TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » Ảnh hưởng từ đạo Công Giáo đến lối sống của người Việt (kì 1)

Ảnh hưởng từ đạo Công Giáo đến lối sống của người Việt (kì 1)

09:34 | 26/04/2023
Đạo Công Giáo mới du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI-XVII, như vậy tôn giáo này còn khá trẻ, với tuổi đời chưa đầy 500 năm. Thế nhưng tôn giáo này đã có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa, chính trị, xã hội nước ta. Chỉ xét riêng lối sống của người Việt cũng cho thấy rõ điều đó.

1- Chi phối toàn bộ lối sống của cộng đồng tín hữu Công Giáo

Theo thống kê hiện nay, số tín hữu Công Giáo ở Việt Nam có gần 7 triệu người, chiếm khoảng 7,7% dân số cả nước. Người Công Giáo Việt Nam cũng là một bộ phận của người Việt và trước khi họ là người Công Giáo, họ đã là người Việt. Đạo Công Giáo ảnh hưởng trước hết đến cộng đoàn tín hữu này.

Một yêu cầu bắt buộc với người tín hữu là phải tuân giữ giáo lý, giáo luật của Giáo Hội. Điều này đã chi phối toàn bộ lối sống của họ từ khi sinh ra đến cả sau lúc chết đi, từ tư cách cá nhân đến tư cách là một thành viên của gia đình cũng như một thành phần của xã hội. Chỉ ít ngày sau khi họ chào đời, cha mẹ họ đã đưa đến nhà thờ rửa tội để gia nhập đạo. Rồi họ được cha mẹ hay anh chị bế đi nhà thờ. Lớn lên chút nữa, họ tự đi đọc kinh xem lễ, học các lớp giáo lý cho các lứa tuổi, chịu các Bí tích khai tâm, học giáo lý để chuẩn bị kết hôn và khi sắp nhắm mắt lìa đời, lại lo chịu Bí tích lần cuối. Con cái họ được sinh ra cũng tiếp tục chu kỳ như vậy. Việc sống đạo theo giáo luật không chỉ buộc họ giữ lễ Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, ăn chay kiêng thịt ngày thứ tư lễ Tro và thứ sáu tuần Thánh mà còn rất nhiều điều phải kiêng, giữ nữa. Tín đồ Công Giáo không được coi bói toán, chọn đất chôn táng, ngày giờ tốt xấu. Họ cũng không được xem sách báo, phim ảnh khiêu dâm hay những chỗ dễ sa vào tội như vũ trường, xới bạc. Những điều này giúp cho cuộc sống của tín đồ vùng giáo lành mạnh, ít tội phạm hơn.

Để giữ đạo tốt hơn, người Công Giáo thường sống quây quần lại thành làng xóm và dù có phải di cư đến vùng đất mới họ cũng giữ nguyên tên làng của mình lúc trước. Nên không ngạc nhiên khi thấy tên các làng Bùi Chu, Kiên Lao, Cầu Cổ ở vùng đất mới khai hoang tại vùng biển huyện Nghĩa Hưng hay tên làng Bùi Phát, Hà Nội, Trà Cổ, Thái Bình…tại Sài Gòn, Đồng Nai sau năm 1954. Tại các làng

Công Giáo, trung tâm của làng là ngôi nhà thờ mà dân làng thường gặp gỡ nhau khi đi đọc kinh, xem lễ. Họ lấy tiếng chuông nhà thờ làm đồng hồ của làng, lấy ngày lễ quan thày hay chầu lượt của xứ làm ngày hội làng. Ai được bầu làm chức việc thì vợ con cũng được lên ngôi: vợ ông Chánh, con ông Trùm. Nhà ai cũng có bàn thờ to nhỏ tùy điều kiện kinh tế nhưng đều làm chỗ trang trọng nhất trong nhà. Ai có ảnh chụp với các chức sắc như các linh mục hay Giám mục thì được trưng bày trang trọng để khoe với khách đến. Còn nếu có giấy chứng nhận ghi công đức hay bằng sắc của Tòa thánh thì đặc biệt trân quý.

Do phải tuân giữ giáo lý nên người tín hữu phải biết bảo vệ thiên nhiên, môi trường vì đó là sản phẩm mà “Chúa dựng nên” và cũng không được khai thác cho riêng mình bởi là sản phẩm chung của nhiều thế hệ. Đạo Công Giáo sớm dạy cho tín đồ các tri thức mới của phương Tây từ khoa học, kỹ thuật như thiên văn, địa lý đến kỹ thuật dệt vải khổ rộng, in ấn bằng con chữ đúc bằng kim loại cũng như nuôi trồng nhiều vật nuôi, cây cối từ nước ngoài như con cừu, cây khoai tây, cây phi lao. Cũng vì sớm tiếp thu các văn minh, kỹ thuật từ phương Tây truyền vào và không bị tư tưởng Nho giáo ràng buộc nên có nhiều người Công Giáo có “tư duy vượt thời đại” như nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871), linh mục Đặng Đức Tuấn (1806 - 1874) hay triết gia linh mục Lương Kim Định (1915-1997). Các giáo sĩ cũng nghiêm cấm tín hữu không được uống rượu trắng, hút thuốc phiện nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc.

Người Công Giáo bị cấm không được “sống thử” trước hôn nhân, không được nạo phá thai và càng không được ly hôn. Đây là những giá trị đạo đức mà người tín hữu đóng góp vào cuộc sống. Nước ta hiện nay được xếp vào hạng 5 nước có tỷ lệ phá thai cao trên thế giới với khoảng 300.000 ca mỗi năm. Tình trạng ly hôn cũng đáng báo động, mà nỗi khổ dồn lên những đứa trẻ thiếu vắng tình thương của cha mẹ nên dễ sa vào phạm tội. Theo một báo cáo cho biết, những năm 1977-1982, mỗi năm có trung bình 5.672 vụ ly hôn. Đến năm 1991 tăng lên 22.049 vụ, năm 1994 là 34.376 vụ và năm 1995 là 35.684 vụ. Năm 2000 có 51.361 vụ, năm 205 tăng 65.929 vụ và năm 2010 là 126.325 vụ ly hôn. Tại Hà Nội, năm 2005 có 4.100 đôi ra tòa ly dị và riêng 6 tháng đầu năm 2006 có 2.068 vụ ly hôn (1). Trong khi đó ở xã Hải Vân (Hải Hậu, Nam Định) nơi có 6.000 giáo dân sinh sống suốt 8 năm (1982-2000) chỉ có 2 cặp bỏ nhau. Còn xứ Hạ Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) cũng có 1.500 nhân danh nhưng suốt từ năm 1845 đến nay cũng chỉ có 2 đôi ly thân.

Một thế mạnh và là dấu chỉ của người Công Giáo là yêu người như bản thân mình nên ngay từ đầu thế kỷ XVII, dân kinh thành Thăng Long đã gọi các tín đồ tôn giáo này theo “đạo yêu nhau”. Họ giúp đỡ những người túng thiếu, bệnh tật, lập các nhà thương để chăm sóc kẻ ốm đau. Những trung tâm từ thiện này vừa ích lợi cho cộng đồng, vừa không tốn phí cho ngân sách Nhà nước. Chính vì lý do này, không ít lần chính quyền bảo hộ Pháp ở Đông Dương muốn thay đạo Công Giáo bằng Tin Lành nhưng đành chịu vì lợi ích quá lớn. Với truyền thống ấy, nhiều tín hữu Công Giáo nhất là các nữ tu đã gắn bó cả đời mình với các bệnh nhân phong cùi, HIV/AIDS hay nạn nhân chất độc dioxin như nữ tu Nguyễn Thị Mậu hơn 40 năm ở trại phong Di Linh, các nữ tu dòng Phao lô Đà Nẵng với các bệnh nhân HIV/AIDS, các nữ tu dòng bác ái Vinh Sơn với các trẻ em đường phố. Nhiều cơ sở từ thiện Công Giáo trở thành những địa chỉ bác ái có tiếng như nhà Dục Anh (Bùi Chu), trung tâm Thiên Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), phòng khám Kim Long (Huế)…Theo tinh thần “kính Chúa, yêu người”, nhiều tín hữu đã sẵn sàng hy sinh thân mình như chị Nguyễn Thị Mai (Quảng Bình) đã bất chấp hiểm nguy để cứu người bị lũ cuốn năm 2009 và mình thì hy sinh. Không ít người “điên khùng” ngày đêm đi thu gom cả chục ngàn thai nhi về chôn cất tại nghĩa trang làm trên đất nhà mình như bà Nguyễn Thị Nhiệm (Sóc Sơn, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Bao (Nghĩa Thắng, Nam Định) hay anh Tống Phước Phúc (Nha Trang).

Một nét đẹp dễ nhận ra là lối sống của người Công Giáo Việt là vừa mang văn hóa quốc tế vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hãy xem những ngôi nhà thờ dù mang kiến trúc phương Tây nhưng vẫn đậm dấu ấn Việt Nam từ các tiểu tiết trang trí đào, cúc, trúc, mai hay những bàn thờ sơn son thiếp vàng, theo triết lý xây dựng “sơn thủy hữu tình”, “thiên địa nhân nhất thể” mà nhà thờ nào cũng có núi non, hồ ao. Còn những nhà thờ đậm bản sắc kiến trúc Việt như nhà thờ Phát Diệm, Pleichuet (ảnh trên) , Cam Ly thì thấy rõ từng nét đình chùa, nhà rông, nhà sàn dân tộc ở đó. Hay chỉ việc bố trí nơi ngồi cho tín đồ theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu” chỉ có ở Việt Nam. Một cuộc rước Công Giáo cũng đủ các hội trống, hội trắc, bát âm. Cũng chú hề son phấn lòe loẹt nhảy múa, cũng các ông khăn xếp, áo the như hội làng. Có khác là khác mấy ca đoàn hát nhạc mới hay đội kèn đồng mà thôi. Người Công Giáo cũng biết làm riêng cho mình một nền văn học, nghệ thuật, báo chí và làm phong phú văn hóa nước nhà. Nhiều tác gia như Trương Vĩnh Ký, Hàn Mạc Tử, Thế Lữ, Bàng Bá Lân, Hồ Dzếnh, Lê Văn Đệ, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Đình Khiêm, Trần Lục…là những nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Cũng theo hướng dẫn của Giáo Hội, người Công Giáo phải có lòng yêu nước bởi:

“ Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công Giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm…Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối chính sách của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và hạnh phúc”(2)

Không phải đến Thư chung năm 1980, người Công Giáo mới được hướng dẫn yêu nước mà bổn phận đóng thuế, chấp hành luật pháp, bảo vệ quốc gia của người công dân được nói nhiều trong Kinh thánh. Do vậy, khi sống dưới ách nô lệ, người Công Giáo còn bị một cổ hai tròng áp bức. Một là của nhà nước thực dân. Hai là do chính sự khinh miệt, kỳ thị của hàng giáo sĩ nước ngoài. Cho nên dễ hiểu, ngay từ rất sớm, nhiều người tín hữu kể cả hàng giáo sĩ đã tham gia các cuộc khởi nghĩa hay các phong trào yêu nước để chống Pháp. Một báo cáo của Khâm sứ Trung Kỳ E. Groleau gửi lên Toàn quyền Đông Dương ngày 11-2-1911 viết:

“Những kẻ cầm đầu phong trào đã lôi cuốn vào hàng ngũ của họ nhiều linh mục và thày giảng Công Giáo vùng Nghệ Tĩnh…Qua các linh mục ấy, chiến dịch tuyên truyền chống chúng ta đã được phổ biến khá hữu hiệu trong giới Công Giáo. Và họ đã góp những số tiền quyên giúp khá lớn vào việc gia tăng ngân sách cho phe Cường Để” (3).

Nhiều người Công Giáo bị bắt, bị đày đi Côn Đảo và chết trong tù như linh mục Nguyễn Tường (1852-1917). Không ít người gia nhập Việt Minh, ủng hộ kháng chiến. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong bộ máy của chính quyền mới tháy có nhiều gương mặt Công Giáo như bác sĩ Vũ Đình Tụng- Bộ trưởng Y tế, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà- Bộ trưởng Kinh tế, nhân sĩ Ngô Tử Hạ- Bộ trưởng Cựu chiến binh, linh mục Phạm Bá Trực là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa I và hai Giám mục Lê Hữu Từ, Hồ Ngọc Cẩn là cố vấn cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc hàng vạn thanh niên Công Giáo đã lên đường cầm súng bảo vệ quê hương và không ít người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Riêng thành phố Hà Nội đã có 59 bà mẹ Công Giáo được phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 1144 liệt sĩ, 516 thương binh. Nhiều người được phong là anh hùng lực lượng vũ trang như các anh hùng Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Quang Hạnh. Trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, sản xuất cũng có nhiều cá nhân Công Giáo được vinh danh là GS.TS, NGND, TTND, NSND.

Người Công Giáo tích cực đóng góp công sức cho các hoạt động từ thiện nhân đạo bác ái, chương trình xây dựng nông thôn mới. Rất nhiều làng Công Giáo đạt danh hiệu làng văn hóa cấp toàn quốc như Tân Độ, Chuôn Thượng, Văn Minh (Hà Nội) và hơn 93% số gia đình Công Giáo đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” đã minh chứng cho nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu với Giáo hoàng Benedicto XVI ngày 25-1-2007 tại Vatican: “ Ở Việt Nam, cộng đồng những người Công Giáo là một cộng đồng năng động kính Chúa, yêu nước và có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển đất nước” (4).

Nguồn: Internet

Tin cùng loại