TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Ý kiến người dân » Martin Luther King - nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ

Martin Luther King - nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ

16:01 | 24/04/2023

Martin Luther King, Jr., (15/01/1929 - 04/04/1968) lúc nhỏ tên là Micheal Luther King sau đó đổi thành Martin. Gia đình ông có truyền thống làm mục sư phục vụ cho nhà thờ Tin lành tại Atlanta. Năm 15 tuổi, King tốt nghiệp trung học tại một trường công dành cho người da đen ở Georgia. Sau khi học xong chương trình cử nhân tại trường đại học Morehouse, ông học 3 năm tại Chủng viện Thần học Crozer. Với suất học bổng tại Crozer, ông đăng ký học cao học tại Đại học Boston và nhận bằng tiến sĩ vào năm 1955. Tại Boston, ông gặp và cưới Coretta Scott, một phụ nữ trẻ thông minh có tố chất nghệ sĩ. Họ có với nhau 4 người con.

Năm 1954, King trở thành mục sư của Nhà thờ Tin lành Dexter Avenue ở Montgomery, Alabama. Vốn là người luôn đấu tranh vì nhân quyền, ông được giao vai trò lãnh đạo phong trào tẩy chay xe buýt của người da đen ở Montgomery vào năm 1955. Cuộc tẩy chay diễn ra sau khi Rosa Parks, một phụ nữ da đen không chịu nhường ghế cho một người đàn ông da trắng trên xe buýt (tại miền Nam Hoa Kỳ lúc đó người da đen chỉ được ngồi ở cuối xe buýt). Trong suốt phong trào, King đã bị bắt, nhà bị đốt, ông còn bị nhiều người da trắng công kích. Cuối cùng cuộc tẩy chay kéo dài 382 ngày đã khiến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phải bãi bỏ sự phân biệt chủng tộc trên mạng lưới xe buýt.
Năm 1957, ông được bầu làm chủ tịch Hội nghị Lãnh đạo Cơ đốc miền Nam, một tổ chức được thành lập nhằm liên kết các phong trào đấu tranh chống nạn kỳ thị. Ông chủ trương áp dụng phương pháp phi bạo lực của Gandhi, người đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ chống lại Đế quốc Anh. Trong giai đoạn 11 năm từ 1957 đến 1968, King đã đi hơn 6 triệu dặm Anh, có hơn 2.500 bài diễn thuyết; ông xuất hiện ở bất cứ nơi nào có bất công, chống đối và bạo động. Song song đó, ông cũng viết 5 cuốn sách và vô số bài báo.

Năm 1963, King bị bắt khi tham gia lãnh đạo phong trào chống phân biệt chủng tộc có quy mô lớn tại Birmingham, Alabama. Sau khi ra tù, ông lại tiếp tục tham gia vào cuộc diễu hành rầm rộ đòi nhân quyền tại Washington. Tại đây, ông đã đọc bài diễn văn nổi tiếng thế giới “Tôi có một giấc mơ” trước 250.000 người. Bài diễn văn đầy xúc động nói về ngày khi mà lời hứa về tự do và bình đẳng sẽ trở thành hiện thực tại nước Mỹ. Vào năm 1965, ông lại tiếp tục dẫn dắt một chiến dịch đòi quyền bầu cử cho người da đen. Trong cùng năm, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Quyền bầu cử cho phép người da màu đi bầu ở miền Nam.

Vào tối ngày 04/04/1968, Martin Luther King bị ám sát tại Memphis - Tennessee, nơi ông đã lãnh đạo cuộc diễu hành ủng hộ các công nhân vệ sinh của thành phố đình công.

Ở tuổi 35, Martin Luther King trở thành người trẻ tuổi nhất nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình. Khi biết mình giành được giải, ông công bố sẽ đem số tiền thưởng 54.123 USD tiếp tục phát triển phong trào đấu tranh vì nhân quyền. Có thể nói, ông không chỉ là nhà lãnh đạo biểu tượng của người Mỹ da đen mà còn là vĩ nhân của thế giới.

Nguồn: ST

Tin cùng loại