BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC
VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
NGUYỄN THỊ HẢI NHUNG
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán và khẳng định, vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần tạo động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với cả nước đang có xu hướng gia tăng cách biệt, là khó khăn thách thức lớn đòi hỏi cần phải có những điều chỉnh trong hệ thống các chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.
Cùng với xu thế phát triển và hội nhập của đất nước, những luồng văn hóa khác nhau nhanh chóng xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, tác động đến văn hóa truyền thống các dân tộc, đáng chú ý là nguy cơ phai mờ, biến đổi và mất bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần thực hiện thường xuyên và lâu dài.
Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số
Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09-06-2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, đồng thời kết hợp, lồng ghép các dự án về văn hóa với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đã được bảo tồn và phát huy, đem lại hiệu quả thiết thực.
Cụ thể:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và miền Đông Nam Bộ; Ngày hội văn hóa dân tộc Hmông, dân tộc Chăm, dân tộc Khmer, dân tộc Mường, dân tộc Hoa, Thái; giao lưu mang tính chuyên đề như Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; giao lưu văn hóa nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia... nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
- Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm tăng cường đầu tư hỗ trợ như xây dựng các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ tại các tỉnh có vùng đồng bào dân tộc thiểu số); bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống (hơn 20 làng bản buôn đại diện cho các vùng miền, dân tộc đã được đầu tư bảo tồn); gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ, giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi; tổ chức đưa văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số đi thực tế sáng tác vùng biên giới hải đảo, góp phần tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế để sáng tác ra những tác phẩm văn học nghệ thuật bám sát hiện thực cuộc sống của đồng bào.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cung cấp ấn phẩm cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu thuộc diện 135, và các trường dân tộc nội trú với mục tiêu thông qua các hoạt động, các sản phẩm văn hóa thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phổ biến kiến thức về mọi mặt, góp phần phát triển đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người; 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa bàn về những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc của những dân tộc thiểu số rất ít người. Lắng nghe các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc đề xuất, góp ý các giải pháp thiết thực, phù hợp trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, xây dựng nội dung, đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp trong công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhằm gìn giữ và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, tránh nguy cơ bị mai một, mất bản sắc.
- Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số được quan tâm, tăng cường, đầu tư, hỗ trợ, như xây dựng các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ tại các tỉnh có vùng đồng bào dân tộc thiểu số); bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống (hơn 20 làng bản buôn đại diện cho các vùng miền, dân tộc đã được đầu tư bảo tồn) gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
- Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa cho cán bộ thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; tập huấn cho các tuyên truyền viên, người làm công tác dân tộc, người có uy tín trong cộng đồng phát huy vai trò tuyên truyền vận động đồng bào trong việc thực hiện nếp sống văn minh, phát triển sản xuất, giảm nghèo; tập huấn cho các nghệ nhân và người có uy tín trong cộng đồng truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, tuyên truyền vận động tại địa bàn đặc biệt khó khăn ở biên giới Lào, Campuchia; công tác đào tạo cho con em các dân tộc thiểu số trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được chú trọng... đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân tộc.
Những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
Những hạn chế:
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề cấp bách cần khắc phục, đó là:
- Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa còn lớn: Vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến trước đây, vùng biên giới, hải đảo, hoạt động văn hóa còn nghèo nàn, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa so với thành thị còn lớn.
- Đầu tư bảo tồn văn hóa còn manh mún: Ngân sách nhà nước dành cho văn hóa, trong đó đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho văn hóa còn hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực. Một số chương trình, dự án được xây dựng và phê duyệt thiếu nguồn kinh phí nên triển khai khó khăn, hiệu quả thấp.
- Vai trò của chủ thể, của người dân, của cộng đồng chưa được phát huy và đặt đúng vị trí trong việc lập kế hoạch, xây dựng dự án cũng như triển khai, tổ chức quản lý, giám sát các dự án từ cơ sở đối với các dự án nói chung và các chương trình, dự án về văn hóa, ảnh hưởng tới chất lượng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
- Chính sách giáo dục còn chưa quan tâm đầy đủ và chưa có những chính sách, biện pháp hữu hiệu trong việc dạy và học chữ, học tiếng đối với học sinh các dân tộc thiểu số mà đây chính là vấn đề quan trọng, then chốt trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của mỗi dân tộc.
- Việc đưa văn hóa, văn nghệ đến phục vụ đồng bào các dân tộc tuy đã có cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển chung. Nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thiếu các sản phẩm văn hóa, nhất là các sản phẩm văn hóa có nội dung và hình thức phù hợp với trình độ và thị hiếu của đồng bào. Đối tượng hưởng lợi từ chương trình sản xuất và cung cấp ấn phẩm cho địa bàn đặc biệt khó khăn hiện nay mới chỉ giới hạn đến xã, trong khi đó, các thôn, bản mới là địa chỉ cần được cấp ấn phẩm để phục vụ đồng bào một cách thiết thực, hiệu quả hơn.
Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
* Nguyên nhân khách quan:
- Đồng bào các dân tộc thiểu số phần lớn ở những vùng núi cao, địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế truyền thống lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, tự cung, tự cấp, tự túc, chậm phát triển, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn nghèo nàn, trình dộ dân trí thấp; nhiều cộng đồng dân tộc vẫn mang nặng tâm lý tự ti, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, quen chấp nhận, chịu đựng đói nghèo, lạc hậu,… đã trở thành rào cản, gây khó khăn đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa.
- Các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động gây chia rẽ, tuyên truyền văn hóa độc hại, gây cản trở không nhỏ đối với công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
* Nguyên nhân chủ quan:
- Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa đúng, chưa thật đầy đủ, chưa thống nhất cao, chưa đặt văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số ngang tầm với vị trí “là nền tảng tinh thần, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển”. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quán triệt và triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ nên hiệu quả rất thấp. Cụ thể, nhiều đề án, dự án sau khi được phê duyệt lại không có kinh phí để triển khai, phải thực hiện “lồng ghép”.
- Công tác chỉ đạo, điều hành còn tản mạn, thiếu thống nhất, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp để triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, trọng đểm, chưa tạo được những khâu đột phá trong công tác phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã được thể chế hóa, nhưng từ văn bản cho đến hiện thực vẫn còn nhiều khoảng cách mà nguyên nhân là chưa có sự tương thích giữa bảo vệ, giữ gìn với phát huy, phát triển. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ chỗ chưa có sự đồng thuận của những chủ thể văn hóa.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn thiếu, trình độ không đồng đều, nhiều nơi còn yếu, không đáp ứng được yêu cầu công tác trong tình hình mới. Ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa, cán bộ làm công tác văn hóa chưa được đào tạo về chuyên môn, không am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, lại phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên hiệu quả công tác còn hạn chế, lúng túng.
Các giải pháp và đề xuất trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình hội nhập và phát triển
Xuất phát từ quan điểm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, thể hiện đường lối nhất quán, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với đảm bảo an ninh quốc gia, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập và phát triển cần:
- Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể).
- Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa mang tính cộng đồng (ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc theo vùng, miền và ngày hội văn hóa từng dân tộc) hiệu quả, thiết thực.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác văn hóa dân tộc; có chính sách, cơ chế đãi ngộ, nêu cao vai trò những người có uy tín, nghệ nhân, thế hệ trẻ của các dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
- Chú trọng đào tạo kiến thức về quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa cho cán bộ cơ sở, đặc biệt ở cấp xã địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
- Đầu tư hỗ trợ xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, hỗ trợ các loại hình nghệ thuật truyền thống.
- Tuyên truyền, vận động đồng bào đẩy lùi, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ.
- Tuyên truyền, giáo dục để đồng bào ngày càng nhận thức đầy đủ hơn giá trị cũng như bản sắc văn hóa của mình, để quá trình bảo tồn và phát huy diễn ra một cách tự giác và khoa học hơn.
- Nêu cao vai trò chủ thể văn hóa là đồng bào các dân tộc trong việc sáng tạo các giá trị văn hóa mới, đồng thời tiếp tục phát huy việc bảo tồn, giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.