Cho đến nay, không ít phương án đã được đưa ra, sửa đổi để vừa đạt được mục tiêu chống dịch vừa bảo đảm duy trì sản xuất ở mức tối thiểu nhằm cung cấp đủ hàng hóa cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy vậy, vẫn cần có giải pháp phù hợp hơn nữa dựa trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những bất cập, tồn tại phát sinh trong thực tế.
Hiện vẫn chưa có kịch bản thật sự khả thi cho mục tiêu phục hồi kinh tế Việt Nam bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường cả ở trong nước và trên thế giới. Điều duy nhất chúng ta có thể làm được hiện nay là tiếp tục dồn mọi nguồn lực vào việc tiếp cận vắc-xin theo mọi kênh để nhanh chóng phủ vắc-xin cho toàn dân, tiến tới miễn dịch cộng đồng và dần mở cửa nền kinh tế.
Trong khi chưa đạt được trạng thái này, việc hỗ trợ DN những kỹ năng sống chung với dịch và kinh doanh an toàn là giải pháp cần thiết, phù hợp nhất. Theo đó, chỉ nên đề ra những tiêu chuẩn, quy trình khung và buộc DN tuân thủ. Còn cách thức tuân thủ cụ thể, mô hình riêng ra sao phải do DN tự quyết định dựa trên điều kiện, tình hình thực tế của họ.
Bên cạnh đó, các giải pháp mới để hỗ trợ DN hồi phục sản xuất sau dịch phải được xây dựng dựa trên những bài học kinh nghiệm từ các làn sóng dịch bệnh trước đây. Thực tế, các gói kích thích kinh tế, "giải cứu" DN đã bước đầu phát huy tác dụng, giúp giảm bớt khó khăn, hỗ trợ cho không ít DN trụ vững. Tuy vậy, còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm như: thủ tục tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỉ đồng, còn phiền hà. Có tình trạng giải quyết còn chậm trễ các thủ tục để DN mất cơ hội chen chân vào các thị trường ngách quý giá trong đại dịch. Bên cạnh đó, giải pháp tăng cường tiếp cận vắc-xin để tiêm chủng cho toàn dân tổ chức thực hiện chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ và xứng tầm của một giải pháp sống còn.
Tiêm vắc-xin cho công nhân nhằm bảo đảm duy trì liên tục hoạt động sản xuất - kinh doanhẢnh: Hoàng Triều
Thời điểm vàng để tung gói hỗ trợ
Lúc này là thời điểm vàng để hỗ trợ DN duy trì sản xuất - kinh doanh, từ đó giữ vững được hoạt động và có sức bật trong giai đoạn "hậu Covid-19". Không thể đợi "đỉnh" dịch đã qua, DN đã "tan tác" gần hết thì mới bàn đến giải pháp hồi phục bởi lúc đó sẽ không còn "hạt nhân" để vực dậy nền kinh tế. Lúc này, đưa ra gói hỗ trợ mới, nới rộng các gói hỗ trợ cũ là giải pháp cấp thiết.
Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực khi dành nhiều gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ, giảm phí, lệ phí, giá... cho cộng đồng DN trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất khó khăn. Tuy nhiên, cần xem xét tăng thêm quy mô, mở rộng thêm phạm vi bao phủ của các chính sách hỗ trợ. Ví dụ, bên cạnh việc giảm thuế thu nhập DN, có thể mở rộng phạm vi giảm thuế GTGT để trợ giúp người tiêu dùng, từ đó kích cầu cho sản xuất.
Một số loại phí, lệ phí và giá cả đầu vào khác cũng nên được điều chỉnh theo hướng giảm mạnh hơn. Đồng thời, mở rộng thêm "room" tín dụng cho các hoạt động cho vay. Chính phủ cũng cần tính đến cấp bù lãi suất để hỗ trợ ngân hàng cho vay bên cạnh việc đề nghị họ giảm lãi suất.
Ngoài những giải pháp tài khóa tiền tệ mang tính giải cứu DN trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ và hệ thống ngân hàng thương mại nên bố trí các gói kích thích kinh tế theo hướng thúc đẩy đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng để tạo ra những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, chẳng hạn lĩnh vực thiết bị phụ tùng y tế, vắc-xin, đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ…
Cải cách thể chế và thủ tục hành chính cũng cần đẩy mạnh trong bối cảnh khó khăn này để trợ giúp DN vì tiết kiệm được thời gian sẽ chớp được cơ hội thị trường, giảm được chi phí và "đẻ" ra tiền bạc. Cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính cũng phải làm với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.
Hiện Chính phủ đã thành lập các tổ công tác đặc biệt giải tỏa những khó khăn, giúp thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án kinh doanh quy mô lớn có khả năng lan tỏa. Vì vậy, địa phương các cấp cũng nên thành lập tổ công tác này để có thể thực sự đồng hành với DN bởi địa phương mới là nơi gần DN nhất, nắm bắt rõ nhất những vướng mắc của DN.
Chính phủ ra mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế cần phải có thước đo "kép", tiêu chí "kép" để đánh giá công việc của các cấp chính quyền, để khen - chê, thưởng - phạt công minh.
Nguồn: NLĐ