TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Tình hình chung trong nước và Quốc tế về việc sử dụng Amiang. Các vấn đề thuận lợi và khó khăn trong việc vận động ngừng sử dụng Amiang trắng (kì 2)

Tình hình chung trong nước và Quốc tế về việc sử dụng Amiang. Các vấn đề thuận lợi và khó khăn trong việc vận động ngừng sử dụng Amiang trắng (kì 2)

08:56 | 23/04/2023

III. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG AMIANG Ở VIỆT NAM

Năm 2017, cả nước còn khoảng gần 30 nhà máy sản xuất tấm lợp phibrocement sản xuất 55,8 triệu m2/năm, sụt giảm 34% so với năm 2016. Khoảng 15% amiang nhập khẩu được sử dụng trong công nghiệp phân lân nung chảy, SX má phanh(trước đây có trong đóng tàu, SX nồi hơi,..).

Người NLĐ có nguy cơ cao là người tiếp xúc trực tiếp và lâu năm với amiang. Theo thống kê trong Hồ sơ quốc gia về amiang năm 2012, tổng số NLĐ trực tiếp trong các dây chuyền sản xuất: tấm lợp AC, má phanh, phân lân nung chảy, đóng tàu Bạch Đằng là những người có nguy cơ cao, đặc biệt những người có tuổi nghề từ 16 năm trở lên, chiếm tới >12%. Lấy 2 công ty có thời gian sản xuất tương đối dài trong ngành tấm lợp là: công ty CP tấm lợp-VLXD Đồng Nai: hơn 50 năm ( thành lập năm 1963, hiện đã ngừng sản xuất tấm lợp AC) và Công ty CP đầu tư xây lắp và VLXD Đông Anh- Hà Nội: gần 40 năm (thành lập năm 1980) tỷ lệ NLĐ tiếp xúc với amiang có tuổi nghề từ 16 năm trở lên chiếm trên 48.1%; Đây là nhóm phải đặc biệt chú ý vì khả năng mắc bệnh của nhóm này sẽ khá lớn do số năm tiếp xúc đủ để có thể mắc các bệnh liên quan đến amiang (tức là trên 20 năm).

Do nhiều lý do, như không có hồ sơ theo dõi người đã tiếp xúc với amiang, do thiếu năng lực khám, chẩn đoán hoặc phát hiện bệnh,... nên mặc dù bệnh bụi phổi amiang đã được đưa vào danh sách bệnh nghề nghiệp được nhà nước bồi thường từ năm 1976, cho đến nay mới có 5 trường hợp được công nhận là bệnh bụi phổi amiang và được bồi thường.

  1. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG VIỆC VẬN ĐỘNG NGỪNG SỬ DỤNG AMIANG TRẮNG Ở VIỆT NAM

4.1.   Những  thuận lợi

  1. Đã có  ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Bộ Xây dựng ngày 16/1/2018 về vấn đề dừng sử dụng amiang trắng ở Việt Nam.
  2. Bộ Xây dựng đã dự thảo Quyết định phê duyệt đề án "Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023", đã có 2 bộ thống nhất là Bộ Kế hoạch đầu tư và bộ Y  tế và đã có 2 DN chuyển đổi.
  3. Tác hại của amiang tới sức khoẻ, bệnh tật của NLĐ ở các nước đã từng sử dụng amiang; tỷ lệ chết người do UTBM ngày càng gia tăng là kinh nghiệm đau xót đáng để chúng ta phải lưu tâm;
  1. Tính khả thi của công nghệ và thiết bị sản xuất tấm lợp không-amiang trong

nước. Dây chuyền sản xuất thực tế đã được triển khai, sản phẩm tấm lợp không-amiang của Việt Nam đã được các nước tiên tiến trong khu vực là Nhật Bản và Hàn quốc chấp nhận cho nên hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn hàng hoá chất lượng của Việt Nam. Sản xuất loạt nhỏ, lượng ít mà giá thành chỉ cao hơn tấm lợp AC khoảng 10- 15%. Nếu sản xuất đại trà thì giá thành sản phẩm còn thấp hơn nữa.

  1. Việc chuyển đổi công nghệ hoàn toàn có thể thực hiện được do Viện công

nghệ (Bộ Công Thương) đã làm chủ được tất cả các khâu: thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành, đảm bảo triển khai trên quy mô toàn quốc.

  1. Có các lựa chọn loại vật liệu lợp khác: (i) ngói, tấm lợp nhựa, kim loại… có độ bền và tính mỹ thuật cao trong kiến trúc của nhà Việt Nam; (ii) Đối với vật liệu cách nhiệt sẽ dần thay thế amiang bằng bông gốm, bông thuỷ tinh. Hiện nay đã có nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam thực hiện theo hướng này như đóng tầu thuỷ, nồi hơi. (iii) Đối với các sản phẩm khác như: gioăng, đệm cho ống nối các đường ống dẫn, các thiết bị, xe cơ giới…chúng ta không sản xuất được, phải nhập hoàn toàn cũng sẽ giảm dần và nhập các sản phẩm không chứa amiang. Điều đó không ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của NLĐ.
  1. Hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng nhà xưởng, các nhà cao tầng đều sử dụng tôn kẽm hoặc tôn mạ màu (chủ yếu là loại tôn dạng sóng vuông và sóng ngói) để lợp mái và tường bao che do đảm bảo độ bền cho sử dụng lâu dài (chống thấm, chống nóng), dễ sử dụng trong quá trình lắp đặt, thay thế và đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình. Việt Nam có khoảng gần 30 nhà máy sản xuất tôn mạ kẽm, mạ màu với tổng công suất xấp xỉ 900 nghìn tấn.
  1. Xu hướng các nước sử dụng amiang trên thế giới ngày càng giảm, phong trào cấm amiang ngày càng tăng. Hiện chỉ còn 7 nước ủng hộ việc sử dụng amiang.
  1. Kinh tế Việt Nam phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao, tấm lợp AC sẽ không phải là lựa chọn thông minh;
  2. Sự hội nhập quốc tế, trách nhiệm xoá bỏ hàng rào thuế quan vào 2015, linh hoạt tới 2019 nhiều sản phẩm không-amiang sẽ được nhập vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh.

4.2. Những khó khăn

  1. Suốt từ năm 2001, cho đến nay, khi chính phủ ra quyết định 115/2001/QĐ-TTg, Hiệp hội tấm lợp VN(HTLVN) đã liên tục có các văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ, Ngành nhằm thuyết phục việc tiếp tục duy trì sử dụng amiang chrysotile, luôn luôn ủng hộ quan điểm của Hiệp hội amiang quốc tế, ICA; Các ý kiến phản đối luôn dựa vào các số liệu khảo sát của Việt Nam cho rằng sử dụng amiang chrysotile không nguy hiểm vì cho đến nay vẫn chỉ phát hiện ra 5 trường hợp bị bệnh phổi amiang. Thực chất, vấn đề ở đây phức tạp hơn nhiều. Việc cho đến nay chỉ phát hiện có 5 trường hợp bị bệnh phổi amiang có thể do những nguyên nhân sau:

- Việc giám sát sức khoẻ cho NLĐ chưa liên tục. NLĐ khi chuyển công việc sẽ không được theo dõi về tiền sử tiếp xúc với amiang; Khi nghỉ hưu, NLĐ ít được quan tâm về bệnh amiang;

- Không có các trung tâm đăng ký NLĐ tiếp xúc với amiang nên không thể theo dõi được lịch sử tiếp xúc;

- Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có tuổi đời trẻ, dưới 20 năm, trong khi thời gian ủ bệnh của bệnh amiang lại từ 20 năm trở lên; NLĐ tại các cơ sở sản xuất nhỏ chủ yếu là lao động thời vụ nên ít có điều kiện kiểm tra sức khoẻ;

- Kinh nghiệm chẩn đoán, phát hiện bệnh amiang còn ít, nguồn lực kém trong khi đó bệnh amiang khá phức tạp, không dễ phát hiện;

- Các nghiên cứu dịch tễ học của Việt Nam còn chưa sâu;

  1. Nhiều doanh nghiệp sản xuất tấm lợp AC không tích cực ủng hộ việc cấm amiang, có thể vì:

- Chính phủ cũng chưa có lộ trình cấm amiang;

- Chuyển đổi sẽ tốn kém tiền bạc vì phải đầu tư thêm trang thiết bị;

- Thị trường, đặc biệt vùng sâu, vùng xa chưa sẵn sàng đón nhận sản phẩm không-amiang vì đắt hơn;

  1. Nền kinh tế trong nước đang khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Việc giảm thuế hoặc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không-amiang có lẽ chưa phải ưu tiên hàng đầu của chính phủ;
  1. Vận động hành lang của ICA, các nước xuất khẩu amiang rất mạnh mẽ để thuyết phục các nước nhập khẩu, tiêu thụ amiang;
  2. Các Bộ, Ngành và một số tổ chức chính trị xã hội chưa thực sự kiên quyết vào cuộc;
  1. Công tác tuyên truyền về tác hại của amiang cũng chưa hiệu quả, chưa thuyết phục, ít tạo được sự quan tâm nhiều của cộng đồng.
  1. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ

Những tác hại của việc sử dụng amiang trắng đã rõ. Để lộ trình cấm sử dụng amiang ở Việt Nam khả thi, chúng tôi thiết nghĩ, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng phải có các hành động sau:

5.1. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

- Có chính sách ưu đãi về thuế trong lộ trình để nhập các nguyên liệu sản xuất tấm lợp không-amiang và giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không-amiang cho đến khi cấm hoàn toàn để khuyến khích họ áp dụng công nghệ sản xuất tấm lợp không-amiang;

- Nâng thuế nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát và giám sát các cơ sở sản xuất tấm lợp về môi trường lao động và sức khoẻ NLĐ;

- Tăng cường công tác tuyên truyền để cộng đồng nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về amiang, các biện pháp phòng ngừa các bệnh liên quan đến amiang.

5.2. Đối với các cơ quan nghiên cứu, đứng đầu là Viện công nghệ (Bộ Công Thương)

- Tiếp tục cải tiến công nghệ, thiết bị để giảm giá thành thiết bị, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm không-amiang;

- Tư vấn trong công tác thiết kế, chế tạo, lắp đặt để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghệ và dây chuyền với quy mô toàn quốc;

- Tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm ximăng-sợi khác ngoài sợi PVA;

5.3. Đối với Hiệp hội tấm lợp Việt Nam

- Động viên, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ không-amiang; có định hướng cho doanh nghiệp về sản xuất vật liệu không-amiang;

- Hỗ trợ thông tin, tăng cường móc nối doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu để nhanh chóng chuyển đổi công nghệ;

- Tổ chức các đợt tham quan cho đại diện doanh nghiệp đến các cơ sở sản xuất tấm lợp không-amiang để học hỏi và rút kinh nghiệm.

5.4. Đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu có chứa amiang

-Tích cực chuyển đổi dần công nghệ sản xuất sang không sử dụng amiang trong tấm lợp; giảm dần việc sản xuất tấm lợp có amiang

- Chủ động tiếp cận với các cơ quan nghiên cứu dây chuyền sản xuất không-amiang để có kế hoạch vốn và đầu tư chuyển đổi;

- Tích cực tham dự các triển lãm quốc tế và trong nước để tiếp cận với các tiến bộ mới trong sản xuất vật liệu thay thế amiang;

- Có các đề án trình chính phủ xin trợ cấp về vốn, ưu đãi thuế trong chuyển đổi sản xuất vật liệu thay thế amiang.

5.5. Đối với cộng đồng

Nâng cao hiểu biết về amiang và bệnh amiang, có biện pháp phòng ngừa;

Nguồn: internet

Tin cùng loại