TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » Thái độ của các tín đồ Kitô giáo ở Hoa Kỳ đối với cuộc bầu cử tổng thống trong bối cảnh đại dịch Covid – 19

Thái độ của các tín đồ Kitô giáo ở Hoa Kỳ đối với cuộc bầu cử tổng thống trong bối cảnh đại dịch Covid – 19

09:40 | 26/04/2023
Trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2020, Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) đã công bố kết quả một cuộc khảo sát mới về mối quan hệ qua lại giữa tôn giáo và chính trị. Trong số các vấn đề nghiên cứu của mình, các nhà xã hội học thuộc Trung tâm nghiên cứu Pew đã đề cập tới sự ủng hộ của các nhóm Kitô giáo khác nhau đối với Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid – 19 gây ra trong thời điểm hiện nay.

Kết quả cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 3 năm 2020 cho thấy, cũng như trước đây, phần đông các tín đồ theo nhóm Phúc Âm da trắng cho rằng Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ luôn bảo vệ lợi ích của họ. Khi được hỏi, có tới 81% tín đồ Phúc Âm da trắng trả lời rằng, Tổng thống Donald Trump “đang chiến đấu vì cái mà tôi tin tưởng” [1], 53% cho rằng hoạt động của Donald Trump “rất tốt”, còn 28% cho rằng “khá tốt”. Ngoài ra, 59% số người được hỏi trong nhóm tín đồ Phúc Âm da trắng cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã giúp thúc đẩy lợi ích của họ, chỉ có 7% cho rằng chính quyền này làm hại lợi ích của họ. Thêm vào đó, có 41% tín đồ Phúc Âm da trắng nói rằng họ hài lòng với Tổng thống đương nhiệm về mọi vấn đề, còn 35% nói rằng họ đồng tình với nhiều quan điểm của ông nhưng không phải là với tất cả các quan điểm.

Các tín đồ Kitô giáo da trắng thuộc các nhóm khác cũng bày tỏ sự đồng tình với chính sách của Tổng thống Donald Trump. Có tới 66% tín đồ Công giáo da trắng nói rằng, mệnh đề Tổng thống Donald Trump “đang chiến đấu vì cái mà tôi tin tưởng” là “rất đúng” hoặc “khá đúng”. Tương tự, 63% tín đồ Tin Lành giáo da trắng cũng ủng hộ ý kiến trên. Bên cạnh đó, 58% tín đồ Công giáo da trắng và 56% tín đồ Tin Lành giáo da trắng nói rằng họ đồng tình với Tổng thống Donald Trump trong tất cả hoặc trong nhiều vấn đề.

Nhưng đối với các nhóm Kitô giáo khác, Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông không hẳn đã nhận được những sự ủng hộ như vậy. Chỉ có 27% tín đồ Tin Lành giáo da đen, 31% tín đồ Công giáo gốc Mỹ Latinh, 39% tín đồ Do Thái giáo cho rằng Tổng thống Donald Trump đang chiến đấu vì các lý tưởng của họ. Trong khi đó, có tới 84% tín đồ Tin Lành giáo da đen, 68% tín đồ Công giáo gốc Mỹ Latinh và 68% tín đồ Do Thái giáo không hài lòng với Tổng thống Donald Trump trong tất cả các vấn đề hoặc trong nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cũng chỉ ra rằng, sự ủng hộ của các tín đồ Kitô giáo đối với Tổng thống Donald Trump có nhiều sắc thái khác nhau. Thậm chí, phần lớn trong số các tín đồ Phúc Âm da trắng không thật sự hài lòng với cách ứng xử của Tổng thống đương nhiệm: 44% số người được hỏi nói rằng hành động của ông tạo ra trong họ những cảm xúc lẫn lộn, còn 22% nói rằng họ hoàn toàn không thể chấp nhận. Những cảm xúc lẫn lộn như vậy cũng có ở 40% tín đồ trong nhóm Tin Lành giáo da trắng, 32% tín đồ Công giáo da trắng, còn con số không hài lòng với hành động của Donald Trump ở nhóm Tin Lành giáo da trắng là 37% và ở nhóm tín đồ Công giáo da trắng là 40%. Ở các nhóm Kitô giáo khác con số không hài lòng với hành động của Donald Trump cao hơn nhiều: 74% tín đồ Tin Lành giáo da đen, 63% tín đồ Do Thái giáo và 59% tín đồ Công giáo gốc Mỹ Latinh.

Liên quan đến tôn giáo tính của Tổng thống Donald Trump, 64% tín đồ Phúc Âm da trắng cho rằng ông rất sùng đạo hoặc hơi sùng đạo. Tín đồ các nhóm Kitô giáo còn lại cho rằng Donald Trump không phải là người có đạo hoặc có đạo rất ít. Con số này ở các tín đồ Tin Lành giáo da đen là 84%, ở các tín đồ Do Thái giáo là 73% và ở các tín đồ Công giáo gốc Mỹ Latinh là 69%.

Trong khảo sát của mình các nhà xã hội học thuộc Trung tâm nghiên cứu Pew cũng cố gắng tìm hiểu về thái độ của các tín đồ Kitô giáo ở Hoa Kỳ đối với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước này. Một câu hỏi được đặt cho các tín đồ là: Liệu việc bầu Donald Trump làm tổng thống có phải là ý nguyện của Thiên Chúa hay không? Kết quả khảo sát cho thấy: 51% tín đồ các giáo hội Kitô giáo Hoa Kỳ cho rằng Thiên Chúa không can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước này, trong đó: số tín đồ Do Thái giáo là 79%, tín đồ Công giáo da trắng là 73%, tín đồ Công giáo gốc Mỹ Latinh là 65%, tín đồ Tin Lành giáo da trắng là 65%, những người theo nhóm Phúc Âm da trắng là 27% và tín đồ Tin Lành giáo da đen là 32%. Khác với các nhóm Kitô giáo khác, 57% những người theo nhóm Phúc Âm da trắng và 51% tín đồ Tin Lành giáo da đen nghĩ rằng, việc bầu Donald Trump làm tổng thống là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Thiên Chúa chấp thuận chính sách của ông. 39% tín đồ các giáo hội Kitô giáo Hoa Kỳ cũng nghĩ như vậy. Chỉ có 7% tín đồ của Chúa Kitô ở Hoa Kỳ tin rằng Donald Trump sẽ trở thành tổng thống, bởi vì Thiên Chúa chấp thuận chính sách của ông. Thậm chí chỉ có 13% tín đồ nhóm Phúc Âm da trắng tin vào điều này.

Từ các số liệu khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy các tín đồ nhóm Phúc Âm da trắng ở Hoa Kỳ luôn là cơ sở nòng cốt cho cuộc bầu cử của Donald Trump. Claire Gecevic, nghiên cứu viên của Trung tâm Pew, trong cuộc trả lời phỏng vấn của National Catholic Reporter, đã nhận xét rằng có một khoảng cách lớn giữa các tín đồ Kitô giáo da trắng với các tín đồ Kitô giáo thuộc các nhóm thiểu số. Chẳng hạn, các tín đồ Công giáo da trắng thường đánh giá cao Donald Trump, trong khi đó các tín đồ Kitô giáo thuộc các nhóm gốc Mỹ Latinh lại nhìn nhận ông theo một cách khác. Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cũng phản sánh ở một mức độ đáng kể tính đảng của các tín đồ Công giáo ở Hoa Kỳ. Phần đông các tín đồ Công giáo gắn mình với Đảng Cộng hòa.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid – 19 tại Hoa Kỳ, kết quả cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 3 năm 2020 cho thấy có tới 56% tín đồ Kitô giáo ở Hoa Kỳ trả lời họ “rất tin” hoặc “ở một mức độ nào đó” tin rằng Tổng thống Donald Trump đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid – 19. Các tín đồ thuộc nhóm Phúc Âm da trắng đặc biệt đánh giá tích cực về công tác phòng chống dịch của chính quyền Donald Trump. Trong số đó, có tới 77% tuyên bố rằng họ tin tưởng vào năng lực của Tổng thống Donald Trump. 62% tín đồ Tin Lành giáo da trắng và 56% tín đồ Công giáo da trắng cũng bày tỏ thái độ tương tự đối với Tổng thống đương nhiệm.

Trong khi đó, có tới 79% tín đồ Tin Lành giáo da đen, 56% tín đồ Công giáo gốc Mỹ Latinh và 69% tín đồ Do Thái giáo nói rằng họ “không tin lắm” hoặc “hoàn toàn không tin” người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ làm tốt công tác phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid – 19. Ngoài ra, có tới 64% tín đồ thuộc nhóm Phúc Âm da trắng, 51% tín đồ Tin Lành giáo da trắng, 48% tín đồ Công giáo da trắng thiên về ý kiến cho rằng Donald Trump đã đánh giá đúng những rủi ro liên quan với nCoV. Trong khi đó, có tới 73% tín đồ Do Thái giáo, 67% tín đồ Tin Lành giáo da đen và 54% tín đồ Công giáo gốc Mỹ Latinh lại có ý kiến ngược lại. Theo họ, Tổng thống Donald Trump đã không đánh giá hết được sự nghiêm trọng của những rủi ro mà đại dịch Covid – 19 gây ra.

Kết quả cuộc khảo sát tiếp theo của Trung tâm nghiên cứu Pew được thực hiện từ ngày 7 đến ngày 12 tháng 4 năm 2020 đối với 4.717 người Mỹ và được công bố ngày 16 tháng 4 cho thấy có tới 65% số người được hỏi cho rằng Tổng thống Donald Trump đã quá chậm chạp trong việc tiến hành các bước đi lớn nhằm ứng phó với đại dịch Covid – 19 [2]. Trong khi đó, có 52% số người Mỹ tham gia khảo sát tin rằng những phát ngôn của Tổng thống Donald Trump về Covid – 19 gây lầm tưởng tình hình khả quan hơn so với thực tế, chỉ có 39% nghĩ rằng Tổng thống phản ứng đúng tình hình và 8% nói rằng ông làm cho tình hình tồi tệ hơn so với thực tế. Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy có tới 73% người Mỹ được hỏi cho rằng điều tồi tệ nhất của dịch bệnh đối với nước này vẫn chưa đến. Vì vậy, 66% số người được hỏi tỏ ra lo ngại việc sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa để phục hồi nền kinh tế và 32% tin rằng kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Đại dịch Covid – 19 cũng đang đặt ra một câu hỏi khác cho các tín đồ và các giáo hội Kitô giáo ở Hoa Kỳ nói riêng và trên toàn cầu nói chung, đó là: Họ đã chuẩn bị như thế nào cho hình thức thờ phụng trực tuyến? Một kết quả nghiên cứu mới của Trung tâm Barna công bố ngày 12 tháng 3 năm 2020 ở một mức độ nhất định đã trả lời cho câu hỏi này. Nghiên cứu mới này cũng đề cập tới cách mà các tín đồ Kitô giáo thực hành tín ngưỡng tôn giáo tại nhà thờ không ít hơn mỗi tháng một lần và vai trò của công nghệ hiện đại trong việc hình thành đức tin của họ.

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Barna nhận thấy rằng, nhìn chung tác động của các phương tiện kỹ thuật số đối với tín đồ các tôn giáo là điều không thể phủ nhận, nhưng nó không thực sự mạnh mẽ như người ta từng mong đợi. Chẳng hạn, chỉ có 2% Kitô hữu thực hành tôn giáo trả lời rằng tại các nhà thờ của họ có sử dụng các video hay giảng đạo trực tuyến qua màn hình. Ngược lại, bằng nhiều cách vẫn còn hiện tượng tụ tập đông tín đồ tại nơi thờ tự, có khi lên tới con số hơn 200 người. Tuy nhiên, 10% tín đồ thừa nhận rằng trong các buổi giảng đạo như vậy họ thường bị phân tâm do các sự kiện được nghe, còn 7% thừa nhận rằng họ thường đọc các văn bản, tin nhắn và thư từ trên mạng xã hội qua màn hình của điện thoại thông minh [3].

Theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm Barna, trong cuộc cạnh tranh giành sự quan tâm của tín đồ, các nhà thờ phải đối mặt với các nguồn lực Kitô giáo khác nhau đang được sử dụng khá rộng rãi hiện nay. Nguồn lực được sử dụng phổ biến nhất là đài phát thanh. Có tới 46% tín đồ thực hành tôn giáo nghe đài phát thanh mỗi tuần một lần. Đứng vị trí thứ hai là sách. Có 39% tín đồ thực hành tôn giáo đọc sách mỗi tuần một lần. Vị trí thứ ba thuộc về phương tiện truyền thông xã hội. 38% tín đồ thực hành tôn giáo sử dụng phương tiện này để củng cố đức tin của mình. 32% tín đồ thực hành tôn giáo xem truyền hình mỗi tuần một lần. Ngoài ra, còn một số nguồn lực khác ít phổ biến hơn cũng được 26% tín đồ thực hành tôn giáo sử dụng để nghe giảng đạo hay đọc các bài giảng về tôn giáo.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra ở đây là: Các tín đồ thực hành tôn giáo có thường xuyên sử dụng các nguồn lực Kitô giáo nói trên để củng cố đức tin của mình thay cho việc tự mình đến nhà thờ hay không? Câu trả lời nhận được như sau: có 50% số người được hỏi trả lời: “không bao giờ”; 27% trả lời: “đôi khi”; 9% trả lời: “khoảng một nửa số trường hợp” và 13% trả lời: “thường xuyên”. Những người “thường xuyên” sử dụng các nguồn lực Kitô giáo để củng cố đức tin của mình thay cho việc tự mình đến nhà thờ là những người thuộc nhóm Thiên niên kỷ (Millennials – những người thuộc thế hệ trẻ sinh ra trong giai đoạn 1981 - 1996). Trong số này có 34% nói rằng họ thường xuyên sử dụng các nguồn lực Kitô giáo thay cho việc tự mình có mặt tại các buổi lễ trực tiếp ở nhà thờ.

David Kinaman, Giám đốc Trung tâm Barna cho rằng việc thường xuyên sử dụng các nguồn lực Kitô giáo đã mở ra một xu hướng mới cho việc thực hành đức tin tôn giáo trong tương lai. Tuy nhiên, các số liệu khảo sát xã hội học mà Trung tâm Barna đưa ra chỉ liên quan tới các Kitô hữu thực hành tôn giáo. Điều này có nghĩa nếu có khoảng một nửa số người thuộc nhóm Thiên niên kỷ sử dụng các nguồn lực kỹ thuật số và các nguồn lực Kitô giáo khác thay cho việc tới dự lễ tại nhà thờ thì họ vẫn có thể có thời gian để mỗi tháng một lần gặp mặt với các tín đồ trong cuộc sống hiện thực. David Kinaman cho rằng những người lãnh đạo các nhà thờ không cần phải lo lắng về việc tín đồ ngày càng ít đến nhà thờ mà cần phải suy nghĩ về khả năng đảm bảo sự liên kết các phương tiện kỹ thuật số và các chiến lược trong nỗ lực phát triển đức tin của mình. Cũng cần phải nói thêm rằng, trong điều kiện đại dịch Covid – 19 hiện nay, nhiều nhà thờ đã nghĩ tới và thực hiện các lễ nghi tôn giáo trực tuyến.

Theo Roman Lunkin, Phó viện trưởng Viện Châu Âu thuộc viện Hàn lâm Khoa học Nga, đại dịch Covid – 19 đã dẫn tới cuộc Cải cách tôn giáo mới trên phạm vi toàn thế giới. Ông gọi cuộc Cải cách tôn giáo này là “Cải cách tôn giáo Virus Corona” (Koronavirusnaja Refomacija). Roman Lunkin nhận xét: “Đời sống giáo hội đang thay đổi một cách căn bản trước mắt chúng ta và như thường nói, sẽ không bao giờ trở lại như trước. Có thể, đây là một phần của đời sống nhân loại mà các sự kiện xung quanh Virus Corona đang thay đổi nhiều nhất. Nhà thờ trực tuyến đã trở thành hiện tượng bình thường” [4]

Nhiều người cho rằng, khi đại dịch Covid – 19 bùng phát, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch đã làm cho các tín đồ không còn điều kiện gặp gỡ trực tiếp với nhau và với các chức sắc tôn giáo của mình tại nhà thờ để thực hành đời sống đức tin, mọi hoạt động tôn giáo đều phải thực hiện trực tuyến, do vậy đức tin của họ có thể bị giảm sút. Trung tâm nghiên cứu Pew đã thực hiện một cuộc khảo sát về vấn đề này đối với các tín đồ Kitô giáo ở Hoa Kỳ và cho kết quả ngược lại. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, đại dịch Covid – 19 đang biến đổi hầu như mọi khía cạnh đời sống cộng đồng của người dân Hoa Kỳ. Covid – 19 cũng đụng tới phần nội tâm nhất của tín đồ Kitô giáo ở nước này, đó là đức tin tôn giáo và những thói quen thờ phụng của họ.

Số liệu khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, việc bùng phát đại dịch Covid – 19 ở một mức độ nhất định đã làm cho đức tin tôn giáo của một số người dân Hoa Kỳ vững mạnh hơn, mặc dù các buổi lễ tại nhà thờ đã ngưng hoạt động và chuyển sang hình thức trực tuyến. Những người cho rằng đức tin của họ được tăng cường trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 phần lớn là các tín đồ Tin Lành giáo da đen. 24% người trưởng thành ở Hoa Kỳ được hỏi trả lời rằng trong đại dịch Covid – 19 đức tin của họ vững mạnh thêm, trong khi đó chỉ có 2% trả lời rằng đức tin của họ yếu đi, 47% số người được hỏi nói rằng đức tin của họ không thay đổi nhiều và 26% không có ý kiến vì họ không nhận mình là người có tôn giáo (5).

Các số liệu khảo sát có sự thay đổi tùy theo nhóm Kitô giáo và mức độ sùng đạo của người trả lời. Nhìn chung, tín đồ Kitô giáo ở Hoa Kỳ có xu hướng khẳng định đức tin của họ vững mạnh thêm trong đại dịch Covid – 19. Chẳng hạn: đối với tín đồ Tin Lành giáo da đen con số đó là 56%, đối với tín đồ Tin Lành giáo nói chung con số đó là 42%, đối với tín đồ Công giáo con số đó là 27%. Trong khi đó, có tới 69% tín đồ Do Thái giáo nói rằng đức tin của họ không mấy thay đổi trong đại dịch Covid – 19.

Từ những điều đã trình bày ở trên có thể đưa ra vài nhận xét sau: Một là, thái độ của các tín đồ Kitô giáo ở Hoa Kỳ đối với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tùy thuộc vào cách mà Tổng thống Donald Trump ứng xử với đại dịch Covid – 19 và việc  giải quyết vấn đề khôi phục nền kinh tế sau đại dịch; Hai là, đại dịch Covid – 19 đã thay đổi cơ bản phương thức truyền giáo của các giáo hội và hình thức thực hành tôn giáo của tín đồ; Ba là, cách đánh giá đức tin của tín đồ Kitô giáo ở Hoa Kỳ trong đại dịch Covid - 19 phụ thuộc vào từng nhóm Kitô giáo, chủng tộc, độ tuổi, giới tính và mức độ sùng đạo của từng tín đồ.

Nguồn: internet

 

Tin cùng loại