Xem nhẹ sức khỏe cộng đồng

Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, khẳng định: "Việc người dân đổ ra đường đi chơi trung thu là không thực hiện theo khuyến cáo của UBND TP. Chỉ thị 22 của TP Hà Nội đã nêu rõ toàn TP thực hiện theo Chỉ thị 15 và cao hơn Chỉ thị 15, khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Theo ông Trương Quang Việt, người dân ra đường trong lúc mầm bệnh thâm nhập trong cộng đồng vẫn còn, rất nguy hiểm vì tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bác sĩ - Thầy thuốc Nhân dân Trần Sĩ Tuấn cho rằng việc dòng người đổ xuống các tuyến phố nội đô Hà Nội là không tuân thủ nguyên tắc 5K, là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác khi mở cửa trở lại; cần có kịch bản, lộ trình phù hợp, tính toán tác động khi ban hành chính sách và phải đặt yếu tố an toàn lên trên hết. Nới lỏng khi đã kiểm soát được dịch là cần thiết, song phải có giải pháp khả thi đi kèm để kiểm soát, bảo đảm không hình thành các đám đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Chủ quan phòng chống dịch sẽ rất nguy hiểm - Ảnh 1.

Hàng ngàn người dân TP Hà Nội đổ xuống đường đón trung thu vào tối 21-9 Ảnh: NGÔ NHUNG

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, người dân đã quá chủ quan trong phòng chống dịch bệnh khi vẫn đi chơi trung thu rất đông. Thời điểm này càng cần cảnh giác cao độ vì các hoạt động phòng bệnh của người dân không được kiểm soát một cách nghiêm ngặt như trong thời điểm giãn cách. "Giả sử có những ca F0 trong cộng đồng thì nguy cơ lây lan dịch rất cao" - PGS-TS Trần Đắc Phu nói.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, cho rằng tình trạng trên thể hiện sự coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng. Nhiều người dân đã không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch. Thực tế này thách thức thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả TP trong khi TP vẫn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Một trong những nguy cơ chính là sự chủ quan của một số cơ quan quản lý và của người dân.

"Mọi người dân hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế. Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan" - ông Phong bày tỏ.

TP HCM, Đà Nẵng: Thận trọng mở cửa

Sau ngày 15-9, TP HCM vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng có nhiều thay đổi trong hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất - kinh doanh... TP HCM cho phép nhiều ngành nghề được hoạt động lại nhưng với điều kiện là phải bảo đảm Bộ Tiêu chí an toàn do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ban hành.

Lãnh đạo TP HCM cho biết TP sẽ nới lỏng, mở cửa nhưng trong điều kiện "mở phải an toàn, an toàn mới mở". Quan điểm của lãnh đạo TP HCM là an toàn tới đâu, mở cửa tới đó. Mọi bước đi của TP HCM thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho tính mạng người dân, sau đó là khôi phục và phát triển kinh tế. Do đó, TP HCM có "giai đoạn thử nghiệm thí điểm" ở quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ. Đồng thời, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cũng ban hành nhiều bộ tiêu chí an toàn trên các lĩnh vực: giao thông vận tải, xây dựng, du lịch, cơ sở kinh doanh, ăn uống... để bảo đảm các lĩnh vực được phép hoạt động an toàn.

Điều đó cho thấy TP HCM rất thận trọng trong việc mở cửa, để cùng hướng đến một mục tiêu bền vững hơn. Cụ thể, từ ngày 16-9, TP HCM cho phép công trình xây dựng hoạt động nhưng chỉ ở các khu vực đạt "mức bình thường mới"/"vùng xanh", việc hoạt động cũng phải bảo đảm các tiêu chí an toàn. Đối với các khu vực "nguy cơ rất cao", "nguy cơ cao", "nguy cơ", chỉ những công trình xây dựng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và công trình xây dựng khẩn cấp theo yêu cầu của TP HCM mới được hoạt động. Còn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp muốn hoạt động trở lại phải đạt ít nhất 16/22 tiêu chí (trong đó có những tiêu chí bắt buộc). Những cơ quan, đơn vị đạt 20 tiêu chí trở lên được xếp loại an toàn cao; đạt từ 16 tiêu chí trở lên được xếp loại an toàn; dưới 16 tiêu chí là không an toàn. Những cơ quan, đơn vị an toàn cao và an toàn được hoạt động nhưng cũng phải theo hướng dẫn thay đổi phương thức làm việc theo quy định. Còn các cơ quan, đơn vị xếp loại không an toàn tạm thời thực hiện phong tỏa cơ quan và thực hiện phương án "3 tại chỗ" cho đến khi được xếp loại từ an toàn trở lên.

Tại TP Đà Nẵng, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Đà Nẵng, cho biết TP xác định nguyên tắc nới lỏng từng bước nhưng phải luôn bảo đảm phòng chống dịch. TP Đà Nẵng thời gian tới sẽ xem xét các nguy cơ để có biện pháp nới lỏng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, để mở cửa hoạt động trở lại thì các doanh nghiệp, đơn vị phải tự xây dựng ý thức bảo vệ bằng việc tuân thủ nghiêm 5K.

 

Nguồn: NLĐ