TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Ý kiến người dân » Sống chung với hiểm họa

Sống chung với hiểm họa

16:18 | 24/04/2023

Mỗi năm, cứ đến mùa mưa bão là hàng vạn hộ dân sống gần các hồ thủy lợi, đập thủy điện trên cả nước và dân vùng hạ du lại thắc thỏm lo âu. Bởi rất nhiều trong số hồ thủy lợi và đập thủy điện đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập bất kỳ lúc nào.
Với những quả "bom nước" treo lơ lửng trên đầu như thế, mỗi lần mưa lớn là người dân và cán bộ chính quyền địa phương lại lo quắn ruột. Nhưng biết làm sao khi hiện trạng đã nói rất nhiều năm mà vẫn không cải thiện được nhiều.

Hiện trên cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác. Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trước mùa mưa lũ năm 2020, cả nước có 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 200 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ.

Đến mùa mưa lũ năm nay, thực trạng cũng lại phơi bày rõ hơn. Việc xả lũ ở hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh trong phòng chống các cơn bão số 6, 7 vào cuối tháng 10-2020 vừa qua đã khiến TP Hà Tĩnh và 6 xã của huyện Cẩm Xuyên ngập trong nước, chính quyền tỉnh này phải sơ tán hơn 46.000 người dân ở huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà và TP Hà Tĩnh để bảo đảm an toàn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo bằng mọi giá cũng không để xảy ra rủi ro đối với hệ thống hồ, bởi nếu xảy ra sẽ là thảm họa.

Trước đó, những vụ vỡ đập đã từng xảy ra tại một số địa phương và gần đây, biết bao lần thủy điện xả lũ đã làm nhiều vùng hạ du của các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề, cả về người và tài sản...

Những năm qua, Chính phủ và các địa phương quan tâm, bố trí đầu tư gần 16.000 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp hơn 800 hồ chứa. Tuy nhiên, do số lượng đập, hồ chứa hư hỏng còn rất nhiều nên cần có nguồn kinh phí lớn để sửa chữa, duy tu. Tỉnh nào cũng than thiếu kinh phí. Hồ, đập đều đã xây hàng chục năm, hư hỏng nhiều, có sửa cũng chắp vá, tạm bợ... Thực trạng đó cứ kéo dài, hoặc người dân sống gần khu vực hồ, đập sống trong lo sợ mỗi mùa mưa bão hoặc tìm cách dời nhà đi nơi khác. Theo đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (Bắc Giang), với thực trạng hồ đập hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp thì nguy cơ thảm họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập nước ta rất là lớn. Đại biểu này đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập chứa nước.

Theo các chuyên gia, cần thành lập và triển khai hoạt động của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập để quyết định việc tích nước đối với các hồ chứa xung yếu, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ; đẩy nhanh việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập; lắp đặt các hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ hướng đến vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế…

Hãy khẩn trương và quyết liệt hơn nữa để xử lý hiện trạng, không thể để kéo dài. Lợi ích của nhà đầu tư là quan trọng nhưng phải xem việc bảo đảm an toàn cho tính mạng của người dân và an ninh nguồn nước là yêu cầu cao nhất. Để dân lo lắng là đã có lỗi với dân.

Nguồn: NLĐ

Tin cùng loại