TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » Hiện tượng cải đạo, đổi đạo trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Hiện tượng cải đạo, đổi đạo trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

09:23 | 26/04/2023

 Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số đã từ bỏ tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống, hoặc vẫn giữ tín ngưỡng truyền thống nhưng chuyển sang theo các tôn giáo lớn như đạo Tin lành và Phật giáo, hoặc các hiện tượng tôn giáo mới, tiêu biểu là Hà Mòn và Dương Văn Mình. Hiện tượng cải đạo, đổi đạo này tác động không nhỏ đến các mặt đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm đối với công tác tôn giáo và công tác dân tộcHiện tượng cải đạo, đổi đạo trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Cải đạo, đổi đạo là hiện tượng diễn ra phổ biến trong lịch sử loài người. Thực tế lịch sử cho thấy, khi xã hội chuyển từ xã hội nguyên thủy hoặc xã hội chiếm hữu nô lệ sang xã hội phong kiến là thời điểm ra đời hàng chục tôn giáo mới, tiêu biểu là Phật giáo, Công giáo, Islam giáo, v.v.. Khi xã hội chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản là thời điểm xuất hiện hàng trăm tôn giáo mới, điển hình là đạo Tin lành, Anh giáo, đạo Baha’i, v.v.. Khi xã hội chuyển từ xã hội hiện đại sang xã hội hậu hiện đại là thời điểm xuất hiện hàng vạn tôn giáo mới(1).

Ở Việt Nam, khi xã hội chuyển từ phong kiến sang nửa thuộc địa nửa phong kiến vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX đã làm xuất hiện hàng chục tôn giáo mới ở khu vực Nam Bộ, tiêu biểu như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, v.v.. Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, khi xã hội chuyển từ nền kinh tế từ bao cấp sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng xuất hiện gần 100 hiện tượng tôn giáo mới (đạo lạ), chủ yếu ở Miền Bắc và Tây Nguyên, những nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự biến động xã hội giai đoạn này(2).

Nhìn chung, các tôn giáo ra đời sau đều kế thừa nhiều yếu tố của các tôn giáo có trước, nhưng cải sửa, bổ sung nhiều điểm mới khác nhằm thích ứng với xã hội và văn hóa nơi chúng tồn tại theo hướng đơn giản hóa/ kiểu phép trừ (-) chiếm đa số mà Phật giáo Hòa Hảo là một ví dụ tiêu biểu, hoặc cầu kỳ hóa/ kiểu phép cộng (+) chiếm thiểu số, đạo Cao Đài là một ví dụ tiêu biểu. Sự cải sửa, bổ sung này của các tôn giáo ra đời sau đã thu hút được một số lượng không nhỏ tín đồ của các tôn giáo ra đời trước, như bộ phận tín đồ Phật giáo theo Ấn Độ giáo, bộ phận tín đồ Công giáo theo đạo Tin lành, bộ phận tín đồ Phật giáo theo Phật giáo Hòa Hảo, v.v..

Trong đời sống tôn giáo thế giới hiện nay, cải đạo, đổi đạo là một trong những xu hướng lớn. Từ thập niên 50 của thế kỷ XX trở lại đây, xu hướng này thể hiện chủ yếu qua việc một số tín đồ Công giáo theo đạo Tin Lành, một số tín đồ thuộc gia đình Kitô giáo theo Phật giáo,v.v.. Ở Việt Nam, từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX trở lại đây, một bộ phận người dân từ bỏ hoặc vẫn giữ tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống chuyển theo tôn giáo khác, hoặc chuyển theo các hiện tượng tôn giáo mới. Với bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, đáng lưu tâm là sự truyền bá mạnh mẽ của Phật giáo và đạo Tin Lành ở Tây Nguyên và Tây Bắc.

Phật giáo từng hiện diện ở vùng miền núi phía Bắc từ thời nhà Lý, nhưng thật sự rõ rệt từ thời nhà Trần qua những di tích được ghi chép trong sử sách hoặc những dấu tích tìm thấy trên thực địa như chùa Quỳnh Lâm ở huyện Đông Triều, chùa Quan Lạn ở huyện Vân Đồn, Chùa Lấm ở huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; chùa Sùng Khánh ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; Chùa Hang và chùa Hắc Y ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái(3), v.v..  Những di tích Phật giáo nêu trên được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người Kinh khu vực này. Nói cách khác, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc đương thời có thể chưa tin theo Phật giáo. Còn ở Tây Nguyên, tuy Phật giáo hiện diện vào đầu thế kỷ XX, nhưng thời gian đầu chủ yếu trong cộng đồng người Kinh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau khi được thành lập năm 1981 đã sớm xác định trách nhiệm hoằng pháp đối với vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc truyền giáo vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc chỉ đặt ra quyết liệt hơn và quy củ hơn trong khoảng hơn 20 năm gần đây. Công việc này của giới Phật giáo Việt Nam đạt được một số thành quả đáng kể. Ở Tây Bắc, một bộ phận người Dao, người Mường, người Thái, người Tày ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La theo Phật giáo. Ở Tây Nguyên, vào năm 2002, 1.644 người Cơ Ho ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng theo Phật giáo; đến năm 2009, tín đồ Phật giáo dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng tăng lên 6.000 người(4). Ở tỉnh Kon Tum, chỉ trong hai lần quy y tập thể vào năm 2007 tại chùa Hồng Từ và năm 2009 tại chùa Bái Ái (thành phố Kon Tum), Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum thu nhận khoảng 3.500 Phật tử dân tộc thiểu số (con số mà giới Phật giáo địa phương đưa ra là 4.000 tín đồ)(5). Sự kiện đặc biệt này được đưa vào sách Kỷ lục Việt Nam và được tuyên dương trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI (2007-2012). Thời điểm năm 2009, Tây Nguyên có 9.594 người dân tộc thiểu số/ 570.274 người theo Phật giáo (chiếm 1,6%)(6).

Việc Phật giáo phát triển khá nhanh trong vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc thời gian gần đây là một thực tế, chí ít là số lượng người tin theo. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số theo Phật giáo có lẽ vì sự tò mò, được nhận quà từ thiện, được đến các đô thị hoặc đi các tỉnh thành khác biểu diễn văn nghệ truyền thống,... Vì vậy, dù đã làm Lễ Quy y, nhưng nhiều người dân tộc thiểu số không hiểu kinh sách Phật giáo, không tự nguyện đi lễ chùa. Việc Phật giáo khó phát triển trong nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc chủ yếu do nội dung giáo thuyết nhà Phật có nhiều điểm khác biệt với tín ngưỡng truyền thống, tư duy của đồng bào, có thể do giáo thuyết nhà Phật lại trừu tượng, rất nhiều đồng bào không biết tiếng phổ thông trong khi rất ít tăng sĩ biết tiếng dân tộc thiểu số, kinh sách vẫn dùng chữ quốc ngữ thay vì chữ dân tộc thiểu số, nhiều tăng sĩ ngại khó khăn gian khổ khi hoằng pháp vào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, v.v..

Đạo Tin lành truyền vào vùng dân tộc thiểu số vào những năm 1930 ở Tây Nguyên, những năm 1940 ở Tây Bắc. Nhìn chung, kết quả truyền giáo của đạo Tin lành trong thời kỳ đầu chưa đáng kể do chính sách ngăn cản của thực dân Pháp, lực lượng và phương tiện truyền giáo còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các  giáo sĩ nước ngoài, đến năm 1942, đạo Tin lành tiếp cận được với nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Nam Trường Sơn(7).

Đến năm 1973, số lượng tín đồ đạo Tin lành người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khoảng 55.000, trong đó 15.000 đã làm Lễ Báp tem(8).

Từ cuối những năm 1980 đến cuối những năm 1990, gặp nhiều điều kiện thuận lợi, phong trào truyền đạo, theo đạo Tin lành trong vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bùng phát. Tính đến năm 2017, ở Tây Nguyên có khoảng 550.000 tín đồ đạo Tin lành là người dân tộc thiểu số, tăng 10 lần so với thời điểm trước năm 1975(9).

Đạo Tin lành cũng bùng phát trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc từ cuối những năm 1980 đến cuối những năm 1990. Một bộ phận người Mông từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo đạo Tin lành dưới tên gọi đạo Vàng Chứ. Đến năm 1991, nhóm người Mông này được Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) hiệu chỉnh chính thức chuyển sang theo đạo Tin lành.

Cùng thời gian đó, các tổ chức Tin lành khác chú trọng thu nạp tín đồ người Mông. Tính đến năm 2017, số người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc theo đạo Tin lành là 215.000 người. Ngoài người Mông, từ năm 1990 đến năm 2017, ở Tây Bắc còn có gần 20.000 đồng bào dân tộc thiểu số khác như Dao, Sán Chỉ, Thái... bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo đạo Tin lành. Một bộ phận nhỏ người Khmer ở Tây Nam Bộ, người Chăm ở Nam Trung Bộ cũng từ bỏ tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống để theo đạo Tin lành. Như vậy, nếu trước năm 1975, cả nước có khoảng 55.000 tín đồ đạo Tin lành người dân tộc thiểu số, thì đến năm 2017, con số này tăng lên 775.000 người, nhiều gấp khoảng 14 lần(10).

Việc đạo Tin lành phát triển đột biến trong vùng dân tộc thiểu số do sự suy yếu của thiết chế xã hội truyền thống, sự khủng hoảng của văn hóa truyền thống nhiều dân tộc thiểu số; rừng và đất rừng là không gian sinh tồn gắn với cuộc sống của nhiều dân tộc thiểu số bị tàn phá nặng nề, diện tích mất đi nhanh chóng; trình độ dân trí của đa phần đồng bào còn thấp, đời sống kinh tế của phần lớn đồng bào còn nhiều khó khăn; phương cách truyền giáo của đạo Tin lành năng động, phù hợp với tâm lý và nhận thức của một bộ phận đồng bào; sự khéo léo khai thác đặc điểm văn hóa của từng dân tộc thiểu số để bản địa hóa đạo Tin lành với những nội dung phù hợp dễ thâm nhập; hệ thống chính trị ở cơ sở còn nhiều yếu kém, sự suy giảm niềm tin của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vào chính quyền; lợi thế của đạo Tin lành với tư cách tôn giáo có nhiều điểm tiến bộ về đạo đức và lối sống gắn với xã hội. Đáng chú ý là: “Các nguyên nhân này cùng hội tụ trong một thời điểm, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc truyền bá và tin theo đạo Tin lành. Đây là điều mà ở các giai đoạn trước đó không có hoặc không đủ”(11).

Với đặc trưng về đức tin và sống đạo, nên khi truyền giáo đến Tây Nguyên và Tây Bắc, đạo Tin lành có những va chạm, thậm chí xung đột với văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số. Với việc chỉ thờ Thiên Chúa, người theo đạo Tin lành phủ nhận việc thờ thần linh cùng nhiều nghi thức trong quan hôn, tang tế và lễ hội truyền thống; làm thay đổi các mối quan hệ truyền thống trong gia đình và xã hội, hạ bệ những người có uy tín trong cộng đồng truyền thống. Những điều này gây không ít bất ổn trong quan hệ xã hội trên địa bàn có người theo đạo Tin lành.

Những va chạm, xung đột nói trên thường xảy ra ở giai đoạn đầu truyền bá của các tôn giáo độc thần ở nhiều nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tương tự Công giáo trước đây, cùng với thời gian, các mâu thuẫn giảm dần, mối quan hệ giữa đạo Tin lành với văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số dần trở lại bình thường. Thực tế người Mông ở tỉnh Sơn La hiện nay là một ví dụ.

Cộng đồng người Mông theo đạo Tin lành và cộng đồng người Mông giữ tín ngưỡng truyền thống ở tỉnh Sơn La hiện nay đã đến thăm hỏi nhau thường xuyên hơn, thân tình hơn, tham dự một số nghi lễ của nhau. Hiểu được sự cấm kị trong thực hành tôn giáo, cộng đồng người Mông giữ tín ngưỡng truyền thống chủ động dành riêng thực phẩm và đồ ăn uống không qua cúng lễ thần linh truyền thống cho những người đồng tộc theo đạo Tin lành khi họ đến tham dự và ăn uống trong đám tang và đám cưới theo nghi lễ truyền thống(12).

Thực ra, sự khác biệt giữa cộng đồng dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành với cộng đồng dân tộc thiểu số giữ tín ngưỡng truyền thống chủ yếu về đức tin, một bên thờ duy nhất Thiên Chúa, một bên thờ nhiều vị thần linh. Sự khác biệt này kéo theo các phong tục, tập quán liên quan. Do vậy, không nên vì sự khác biệt này để phủ nhận những mặt tích cực về đạo đức, lối sống của đạo Tin lành như: khuyến khích tín đồ sống tiết kiệm, chăm chỉ lao động, ham muốn làm giàu chính đáng, tích cực hoạt động từ thiện xã hội, từ bỏ những thói quen xấu(13).

Trên thực tế, cải đạo, đổi đạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng diễn ra nhiều lần trong lịch sử. Người Chăm từng theo Phật giáo và Bà La Môn giáo trong một thời gian khá dài. Thậm chí, Phật giáo từng phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người Chăm với Phật viện Đồng Dương nổi tiếng. Nhưng từ sau biến cố năm 1470, một bộ phận lớn người Chăm từ bỏ Phật giáo và Bà La Môn giáo để theo Islam giáo.

Vào thập niên 80 của thế kỷ XIX, một bộ phận người Khmer bỏ tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống theo Công giáo. Một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bỏ tín ngưỡng truyền thống theo Công giáo vào thập niên 40 của thế kỷ XIX; bỏ tín ngưỡng truyền thống theo đạo Tin lành vào thập niên 30 của thế kỷ XX. Cộng đồng người Mông ở Tây Bắc bỏ tín ngưỡng truyền thống theo Công giáo vào thập niên 20 của thế kỷ XX. Cộng đồng người Dao ở Đông Bắc bỏ tín ngưỡng theo đạo Tin lành vào thập niên 40 của thế kỷ XX.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, cải đạo, đổi đạo luôn diễn ra trong lịch sử các dân tộc thiểu số. Hiện tượng này thường tạo ra xung đột văn hóa và xã hội ở giai đoạn đầu truyền nhập đối với những tôn giáo độc thần (Islam giáo, Công giáo, đạo Tin lành), khá êm đẹp đối với những tôn giáo phiếm thần (Phật giáo, Bà La Môn giáo). Cho nên, việc một bộ phận các dân tộc thiểu số cải đạo, đổi đạo thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Nhưng việc phong trào này diễn ra đột biến và rộng khắp trong nhiều dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền trong cùng một thời điểm, nhất là có tác động xấu đối với văn hóa - xã hội ở những địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. Bởi vì, trong khá nhiều trường hợp, hiện tượng này không còn thuần túy là hoạt động tôn giáo nữa, mà ngả sang hoạt động chính trị một cách chủ động, hoặc bị các thế lực phản động lợi dụng để chống phá Nhà nước Việt Nam.

Các số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2015 cho thấy có sự đa dạng trong các tôn giáo mà các dân tộc thiểu số tham gia (Bảng 1).

Hiện tượng cải đạo, đổi đạo thời gian gần đây tất yếu dẫn đến sự đa dạng tôn giáo trong mỗi dân tộc thiểu số. Với người Chăm, đó là Bà La Môn giáo, Islam giáo, Bà Ni giáo, đạo Tin lành. Với người Khmer, đó là Phật giáo, Công giáo, đạo Tin lành. Với nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đó là Công giáo, Phật giáo, đạo Tin lành. Với nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, đó là Phật giáo, Công giáo, đạo Tin lành. Sự đa dạng tôn giáo trong các dân tộc thiểu số hiện nay không chỉ thấy rõ qua các tôn giáo lớn, tiêu biểu là Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành, mà còn thể hiện ở hàng chục hiện tượng tôn giáo mới, tiêu biểu là Hà Mòn ở Tây Nguyên và Dương Văn Mình ở vùng miền núi phía Bắc.

Chú giải:

1) Xem: Đỗ Quang Hưng: Hiện tượng tôn giáo mới: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5-2001;

Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa hậu hiện đại và phong trào tôn giáo mới ở Việt Nam và thế giới, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2014;

Lê Tâm Đắc, Lê Đình Lợi, “Mấy vấn đề về hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới hiện nay”, trong: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiện tượng tôn giáo mới và ảnh hưởng của nó đến đời sống tinh thần của thế hệ trẻ ở miền Bắc hiện nay, Nxb Hồng Đức, 2017.

(2) Xem Lê Tâm Đắc: Mấy đặc điểm về hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4-2015; PGS,TS Nguyễn Văn Minh, Những hiện tượng tôn giáo mới ở một số dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên hiện nay, Nxb Công an nhân dân, 2017.

(3) Thích Gia Quang: Khơi nguồn Phật pháp nơi vùng sâu, vùng xa: Vấn đề đặt ra cho tổ chức Phật giáo ở miền núi phía Bắc, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4-2014, tr.67.

(4) Dẫn theo Nguyễn Phú Lợi chủ nhiệm: Sự biến đổi đời sống tôn giáo ở Việt Nam trước tác động của toàn cầu hóa, Đề tài khoa học cấp Bộ, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2010, tr.104-105.

(5) Xem Lê Tâm Đắc: Xu thế tôn giáo trên thế giới và tác động của chúng đối với các tôn giáo ở Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9-2013.

(6) Dẫn theo: TS Bùi Minh Đạo, Một số vấn đề cơ bản của xã hội Tây Nguyên trong phát triển bền vững, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.77.

(7), (8) Xem: Vũ Thị Thu Hà (chủ biên): Giá trị và chức năng của Tin lành trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018, tr.81-82, 85.

(9), (10), (11) Nguyễn Thanh Xuân: Những biến đổi của đạo Tin lành ở Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6-2019, tr.104.

(12) Xem Lê Tâm Đắc: Sự chuyển biến sinh hoạt tín ngưỡng của người Mông ở Sơn La hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 7-2017.

(13) Xem: Vũ Thị Thu Hà chủ biên, Giá trị và chức năng của Tin lành trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018; Nguyễn Thanh Xuân, Những biến đổi của đạo Tin lành ở Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6-2019.

 

(14) Tổng cục Thống kê: Kết quả chủ yếu điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015.

Nguồn: Internet

Tin cùng loại