TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » TÌM HIỂU VỀ QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠO CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM (kì 1)

TÌM HIỂU VỀ QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠO CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM (kì 1)

08:56 | 26/04/2023

Đến nay, viết về lịch sử đạo Công giáo ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu còn có những cách phân kỳ khác nhau, có người tính theo cách phân kỳ của lịch sử dân tộc, có người thì dựa vào lịch sử của giáo hội. Trong phạm vi bài viết này, sẽ nghiên cứu quá trình du nhập và phát triển của đạo Công giáo ở Việt Nam dựa trên lịch sử của giáo hội gắn với sự phân kỳ của lịch sử dân tộc và tạm chia sự phát triển này thành 03 giai đoạn như sau:

Giai đoạn thứ nhất: từ ngày đầu truyền giáo đến năm 1884

Cũng như các tôn giáo khác, đạo Công giáo xem việc truyền đạo là sứ mạng thiêng liêng và thường trực. Ngay từ sớm với lời thúc giục “Hãy đi khắp trái đất và giảng phúc âm cho mọi người”, với các hoạt động truyền giáo tích cực, đạo Công giáo từ một tôn giáo địa phương đã nhanh chóng trở thành tôn giáo của Đế chế La Mã và từ tôn giáo của Đế chế La Mã đã trở thành tôn giáo của Châu Âu, của thế giới.

Ở Việt Nam, từ những thập niên đầu của thế kỷ XVI đã có các giáo sĩ phương Tây đến để truyền giáo. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng “Gia tô theo sách dã lục thì tháng 3 năm Nguyên Hoàng đời vua Lê Trang Tôn (1533) có một dương nhân là Inikhu đã đi đường biển để vào giảng đạo Gia tô ở Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy…”. Giới nghiên cứu lịch sử đạo Công giáo đã thống nhất lấy năm 1533 là thời mốc đánh dấu việc truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam.

Tiếp theo sau đó, năm 1558 các linh mục như: Luis de Fonseca, Gregoire de la Motte… đã đến truyền giáo ở miền Trung; năm 1583, các linh mục Diego Doropesa, Pedro Ortiz đến truyền giáo ở vùng ven biển Quảng Ninh…Thời kỳ từ năm 1533 đến 1614 chủ yếu là các giáo sĩ dòng Phanxico thuộc Bồ Đào Nha và dòng Đa Minh thuộc Tây ban Nha đi theo đường thuyền buôn vào truyền giáo ở nước ta nhưng do không quen thông thổ, chưa thạo ngôn ngữ nên việc truyền giáo không có mấy kết quả.

Tuy nhiên, đến thế kỷ XVII, các giáo sỹ Công giáo người Châu Âu đã bắt đầu đến Hội An (Đàng trong) để giảng đạo cho người Việt và người Nhật buôn bán ở đây. Sau đó, từ năm 1615 đến 1625 có 21 thừa sai đến Đàng trong để truyền giáo,  trong đó có 17 linh mục và 04 tu sĩ đến từ các nước khác nhau như: Bồ Đào Nha (10 người), Italia (05 người), Nhật Bản (05 người) và Pháp (01 người). Lúc đầu việc truyền giáo ở Đàng trong diễn ra khá thuận lợi, một mặt vì người Đàng trong rất hòa nhã, cởi mở; mặt khác trong giai đoạn này Chúa Nguyễn đang muốn thúc đẩy mối quan hệ thương mại với người Bồ Đào Nha. Năm 1615, ngôi nhà thờ đầu tiên đã được xây dựng ở Đàng trong. Lễ Phục sinh năm đó, các thừa sai đã hành lễ trong nhà thờ và rửa tội cho 10 người, đưa số người theo đạo tại thời điểm này lên 300 người. Những năm sau đó, số người theo đạo Công giáo đã ngày càng nhiều hơn.

Công cuộc truyền giáo của Đàng ngoài diễn ra muộn hơn so với Đàng trong. Năm 1626, linh mục Giuliano cùng một số người Nhật đến Đàng ngoài trên một chiếc tàu buôn của người Bồ Đào Nha để truyền đạo. Tuy nhiên do sự khác biệt về ngôn ngữ nên linh mục Giuliano đã phải quay trở về Ma Cao. Một thời gian sau, linh mục Giuliano cùng một số thừa sai đã tiếp tục đến truyền giáo ở Đàng ngoài, trong đó nổi lên là vai trò của Alexandre De Rhodes.  Lúc này Chúa Trịnh mặc dù không hiểu về đạo Công giáo song có cảm tình với người Bồ Đào Nha nên đã mong muốn được giao thương với họ; có thời điểm Chúa Trịnh còn cho các giáo sĩ được giảng đạo trong phủ Chúa; lúc này các giáo sĩ dòng Tên do thông thạo tiếng Việt nên đã làm công tác truyền giáo rất thành công. Theo tài liệu của Giáo hội Công giáo, ở Đàng ngoài sau 37 năm truyền giáo đã có 25 linh mục, 05 thầy giảng; ở Đàng trong sau 50 năm truyền giáo đã có 39 linh mục. Số tín đồ đạo Công giáo trong khoảng thời gian này có gần 100 ngàn người (trong đó khoảng 20 ngàn ở Đàng trong và 80 ngàn ở Đàng ngoài). Riêng ở Nghệ An, năm 1593 đã có 12 làng theo đạo Công giáo toàn tong.

Khi đạo Công giáo phát triển mạnh, các giáo sĩ Dòng Tên nghĩ đến việc cần có các Giám mục phụ trách để thúc đẩy công cuộc truyền giáo ở bước cao hơn. Do đó năm 1645, Alexandre De Rhodes đã trở về lại Châu Âu và kêu gọi các giáo sĩ sang truyền giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi đề chọn các giáo sĩ để làm Giám mục ở Việt Nam,  Alexandre De Rhode không chọn giáo sĩ Dòng Tên là người Bồ Đào Nha mà lại chọn Giáo sĩ người Pháp. Sau một thời gian xúc tiến đề cử, năm 1659, Giáo hoàng A- Lếc- Xăng- Đrơ VII (ở ngôi 1655-1667) đã phong cho 02 người Pháp là Francois Pallu và Lambert de la Motte làm Giám mục tông tòa, phụ trách truyền đạo ở Đông Dương. Cũng năm 1659, hai địa phận đầu tiên ở Việt Nam là Đàng trong (gồm cả Camphuchia) và Đàng ngoài (gồm cả Lào và 05 tỉnh của Nam Trung Quốc) đã được thành lập; Giám mục Lambert de la Motte cai quản ở Đàng trong và Giám mục Francois Pallu cai quản ở Đàng ngoài.  Đến năm 1679, địa phận Đàng ngoài được chia làm hai là Tây Đàng ngoài và Đông Đàng ngoài, lấy sông Hồng và sông Lô làm ranh giới; lúc này Địa phận Tây đàng ngoài do Giám mục Jacques de Bourges cai quản và Đông đàng ngoài do Giám mục Francois Deyydier cai quản.

Giám mục Tông tòa  Francois Pallu cai quản Địa phận ở Đàng Ngoài

Ngoài ra, trong thời gian ở pháp,  Alexandre De Rhodes còn bàn soạn, lập kế hoạch vận động Vua Pháp, giới quý tộc Pháp đề nghị Giáo hoàng cho lập ra Hội Thừa sai truyền giáo Paris (gọi tắt là Hội Thừa sai Paris). Sau một thời gian bàn thảo, năm 1664, Hội Thừa sai Paris chính thức ra đời và được giáo hoàng A- Lếc- Xăng- Đrơ VII giao truyền đạo ở 03 khu vực, trong đó khu vực thứ nhất có Đàng ngoài, Lào và Nam Trung Quốc; khu vực thứ hai ở Đàng Trong, Campuchia và khu vực thứ ba ở một số tỉnh Bắc Trung Quốc, Triều Tiên và Mông Cổ.

Những việc trên đây đã tạo ra mâu thuẫn giữa các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha với các giáo sĩ của Hội Thừa sai Paris. Các giáo sĩ Dòng Tên không thừa nhận quyền cai trị của 02 Giám mục người pháp, thậm chí các Giáo sĩ Dòng Tên còn có thư phản ánh với Giáo hoàng. Do đó, năm 1688, giáo hoàng A- Lếc- Xăng- Đrơ VII đã ra sắc chỉ giao cho Hội Thừa sai Paris được độc quyền thực hiện việc truyền giáo với sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp và cuối thế kỷ XVII, Giáo hoàng Clê- Măng IX đã ra lệnh cho các Giáo sĩ Dòng Tên rút khỏi Đông Dương.

Sau khi các  Giáo sĩ Dòng Tên rút khỏi Đông Dương, Hội Thừa sai Paris được độc quyền truyền giáo nhưng 02 vị Giám mục tông tòa người Pháp cùng với các nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Paris lại gặp khó khăn hơn các giáo sĩ Dòng Tên trong quá trình truyền giáo.

Như vậy, nhìn lại giai đoạn này cho thấy thế kỷ XVI, XVII là thời kỳ truyền giáo của các giáo sĩ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Càng về sau, vai trò của các giáo sĩ người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha càng lu mờ, trong khi đó vai trò của các giáo sĩ người Pháp ngày càng thể hiện rõ hơn. Theo số liệu của Giáo hội Công giáo, năm 1644, ở Đàng trong có 100 ngàn người và Đàng ngoài năm 1737 có 250 ngàn người theo đạo Công giáo.

Sau một thời gian tiếp tục được truyền bá và phát triển, cơ cấu tổ chức của đạo Công giáo ở Việt Nam có những sự biến đổi quan trọng, cụ thể: Năm 1844, Giáo hoàng Gregory XVI chia Địa phận Đàng trong thành hai địa phận mới là Tây đàng trong (Sài Gòn) gồm có 06 tỉnh Nam kỳ và Campuchia do Giám mục Lefèbvere cai quản và Đông Đàng trong (Qui Nhơn) do Giám mục Cuénot (tên Việt gọi là Thể) cai quản; năm 1846, Gregory XVI chia địa phận Tây Đàng ngoài thành 02 địa phận là Tây Đàng ngoài (Hà Nội) do Giám mục Retord cai quản và Nam Đàng ngoài (Vinh) do Giám mục Ganthier cai quản; năm 1848, Giáo hoàng Piô IX chia địa phận Đông Đàng ngoài thành 02 địa phận là Đông Đàng ngoài (Hải phòng) do Giám mục Jenonimo Hermosilla cai quản và Trung Đàng ngoài (Bùi Chu) do Giám mục Domigo Marrti cai quản; năm 1850 Giáo hoàng Piô IX lại chia địa phận Tây Đàng trong thành 02 địa phận là Tây Đàng trong do Giám mục Lefèbvere cai quản và Phnông Pênh (Nam Vang) gồm Campuchia và một số tỉnh Nam Bộ do Giám mục Michel cai quản; chia địa phận Đông Đàng trong thành 02 địa phận là Bắc Đàng trong (Huế) do Giám mục Pellerin cai quản và địa phận Đông Đàng trong do Giám mục Cuénot cai quản.

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại