Dân tộc Việt Nam quyết tâm đổi mới, sáng tạo, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cách đây 75 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt 80 năm đô hộ thuộc địa của thực dân Pháp, với câu mở đầu:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, có ý nghĩa là: Tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Và kết thúc bằng lời thề cương quyết:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
Theo ghi chép lịch sử, năm 1077, hơn 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược nước Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát, ở phía Nam bờ sông, đọc vang bài thơ:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch nghĩa:
Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong”.
Với lời cổ vũ này, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy quân ta đánh lui quân Tống. Có thể coi đây là Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta sau khi Ngô Quyền đã giành lại độc lập năm 938.
Năm 1428, sau khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến đấu 10 năm dẹp sự đô hộ của nhà Minh, Nguyễn Trãi thừa lệnh Bình Định Vương Lê Lợi đã soạn bài “Bình Ngô Đại cáo”, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt như một Tuyên ngôn Độc lập thứ hai trong lịch sử dân tộc.
Đấy là những chứng minh lịch sử về truyền thống đấu tranh, giành độc lập của dân tộc ta. Giành được độc lập đã khó, bảo vệ được nền độc lập đó còn khó khăn hơn gấp bội. Để bảo vệ nền độc lập dân tộc non trẻ này, người Việt Nam đã chiến đấu 9 năm chống lại một cường quốc lục quân, kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân.
2. Độc lập dân tộc đã khôi phục tên Việt Nam trên bản đồ thế giới như một quốc gia; người Việt Nam có quyền làm chủ non sông, đất nước mình, bảo vệ và xây đắp nền văn hóa của dân tộc, tự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nhà nước, nền dân chủ theo ý nguyện của nhân dân. Đó là một quá trình phấn đấu hào hùng, vượt qua bao khó khăn, thử thách.
Từ vượt qua nạn đói năm 1945 để ngày nay trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, từ một đất nước với 95% người dân mù chữ trở thành một đất nước có nền giáo dục toàn dân được quốc tế thừa nhận, độc lập đã tạo ra sự phát triển của đất nước. Bài học đại đoàn kết toàn dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, tôn trọng lợi ích chính đáng của dân từ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đất nước luôn có ý nghĩa thời sự trong suốt 75 năm qua.
Trong thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu rõ ràng: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Giá trị của độc lập không phải là khẩu hiệu chính trị trừu tượng mà phải đem lại tiến bộ thiết thực cho người dân là hạnh phúc và tự do trong cuộc sống.
Sau năm 1975, trong quá trình thống nhất và xây dựng đất nước, do những điều kiện quốc tế chia làm hai phe trong chiến tranh lạnh, không buôn bán, giao tiếp với nhau, nước ta đã theo đuổi một mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, kìm hãm động lực, tính năng động, sáng tạo của người dân với tham vọng nhanh chóng trở thành một nền kinh tế phồn vinh, hiện đại nhưng đã không đạt được mục tiêu đề ra. Trong khó khăn chồng chất, chính sự sáng tạo của người dân, sự xé rào của các doanh nghiệp và địa phương đã dẫn đến công cuộc đổi mới kinh tế – xã hội sâu rộng từ năm 1986 và được nối tiếp đến ngày nay.
3. Trong thế giới ngày nay, vị thế của một quốc gia dựa trên sức mạnh kinh tế và trình độ phát triển của khoa học – công nghệ, vai trò của tài nguyên thiên nhiên đã giảm nhiều. Singapore là một đảo quốc, phải nhập khẩu nước để sống, có thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 69.000 USD. Thụy Sĩ không có cảng biển đã trở thành một thiên đường du lịch với GDP đạt 85.324 USD/người, luôn được xếp hàng đầu về năng lực cạnh tranh và đổi mới, sáng tạo.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số đang thay đổi sâu rộng tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội từ kinh tế, giáo dục đến từng gia đình, từng con người. Tụt hậu trong quá trình chuyển đổi này sẽ làm đứt gãy kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn đến giảm sút năng lực cạnh tranh quốc tế.
Để phát triển kinh tế trong thời đại ngày nay, Việt Nam phải phát huy sự năng động sáng tạo của người Việt Nam trong kinh tế và khoa học – công nghệ. Với xếp hạng 80/196 quốc gia về giáo dục đại học, mặc dù có tiến bộ, rõ ràng Việt Nam phải có nỗ lực rất lớn để không bị tụt hậu trong thời đại công nghệ 4.0.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi một số quan điểm kinh tế cũng như hành vi tiêu dùng của người dân. Nếu như trước đây, quan điểm tuyệt đối hóa lợi thế về chi phí, giá cả đã dẫn đến xu thế không cần bảo đảm cơ cấu kinh tế tự chủ về những sản phẩm thiết yếu như dược phẩm, khẩu trang, máy thở… có thể dựa vào nhập khẩu với giá rẻ hơn từ nước ngoài; thì nay, các nước đã chuyển sang xây dựng một cơ cấu kinh tế độc lập tự chủ về những sản phẩm sống còn này. Hiện đã hình thành nhận thức chung về một cơ cấu kinh tế có những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu nhất của một vùng có đường kính khoảng 200 km, bao gồm bệnh viện, thuốc men, các sản phẩm và dịch vụ khác. Xu thế này đang chi phối sự dịch chuyển của các tập đoàn lớn sang các quốc gia khác nhau thay vì bỏ “tất cả trứng vào một giỏ” vì chi phí thấp như trước đây.
Nâng cao năng suất lao động, vận dụng sáng tạo các thành tựu khoa học – công nghệ nhanh nhất, có hiệu quả nhất là nhân tố then chốt để đạt tăng trưởng kinh tế và duy trì sự độc lập của quốc gia. Một nước không tự túc được lương thực, phải trông chờ vào nhập khẩu và viện trợ, phải vay nợ để trang trải những nhu cầu thiết yếu thì nước ấy khó có thể duy trì được sự độc lập tự chủ của dân tộc mình. Việt Nam quyết tâm xây dựng một đất nước độc lập, phồn vinh, năng động, sáng tạo.
Duy trì độc lập trong thế giới phát triển rất năng động và đa dạng hiện nay đòi hỏi một dân tộc đoàn kết, đồng lòng xây dựng đất nước. Sự thống nhất ý chí và hành động đó không phải là một trạng thái tĩnh lặng, cố định, bất biến mà phải được xây dựng năng động, linh hoạt trên cơ sở lắng nghe ý kiến người dân, dự đoán được các thay đổi trên thế giới để có những quyết định đúng đắn, bảo vệ lợi ích của đất nước và của người dân.
Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 2-9, dân tộc Việt Nam quyết tâm đổi mới, sáng tạo, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: NLĐ