Số liệu năm 2015 của EVN cho thấy thủy điện chiếm 43,2% công suất lắp đặt và 34,15% sản lượng điện của toàn ngành điện. Xếp thứ hai là nhiệt điện than, chiếm 33,7% công suất lắp đặt và 34,37% sản lượng.
Chiến lược phát triển ngành điện theo Quy hoạch điện VII, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng Việt Nam. Cụ thể, sản lượng nhiệt điện than chiếm 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025. Vào năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng cộng 64 nhà máy nhiệt điện than (xem bản đồ), công suất tổng cộng 55.300 MW, cho sản lượng 304 tỉ KWh, chiếm 53,2% tổng sản lượng điện, tiêu thụ 129 triệu tấn than.
“Thành tựu tăng trưởng và công cuộc giảm đói nghèo trong hai thập kỷ qua ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng phần nào bởi việc sử dụng quá nhiều nguồn năng lượng không tái tạo. Với nhu cầu năng lượng dự tính tăng 10% mỗi năm trong vòng 15 năm tới, việc thảo luận về các lựa chọn sản xuất điện là hết sức cần thiết, mọi người cần phải cân nhắc các chi phí môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”, ngài Tổng lãnh sự Canada tại TPHCM Richard Bale nhận xét tại cuộc tọa đàm “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống của người dân” do tổ chức phi chính phủ CHANGE (Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển) phối hợp với Chính phủ Canada và Phong trào toàn cầu về biến đổi khí hậu 350.org tổ chức sáng nay tại TPHCM.
Nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí, nước, đất, các bệnh đường hô hấp, ung thư, là nguồn phát các chất nguy hại như thủy ngân, selen, asen, chì, cadmi, kim loại nặng, phát tro bụi, gây mưa axit phá hủy nền nông nghiệp, ngư nghiệp, phát khí thải nhà kính, làm trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu… Các tổ chức quốc tế đưa ra ước tính rằng mỗi kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ.
Một điều ít được nhắc đến là nhiệt điện than dự phần rất lớn vào việc hủy hoại môi trường biển. Vì nhiệt điện than cần một lượng nước rất lớn cho hệ thống làm mát nên các nhà máy có xu hướng đặt ven biển. Bên cạnh đó, các nhà máy đặt gần biển để thuận lợi cho việc nhập khẩu than.
Theo số liệu được tổ chức CHANGE thu thập, trung bình 3,5 phút, một nhà máy nhiệt điện than 500 MW sẽ hút lên một lượng nước đủ để chứa trong một bể bơi tiêu chuẩn Olympic (2.500 m3) để làm mát hệ thống. Sau đó nước được trả lại sông, hồ, biển với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 8 đến 13 độ C khiến môi trường sống của các sinh vật biển như cá, tôm, tảo, san hô… bị ảnh hưởng nặng.
Việc hút nước vào hệ thống làm mát giết chết rất nhiều cá, cá bị nghiền nát và luộc chín trong các màng lọc hệ thống. Ở Mỹ, nhà máy điện than Bayshore tại bang Ohio giết 60 triệu tấn cá lớn mỗi năm, nhà máy Huntley ở New York làm kẹt 96 triệu tấn cá mỗi năm trong hệ thống làm mát của họ.
|
Vị trí các nhà máy nhiệt điện than và các khu bảo tồn biển. |
Khu bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), một trong 16 khu bảo tồn biển được quy hoạch của Việt Nam, là trường hợp được đưa ra phân tích tại cuộc tọa đàm, đang bị đe dọa bởi các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ngay sát đó. Hiện mới có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I hoạt động, theo Quy hoạch điện VII, vào năm 2030, ở đó sẽ có bốn nhà máy nhiệt điện hoạt động tại đây.
So với các khu bảo tồn biển khác khác, Hòn Cau là khu bảo tồn biển đa dạng bậc nhất Việt Nam với 234 loại san hô tạo rạn, 324 loại cá rạn san hô, 119 loại thân mềm, 32 loại da gai. Nhưng khu bảo tồn biển này đang bị đe dọa bởi các hoạt động nạo vét và nhận chìm vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân I, bởi hàm lượng các chất lơ lửng, bùn cát, bởi hệ thống làm mát của nhà máy nhiệt điện…
Theo tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn từ Viện Hải dương học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam), những hệ sinh thái rạn san hô như ở Hòn Cau là nơi dự trữ sinh học đa dạng, mang lại các giá trị kinh tế rất lớn, là sinh kế cho hàng triệu người từ các nguồn đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, du lịch thiên nhiên, vật liệu xây dựng (cát, đá, cây…), buôn bán cá cảnh và các sản phẩm lưu niệm.
Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2007 tính toán rằng mỗi km2 rạn san hô mang lại 600.000 đô la Mỹ lợi tức chỉ từ du lịch mỗi năm. Trong khi đó, chi phí quản lý các khu bảo tồn biển chỉ 775 đô la Mỹ/km2 mỗi năm. Nhưng nếu đánh mất thì chi phí khôi phục rất cao, như Maldives tiêu tốn 10 triệu đô la Mỹ/km bờ biển để thay thế rạn san hô bị phá hủy.
Di dời 10.000 cụm san hô để làm nhiệt điện Vĩnh Tân
(TBKTSG Online) – Ông Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết đơn vị này vừa hoàn thành việc di dời 10.000 cụm và khối san hô vùng biển ven bờ đến vùng biển khác nhằm phục vụ công tác nạo vét luồng, lạch để xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Phát biểu tại buổi tọa đàm về tác động của nhiệt điện đến môi trường biển diễn ra tại TPHCM sáng nay (17-2-2017), ông Tuấn cho biết việc di dời này được thực hiện trong khoảng sáu tháng và toàn bộ 10.000 tập đoàn san hô (cụm, khối san hô) được di dời về vùng biển Khu bảo tồn Hòn Cau cách đó chừng hơn 5 km để san hô tiếp tục sinh trưởng.
“San hô sau khi được di dời về khu bảo tồn Hòn Cau đang sinh trưởng khá tốt”, ông Tuấn thông tin.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bảo tồn sinh vật biển cho rằng việc di dời san hô sẽ kéo theo hệ lụy về môi trường biển, hạn chế khả năng sinh sản của nhiều loại cá vùng này, tác động đến nguồn lợi đánh bắt ngư dân địa phương.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Toàn Công Lập, Đội trưởng Đội bảo tồn thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho rằng: san hô vùng nhiệt điện Vĩnh Tân được di dời ra Hòn Cau sẽ làm mất môi trường sinh sản tự nhiên của nhiều loài khu vực biển này, nhiều loài cá sẽ không còn quay về khi mất đi rạn san hô làm nơi sinh sản, các loài cá di cư như cá cơm, cá trích cũng không còn nơi trú ẩn trên đường di chuyển hàng năm nữa… và điều này làm giảm nguồn thu nhập của ngư dân.
Một số chuyên gia môi trường lo ngại sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện than vùng biển Bình Thuận đang đưa các hệ sinh thái biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau, đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các tác động xả thải, nạo vét, dẫn đến các loài sinh vật biển mất môi trường sống, các ran san hô bị thu hẹp, nghề muối, nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản và du lịch bị tác động tiêu cực.
Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân được xây dựng ven vùng biển huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận gồm năm nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất thiết kế 6.225 MW đang được thi công và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2020. Trong đó, nhà máy Vĩnh Tân 2 hoạt động từ năm 2014 và Vĩnh Tân 4 sẽ hoạt động trong năm nay.
Ông Võ Sĩ Tuấn cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất là việc đánh giá tác động môi trường của dự án nhiệt điện tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân lâu nay được thực hiện cho từng nhà máy riêng lẻ. Đến khi tất cả các nhà máy hoạt động thì cần có một đánh giá tác động môi trường tích lũy của cả năm nhà máy và có giải pháp để khắc phục các hệ lụy đến môi trường dựa trên các cơ sở khoa học.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam cho rằng tính chung tổng lượng xả thải trong cả vòng đời các dự án nhà máy nhiệt điện khu Vĩnh Tân thì tác động cộng hưởng, tích lũy theo thời gian bao phủ lên cả hệ sinh thái biển, là vấn đề lớn cần tính tới.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan, đặc biệt là nhà đầu tư trả lời cho địa phương, những cơ quan quản lý về môi trường những tác động tích lũy lên môi trường biển nói trên”, ông Hồi nói
Nguồn: Internet
|