nói, nhà tui cứ bứt một gánh cỏ cho trâu, là có một gánh củi và có luôn một gánh phân; rác rến gì cũng cho vào hầm Biogas được, môi sinh môi trường luôn sạch sẽ vệ sinh .v.v…. Nhiều người đến xem Biogas của ông, họ thấy rất có lợi, đều thích và muốn làm. Nhiều hộ đã làm hố xí tự hoại rồi đều tỏ ra tiếc rẻ. Hộ lỡ làm hầm Compusite, hoặc KT thì đều đã thấy “ớn” với nhược điểm của các mẫu hầm cũ. Họ nói, khi có điều kiện sẽ đập bỏ, để làm Biogas Vị Nông có lợi nhiều hơn.

Với lượng chất thải hữu cơ trong khu vực nông thôn tại Nghệ An (Bảng 1), nếu được quản trị và xử lý tốt bằng chìa khóa Biogas Vị Nông nói trên, sẽ cho khoảng  434.259.668,30 mét khối năng lượng tái tạo Biogas, (tương đương 434.259.668,30 KW/giờ điện, hoặc 173.703.867,32 lít dầu), khoảng 5.177.039,30 Tấn phân hữu cơ và góp phần giảm phát thải 434.259,67 tấn khí CO2 vào bầu khí quyển. (Bảng 2).

Như vậy, nếu trên 8 trệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa trong cả nước, được khuyến khích và  hỗ trợ làm Biogas Vị Nông sẽ tạo ra lượng năng lượng tái tạo (NLTT) vô cùng lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần bảo vệ môi sinh môi trường trong khu vực nông nghiệp, nông thôn luôn trong lành, xanh sạch đẹp.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hàng năm, tổng đàn vật nuôi Việt Nam thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25-30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại). Trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20-24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2. Quy đổi, với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2.

Với lượng chất thải chăn nuôi đó, nếu được xử lý qua Công nghệ Biogas hoạt động theo nguyên lý hoàn lưu, sẽ cho 2.190 triệu mét khối khí Biogas, (tương đương 1.335,9 triệu lít khí thiên nhiên, hoặc  1.598,7 triệu lít xăng, hoặc 13.578,0 triệu KW/h điện, hoặc 2.409,0 triệu lít cồn); và khoảng trên 60 triệu tấn phân hữu cơ chất lượng cao (trị giá khoảng 90.000 tỷ đồng) phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp Xanh.

Có một điều rằng, để tạo ra được 13.578,0 triệu KW/h điện nói trên, bằng nhiệt điện than, chúng ta phải đầu tư rất nhiều tiền từ ngân sách nhà nước, sau đó phải chi phí xử lý hàng triệu tấn tro bay, và sự ô nhiễm môi trường kéo dài hàng thập niên với sự tốn kém không hề nhỏ.

Nhưng, để xây dựng các hệ thống Biogas Vị Nông quy mô nông hộ với nguồn kinh phí bằng phát huy nội lực của nhân dân là chủ yếu, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhỏ. Tại điểm 3, Điều 3 quyết định số 50/2014/QĐ.TTg, ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, quy định hỗ trợ một lần đến 50% giá trị công trình khí sinh học (Biogas) xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/1 công trình. Như vậy đã là quá tốt. Thậm chí, rất nhiều nông dân đều bày tỏ, mong được nhà nước hỗ trợ như trên thì càng tốt. Nếu không, chỉ cần được nhà nước cho vay ưu đãi không lãi, hoặc lãi suất thấp, với kỳ hạn 5 năm trả hết lãi lẫn gốc là tốt rồi. Năm năm là thời gian thu hồi vốn xây dựng của công trình Biogas Vị Nông kết hợp hố xí tự hoại.

Đấy là những con số rất ý nghĩa, mà tất thảy chúng ta, nhất là các nhà hoạch định chính sách cần phải quan tâm suy nghĩ vì một công được đôi ba việc: cho an ninh năng lượng, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng các sinh kế cho nông dân và môi trường Xanh cho khu vực Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn. Một vấn đề lâu nay còn bỏ ngỏ.

Ngày 11/ 2. 2020, Bộ Chinh Trị đã có Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2945, khẳng định “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng .v.v…”

Đã có Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, hy vọng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới sẽ được quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển./

Nguồn: Greenid

 

Tin cùng loại