Nhà máy điện than tại Niederaussem, miền tây nước Đức
GCC được Thủ tướng Đức Angela Merkel thành lập vào năm ngoái để thảo luận các phương hướng đưa nước Đức thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng than. Ủy ban này gồm 28 thành viên bao gồm các lãnh đạo của chính quyền liên bang và các bang, các đại diện công đoàn lao động, các công ty sở hữu nhà máy điện than, các nhà khoa học và các nhà môi trường.
Hiện than góp phần tạo ra 38% sản lượng điện ở Đức và các nhà máy điện than ở nước này dẫn đầu tại châu Âu về phát thải CO2. Quyết định lịch sử này sẽ giúp Đức đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu trước năm 2030.
Trước mắt, Đức sẽ đóng cửa 24 nhà máy nhiệt than có tổng công suất 12,5 GW vào năm 2022. Theo kế hoạch để đóng cửa 84 nhà máy nhiệt điện than, chính phủ Đức sẽ chi khoảng 40 tỉ Euro đầu tư tạo việc làm, giúp giảm nhẹ các tác động ở các vùng sản xuất than, bảo vệ các ngành công nghiệp và người tiêu dùng trước khả năng tăng giá điện, đầu tư để cải tạo mạng lưới điện đến năm 2040. Ngành công nghiệp than của Đức đang sử dụng 20.000 lao động trực tiếp và 40.000 lao động gián tiếp. Năm 2011 chính phủ Đức cũng đã có một chuyển động chính sách năng lượng táo bạo khác: đóng cửa tất cả 17 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022 sau sự cố rò rỉ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đến nay, Đức đã đóng cửa 12 nhà máy điện hạt nhân.
Với kế hoạch bỏ các nhà máy nhiệt điện than cũng như nhà máy điện hạt nhân, Đức sẽ phải dựa vào các nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo để cung cấp 65-80% sản lượng điện của nước này vào năm 2040. Năm ngoái, năng lượng tái tạo chủ yếu là điện gió và điện mặt trời đã vượt than để vươn lên trở thành nguồn năng lượng dẫn đầu, đóng góp đến 41% trong cơ cấu năng lượng của Đức.
Cho đến nay, có 30 nước bao gồm Anh, Canada và Thụy Điển, đã công bố các kế hoạch cắt giảm khí thải CO2 bằng cách loại bỏ năng lượng than. Song không có kế hoạch nào có quy mô tầm cỡ như kế hoạch của Đức.