Bên cạnh đó còn có phần nhỏ vắc-xin dịch vụ dành cho người có khả năng chi trả cao hơn
Bộ Y tế cho biết trong bối cảnh nguồn vắc-xin Covid-19 cung cấp còn hạn chế, Việt Nam sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 từ nguồn của COVAX cho nhân viên y tế, nhân viên tham gia chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền mạn tính…
Tiêm vắc-xin miễn phí
Tại cuộc họp sáng 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Theo Ban Chỉ đạo, Việt Nam nỗ lực để sớm có vắc-xin ngừa Covid-19. Do chưa có đủ vắc-xin tiêm cho người dân nên trước hết phải phân theo các nhóm đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, tiến tới cơ bản về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, có phần nhỏ nguồn vắc-xin Covid-19 là vắc-xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.
Đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 giai đoạn 1 tại Học viện Quân y (TP Hà Nội)
Theo các chuyên gia y tế, vắc-xin AstraZeneca đang được nhập về Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng nên về nguyên tắc, khi về đến Việt Nam, vắc-xin có thể tiêm ngay cho người dân. PGS-TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), cho biết các loại vắc-xin khi về Việt Nam như vắc-xin "5 trong 1" Quinvaxem hay ComBE Five đều được thử nghiệm đánh giá an toàn. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị tiêm vắc-xin này cho những đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch. "Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Khoa học - Đào tạo (Bộ Y tế) theo dõi đánh giá hiệu quả. Chúng ta sẽ không tiêm ồ ạt vắc-xin Covid-19 mà vừa làm vừa theo dõi, đánh giá. Đây là cách chúng ta vừa chống dịch vừa kiểm soát độ an toàn để bảo đảm đưa vắc-xin ngừa Covid-19 an toàn nhất đến người dân" - PGS Trần Đắc Phu nói.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, virus SARS-CoV-2 lây theo giọt bắn, do đó ngay cả những nước đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng hiện vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách… "Chúng ta phải hiểu rõ vắc-xin khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay trong khi đó virus có biến thể mới nên chúng ta càng phải cẩn thận, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa đủ vắc-xin để có thể tạo được miễn dịch trong cộng đồng" - PGS Trần Đắc Phu lưu ý.
Bộ Y tế cho biết đến nay, cả nước đã phát hiện tổng số 2.400 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1.502 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 809 ca.
18,4 triệu người được ưu tiên
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ.
Theo Bộ Y tế, COVAX Facility là một cơ chế được thiết lập nhằm bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19. Mục tiêu bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi có đủ nguồn vắc-xin, 95% đối tượng nguy cơ cao được tiêm, tiếp nhận và cung ứng kịp thời vắc-xin cho các đối tượng theo tình hình dịch… Theo đó, các nhóm đối tượng cần tiêm vắc-xin Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn cung cấp vắc-xin còn hạn chế tại Việt Nam bao gồm: nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…; những người mắc các bệnh mạn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
COVAX dự kiến cung cấp cho Việt Nam gần 4,9 triệu liều, trong đó 25%-35% trong quý I/2021 và 65%-75% trong quý II/2021. Bộ Y tế cho biết ngay trong quý I/2021 sẽ có khoảng 600.000 người là nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch sẽ được tiêm khoảng 1,2 triệu liều vắc-xin. Quý II/2021 khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Đến quý III, COVAX Facility sẽ hỗ trợ vắc-xin cho các quốc gia để tiêm chủng cho tối đa 20% dân số. Theo đó, trong quý III, Việt Nam sẽ có khoảng 33 triệu liều tương ứng với 16 triệu người được tiêm.
Trước đó, Việt Nam đã chính thức phê duyệt có điều kiện vắc-xin Covid-19 AstraZeneca (AZD1222) của AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19. Có 30 triệu liều vắc-xin AZD1222 sẽ được cung cấp cho Việt Nam, bắt đầu từ nửa đầu năm 2021. Đây là vắc-xin Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Công ty CP Vắc-xin Việt Nam (VNVC) là đơn vị phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, doanh nghiệp không được tự ý phân phối, phải tuân theo kế hoạch của Bộ Y tế trình Chính phủ để chương trình tiêm vắc-xin được triển khai công bằng, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm - chúng ta đang tuân theo các thông báo của WHO hoặc các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền. Việt Nam đang cho phép nhập khẩu và lưu hành, triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong điều kiện khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh. Do vậy, việc đánh giá, dự báo khả năng xảy ra tai biến tiêm chủng cũng như hiệu quả của vắc-xin phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong kế hoạch tổng thể mà Bộ Y tế sẽ ban hành, bên cạnh những lợi ích, tác dụng của vắc-xin, cũng phải tuyên truyền về những tác dụng, phản ứng không mong muốn có thể xảy ra để người dân biết.
Nguồn: NLĐ