TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » Giáo Hoàng Pius XII và nạn diệt chủng Do Thái

Giáo Hoàng Pius XII và nạn diệt chủng Do Thái

13:47 | 25/04/2023

Vai trò của Vatican trong khoảng thời gian diễn ra nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) vẫn gây nhiều tranh cãi. Các lập luận tập trung vào cáo buộc rằng Giáo Hoàng Pius XII đã không lên tiếng bảo vệ những nạn nhân của Holocaust và chính thức lên án chủ nghĩa Quốc xã.

Những người ủng hộ Đức Giáo Hoàng nhắc đến hàng ngàn người Do Thái được giải cứu bởi những tổ chức Công Giáo ở Rome và khắp châu Âu, và những nỗ lực của các Khâm sứ (Đại sứ của Giáo Hoàng). Họ cho rằng trong những năm hậu chiến nhiều nhân vật Do Thái cao cấp đã bày tỏ lòng biết ơn đến Vatican và một rừng cây đã được trồng ở Israel để tưởng nhớ Đức Giáo Hoàng khi ngài mất vào năm 1958. Họ lập luận rằng những tranh cãi chỉ rộ lên khi vở kịch của Rolf Hochuth mang tên Người Đại Diện (The Representative) ra đời vào năm 1963 và kết tội Đức Giáo Hoàng đồng lõa với chủ nghĩa Quốc xã vì nỗi lo những người Bolshevik sẽ càn quét khắp châu Âu.

Những người chỉ trích Giáo Hoàng

Những người chỉ trích Đức Giáo Hoàng nói về việc Pius XII đã không lên án công khai chủ nghĩa Quốc xã hay nạn diệt chủng. Đức Giáo Hoàng không có bất kỳ một đề cập chính thức nào đến những đau khổ của người Do Thái trong những năm chiến tranh, và cũng không có bất kỳ sự lên án rõ ràng nào đối với chủ nghĩa Quốc xã trong những phát biểu của Đức Giáo Hoàng. Thông tin mà Vatican nhận được từ năm 1942 trở đi đã không được phát tán, và các giám mục cũng như tín hữu Công giáo cũng không nhận được chỉ dẫn về việc cần đối xử với người Do Thái ra sao. Các nỗ lực của Giáo Hội để giúp người Do Thái tại những nước bị chiếm đóng phụ thuộc vào các sáng kiến địa phương và khuynh hướng của các Khâm sứ, những người có thể có hoặc không có đồng cảm với người Do Thái. Chỉ đến cuối năm 1944, Vatican mới phản ứng một cách đầy đủ bằng cách giúp chặn đứng việc trục xuất người Do Thái ở Hungary, và trong suốt chiến tranh Vatican dường như không bận tâm về những điều kinh hoàng mà chính phủ Công giáo ở Croatia đã làm.

Mỗi trường hợp đều cần phân tích cẩn thận, vì cả hai lập luận trên đều không thuyết phục như những người tán thành chúng vẫn nói.

Vatican đã nỗ lực tìm nơi ẩn náu cho người Do Thái sau sự kiện “Kristallnacht”[1] vào tháng 11 năm 1938, và Đức Giáo Hoàng đã hướng dẫn các giám mục địa phương trong việc giúp đỡ tất cả những ai cần được giúp khi chiến tranh bắt đầu.

Việc giải cứu hàng ngàn người Do Thái trong suốt nạn diệt chủng, và việc mở của các cơ sở Công giáo làm nơi trú ẩn, đã không thể xảy ra nếu Giáo Hoàng không đồng ý. Điều này đặc biệt đúng với những cơ sở trong phạm vi quản lý của Rome và Vatican. Sự thật về sự giải cứu là rõ ràng. Cho dù những người chỉ trích nói rằng một vài con số mà những người ủng hộ Giáo Hoàng đưa ra đã bị thổi phồng, không ai phủ nhận quy mô to lớn của những hoạt động giải cứu của Công giáo, và những người Do Thái hàng đầu đã bày tỏ lòng biết ơn đối với điều này sau chiến tranh.

Những lời chứng quan trọng

Nhưng việc tập hợp những phản hồi từ người Do Thái trong những văn kiện của Vatican thường không nhắc đến những lời chứng quan trọng của Gerhardt Riegner và Rudolf Vrba. Riegner làm ở văn phòng của Đại hội người Do Thái Thế giới tại Geneva trong chiến tranh và đã nỗ lực tìm cách đưa thông tin về nạn diệt chủng đến các nước Đồng minh. Ông có liên quan đến Vatican nhiều hơn những nhân vật Do Thái mà những người ủng hộ Pius XII thường nhắc đến. Còn Rudolf Vrba trốn thoát khỏi Auschwitz vào tháng 4 năm 1944 và, cũng như Riegner, đã tìm mọi cách để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước thuộc thế giới tự do. Ông cũng có những liên lạc quan trọng với Vatican. Riegner cho rằng Vatican không giúp được nhiều cho đến năm 1944, và Vrba, người đã gặp một nhà ngoại giao từ Tòa Thánh trong 6 tiếng, cho rằng không có tài liệu nào của ông được công bố hay phổ biến.

Lập luận được lưu hành bởi những người ủng hộ Pius XII rằng chính sách của Giáo Hoàng được ủng hộ rộng rãi cũng cần phải xem lại. Đức Giáo Hoàng biết về những chỉ trích trong chiến tranh, và không chỉ là chỉ trích từ những người phát ngôn Do Thái, những người thường khá dè dặt (khi chỉ trích Giáo Hoàng). Tại cấp cao nhất, Hồng Y người Pháp Tisserant muốn lên án chủ nghĩa Quốc xã công khai, và Jacques Maritain là một nhà phê bình hậu chiến có tiếng về chính sách của Giáo Hoàng. Những người phản đối khác bao gồm lãnh đạo của chính phủ Ba Lan lưu vong và đại diện của Mỹ ở Vatican. Một điều quan trọng cần phải ghi nhận là những chỉ trích không chỉ đến từ người Do Thái, mà còn từ những người tìm kiếm một lập trường tôn giáo sòng phẳng với chủ nghĩa Quốc xã cũng như hành xử của người Đức tại những khu vực châu Âu bị chiếm đóng. Có những khẳng định cho rằng chính Đức Giáo Hoàng cũng đã trăn trở về chính sách trong chiến tranh của ngài và tin rằng ngài phải đối mặt với những thế lưỡng nan đạo đức khó khăn không thể giải quyết được.

Sự chỉ trích chính xoay quanh sự im lặng của ngài, rằng ngài đã không lên tiếng một cách công khai về nạn diệt chủng. Những người phê bình, đặc biệt là giới bình dân, thường cho rằng những vấn đề trên là rõ ràng và không cần nhiều phân tích. Hậu quả là họ không chú tâm đến lập trường đã được tuyên bố của Giáo Hoàng.

Những phát ngôn thận trọng

Có một điều quan trọng cần được nhắc đến là Vatican đã lên án mạnh mẽ tư tưởng Quốc xã “từ cuối thập niên 1920 và trong suốt thập niên 1930”. Hồng y Pacelli, người sau này sẽ là Giáo Hoàng Pius XII, lúc đó cũng đặc biệt thẳng thắn. Nhưng thậm chí những người ủng hộ Giáo Hoàng cũng đồng ý rằng những tuyên bố của ông trong chiến tranh là quá thận trọng.

Ở mức độ mạnh nhất, lập luận ủng hộ chính sách này cho rằng những lên án công khai đối với chế độ Quốc xã sẽ đem đến hậu quả nghiêm trọng cho những người Công giáo ở khắp những khu vực châu Âu bị chiếm đóng, và có thể làm tình hình khó khăn hơn cho những người Do Thái và tất cả những người khác mà Giáo Hội muốn bảo vệ. Ví dụ thường được nhắc đến là sự trả đũa đối với những người Công giáo gốc Do Thái ở Hà Lan vào năm 1942, sau khi các giám mục Hà Lan lên án mạnh mẽ việc trục xuất những người Do Thái Hà Lan. Các cơ sở Công giáo có thể che chở những nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã, với điều kiện rằng sự trung lập của họ được tôn trọng bởi quân Đức.

Đây là một lập luận quan trọng, nhưng là một lập luận gây tranh cãi. Ví dụ của Hà Lan, khi mà các giám mục đã quyết định rõ ràng trách nhiệm của họ, không phải là ví dụ duy nhất về việc các tôn giáo phản đối (chính sách của phát xít Đức) ở khu vực bị chiếm đóng, và cũng có những trường hợp nổi tiếng khi không có sự trả đũa nào xảy ra, như việc Hồng Y von Galen lên án chính sách giết người không gây đau đớn của Đức Quốc xã vào năm 1941.

Lập trường của Pius XII dường như được hình thành ngay sau khi Đức Quốc xã chiếm Ba Lan. Vào năm 1937, Hồng y Pacelli, người sau này trở thành Pius XII, giúp dự thảo văn kiện Mit Brennender Sorge, bài chỉ trích mạnh mẽ của người tiền nhiệm của ngài (Pius XI – ND) về chủ nghĩa Quốc xã, và thông điệp đầu tiên của chính ngài (Summi Pontificatus – ND), được công bố sau khi Ba Lan bị xâm lược, bao gồm một phát ngôn mạnh mẽ về những đau khổ của người Ba Lan, cho dù thông điệp không lên án trực tiếp cuộc xâm lược của Đức. Nhưng ngài được những người Công giáo Ba Lan cao cấp cho biết rằng những phát ngôn tương tự trên radio của Vatican đã dẫn đến việc phe phát xít trã đũa tàn độc, và những phản ứng của Giáo Hoàng về cuộc xâm lược Hà Lan vào năm 1940 vì thế im lặng hơn.

Xơ Pasqualina

Vào năm 1998, Xơ Pasqualina, người quản gia của Giáo Hoàng trong những năm chiến tranh, tuyên bố rằng Giáo Hoàng đã tính đến việc viết về những đau khổ của người Do Thái vào năm 1942, nhưng đã ngừng lại khi ngài biết được phản ứng man rợ (của phát xít Đức) đối với những nỗ lực của các giám mục Hà Lan. Có bằng chứng cho thấy Đức Giáo Hoàng hướng dẫn các lãnh đạo Giáo Hội hành động tích cực ở cấp độ địa phương, nếu họ nghĩ rằng họ có thể đạt được kết quả tốt, nhưng ngài dường như tin rằng những hậu quả từ các phát ngôn ở cấp độ Giáo Hoàng sẽ không thể dự báo được tới mức nguy hiểm, vì một phát ngôn như thế sẽ được lắng nghe ở mọi phần của châu Âu bị chiếm đóng, mặc cho hoàn cảnh cụ thể là gì.

Trong suốt chiến tranh, Đức Giáo Hoàng quyết tâm giữ vững lập trường trung lập của Vatican, và trong những năm đầu tiên ngài mong muốn có thể đàm phán hòa bình giữa Đức và phe Đồng Minh. Giáo Hoàng đã tuân theo một chính sách lâu đời của Vatican trong các thời kỳ chiến tranh, nhưng rõ ràng là chủ nghĩa Quốc xã đại diện cho một đường lối chính trị xấu xa chưa có tiền lệ, và trong các hoàn cảnh của Thế chiến II, sự trung lập đó đã làm dấy lên các vấn đề đạo đức phức tạp, điều trở nên tồi tệ thêm vì các phe tham chiến không quan tâm đến những nỗ lực hòa giải của Vatican. Thêm vào đó, chính sách trung lập làm giảm khả năng của Vatican trong việc hành động nhân danh các nạn nhân, và có thể điều này đã lý giải cho những rào cản mà Gerhardt Riegner gặp phải.

Một số nhà bình luận đã nhấn mạnh Giáo ước của Giáo Hoàng với Đức Quốc xã vào năm 1933 và được đàm phán bởi Hồng y Pacelli trong vai trò Khâm sứ. Cộng với thái độ thù địch rõ ràng của Đức Giáo Hoàng đối với chủ nghĩa Bolshevik, điều này có thể bổ sung thêm chứng cứ không có lợi về chính sách của Vatican, nhưng lập luận này có nhiều khuyết điểm lớn. Đến thời điểm xảy ra nạn diệt chủng, quan hệ giữa Vatican và Đức rất căng thẳng, và Giáo ước còn rất ít hiệu lực. Ý đồ của Đức Quốc xã đối với Giáo hội Công giáo trở nên rõ ràng tại Warthegau, một khu vực của Ba Lan bị sáp nhập bởi Đức Quốc xã, nơi mà Giáo hội bị áp đặt các đạo luật hà khắc, tương tự như ở Đức. Thêm vào đó, Vatican không công nhận sự bành trướng lãnh thổ của Đức, và không ủng hộ Chiến dịch Barbarossa, khi Đức xâm lược Liên Xô vào năm 1941. Những người Công giáo Mỹ băn khoăn với việc đi làm trong những nhà máy sản xuất vũ khí để xuất cho Nga đã được trấn an bởi Vatican. Đúng là Giáo hội Công Giáo La Mã chống chủ nghĩa Bolshevik, nhưng khi người Nga bị tấn công, họ được quyền tự vệ.

Những tài liệu của Vatican

Những tranh cãi trong vài năm gần đây đã tập trung vào việc Vatican không muốn mở kho tài liệu thời chiến cho công chúng xem. Vatican thực tế đã xuất bản 12 tuyển tập tài liệu lưu trữ quan trọng nhưng chỉ mới có một tập được dịch ra tiếng Anh, những tập còn lại được xuất bản bằng thứ tiếng gốc với những bài viết giới thiệu bằng tiếng Pháp. Lượng tài liệu khổng lồ đã được khai thác bởi một số nhà sử học, trong đó có Giáo sư John Conway và Owen Chadwick, những người đã chỉnh lý một cách mạnh mẽ sự lên án của Hochuth về sự liên quan của Pius XII trong việc trục xuất 1.000 người Do Thái ở Rome. Tuy nhiên, cũng có những tài liệu đã được những người phê bình Giáo Hoàng Pius sử dụng. Những tài liệu lưu trữ được biên soạn “nội bộ”, bởi những học giả Công giáo được Vatican lựa chọn, và chắc chắn đây là một điều gây băn khoăn. Thêm vào đó, các nhà biên tập cũng đã bị buộc lỗi trong việc không đưa vào các tuyển tập Bản ghi nhớ năm 1942 của Riegner, tài liệu cung cấp cho Vatican những thông tin quan trọng về nạn diệt chủng, nhưng những tài liệu khác đã được xuất bản cũng có tầm quan trọng lớn.

Cũng cần nhắc lại rằng chúng ta không cần phải phụ thuộc vào các tài liệu của Vatican để hiểu được chính sách của Giáo Hoàng trong chiến tranh. Những bản ghi tin radio của Vatican và tờ Ossevatore Romano, tờ báo của Vatican, cũng có thể được sử dụng, cũng như những bài diễn văn của Giáo Hoàng. Các hồi ký, nhật ký và tư liệu ngoại giao của các quốc gia tham chiến cũng mang lại những nguồn thông tin thiết yếu. Những điều tra của Carlo Falconi về những tài liệu của những sứ giả Croatia tại Vatican đã mang lại những tài liệu quan trọng, tương tự như những nghiên cứu của ông về những tài liệu như vậy từ Ba Lan.

Vai trò của Vatian trong Thế chiến II bỏ ngỏ nhiều vấn đề đạo đức nan giải. Trong chiến tranh Vatican tiếp tục giữ vai trò trung lập và không ủng hộ chiến dịch của phe Đồng minh. Chính sách trong lịch sử của Vatican trong thời chiến là tiếp tục sự hiện diện một cách công bằng với mọi phe trong vai trò người hòa giải. Vai trò này sẽ bị tổn thương nếu ngả theo một phe. Nhưng trước một tội ác tầm cỡ kiểu chủ nghĩa Quốc xã, thì lập trường trung lập có thật sự là một sự lựa chọn cho các lãnh đạo tôn giáo?

Những cộng đồng Công Giáo lớn tồn tại ở cả hai bên chiến tuyến, và từ quan điểm của đức tin Công Giáo, việc bảo tồn Giáo Hội có tầm quan trọng cao nhất, vì đó là phương tiện quan trọng của việc cứu độ con người. Nhưng trường hợp Croatia đã đặc biệt làm nổi bật vấn đề nan giải rằng ủng hộ những quyền lợi của Giáo Hội có thể đi ngược lại với những bổn phận đạo đức trong thời gian xảy ra những đau khổ tột cùng. Chế độ Công Giáo ở Croatia được cho là đóng vai trò quan trọng đối với Giáo Hội, nhưng những hành xử mang tính sát nhân của họ là không thể chấp nhận được trên khía cạnh đạo đức tôn giáo. Thất bại trong việc lên án hành vi này chắc chắn đã gởi những tín hiệu (sai lệch) tới chế độ Croatia.

Vấn đề nan giải nhất

Hai lập trường rõ ràng đã nổi lên trong những tranh luận về Pius XII. Với những người ủng hộ, Đức Giáo Hoàng đã tránh những phát ngôn công khai vì khả năng rằng những phát ngôn như thế sẽ làm những người vô tội có khả năng phải chịu đựng những trả đũa nặng nề từ phe Quốc xã. Họ nhấn mạnh rằng các cơ sở Công Giáo đã giải cứu hàng ngàn người Do Thái. Những người chống đối Giáo Hoàng lại tập trung vào sự tàn ác mà chủ nghĩa Quốc xã gây nên, và cho rằng trong những trường hợp như thế thì sự lãnh đạo tôn giáo phải rõ ràng, thẳng thắn và công khai. Sự xâm lược và tàn bạo của Đức Quốc xã đáng lẽ phải bị lên án mạnh mẽ, những người Công Giáo có thể được thôi thúc để làm được nhiều điều hơn cho những người Do Thái và những nạn nhân khác, những người ít ra đã được an ủi rằng thế giới không thờ ơ trước số phận của họ. Lập luận làm nổi bật những vấn đề nan giải mà các lãnh đạo tôn giáo phải đối đầu khi gặp phải sự độc tài chính trị. Những vấn đề nan giải này vẫn còn rất tương thích với hiện tại trên phương diện chính trị và tôn giáo và rõ ràng cần phải tìm hiểu thêm.

NGUỒN: NCQT

Tin cùng loại