Diễn đàn "Sống chung với dịch Covid-19" được Báo Người Lao Động mở ra từ ngày 6-9 đến nay đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, bạn đọc
Hầu hết các ý kiến tham gia diễn đàn đều khẳng định nếu tiếp tục kéo dài thắt chặt giãn cách sẽ dẫn đến tình trạng quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp (DN), người dân và xã hội.
Phải có vắc-xin và chiến lược "mở cửa"
Tuy nhiên, để sống chung với dịch Covid-19, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ mà ưu tiên số 1 là vắc-xin, song song đó phải có tư duy chiến lược. Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê, chống dịch phải đi đôi với ổn định sinh kế. Những biện pháp đưa ra đều phải tính đến các hệ quả của nó đối với sinh kế và có giải pháp giải quyết cụ thể.
Phải phân loại các DN theo đặc thù, tính chất hoạt động, khu vực, năng lực tổ chức sản xuất - kinh doanh an toàn. Các DN đạt tiêu chuẩn an toàn sẽ được ưu tiên hoạt động. Xác lập, thiết kế quy trình, quy chuẩn cho các loại hình di chuyển và giao dịch an toàn. Có quy định rõ ràng các nhóm có thể được di chuyển mà không gây nguy cơ lây nhiễm. Chung sống với Covid-19 nghĩa là có các giải pháp dịch tễ và y tế linh hoạt, áp dụng uyển chuyển theo từng mức độ lây lan của virus.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Uyên, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, cho rằng cần thông báo trước cho người dân và DN ít nhất 2 tuần việc mở cửa để có thể sắp xếp lại guồng máy công việc một cách chủ động. DN chỉ được trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh khi đã xây dựng xong phương án về y tế bảo đảm phòng chống dịch cho người lao động. Ngoài ra, thành phố cần cung cấp chính sách hỗ trợ cần thiết ở giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 cho DN và người dân.
Khẳng định mở cửa kinh tế trong điều kiện bình thường mới cần thực hiện đồng bộ 3 nguyên tắc quản lý: Chiến lược quản lý, Chiến lược mở cửa và Chiến lược áp dụng khoa học - công nghệ, tác giả Nguyễn Thơ đề xuất nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các DN, DN vừa và nhỏ về thuế (gia hạn, miễn, giảm thuế, phí), tín dụng (miễn, giảm lãi suất), giảm giá điện, tiền thuê đất...; các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sớm phục hồi nền kinh tế đất nước. Để mở cửa kinh tế cần phải theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn phải có lộ trình tỉ lệ tương thích với các điều kiện thực tế, siết chặt kiểm soát từ bên ngoài, thắt chặt kiểm soát biên giới, không buông lỏng quản lý từ bên trong.
Với tác giả Kiến Quốc (TP HCM), nên có chính sách giãn và giảm thuế cho các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống. Việc "cứu" nhóm này góp phần tạo nguồn thu ngân sách, duy trì việc làm cho người lao động, giúp họ ổn định thu nhập và giảm gánh nặng về an sinh xã hội cho chính quyền.
“Đi chợ hộ” giúp người dân trong những ngày giãn cáchẢnh: Hoàng Triều
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) nêu quan điểm nhà nước và các DN cần mổ xẻ những điểm nghẽn, đứt gãy trong chuỗi liên kết để cấu trúc lại toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng, trong đó điểm đầu là nhà nông, điểm cuối là người tiêu dùng. Bởi đại dịch Covid-19 bùng phát đã bộc lộ những bất cập trong mô hình "4 nhà" khi việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác bị siết chặt. Ngoài ra, có chính sách khuyến khích DN và người dân chuyển đổi phương thức thanh toán và kinh doanh thương mại điện tử một cách dễ dàng, an toàn.
Chống dịch là trách nhiệm và quyền lợi công dân
Theo tiến sĩ Lê Hồng Phước (Trường ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP HCM), TP HCM có thể học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, đó là "giấy thông hành y tế", tăng cường tiêm vắc-xin và tháo gỡ có lộ trình các biện pháp giãn cách tùy theo tình hình. Đặc biệt, thành phố cần chú ý đến một loại "vắc-xin" vô cùng quan trọng: ý thức công dân. Làm sao để mỗi người dân xem mình là một "chiến sĩ tuyến đầu", chống dịch vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của mỗi công dân.
Tác giả Nguyễn Thơ nhấn mạnh quản lý phải từ cấp thấp nhất ở chính quyền địa phương, từ phường, xã, khu phố, tổ dân phố (ấp, xóm) thành những "pháo đài" vững chắc. Các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất cũng thành lập những "pháo đài" vững chắc theo mô hình phường, xã trên. "Pháo đài" nào quản lý được thì sẽ cho mở cửa trước.
Còn theo tác giả Chung Thanh Huy, để tạo tiền đề cho giai đoạn mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, ngay từ bây giờ phải xử lý triệt để các vấn đề thủ tục, vướng mắc về pháp lý. Chẳng hạn, các nút thắt về chính sách đất đai, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Tác giả Tương Quan đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý từng cá nhân và điểm đến xanh, địa bàn an toàn. Những nơi mà DN và người dân có sáng kiến bảo đảm hoạt động sản xuất, dịch vụ an toàn thì sẽ được mở ra từng bước.
Nguồn: NLĐ