Trong khi nhiều hoạt động công khai của người Công Giáo hướng đến khía cạnh trợ giúp xã hội, một số hoạt động còn liên quan đến khía cạnh chính trị. Theo Allan Goodman, dù Phật Giáo chiếm đa số ở Việt Nam, Công Giáo được đánh giá có tính tổ chức tốt hơn về mặt chính trị.[1] Dù có nhiều ý kiến cho rằng Công Giáo ít phân mảnh hơn Phật Giáo trên tư cách một khối chính trị,[2] nhưng họ không đơn thuần là một khối thống nhất. Có nhiều nhóm có đường hướng đối lập nhau, được hình thành giữa những năm 1960 trong một loạt các đảng phái và nhóm chính trị khác nhau trong bộ máy lập pháp. Một vài nhóm có tính cục bộ, bắt nguồn từ việc trung thành với một linh mục nhất định. Năm 1965, có hai nhóm rất quyền lực, cả hai đều chống cộng mạnh mẽ. Một nhóm được dẫn đầu bởi cha Hoàng Quỳnh, người đứng đầu một giáo xứ quan trọng là Phát Diệm ở tỉnh Ninh Bình trước khi di cư. Nhóm còn lại được dẫn đầu bởi các cha Trần Đức Huynh và Mai Ngọc Khuê, người đứng đầu giáo xứ Bùi Chu ở tỉnh Nam Định trước 1954.[3] Ngoài ra còn có những nhóm quy tụ các trí thức Công Giáo gắn với các tờ báo khác nhau, như Sống Đạo và Hành Trình.[4]
Thêm nữa, theo lập luận của Peter Hansen, sự khác biệt văn hoá mang tính vùng miền và giáo hội địa phương tạo nên sự chia rẽ giữa nhóm di dân miền Bắc và những người đồng đạo của họ sống ở miền Nam trước 1954. Hansen cho rằng dân di cư miền Bắc có khuynh hướng chống cộng và cực đoan.[5] Thêm nữa, không phải tất cả giáo dân và linh mục Công Giáo đều chống cộng hay ủng hộ chiến tranh. Nguyễn Thị Oanh, một người hoạt động trong các công tác xã hội ở Việt Nam, đã viết trong nhật kí của cô về một số linh mục tiến bộ đã tạo nên những thay đổi xã hội ý nghĩa và không ủng hộ cách mà các chính phủ Nam Việt thực hiện chiến tranh. Một ví dụ được cô đề cập là cha Trương Bá Cần, một người di cư miền Bắc.[6] Điều này chỉ ra rằng thậm chí trong số dân Bắc di cư cũng có những lập trường chính trị khác nhau. Trần Thị Liên củng cố luận điểm này trong một bài viết khi tác giả nói về những người Công Giáo chống Ngô Đình Diệm và chính sách của ông ta.[7] Những người chống đối ông Diệm chính yếu là các nhà trí thức như Nguyễn Mạnh Hà, cựu bộ trưởng bộ kinh tế trong chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh năm 1945. Nhiều người trong số họ đã học cùng nhau ở Paris và Louvain như ông Nguyễn Đình Đầu, một trong những sáng lập viên của báo Sống Đạo. Những trí thức Công Giáo này ủng hộ một giải pháp trung lập để kết thúc chiến tranh và khuyến khích một lập trường hoà giải hơn đối với Phật Giáo.
Thấy được vai trò chính trị tích cực của Công Giáo Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ cố gắng ghi nhận lập trường và tìm cách có được sự ủng hộ của họ. Trong Cục lưu trữ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có rất nhiều ghi chép về liên lạc giữa các nhà lãnh đạo Công Giáo với những viên chức ngoại giao khác nhau. Nhóm này gồm phần lớn các linh mục thiên hữu chống cộng. Sự trao đổi đôi khi được khởi xuất từ các viên chức Hoa Kỳ, những người muốn dò xét quan điểm chính trị của dân Công Giáo. Trong khi các viên chức Hoa Kỳ khảo sát lập trường của các linh mục cấp cao như cha Hoàng Quỳnh, họ cũng tiếp xúc với những linh mục ít có ảnh hưởng hơn để hiểu về những người Công Giáo bình thường.[8] Đôi khi những cuộc trò chuyện riêng tư này do sự chủ động của chính các linh mục Công Giáo, những người tìm đến sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cho những vấn đề chính trị khác nhau. Đơn cử là cuộc gặp vào tháng 12 năm 1964, không lâu sau vụ bắt giữ vài thành viên của Hội đồng Tư vấn Quốc gia Tối cao gồm các nhà lãnh dạo dân sự tiêu biểu có nhiệm vụ giúp Việt Nam quay lại chính quyền dân sự.[9] Cha Mai Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đấu tranh Công Giáo, và cha Vũ Đức Trinh đã thăm nhà ngoại giao Melvin Levine để tìm hiểu về thái độ của Hoa Kỳ đối với vụ bắt giữ này, cũng như để kiểm chứng mức độ liên quan của Hoa Kỳ. Trong khi đó, họ cũng thuyết phục Levine rằng Viện Hoa Đào của Phật Giáo, một tổ chức có mục đích truyền bá đức tin Phật Giáo, là một mặt trận của Cộng sản.[10]
Cũng có những trường hợp các linh mục khác nhau kêu gọi các viên chức Hoa Kỳ đưa ra quan điểm riêng để gióng lên tiếng nói ủng hộ hay để giải toả các lo lắng của họ. Ví dụ, cha Nguyễn Quang Lâm, người chịu trách nhiệm xuất bản tờ Xây Dựng, đã đến gặp viên ngoại giao David Engel tại nhà riêng để bày tỏ sự phản đối về việc tái bổ nhiệm ông Henry Cabot Lodge làm đại sứ ở Việt Nam.[11] Những ví dụ này chứng tỏ rằng thay vì trở thành những con rối đơn thuần cho Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo chống cộng Công Giáo đã chủ động tìm cách giành lấy sự ủng hộ chính trị của Hoa Kỳ cho các vấn đề mà họ cảm thấy có ảnh hưởng đến Công Giáo, như việc tái bổ nhiệm viên đại sứ mà họ tin rằng có liên quan đến việc lật đổ và cái chết của ông Diệm.
Ngoại giao âm thầm không phải là chiến lược hành động duy nhất của Công Giáo Việt Nam. Họ cũng lên tiếng hiệu quả trong môi trường chính trị công khai. Các báo và tạp chí Công Giáo đã được thành lập và phát triển ở Nam Việt. Tính đến năm 1954, có tất cả 13 tờ báo Công Giáo chính thức ở Việt Nam.[12] Từ 1954 đến 1963, có tất cả 17 tờ báo đã xuất hiện và tồn tại ở Nam Việt.[13] Các tờ báo này có số người đọc rất lớn. Ví dụ, tờ Xây Dựng phát hành 30.000 ấn bản mỗi ngày vào năm 1967. Trong số 27 tờ nhật báo ở Nam Việt lúc đó, chỉ một ít tờ báo có tổng số phát hành cao hơn.[14] Một tờ nhật báo Công Giáo khác, Hoà Bình, có tổng số phát hành là 20.000 bản. Cả hai tờ nhật báo này cung cấp những tin tức chính trị từ quan điểm Công Giáo. Ví dụ, vào mùa hè năm 1964, Xây Dựng tổ chức kỷ niệm 10 năm Bắc di cư. Tờ báo đã xuất bản các bài viết và hình ảnh về cuộc di cư 1954 và ý nghĩa của biến cố ấy trong việc thay đổi đời sống của gần một triệu người miền Bắc.
Bên cạnh việc khai thác hiệu quả báo in, Công Giáo Việt Nam cũng hành động qua các tổ chức tình nguyện, như các nhóm thanh niên và phụ nữ. Các nhóm thanh niên Công Giáo rất năng động trong cả các hoạt động cứu trợ lẫn trong hoạt động chính trị. Họ thường kêu gọi sự giúp đỡ cho việc cứu trợ khẩn cấp các nạn nhân bão lụt hay cho người tị nạn chiến tranh như đã nói trên. Nguồn gốc của những đoàn thể Công Giáo này có từ thời Pháp thuộc dưới ảnh hưởng của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn. Được thụ phong Giám mục năm 1935, Cha Cẩn là vị Giám mục thứ hai người Việt Nam. Ngài là một người ủng hộ mạnh mẽ các đoàn thể giáo dân Công Giáo như Hướng Đạo Sinh Công Giáo, Tình Nguyện Giáo Hội, Hùng Tâm Dũng Chí, Giới Trẻ Công Giáo Nông Nghiệp, Giới Trẻ Công Giáo Nông Thôn, và Giới Công Nhân Công Giáo.
Một người khác cũng ủng hộ đoàn hội giáo dân Công Giáo là Giám mục Lê Hữu Từ, người được thụ phong năm 1945. Cũng giống như các hội đoàn được khuyến khích bởi Đức Cha Cẩn, các hiệp hội của Đức Cha Từ cũng có phạm vi hoạt động rộng. Một vài hiệp hội tập trung vào các vấn đề tôn giáo, những hiệp hội khác hướng đến các vấn đề chính trị xã hội.[15] Thật ra, trong vai trò Giám mục giáo phận Phát Diệm, Đức Cha Từ đảm nhiệm vai trò của một nhà lãnh đạo cả về dân sự lẫn tôn giáo. Ngài nổi tiếng với việc thành lập một đội quân tự trị ở Phát Diệm để bảo vệ giáo phận trước lực lượng Việt Minh trong thời chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Trong khi Giáo hội Công Giáo Việt Nam lúc đầu ủng hộ Hồ Chí Minh và Việt Minh, đến năm 1946 mối quan hệ giữa Việt Minh và Giáo Hội Công Giáo đã rạn nứt do nghi ngờ lẫn nhau và căng thẳng gia tăng.[16] Cảm thấy bị đe doạ, Giáo hội Công Giáo Việt Nam chọn lập trường chống cộng và khuyến khích giáo dân đi theo lập trường ấy. Thế nên, trong suốt chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, giáo phận Phát Diệm lãnh vai trò của chính quyền và tự chăm lo cho những nhu cầu phúc lợi xã hội của giáo dân, cung cấp các đảm bảo y tế, giáo dục và xã hội.[17] Khuynh hướng tham gia vào các vấn đề dân sự xã hội này của Gíao hội Công Giáo tiếp tục duy trì ở Nam Việt trong những năm 1960.
Tới giữa những năm 1960, một số các nhóm thanh niên Công Giáo được thành lập quanh các trường đại học. Liên đoàn Sinh viên Công Giáo là một trong những tổ chức có ảnh hưởng lớn. Chủ tịch liên đoàn này là Trần Ngọc Báu, một sinh viên có khuynh hướng chống cộng. Liên đoàn được hợp lại từ 3 tổ chức nhỏ hơn: Sinh viên Công Giáo, Đạo Binh Đức Mẹ và Hội Đức Mẹ. Liên đoàn có khoảng 500 thành viên là sinh viên ở Sài Gòn.[18] Cũng có những hội đoàn liên kết với các phong trào Công Giáo quốc tế, như Hội Công nhân Kitô Giáo.[19]
Năm 1974, Tổng Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Việt Nam được thành lập bởi Nguyễn Văn Cường với vai trò tổng thư ký. Mục đích của liên đoàn này là hợp tác với nhiều tổ chức giới trẻ Công Giáo khác để khuyến khích và mở rộng hoạt động của họ. Lễ khai mạc có sự tham dự của các thành viên chính phủ cũng như các vị lãnh đạo Giáo Hội như Tổng Giám mục Sài Gòn Nguyễn Văn Bình.[20] Các chi nhánh của tổ chức này được thành lập ở Huế, Nha Trang, và Đà Lạt. Hoạt động của họ bao gồm các công tác bác ái xã hội. Ví dụ, nhóm Đà Lạt tổ chức một dự án ở bệnh viện Tiểu khu Đà Lạt. Các thành viên làm vệ sinh và sửa chữa các vật dụng ở bệnh viện. Ở Sài Gòn, nhóm tổ chức các buổi diễn thuyết và các sự kiện xã hội.[21]
Một vài hội đoàn thanh niên đã có những tờ báo cho riêng mình, như Thông Cảm và Hiện Diện. Thành lập năm 1956, Thông Cảm được chủ nhiệm bởi chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Trần Ngọc Báu. Thông Cảm tập trung nhiều vào chính trị xã hội hơn các vấn đề thiêng liêng tôn giáo. Dù vẫn có những thông tin về hoạt động tôn giáo, tờ báo được xem như là tiếng nói của sinh viên nói chung. Chủ nhiệm bởi Nguyễn Trần Quý, tờ Hiện Diện được xuất bản với sự tham gia của những nhóm sinh viên ở 4 trường đại học khác nhau: các nhóm từ đại học Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, và Cần Thơ từ năm 1970-1971. Các bài báo trong Hiện Diện thảo luận các vấn đề về giáo dục, vai trò của sinh viên trong xã hội, các phong trào sinh viên ở Việt Nam và thế giới, cũng như có những diễn đàn về thơ và văn xuôi. Tờ báo giữ một quan điểm nhất quán mang tính bảo thủ về chính trị, giữ khoảng cách với các nhóm sinh viên cực đoan như Tổng Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Việt Nam. Trong một số báo, Hiện Diện đã đăng cuộc phỏng vấn với đại biểu của tổ chức American Students for Just Peace, một nhóm đặt ở Washington, D.C, với chủ trương hoà bình đích thực cho Việt Nam nhưng không phải đánh đổi bằng mọi giá. Nói khác đi, American Youth for Just Peace không ủng hộ một nền hoà bình đi liền với chế độ cộng sản ở Nam Việt. Đáng chú ý là Tổng Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Việt Nam ở Sài Gòn lại không đồng ý với nhóm này.[22]
Mặc dù mang quan điểm bảo thủ, tờ báo không phải là cơ quan của chính quyền Nam Việt. Thật ra, năm 1971, tờ Hiện Diện bị phạt vì vi phạm luật kiểm duyệt và phải tạm đóng cửa.[23] Bài báo vi phạm là một thảo luận triết học được viết bởi cha Nguyễn Văn Thanh ở Huế, bàn về vấn đề người Việt Nam có nên chống cộng hay không. Bài báo của cha Thanh có thể đã đi quá giới hạn cho phép khi cho rằng Marx có vài tư tưởng có giá trị và việc chống cộng bằng súng đạn không hiệu quả. Thêm nữa, cha Thanh lập luận rằng việc chọn lựa giữa phò cộng hay chống cộng thì quá hạn hẹp và phi thực tế.[24] Quan điểm mang tính phê bình và cởi mở này đã không được dung thứ bởi các nhà kiểm duyệt của chính quyền.
Cùng với truyền thông báo chí và các tổ chức thiện nguyện, Công Giáo bấy giờ cũng tham gia xuống đường biểu tình. Không thua kém Phật Giáo, Công Giáo cũng tổ chức nhiều cuộc hội họp và biểu tình chính trị vào giữa những năm 1960. Vào tháng 1 năm 1964, Liên đoàn Sinh viên Công Giáo tổ chức hai cuộc biểu tình chống lại chủ trương trung lập nhằm kết thúc chiến tranh của Pháp. Năm 1963, tổng thống Pháp Charles de Gaulle đề nghị thiết lập hoà bình ở Việt Nam khởi đầu bằng việc Hoa Kỳ rút khỏi Nam Việt. Chủ trương trung lập xuất hiện lần nữa vào tháng 1 năm 1964, khi có tin đồn rằng các thành viên chính phủ của tướng Dương Văn Minh đang xem xét nghiêm túc đề nghị hoà bình của De Gaulle.[25] Với Liên đoàn Sinh viên Công Giáo, chủ nghĩa trung lập chỉ là một dạng uyển ngữ cho việc chấp nhận sự cai trị của cộng sản. Chủ tịch Liên đoàn Trần Ngọc Báu đã khẳng định trong một cuộc trò chuyện với bí thư thứ nhất của đại sứ quán Hoa Kỳ rằng nhiều người Công Giáo cảm thấy tướng Dương Văn Minh và chính phủ của ông ta hèn yếu, kém hiệu quả và sẽ không thể chống đỡ quân Bắc Việt.[26]
Nam Việt như một đống bùi nhùi vào năm 1964 – 1965 khi các cuộc đảo chính xảy ra liên tục. Nhiều cuộc xuống đường biểu tình được thực hiện trong các thành phố lớn là bằng chứng cho thấy sự thất vọng của người dân đối với bất ổn chính trị. Sau khi chính phủ của tướng Minh bị lật đổ vào tháng 1 năm 1964, tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền. Trong một cố gắng nhằm xoa dịu các lãnh đạo Phật Giáo bất đồng chính kiến khi họ buộc tội ông Khánh vẫn còn dung dưỡng những người ủng hộ ông Diệm trong chính phủ và có chính sách phân biệt đối xử đối với Phật Giáo, ông Khánh đã tiến hành một vài động thái gây phẫn nộ trong dân Công Giáo.[27] Trước tiên là việc sát hại ông Ngô Đình Cẩn, em trai ông Diệm, vì đã hành động như một thủ lĩnh quân sự ở Huế. Ông Khánh cũng bắt giam thiếu tá Đặng Sỹ, người ra lệnh cho quân đội Nam Việt tấn công vào người biểu tình Phật Giáo vào năm 1963. Vì thiếu tá Sỹ là một người Công Giáo, điều này gây thất vọng cho dân Công Giáo, và các tờ báo Công Giáo chỉ trích gay gắt chính phủ vì đã tiếp tay cho âm mưu chính trị của Phật Giáo. Tờ Xây Dựng cáo buộc rằng chính phủ dùng ông Sỹ như một con dê tế thần và so sánh trường hợp này với vụ Drefus ở Pháp.[28] Ông Khánh có hành động khiêu khích Công Giáo hơn khi quyết định huỷ bỏ Sắc Luật số 10 xem Phật Giáo là một hiệp hội hơn là một tôn giáo, luật này vốn được người Phật Giáo xem là luật phân biệt đối xử với họ.
Đáp lại sự nhượng bộ của ông Khánh đối với Phật Giáo, cùng với sự khuyến khích của các vị lãnh đạo Giáo Hội, khoảng 35.000 người Công Giáo đã tham gia biểu tình vào ngày 7 tháng 6 năm 1964 tại Sài Gòn.[29] Theo báo cáo của cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, các cuộc biểu tình mang các khẩu hiệu Anh ngữ và Việt ngữ với nội dung như: Chống chủ nghĩa trung lập và chủ nghĩa cộng sản; Sẵn sàng chiến đấu cho quốc gia và Giáo Hội; Yêu cầu chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ quyết tâm chống cộng.[30] Cũng có các khẩu hiệu chống ông Lodge, nhưng các viên chức Hoa Kỳ ghán ghép việc này cho những “người kích động.”[31] Những cuộc biểu tình này từ cộng đồng Công Giáo đã đưa đến vài kết quả. Cụ thể, chính phủ Nam Việt đã âm thầm hứa với những người Công Giáo rằng ông Sỹ sẽ được tha sau một thời gian thích hợp.[32]
Cuối mùa hè năm 1964, nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở Nam Việt khi Nguyễn Khánh cố gắng sử dụng sự kiện Vịnh Bắc Bộ để tiến tới việc thiết lập một chính quyền chuyên chế. Vào ngày 17 tháng 8, ông Khánh ban hành một hiến pháp mới cho phép ông trở thành tổng thống của Nam Việt. Điều này dẫn tới những cuộc biểu tình lớn; lần này do Phật Giáo và các sinh viên dẫn đầu. Trong vụ này, nhiều lãnh đạo Công Giáo ủng hộ hiến pháp mới của ông Khánh.[33] Cha Vũ Đức Trinh khen ngợi nỗ lực của ông Khánh trong việc củng cố quyền lực và yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ sử dụng sự kiện Vịnh Bắc Bộ để áp dụng một lập trường cứng rắn chống Bắc Việt.[34]
Làn sóng mới của những cuộc biểu tình dẫn đầu bởi Phật Giáo cũng gây nên căng thẳng giữa hai cộng đồng tôn giáo, dẫn đến vụ bạo lực vào tháng 8 giữa sinh viên Phật Giáo và sinh viên Công Giáo. Ngày 21 tháng 8, thanh niên Công Giáo phóng hoả văn phòng trung tâm của hội sinh viên Phật Giáo. Trong một động thái trả đũa, ngày 24 tháng 8, một nhóm khoảng 10.000 Phật tử tấn công và phóng hoả một ngôi làng Công Giáo ở ngoại ô Đà Nẵng.[35] Để dập tắt sự giận dữ, ông Khánh từ chức nhưng vẫn còn ảnh hưởng, cố vấn cho hướng đi của chính phủ mới của ông Trần Văn Hương.
Nhiệm kỳ ông Hương kéo dài đến tháng 1 năm 1965, và ông Phan Huy Quát trở thành Thủ tướng mới vào tháng 2. Vì ông Quát chủ trương đối thoại với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, các lãnh đạo Công Giáo cùng với những thành phần chống cộng khác một lần nữa công kích chính phủ này. Các lãnh đạo Công Giáo cũng tố cáo rằng ông Quát có xu hướng chống Công Giáo trong một vài chính sách của mình. Ví dụ, ông thải hồi vị đô trưởng Sài Gòn thân Công Giáo, sỹ quan chỉ huy hải quân người Công Giáo, và một số thành viên Công Giáo trong quân đội. Ông Quát cũng bổ nhiệm một số vị trí trong nội các mà người Công Giáo không hài lòng.[36] Vào mùa hè năm 1965, một số người Công Giáo cực đoan, dẫn đầu bởi cha Hoàng Quỳnh và Hồ Văn Vui, đã vận động chống lại thủ tướng Quát.[37] Cha Mai Ngọc Khuê nói với các nhà ngoại giao rằng Công Giáo sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ngoài việc truất phế ông Quát.[38] Cha Vũ Đức Trinh nói rằng: “Sự thù địch của Công Giáo với ông Quát là không thể hoà giải; ông Quát phải ra đi.”[39] Các lãnh đạo Công Giáo cũng đã thiết lập một quỹ đặc biệt để chi tiêu cho những tổn thất do cuộc xung đột sắp tới. Tuy vậy, một cuộc đối đầu bạo lực đã không xảy ra do việc lật đổ ông Quát của tướng Nguyễn Cao Kỳ vào tháng 6.[40]
Sự kích động chính trị phía Công Giáo sẽ còn tiếp diễn chừng nào họ còn cảm thấy lợi ích của mình bị đe doạ. Vào mùa hè năm 1965, Công Giáo tổ chức biểu tình chống ông Lodge, người được tái bổ nhiệm làm đại sứ ở Việt Nam.[41] Vào mùa xuân năm 1966, người Công Giáo một lần nữa tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống lại điều họ tin là “sự đầu hàng [của chính phủ] trước tối hậu thư của Phật Giáo”.[42] Giới lãnh đạo Công Giáo nhận thức rõ về khả năng gây bất ổn cho chính phủ khi họ huy động lực lượng, sử dụng những nguồn lực mình có, bao gồm việc tiếp cận với các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ, và nhận giúp đỡ từ các tổ chức Công Giáo và Giáo Hội tại Hoa Kỳ.
Sau năm 1966, tình hình chính trị tương đối ổn định. Sự đàn áp mạnh mẽ của ông Nguyễn Cao Kỳ lên các cuộc biểu tình Phật Giáo ở Huế và Đà Nẵng vào mùa xuân năm 1966 đã dập tắt được phong trào chống đối của Phật Giáo. Tuy điều này không loại trừ được hết thái độ chống đối của họ,[43] nhưng đã đưa các cuộc biểu tình dai dẳng bắt đầu từ nhiều năm trước của Phật Giáo đến hồi kết thúc. Con số các cuộc biểu tình từ phía Công Giáo cũng giảm đi. Những cuộc bầu cử sau đó để hình thành nền Đệ Nhị Cộng Hoà (1967-1975) đã tạo ra một số chống đối chính trị. Mùa Thu năm 1966, cuộc bầu cử thiết lập Quốc hội Lập hiến được tiến hành, và trong năm sau, các cuộc bầu cử thượng viện và hạ viện, bầu cử tổng thống cũng được thực hiện.[44] Dù những cuộc bầu cử này tồn tại nhiều vấn đề và vẫn gây tranh cãi về việc cơ quan lập pháp có thực quyền hay không, nhưng các cuộc bầu cử đó cũng đã đặt dấu chấm hết cho các cuộc đảo chính quân sự xảy ra như một đại dịch giai đoạn 1963 – 1965.
Các chính trị gia Công Giáo chắc chắn nắm lấy cơ hội từ các cuộc bầu cử để bảo vệ chính mình bằng việc đưa ra các ứng cử viên. Như đã đề cập trước đó, người Công Giáo hoàn toàn không đồng nhất trong các lập trường chính trị. Năm 1967, có hai đảng chính trị Công Giáo cạnh tranh với nhau: Lực lượng Đại Đoàn Kết và Hội người Công Giáo.[45] Hai đảng này thành công trong việc đưa được 13 đại biểu vào hạ viện năm 1967.[46] Thêm nữa, 17 đại biểu Công Giáo khác cũng được bầu vào hạ viện thông qua các tổ chức Công Giáo địa phương. Trong hạ viện, các đại biểu Công Giáo có xu hướng liên minh với các nhóm bảo thủ. Nhóm Độc Lập được Goodman miêu tả như là khối “bảo thủ và kiên định nhất”, tập hợp những người Công Giáo gốc Bắc của hai đảng Lực lượng Đại Đoàn Kết và Hội người Công Giáo.[47] Tạo được nhiều ảnh hưởng năm 1965, nhóm Độc Lập chủ trương chống cộng gay gắt và chống lại bất cứ hành động mang tính thoả hiệp nào với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và với Bắc Việt. Nhóm này cũng chống lại những cố gắng nối lại quan hệ thân hữu với Phật Giáo.[48]
Trong khi những nhà bảo thủ và ôn hòa có thể tạo ra thay đổi qua các cuộc bầu cử, các nhà hoạt động xã hội vẫn cố gắng gây tiếng vang qua những phương tiện khác nhau. Những tờ báo đối lập của Công Giáo và không Công Giáo tiếp tục né tránh kiểm duyệt và những tấn công của chính phủ. Tới đầu những năm 1970, vài tờ báo Công Giáo có lập trường phản đối chiến tranh và các chính sách của Hoa Kỳ.[49] Trong khi cảm thức chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ bắt đầu hình thành trong những người phi cộng sản từ cuối những năm 1960; đến năm 1970, cảm thức ấy càng thể hiện rõ hơn. Việc Hoa Kỳ sử dụng chất độc da cam tại Nam Việt trở thành một điểm nóng trên các mặt báo Việt Nam. Các tờ Công Giáo như Tin Sáng và Hoà Bình, cùng với các tờ báo dân sự, bắt đầu tập trung vào vấn đề này để thể hiện sự chống đối toàn diện hơn với Hoa Kỳ.[50]
Chính phủ Hoa Kỳ không phải là mục tiêu duy nhất của các chỉ trích vào những năm 1970. Chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu, người nắm quyền từ 1967 đến 1975, cũng gặp phải những phê bình của truyền thông. Một vài phê bình đến từ các tờ Công Giáo. Một tờ báo Công Giáo mang tính chống đối sâu sắc, Đối Diện, được lập năm 1970, phê bình ông Diệm rất nhiều. Đứng đầu bởi cha Chân Tín, linh mục dòng Chúa Cứu Thế, và giáo sư triết học Nguyễn Ngọc Lan, tờ Đối Diện kêu gọi hoà bình và tập trung cào các vấn đề như vi phạm nhân quyền trong nhà tù quốc gia, tham nhũng trong chính phủ, và việc mua bán thuốc phiện của những tướng lãnh quân đội.[51] Năm 1972, tờ Đối Diện bị đóng cửa bởi chính phủ và cha Chân Tín bị bắt nhiều lần. Mặc dù bị tấn công, cha Chân Tín tiếp tục kêu gọi sự chú ý đến những lạm dụng trong hệ thống nhà tù bằng việc dẫn dắt Ủy ban Cải cách Nhà tù Nam Việt.[52]
Năm 1974, ông Thiệu gặp phải nhiều chống đối hơn từ một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế khác, cha Trần Hữu Thanh, người đứng đầu một chiến dịch chống tham nhũng chống ông Thiệu.[53] Cha Thanh buộc tội ông Thiệu “lợi dụng việc chống cộng cho những mục đích cá nhân và tham nhũng”.[54] Cha này buộc tội vợ ông Thiệu, bà Nguyễn Thị Mai Anh Khuê, người đứng đầu tổ chức bác ái của phụ nữ do chính bà lập ra, về việc dùng sai nguồn quỹ bác ái. Ông Thiệu đáp trả những cáo buộc này bằng việc đóng cửa ba tờ báo đăng tải cáo buộc của cha Thanh. Bởi vì cha Thanh là một người kiên định chống cộng và có quan hệ với học viện quân sự của Quân lực Việt Nam Cộng hoà, sự chống đối của cha đối với ông Thiệu rất có trọng lượng. Ông Thiệu không thể đơn giản buộc cha là một người bị lừa gạt bởi tuyền truyền của cộng sản. Chiến dịch của cha Thanh, cùng với những hành động của ông Thiệu và tình trạng bấp bênh của chiến tranh đã góp phần khiến ông Thiệu đánh mất sự ủng hộ của Công Giáo năm 1974. Tuy vậy, sự mất mát này không ảnh hưởng lớn trong thời điểm đó, khi Nam Việt đang suy sụp nhanh chóng và chiến thắng của cộng sản chỉ còn là vấn đề thời gian.
Kết luận
Bài nghiên cứu ngắn gọn này về một số hoạt động xã hội và chính trị của Công Giáo miền Nam Việt Nam cho thấy rằng Công Giáo được tổ chức chặt chẽ và rất năng động trong việc tác động đến các sự kiện xã hội và chính trị đương thời. Nhiều tổ chức Công Giáo và các giáo dân tình nguyện đã làm việc âm thầm để cung ứng các hoạt động cứu trợ nhân đạo trong suốt thời chiến tranh; họ làm việc nhiệt tình với các cơ quan chính phủ ngoại quốc và các tổ chức phi chính phủ để gây quỹ và tiến hành cứu trợ. Những tổ chức tôn giáo này cũng cộng tác tốt với nhà nước Nam Việt nhằm giúp đỡ các trẻ em mồ côi và những người tị nạn. Dù tín nhiệm nhà nước và các cơ quan tổ chức nước ngoài, người Công Giáo không quên ý thức về những nguy cơ chính trị tiêu cực trong các mối quan hệ của họ. Tuy vậy, giống như nhiều người Việt Nam phi cộng sản, các tổ chức cứu trợ Công Giáo có rất ít chọn lựa ngoài việc chấp nhận trợ giúp từ nhà nước và từ ngoại quốc. Thật ra, các tổ chức bác ái Công Giáo Việt Nam đã làm hết sức mình để thu hút sự giúp đỡ từ nhà nước và từ nước ngoài, khi cứu trợ chiến tranh được xem là rất quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một Nam Việt phi cộng sản. Do đó, Giáo hội Công Giáo Việt Nam khuyến khích các hoạt động nhân đạo trong giáo dân và không chỉ đóng khung nó trong phạm vi một trách nhiệm tôn giáo mà còn là một cách để thể hiện lòng yêu nước của công dân.
Người Công Giáo Việt Nam và các giáo sĩ cũng không ngần ngại tham gia vào chính trị. Các lãnh đạo Công Giáo sử dụng báo chí, các tổ chức tình nguyện, các cuộc biểu tình để khẳng định mình trong môi trường công. Từ năm 1964 – 1966, người Công Giáo xuống đường để đưa ra tiếng nói về các vấn đề như quản trị kém hiệu quả, các chính sách được cho là chống Công Giáo của nhà nước, và những lập trường mềm yếu trước cộng sản. Từ năm 1966 – 1967, người Công Giáo tham gia sâu vào các cuộc bầu cử chính trị, đảm bảo họ có đại diện trong thượng và hạ viện. Họ tiếp tục hoạt động trong hậu trường và trong các điểm nóng để bảo vệ những điều được xem là lợi ích của Công Giáo. Bởi vì có nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo năng động và có uy thế đi theo xu hướng chống cộng và ủng hộ chiến tranh, người Công Giáo xét như một tập thể có vẻ trở thành những con rối cho Hoa Kỳ và chính phủ Nam Việt. Tuy vậy, như bài viết này đã chỉ ra, có nhiều lập trường khác nhau tồn tại trong giới Công Giáo, bao gồm cả những người ủng hộ giải giáp chính trị và trung lập để kết thúc chiến tranh. Bài viết này cũng cho thấy rằng dù chia sẻ chung mục đích và lập trường với chính phủ Hoa Kỳ, các lãnh đạo và các phong trào Công Giáo chống cộng gay gắt không phải là những phương tiện thụ động bị thao túng bởi chính phủ ngoại quốc. Trái lại, họ là các nhà hoạt động xã hội và chính trị gia năng động thực hiện những bước đi để hình thành nên các liên minh chiến lược nhằm đạt được những mục đích chính trị mà họ đã xác định: duy trì một Nam Việt phi cộng sản và không lệ thuộc vào quyền lực tân thực dân của Hoa Kỳ./.
Nguồn: báo NCQT