TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Tổng hợp thông tin về tình hình sử dụng amiăng và ung thư tại Nhật Bản & Hàn Quốc

Tổng hợp thông tin về tình hình sử dụng amiăng và ung thư tại Nhật Bản & Hàn Quốc

16:19 | 22/04/2023
Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 trong số những quốc gia có nhiều người lao động phải hứng chịu những gánh nặng bệnh tật do amiăng xanh và nâu gây nên. Chính vì vậy chính phủ các nước đã đưa ra những điều luật nhằm cấm việc sử dụng tất cả các loại amiăng bao gồm cả amiăng trắng.

TẠI NHẬT BẢN

  1. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG

Amiăng bắt đầu được nhập khẩu vào Nhật Bản từ những năm 1880 với nhà máy đầu tiên được thành lập vào năm 1886 tại Osaka để sản xuất các sản phẩm cách nhiệt. Sau đó, amiăng được sử dụng để sản xuất tất chân Nhật Bản, vải, đóng tàu, lắp đặt cơ sở quân đội, nồi hơi, phanh tàu hoả.

Hình 1. Số lượng amiăng nhập khẩu vào Nhật Bản qua các thời kỳ (Kenji et al). 

Trong Thế chiến thứ II, do không thể nhập khẩu amiăng trắng từ nước ngoài, quân đội Nhật Bản tập trung việc tìm kiếm các mỏ amiăng trong nước để sử dụng. Amiăng Anthophyllite (một loại amiăng thuộc nhóm amphibole) đã được khai thác và sử dụng cho đến năm 1972. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, ngành công nghiệp phát triển tại nước này khiến amiăng trở thành vật liệu cần thiết cho ngành năng lượng, đóng tàu, và các công nghiệp hoá chất. Bộ lọc amiăng cũng được sử dụng trong điện phân của các ngành công nghiệp hoá chất và đặc biệt là ngành sản xuất amoni sulfat. Năm 1960, 77.056 tấn amiăng được nhập khẩu vào Nhật Bản, con số này đã tăng 4,6 lần vào năm 1974 với 352.316 tấn.

Từ năm 1996, amiăng nâu và xanh đã bị cấm sử dụng tại Nhật Bản, tuy nhiên, con người vẫn bị phơi nhiễm với hai loại amiăng này đặc biệt là trong quá trình phá dỡ và sửa chữa các toà nhà. Đến năm 2005, amiăng trắng cũng bị cấm sử dụng ở nước này.

  • CÁCH THỨC SỬ DỤNG 

Trước năm 1975, một số lượng lớn amiăng bao gồm amiăng nâu và xanh được sử dụng dưới dạng xịt trực tiếp lên trần, tường và các khung sắt kết cấu trong các toà nhà. Chỉ tính riêng giai đoạn 1971-1974, có đến 62 nghìn tấn amiăng được sử dụng dưới hình thức phun xịt. Phần lớn amiăng xanh được dùng cho việc phun xịt trực tiếp, trong đó amiăng nâu và amiăng trắng được sử dụng trong sản xuất tấm lợp và ống nước.

Bên cạnh đó, điều kiện làm việc tại các nhà máy còn lạc hậu khiến cho nồng độ amiăng trong không khí cao. Năm 1957, nồng độ bụi amiăng đo được tại 4 nhà máy tại quận Senna trong qua trình nghiền lên tới 1.000 sợi/cc. Đến năm 1972, Bộ Lao động nước này mới bắt đầu đưa ra các điều luật để cải thiện môi trường làm việc là kiểm soát mức độ phơi nhiễm amiăng trong không khí xuống dưới 2 sợi/cc. Số liệu thu được tại hầu hết các nhà máy dệt may sử dụng sợi amiăng cho thấy nồng độ dưới 3 sợi/cc trong khoảng năm 1975 – 1978. Nhưng tại các nhà máy dệt amiăng quy mô nhỏ, nồng độ vẫn vượt quá 50 sợi/cc tại khâu phối trộn.

  • GÁNH NẶNG BỆNH TẬT DO AMIANG TẠI NHẬT BẢN

Ung thư phổi 

Năm 1960, trường hợp ung thư phổi liên quan đến amiăng đầu tiên được ghi nhận tại Nhật Bản tại một công nhân làm việc tại nhà máy vải sợi amiăng tại Osaka. Sau đó, nghiên cứu của Sera và các đồng nghiệp đã ghi nhận 10 trường hợp bệnh nhân ung thư phổi làm việc tại các nhà máy sản xuất vải sợi amiăng tại Osaka. Từ năm 1980s, nhiều nghiên cứu đã báo cáo các trường hợp ung thư phổi ở công nhân ngành đóng tàu.

Ung thư trung biểu mô

Trường hợp ung thư trung biểu mô đầu tiên được ghi nhận tại Nhật Bản vào năm 1973 tại một công nhân làm việc trong ngành sản xuất vật liệu cách nhiệt. Tính đến năm 2008, có 6.030 ca tử vong do bệnh ung thư trung biểu mô ác tính tại nước này.

Morinaga và cộng sự đã kiểm tra hàm lượng sợi amiăng trong phổi của 23 trường hợp mắc u trung biểu mô ác tính được xem xét bởi Hội đồng ung thư trung biểu mô của Osaka. Trong 19 trường hợp, sợi amiăng đã được tìm thấy bằng cách sử dụng đánh giá bán định lượng bằng kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM). Sợi amphibole được phát hiện trong 13 trường hợp mắc u trung biểu mô, nhưng trong 6 trường hợp chỉ tìm thấy amiăng trắng.

Murai và cộng sự đếm các sợi amiăng trong phổi của 27 trường hợp u trung biểu mô ác tính (23 màng phổi, 4 màng bụng) và ước tính mức độ phơi nhiễm cao trong 12 trường hợp (44,4%), mức độ phơi nhiễm trung bình trong 02 trường hợp (7,4%) và mức độ thấp trong 13 trường hợp (48,2%). Loại và kích thước của sợi amiăng trong phổi của 12 mức phơi nhiễm cao đã được phân tích bằng SEM. Amiăng nâu được tìm thấy chủ yếu ở 11 trường hợp u trung biểu mô màng phổi và amiăng xanh được tìm thấy trong 01 trường hợp u trung biểu mô màng bụng.

Sakai và cộng sự kiểm tra sợi amiăng và sợi không amiăng trong phổi của 16 người bị u trung biểu mô màng phổi ác tính (12 nam, 4 nữ) và 16 bệnh không liên quan đến amiăng. Những trường hợp này được chẩn đoán từ năm 1983 đến 1990. Trong số 16 bệnh nhân, 13 người sống ở quận Aichi. Trong cả hai trường hợp và đối chứng, amiăng chrysotile và amphibole đã được tìm thấy, nhưng lượng amiăng và sợi không amiăng như silicat nhôm được tìm thấy đáng kể trong các trường hợp hơn là đối chứng.

Kishizuchi và cộng sự phân tích các sợi amiăng được tìm thấy trong mô phổi của 18 trường hợp mắc bệnh u trung biểu mô cùng 16 trường hợp mảng màng phổi. Sợi amiăng xanh được tìm thấy trong tất cả các trường hợp u trung biểu mô và 15 trường hợp mảng màng phổi. Số lượng các sợi amiăng tại các trường hợp u trung biểu mô nhiều hơn tại các trường hợp mảng màng phổi, độ dài sợi không có sự khác biệt giữa hai nhóm.

  • CÚ SHOCK “KUBOTA” 

Cú shock “Kubota” là cụm từ được truyền thông Nhật Bản gọi tên sự kiện nhiều công nhân từng làm việc tại các nhà máy thuộc tập đoàn Kubota tại Nhật Bản tử vong do các bệnh liên quan đến amiăng, tính đến tháng 6 năm 2005, đã có 79 công nhân từng làm việc tại tập đoàn này tử vong.

Bên cạnh các công nhân của nhà máy, có báo cáo rằng một số người dân sống gần nhà máy sản xuất của tập đoàn này tử vong do các bệnh có liên quan đến amiăng. Đáp lại điều này, đại diện Kubota cho biết họ sẽ làm việc chặt chẽ với các nhóm hỗ trợ nhằm xác định liệu thời gian những nạn nhân tử vong sống gần nhà máy có trùng khớp với giai đoạn nhà máy này sử dụng amiăng xanh hay không, nếu những nạn nhân thoả mãn điều kiện này, họ sẽ nhận được đền bù từ Kubota.

Theo đại diện của tập đoàn Kubota, trong giai đoạn 1954 – 1975, amiăng xanh được dùng một cách phổ biến tại nhà máy Amagasaki của tập đoàn này với số lượng từ 540 đến 7.669 tấn mỗi năm.

TẠI HÀN QUỐC

  1. QUÁ KHỨ SỬ DỤNG AMIĂNG CỦA HÀN QUỐC

Việc khai thác amiăng tại Hàn Quốc bắt đầu vào những năm 30 của thế kỷ trước, kéo dài cho đến Thế Chiến thứ 2. Vào thập niên 60, ngành công nghiệp sử dụng amiăng xi-măng phát triển mạnh tại quốc gia này. Tuy nhiên, đến giữa những năm 80, ngành công nghiệp khai thác amiăng bị dừng do không thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu có giá thấp hơn. Ứng dụng của amiăng tại Hàn Quốc tăng mạnh theo sự phát triển của kinh tế quốc gia này vào thập niên 70. Amiăng được sử dụng trong nhiều ngành nghề như ngành điện, đóng tàu, công nghiệp hoá chất nặng và công nghiệp năng lượng. Trong đó, amiăng được sử dụng nhiều nhất cho ngành tấm lợp.

Năm 1997, một số loại amiăng, gồm crocidolite và amosite, đã bị cấm khiến việc nhập khẩu amiăng giảm mạnh. Đến năm 2019, tất cả các loại amiăng và những vật liệu có amiăng bị cấm tại Hàn Quốc.

 Ông Jeong Ji-yeol - người đại diện cho cư dân ở Hongseong, chỉ vào nơi mỏ amiăng đã đóng cửa ở tỉnh Nam Chungcheong
Hình 2: Ông Jeong Ji-yeol – người đại diện cho cư dân ở Hongseong, chỉ vào nơi mỏ amiăng đã đóng cửa ở tỉnh Nam Chungcheong
  • NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC AMIĂNG TẠI HÀN QUỐC 

Trong thời gian bị Nhật Bản thống trị, ngành công nghiệp khai thác Amiăng của Hàn Quốc phát triển mạnh vào những năm 1930 và hầu hết nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật.Amiăng trong giai đoạn này được xuất khẩu sang Nhật bản qua đường Thuỷ. Hàn Quốc có tổng cộng 42 mỏ amiăng và có 199 nhà máy sử dụng loại sợi này. Hai mỏ amiăng lớn nhất của Hàn Quốc là mỏ Gwangcheon nằm tại Hongseong-gun Gwangcheon-eup Sangjung-ri và mỏ Hongseong nằm tại Hongseong-gun Guhang-myeon Cheonggwang-ri.

Các mỏ amiăng của Hàn Quốc hầu hết là mỏ Tremolite.Đây là loại amiăng màu được nghiên cứu khoa học xác định có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người nhiều gấp 100 lần so với amiăng trắng. Sau nhiều năm khai thác cho mục đích thương mại, đến nay các mỏ Tremolite tại Hàn Quốc đều đã bị bỏ hoang một thời gian dài. Tuy nhiên, các mẫu amiăng Tremolite vẫn được tìm thấy ở những khu vực đông dân cư, sống gần mỏ amiăng tại Khu Susan, thành phố Jecheon, tỉnh Chung-Cheong Buk. Loại sợi này được tìm thấy ở đất nông nghiệp và sân trường học.

Hình 3: Bản đồ các khu mỏ và nhà máy khai thác Amiăng

  • QUY ĐỊNH VỀ AMIĂNG TẠI HÀN QUỐC 

Các quy định về amiăng tại Hàn Quốc chỉ bắt đầu có khi Luật An toàn và Sức khoẻ Công nghiệp có hiệu lực vào năm 1981. Trước đó, không có một quy định cụ thể nào. Tuy nhiên, dù đạo luật này đã yêu cầu chi tiết những công ty sản xuất sản phẩm có chứa amiăng phải có đăng ký và được chính phủ cho phép, hầu như không có hoạt động đo nồng độ amiăng phát tán vào không khí nào. Cho đến năm 1987 khi tiêu chuẩn về đo lường môi trường lao động được ra đời thì vấn đề này mới được quan tâm. Vào năm 1986, giới hạn nồng độ amiăng trong không khí ở nơi làm việc là 2 sợi/cc, và sao đó giảm xuống 0.1 sợi/cc vào năm 2003. Trên thực tế, nồng độ amiăng tại nơi làm việc vào năm 1987 cao hơn rất nhiềus so với tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là với ngành dệt may.Sau đó, đến thập niên 90, do việc đo lường được thực hiện thường xuyên, nồng độ trung bình đã giảm xuống dưới 1 sợi/cc.

Đến năm 1997, amiăng Crocidolite và Amosite mới chính thức bị cấm. Các dạng amiăng khác là tremolite, anthophyllite, và actinolite bị cấm vào năm 2003.

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại