TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » Đất tôn giáo được hình thành như thế nào?

Đất tôn giáo được hình thành như thế nào?

10:34 | 26/04/2023

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, nguồn gốc hình thành nên đất cơ sở tôn giáo gồm có:

Thông qua việc Nhà nước giao quyền sử dụng đất (Nhà nước giao đất):
 
Nhà nước giao quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 7, Điều 3 “là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất”.

Cơ sở tôn giáo khi được Nhà nước giao đất không phải trả tiền sử dụng đất (Khoản 5, Điều 54). Tuy nhiên, để giao đất cho cơ sở tôn giáo thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo (Khoản 2, điều 159).

Luật Đất đai năm 2013 không quy định hạn mức đất cụ thể cho cơ sở tôn giáo, mà giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để xác định mức đất giao cho các cơ sở tôn giáo cho phù hợp.

Ảnh minh họa

Thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất:

Cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang được sử dụng ổn định (Điểm I, Khoản 1, Điều 169).

Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây: Được Nhà nước cho phép hoạt động; đất không có tranh chấp; không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 1/7/2004 (Khoản 4, Điều 102).

Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất có chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế, xác định ranh giới cụ thể của thửa đất và quyết định xử lý theo quy định. Diện tích đất của cơ sở tôn giáo sau khi đã xử lý theo quy định và có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 102 của Luật Đất đai thì cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài.

Trường hợp đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện (kể cả trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho trước ngày 1/7/2004) thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức và thời hạn sử dụng đất tương ứng với mục đích đó như đối với hộ gia đình, cá nhân (Điều 28 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai).

Thông qua kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai; quyết định về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai; quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân; quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án:

Cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành (Điểm l, Khoản 1, Điều 169).

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại