TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Vươn khơi vớt… rác

Vươn khơi vớt… rác

16:17 | 23/04/2023
Chàng trai xứ Huế Trương Văn Cường ra khơi không chỉ đánh bắt cá, mà còn để… vớt rác và nuôi ý định gom rác thải nhựa đại dương về làm thuyền chống lụt cho bà con.
Bởi hơn 2 năm trước, trong những chuyến vươn khơi đánh bắt, Cường chứng kiến lượng rác thải xả ra biển khá lớn, trong đó có nhiều loại vỏ chai nhựa, lon bia… Trong đầu người thanh niên đã nảy ra ý tưởng thu gom chúng lại để vừa bảo vệ biển vừa có thể bán gây quỹ từ thiện cho trẻ em nghèo.

Nói là làm. Hành trình đi biển của Cường không chỉ có ngư cụ, những thứ thiết yếu phục vụ cho đánh bắt và bảo quản hải sản mà còn kèm thêm một số bao để đựng rác. Những chuyến cất lưới khiến anh khá lo lắng băn khoăn bởi cứ buông lưới xuống, cất lưới lên là có phân nửa rác thải đi cùng cá tôm. Những bao tải rác được Cường mang vào bờ, phân loại, rác không tái chế được thì mang đổ đúng nơi quy định, rác tái chế được (cơ bản là rác nhựa), anh gom góp mang bán lấy tiền gây quỹ.

 

Theo anh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng trên biển Thuận An nói riêng và Thừa Thiên - Huế nói chung vẫn là do ý thức của người dân ven bờ, đặc biệt là ngư dân làm nghề đánh bắt trên biển. Vì vậy, thông qua việc thu gom rác gây quỹ từ thiện, Cường muốn tuyên truyền cho người dân hiểu rằng chỉ cần mỗi người thiếu ý thức một chút thì lượng rác cộng lại xả trên biển sẽ thành nhiều. Anh cũng muốn chuyển tới bà con lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế thông qua việc thu gom, phân loại và tái sử dụng, tái chế đồ nhựa.

Sống gần biển, anh thấu hiểu nỗi khổ của những người dân mỗi khi mùa bão lụt về. Bốn bề là nước, trong khi một số người dân nghèo còn thiếu cái ăn cái mặc thì lấy đâu ra thuyền bè mà di chuyển, vậy nên họ chỉ biết trông chờ lực lượng cứu hộ đến ứng cứu, tiếp tế đồ ăn. Lòng anh luôn thôi thúc phải làm những con thuyền  tận dụng từ phế liệu nhựa để góp phần cải thiện tình cảnh này.

Hiện bản thiết kế mô hình thuyền chống lụt và kế hoạch đã sẵn sàng, chỉ còn chờ đủ số lượng cần thu gom để chuẩn bị cho sản phẩm đầu tiên. Theo dự kiến, một chiếc thuyền chống lụt khi đưa vào sử dụng có thể chở được tối đa 3 tạ, gồm hàng hóa và người. Người dân có thể yên tâm đi lại và vận chuyển vật dụng một cách dễ dàng khi nước dâng cao.

Về Thuận An hỏi tên Cường ai ai cũng biết bởi những việc làm có trách nhiệm với môi trường và tấm lòng thiện nguyện của anh với bà con.

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại