TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Bài nghiên cứu » Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của âm nhạc dân gian Tây Nguyên

Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của âm nhạc dân gian Tây Nguyên

08:58 | 25/04/2023

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam là một chủ trương lớn, thể hiện tính nhất quán của Đảng ta, đặc biệt là trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay. Vấn đề này trong các văn bản, nghị quyết chỉ đạo của Đảng và Nhà nước thường đề cập đến. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành, được tiến hành mọi lúc, mọi nơi, trong đó ngành văn hóa đóng một vài trò quan trọng, và tất nhiên, không thể thiếu sự góp sức của những người hoạt động trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật! Tuy nhiên, mọi sự cố gắng của những người hoạt động văn học - nghệ thuật sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu thiếu sự đồng tâm hợp lực của các ngành, các cấp, thiếu sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.

Vậy, tại sao mà chúng ta phải bảo tồn, phát triển văn hóa cổ truyền các dân tộc Tây Nguyên? Câu hỏi tưởng chừng như vô nghĩa nhưng xem ra không phải là điều đơn giản như nhiều người thường nghĩ! Để trả lời một cách thấu đáo câu hỏi trên, tôi tin, khó có ai có thể nói hết được, mà đòi hỏi phải có thời gian và trí tuệ tập thể của những người thực có sự lương tâm và trách nhiệm. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì, trong thực tế, có một số người đã lợi dụng sự “hiểu biết” của mình rồi thu gom nhiều bộ cồng chiêng, nhiều nhạc cụ, trang phục, ghè cổ, tượng mổ... quý hiếm của đồng bào Tây Nguyên thành tài sản riêng và biến những tài sản ấy thành hàng hóa trao đổi trên thị trường, vì lợi ích cá nhân...

Như chúng ta biết, Tây Nguyên là địa bàn hành chính của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Ở đây có trên 20 thành phần dân tộc thuộc 2 nhóm ngôn ngữ chính: Môn Khmer và Malayô - Pôlônêxia. Giữa các thành phần dân tộc ấy, do sự tác động của quy luật giao lưu văn hóa, địa bàn cư trú đan xen, trình độ phát triển kinh tế xã hội còn thấp... nên đã tạo ra một số nét văn hóa tương đồng, song, mỗi dân tộc lại có một truyền thống văn hóa riêng, trong đó âm nhạc là một thành tố biểu hiện rõ nét nhất, độc đáo nhất và dễ nhận biết nhất, không thể tách rời bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

Nói đến Tây Nguyên là nói đến cả một vùng văn minh nương rẫy, với phương thức sản xuất chủ yếu và cơ bản là chọc trỉa; là nói đến một kho tàng văn hóa được ra đời trong xã hội tiền nhà nước. Đó là kho tàng văn hóa mang tính nguyên hợp, trong đó âm nhạc nổi lên như một thành tố chủ đạo, xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của con người từ thuở mới lọt lòng mẹ cho đến lúc về với thế giới Atâu. Đó là một quá trình phát triển năng động và sáng tạo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong suốt chiều dài của lịch sử.

Phải nói rằng, từ lâu, âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã được giới thiệu rải rác trên một số tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cũng đã được một số nhạc sĩ khai thác và sử dụng chất liệu của nó để sáng tạo nên một số tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo người yêu thích âm nhạc trong cả nước đón nhận một cách trân trọng. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu kể trên chưa đáng là bao so với kho tàng văn hóa truyền thống vừa phong phú, vừa độc đáo của các dân tộc. Đặc biệt, trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau... văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc nói chung, âm nhạc dân gian Tây Nguyên nói riêng đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị mai một, thất truyền là điều có thật.

Ở đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một cách khái quát về tình hình sưu tầm - nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Nguyên; thực trạng của âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống xã hội hiện nay; đồng thời, chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất một số giải pháp để bảo tồn, phát triển âm nhạc dân gian Tây Nguyên nhằm ít nhiều giúp cho các nhà nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn và đào tạo âm nhạc và các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn khái quát về âm nhạc dân gian Tây Nguyên, để có cơ sở vận dụng vào công tác chuyên môn của mình một cách khoa học.

Tình hình sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Nguyên

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, hầu như chưa có ai nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Tuy nhiên, “lịch sử nghiên cứu cồng chiêng Tây Nguyên ít nhất đã trải qua một quãng thời gian hơn một trăm năm với tên tuổi của các học giả người Pháp như: Douriboure P. (Những người Ba-na dã man), Pari, 1853; Guerlach R.R.J.B (Cùng sống với những người dã man ở Đông Nam Kỳ: Ba-na Rơ Ngao, Xơ Đăng, Công cán Thiên chúa giáo) tập 26, 1894; Guillemine P. (Tục đâm trâu ở người Ba-na) BAVH, 1942; và (Bộ lạc Ba-na ở Kon Công Tum) BEFEO, 1952; Jouln B.Y (Cái chết và nấm mồ - Tục bỏ mả) Pari, 1949; Duornes J. (Âm nhạc của dân tộc Gia Rai) Pari, 1965; và (Văn hóa Gia Rai, Pari) 1972; Condominas G. (Chúng tôi ăn rừng) Pari, 1982... với tên tuổi của các nhà dân tộc học Việt Nam, như Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi (Mọi Kon Tum, Huế) 1937...”([1])

Sau hòa bình lập lại (1954), âm nhạc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên đã được một số nhà nghiên cứu ở miền Bắc dựa vào một số con em của đồng bào tập kết ra miền Bắc để thu thập, ghi chép và giới thiệu trong các chương trình biểu diễn ca nhạc trên sóng phát thanh, trên các sân khấu chuyên và không chuyên nghiệp.

Năm 1960, 1961, Nhà xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc, Nhà xuất bản Âm nhạc ( Bộ Văn hóa) đã xuất bản cuốn Dân ca Tây Nguyên, do tác giả Lê Toàn Hùng và Lê Huy ghi âm và tuyển chọn. Năm 1978, Nhà xuất bản Văn hóa xuất bản cuốn Dân ca Tây Nguyên do Lê Toàn Hùng sưu tầm - ghi âm, phỏng dịch và biên soạn.

Sau năm 1975, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền... âm nhạc dân gian các dân tộc ở Tây Nguyên đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học quan tâm. Đáng kể nhất là những bài viết của các tác giả trong tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã được Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum công bố trong cuốn sách: Giữ gìn, phát huy vốn văn hóa truyền thống các dân tộc - 1981.

Năm 1985, sau Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, Sở Văn hóa - Thông tin Gia Lai - Kon Tum phối hợp với Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về cồng chiêng. Năm 1986, Sở Văn hóa - Thông tin Gia Lai - Kon Tum, Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam xuất bản tập kỷ yếu Nghệ thuật cồng chiêng - tập hợp 19 bản tham luận tại hội thảo của các nhà nghiên cứu âm nhạc, các nhà quản lý văn hóa trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý là những bài viết của các tác giả chuyên nghiên cứu về âm nhạc, như Tô Vũ, Lều Kim Thanh, Kpă YLăng, Rơ Chăm Yơn, Phạm Cao Đạt. Đặc biệt là những tư liệu nghiên cứu về cồng chiêng (nói đúng hơn là nhạc chiêng) của người Ba-na ở xã Yơ Ma huyện An Khê (cũ) của tác giả Lều Kim Thanh.

Năm 1988, Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum xuất bản cuốn Fônclore Bahnar, do ông Tô Ngọc Thanh chủ biên. Cuốn sách tập hợp những khảo cứu ban đầu về múa, lễ hội, âm nhạc, văn học dân gian... của dân tộc Ba-na tại xã Yơ Ma, huyện An Khê, nay là huyện Kông Ch’ro (Gia Lai). Đáng chú ý, khi nghiên cứu âm nhạc dân gian tại xã Yơ Ma, tác giả Tô Ngọc Thanh đã trình bày khá tập trung vào các vấn đề: giới thiệu một số nhạc cụ (musique instrumentale), một số “làn điệu” dân ca (musique vocale) và một số phương tiện biểu hiện âm nhạc như giai điệu, nhịp điệu, các loại hình âm nhạc, v.v... Với một chuyên khảo như thế, chưa thể nào nói hết được những giá trị âm nhạc độc đáo của người Ba-na ở Gia Lai, đặc biệt là vấn đề thang âm, điệu thức. Vì vậy, trước lúc đi sâu tìm hiểu âm nhạc fônclo Ba-na ở An Khê, ông Tô Ngọc Thanh cũng đã bày tỏ: “Chúng tôi chưa thể nói đầy đủ và sâu sắc về các thể loại dân ca Ba-na ở An Khê và các đặc điểm của chúng. Lý do đơn giản là chưa có được những tư liệu đáng tin cậy. Trong những chuyến đi sưu tầm tại các địa phương, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là không tìm được nghệ nhân, tư liệu về dân ca thu thập được quá ít, không đủ để nghiên cứu cho sâu và toàn diện([2]).

Năm 1991, được sự đầu tư và quản lý của Ban Khoa học - Kỹ thuật Gia Lai (nay là Sở Khoa học - Công nghệ Gia Lai), tác giả Đào Huy Quyền đã thực hiện đề tài Nhạc khí dân tộc ở Gia Lai. Cũng đề tài này, năm 1993, Nhà xuất bản Giáo dục đã xuất bản cuốn sách mang tên Nhạc khí dân tộc ở Gia Lai. Năm 1998, Nhà xuất bản Trẻ lại xuất bản với tên sách Các loại nhạc khí dân tộc Gia-rai, Ba-na. Trong 2 cuốn sách này (thực chất là một), bằng phương pháp mô tả, đo đạc, tác giả Đào Huy Quyền đã giới thiệu được một số nhạc cụ truyền thống của 2 dân tộc Gia-rai, Ba-na ở Gia Lai và một số nhạc cụ của người Giẻ-triêng, Xơ-đăng ở tỉnh Kon Tum.

Năm 1992, trong cuộc Liên hoan hát ru toàn quốc lần thứ nhất do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức tại thành phố Huế, chúng tôi đã giới thiệu 4 bài hát ru của người Ba-na và Gia-rai ở Gia Lai: Anăm hia (Ru con), Omon a năm hia (Ru cháu), Plung oh tep (Ru em), Pơlung sâu (Ru cháu). Đó là những bài hát ru do chúng tôi sưu tầm, biên soạn. Và, hiện nay những bài dân ca này đã trở nên phổ biến trong đời sống âm nhạc của tỉnh Gia Lai.

Năm 1993, được sự bảo trợ của Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường tỉnh Gia Lai, tác giả Đào Huy Quyền đã thực hiện đề tài Phân loại dân ca Gia-rai, Ba-na. Công trình này được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản với tên sách Tìm hiểu đặc trưng trong dân ca Gia-rai, Ba-na (2005).

Năm 1999, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum công bố tập tài liệu sưu tầm: Dàn chiêng của người Xê-đăng ở Kon Tum do Phan Đức Luận - Linh Nga Niêk Đăm - Phạm Cao Đạt sưu tầm.

Năm 2000, với Luận văn Thạc sĩ Khoa học xã hội - Nhân văn, chuyên ngành Văn hóa học, Lê Xuân Hoan đã bảo vệ thành công đề tài Âm nhạc dân gian Gia-rai ở tỉnh Gia Lai tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trong luận văn này, dưới góc nhìn văn hóa học, tác giả Lê Xuân Hoan đã giới thiệu một cách khái quát về các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ và một số phương tiện diễn tả của âm nhạc dân gian Gia-rai ở Gia Lai.

Năm 2001, Trường Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk xuất bản cuốn Giáo trình tìm hiểu thang âm - điệu thức tiêu biểu trong âm nhạc một số dân tộc Tây Nguyên, do nhạc sĩ Võ Đức Trí biên soạn (lưu hành nội bộ).

Năm 2003, tại Pleiku, Trung tâm Văn hóa - Thông tin Gia Lai xuất bản Tập ca khúc dân ca Ba-na, Gia-rai do tác giả Đào Xuân Thành, Nguyễn Thị An Lành, Thảo Giang và Y Tư là những người đã và đang sinh sống tại Gia Lai sưu tầm, tuyển chọn.

Năm 2004, được sự bảo trợ của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Gia Lai, thạc sĩ Lê Xuân Hoan đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu Tìm hiểu một số nét đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Gia-rai ở Gia Lai. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài này, năm 2006, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản cuốn sách: Dân ca Gia-rai; năm 2007, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản cuốn sách: Tìm hiểu nét đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Gia-rai.

Và năm 2012, Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc đã xuất bản cuốn sách: Âm nhạc dân gian Ê-đê và Gia-rai, do Linh Nga Niê Kdam và Lê Xuân Hoan biên soạn.

Năm 2009, được sự đầu tư kinh phí của Sở Khoa học - Công nghệ Gia Lai, chúng tôi cũng đã bảo vệ thành công đề tài Tìm hiểu thang âm - điệu thức trong âm nhạc dân gian Ba-na ở Gia Lai. Để thực hiện đề tài nghiên cứu này, ngoài việc sưu tập 45 bài dân ca đã được các tác giả công bố trước đó, chúng tôi đã sưu tầm, kí âm được 150 bài dân ca Ba-na, trong đó, có nhiều bài đã được chúng tôi đặt lời Việt và đã phổ biến rộng rãi trong đời sống âm nhạc trong nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kí âm được 23 bản nhạc dành cho cồng chiêng diễn tấu.

Từ kết quả nghiên cứu trên, năm 2013, Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách: Dân ca Ba-na. Và, năm 2014, Nhà Xuất bản Âm nhạc đã xuất bản cuốn sách: Tìm hiểu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Ba-na.

Hiện nay chúng tôi đang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: Nghiên cứu xác định thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Gia-rai. Đề tài này sẽ được nghiệm thu trong một ngày gần đây.

Như vậy, âm nhạc dân gian Tây Nguyên, đặc biệt là âm nhạc dân gian Gia-rai, Ba-na, Ê-đê đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới một cách khá toàn diện. Còn âm nhạc dân gian các dân tộc Mnông, Cơ-ho, Mạ... thì hầu như chưa được các nhà nghiên cứu, sáng tác để nhắc tới! Đó là điều cần phải được quan tâm một cách sâu sắc.

Nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Nguyên không chỉ dừng lại ở việc mô tả hình thức bên ngoài của một nhạc cụ, nhóm nhạc cụ hay một số bài bản dân ca nào đó, mà nó đã được các tác giả nghiên cứu một cách nghiêm túc và có hệ thống, từ dân ca (nhạc hát), nhạc cụ (nhạc đàn) cho đến các phương tiện biểu hiện của nó. Nhờ đó, nhiều tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng và phong cách Tây Nguyên đã ra đời và được đồng bào ở đây và cả nước đón nhận một cách trân trọng.

Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống xã hội hiện nay

Nếu nói âm nhạc dân gian là cơ sở, là trang mở đầu của âm nhạc chuyên nghiệp - bác học thì việc tìm sưu tầm, nghiên cứu kho tàng âm nhạc dân gian có ý nghĩa như một bước đi ban đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong những năm qua, đặc biệt là sau khi Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII được ban hành đến nay, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân... công tác bảo tồn, phát huy kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng đã đạt được những thành tích quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp “chấn hưng văn hóa dân tộc”, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao, ngày càng phong phú của quần chúng nhân dân; trên cơ sở đó, động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về thực hiện nhiệm vụ văn hóa trong giai đoạn mới, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc. Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược có nhiều dân tộc thiểu số với những giá trị văn hóa phong phú và độc đáo. Các tỉnh Tây Nguyên đã và đang dành nhiều quan tâm, nỗ lực trong ngăn ngừa sự xuống cấp, mai một của những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời hướng tới xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa mới.

Tuy nhiên, với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, chính sách mở cửa giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới... âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên nói riêng và âm nhạc truyền thống các dân tộc Việt Nam nói chung đã và đang đứng trước những thử thách lớn. Chúng ta, ai cũng biết nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ vào trong tư tưởng, tình cảm, lối sống và hành động của mọi người dân Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Sự tác động ấy, đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi con người, thúc đẩy sức sản xuất phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần phong phú cho xã hội, đáp ứng một số nhu cầu trọng yếu cho mọi tầng lớp nhân dân. Mặt khác, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là internet và các phương tiện nghe nhìn... quá khứ và hiện tại như được xích lại gần nhau hơn, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia trên thế giới cũng được diễn ra dễ dàng hơn với một không gian rộng lớn chưa từng có trong lịch sử phát triển của nhân loại... Các tỉnh Tây Nguyên cũng nằm trong xu thế phát triển chung ấy. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, với nguồn sáng từ đường dây 500 KV, 110 KV của quốc gia, từ các công trình thủy điện Ia Ly, Sê San 3, Sê San 4, công trình thủy lợi Ayun Hạ; sự phát triển của các công ty cao su, cà phê..., theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Tây Nguyên đã và đang được nâng lên một bước đáng kể. Song, đã có không ít nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo trước những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đối với các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, âm nhạc nói riêng. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương, chỉ rõ: “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn”...

Chương trình 134, 135 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo cơ hội lớn để cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên tự giải phóng mình thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Trong những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, áp dụng các mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp để tăng nguồn thu nhập kinh tế gia đình, như phát triển cây cao su, hồ tiêu, cà phê, mía đường... Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong vùng đã được cải thiện một cách đáng kể. Tuy nhiên, việc vận động đồng bào dân tộc xây dựng nhà ở hai bên các trục đường giao thông, với lối kiến trúc “hiện đại”, vô tình đã làm biến đổi không gian văn hóa truyền thống của người dân Tây Nguyên. Bên cạnh đó là tình trạng tàn phá rừng bừa bãi đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Có thể nói, rừng bị tàn phá cũng đồng nghĩa với sự tàn phá không gian văn hóa Tây Nguyên, bởi văn hóa Tây Nguyên là “văn hóa rừng”([3]).

Từ ngàn đời nay, sông Ba - dòng sông đẹp nhất tỉnh Gia Lai, là nguồn nước vô cùng quan trọng cho hàng chục ngàn người dân sống ở đôi bờ, là ngọn nguồn của những sáng tạo nghệ thuật đã và đang trở thành “dòng sông chết”, với mùi hôi thối nồng nặc vào mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi con sông chảy qua, nhất là thị xã An Khê, bởi thái độ ứng xử của con người. Đặc biệt là kể từ khi thủy điện An Khê - Kanak chặn dòng tích nước đến nay, mực nước sông Ba xuống thấp đến mức không thể thấp hơn nữa, nhiều khúc sông đã trơ đáy, thêm vào đó dòng sông lại phải gánh chịu một khối lượng nước thải khổng lồ chưa qua xử lý của Nhà máy Đường An Khê, Nhà máy chế biến tinh bột mì An Khê, Nhà máy MDF An Khê...

Hiện nay, nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ rằng, bên trong những cái tưởng chừng rất mộc mạc, xù xì, đơn sơ và phổ biến hàng ngày của những giai điệu âm nhạc với những nhạc cụ cổ truyền của các dân tộc là những vấn đề có ý nghĩa sống còn, bởi đó là những nét bản sắc, là cốt cách, là niềm tin và niềm tự hào của mỗi dân tộc, đánh mất nó là đánh mất tất cả. Khi còn sống, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường căn dặn chúng ta: “Nói đến văn hóa là phải nói đến dân tộc và nói đến dân tộc phải nói đến văn hóa. Cho nên, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa suy thì dân tộc suy, văn hóa mất thì dân tộc diệt”([4]).

Với tư cách là một người làm công tác văn học - nghệ thuật hơn 30 năm nay, qua khảo sát thực tế tình hình âm nhạc dân gian ở Tây Nguyên, cho thấy, số người dân tộc thiểu số biết hát dân ca, biết chế tác các loại nhạc cụ truyền thống đã giảm nhiều so với thời gian trước đây. Số lượng nghệ nhân có hiểu biết và say mê hoạt động âm nhạc đã cao tuổi đang từ từ mang theo những giá trị âm nhạc “của tổ tiên để lại” về với cõi vĩnh hằng.

Một hiện tượng đáng lo ngại nữa, đó là công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá những giá trị tốt đẹp trong kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc của các cơ quan chức năng đối với thanh thiếu niên còn rất nhiều bất cập và yếu kém. Lâu nay, khi đánh giá thái độ của thanh thiếu niên đối với những giá trị âm nhạc truyền thống, thông thường các nhà lý luận, quản lý và phóng viên các báo thường dành cho họ những cụm từ chẳng mấy thiện cảm, nào là “thanh thiếu niên bây giờ mất gốc” hay “thanh thiếu niên bây giờ thờ ơ với văn hóa truyền thống”... Thực tế chưa hẳn là như thế!

Vấn đề này, GS.TS. Phạm Minh Khang đã nhiều lần chia sẻ: “Đừng vội trách giới trẻ rằng, họ chỉ biết chạy theo những rock, rap, hip-hop mà không biết đến âm nhạc dân gian, dân tộc. Hãy đặt câu hỏi: “Ai mang âm nhạc dân tộc đến cho họ, ai diễn giải cho họ hiểu về âm nhạc dân gian, dân tộc?”

Qua hoạt động thực tiễn trên lĩnh vực âm nhạc gần 30 năm nay ở Tây Nguyên, chúng tôi được biết, đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc dân tộc hiện nay quá thiếu và yếu. Hiện nay, tìm người có bằng đại học, cao đẳng âm nhạc ở Tây Nguyên không khó như những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhưng tìm được một người thực sự sống chết với âm nhạc dân tộc thì... chẳng khác gì “lặn biển tìm kim”. Trong lúc đó, các trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng những người hoạt động văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng hiện nay ở Tây Nguyên chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác dạy - học vốn âm nhạc truyền thống của các dân tộc. Do đó không phải ngẫu nhiên mà 100% sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm và 90% học sinh Âm nhạc Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật không biết/thuộc một bài dân ca Tây Nguyên. Họ không biết hát đồng dao, hát ru, hát giao duyên không phải vì họ không thích hay “thờ ơ” với dân ca mà cái chính là ở chỗ công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá kho tàng âm nhạc dân gian của chúng ta chưa thu hút sự tìm tòi khám phá của đông đảo thanh thiếu niên. Trong lúc đó, hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiện truyền thông chính thống và “không chính thống” đang cho họ nghe nhìn đủ thứ sản phẩm văn hóa “thời đại”. Mặt khác không ít thanh thiếu niên dân tộc thiểu số ngoài giờ học văn hóa đang phải oằn mình phụ giúp bố mẹ lao động, sản xuất, kiếm thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống, và cũng không ít học sinh, nhất là những học sinh ở các vùng thị trấn đang phải “còng lưng” với vấn nạn “dạy thêm, học thêm”. Trong lúc “cái cũ - cái truyền thống” chưa được các em tiếp thu và định hình trong tâm hồn của các em thì “cái mới lạ” lại như lời mời gọi các em khám phá!

Thực ra, không phải thanh thiếu niên không yêu thích âm nhạc dân tộc và cũng không phải các em chưa được nghe những lời giáo huấn về vai trò của âm nhạc dân tộc trong việc hình thành và phát triển con người mới Việt Nam. Nhưng từ lý luận đến thực tiễn còn có một khoảng cách khá xa, nếu không muốn gọi là mâu thuẫn. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Cái mệnh đề ấy, hầu như ai cũng hiểu, thậm chí hiểu rất sâu sắc nhưng để thực thi sự hiểu biết ấy thì không phải là điều đơn giản. Chúng ta chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với những người làm công tác văn hóa trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, và chưa có chế độ ưu tiên đối với các loại hình đào tạo nghệ thuật truyền thống...

Một hiện tượng đáng lo ngại hơn mà các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa đã và đang hết sức trăn trở để tìm cách giải quyết, đó là hiện tượng Đạo Tin Lành, đặc biệt là “Tin Lành Đêga”. Tin Lành Đêga không phải là hoạt động tôn giáo đơn thuần mà là một tổ chức chính trị phản động của các đối tượng thù địch bên ngoài tác động vào bên trong để thành lập “Nhà nước Đêga” tự trị, đòi đất đai, đòi đuổi người Kinh. Theo điều tra của TS. Nguyễn Thị Kim Vân về những thay đổi đáng lo ngại trên một số lĩnh vực văn hóa cổ truyền, 100% số người được hỏi cho biết, sau khi theo đạo, họ không còn đánh cồng chiêng, không uống rượu cần và không tham gia các lễ hội truyền thống của cộng đồng.

Chỉ tính riêng đối với cồng chiêng, trước năm 1980, tỉnh Gia Lai có hàng chục ngàn bộ chiêng, mỗi gia đình sở hữu 2 - 3 bộ, nhưng đến năm 2008 chỉ còn 5.655 bộ và đáng chú ý hơn là có hơn 200 làng của người Gia-rai, Ba-na chủ yếu là những làng theo đạo Tin Lành đã không còn bóng dáng cồng chiêng([5]).

Như vậy, tương lai của nền văn hóa dân tộc sẽ đi về đâu, trách nhiệm thuộc về ai?... Chúng tôi không cần phải tốn thêm thời gian và bút mực thì chúng ta cũng đã rõ. Với trách nhiệm công dân và lương tâm của người nghệ sĩ, chúng tôi thấy xấu hổ và xót xa!

Đó là những vấn đề đã và đang tác động tiêu cực đến tình hình chính trị - kinh tế - xã hội nói chung, âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Nếu các cấp, các ngành không kịp thời đề ra những giải pháp hữu hiệu thì kho tàng âm nhạc các dân tộc thiểu số Tây Nguyên sẽ ngày càng bị mai một, thất truyền là điều khó tránh khỏi.

Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân gian Tây Nguyên

Thực chất của nhiệm vụ này không chỉ là việc ngăn chặn sự lãng quên, sự hủy hoại những giá trị âm nhạc truyền thống, mà vấn đề cốt lõi là phải bảo đảm cho những giá trị âm nhạc truyền thống được phát huy tác dụng trong môi trường văn hoá mới, phù hợp với điều kiện của con người trong thời đại mới. Để thực hiện được nhiệm vụ to lớn này, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể quần chúng từ Trung ương đến cơ sở. Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân gian là vấn đề chấn hưng văn hóa dân tộc trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay. Như chúng ta đã biết, từ năm 1943 của thế kỷ XX (khi chúng ta chưa giành được chính quyền), trong “Đề cương văn hóa Việt Nam”, Đảng ta đã chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, khoa học và đại chúng”. Trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9 tháng 6 năm 2014 Ban Chấp hành Trương ương khóa XI đã chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng”.

Sinh thời, Bác Hồ cũng đánh giá rất cao vai trò sáng tác văn học nghệ thuật của quần chúng nhân dân. Bởi vì, quần chúng nhân dân không chỉ là lực lượng đã sáng tạo ra mọi của cải vật chất cho xã hội mà còn là lực lượng vô tận đã sáng tạo ra những giá trị tinh thần mà tác phẩm vĩ đại nhất là kho tàng nghệ thuật dân gian của nhân loại.

Về âm nhạc, Bác viết: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Thanh niên phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”([6]).

Đánh giá vai trò của văn học - nghệ thuật dân gian, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Kho tàng văn nghệ dân gian vĩ đại và vô giá là nguồn tri thức sản xuất và tri thức xã hội mà bao thế hệ, nông dân lao động đã để lại cho chúng ta”([7]).

Để phát huy vai trò to lớn của những giá trị văn hóa nghệ thuật các dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát tiển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chính đáng và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và trình độ thẩm mỹ ngày càng cao”([8]).

Với sự quan tâm và hiểu biết của bản thân, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số đề xuất và kiến nghị mang tính định hướng đối với các cơ quan chức năng như sau:

Tiếp tục triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước xung quanh vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Đồng thời nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Cụ thể:

- Mở các hội nghị, hội thảo khoa học cấp khu vực đối với chuyên đề âm nhạc dân gian Tây Nguyên nói riêng, âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số nói chung, nhằm khẳng định một cách khoa học những giá trị độc đáo trong kho tàng âm nhạc truyền thống của các dân tộc. Đây là một việc làm vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn, thiết thực thực hiện lời dạy của Bác Hồ, tinh thần các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước xung quanh vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị âm nhạc dân gian Tây Nguyên nói riêng, âm nhạc các dân tộc Việt Nam nói chung.

- Tăng cường công tác sưu tầm - nghiên cứu, tạo cơ chế thông thoáng cho lĩnh vực này để động viên, khích lệ những chuyên gia làm việc trên lĩnh vực này có cơ hội phát huy khả năng của mình vào công tác chuyên môn, tránh tình trạng vừa làm chuyên môn vừa lo những công việc hành chính sự vụ như hiện nay.

- Cần đưa vào chương trình giáo dục trong các cấp học từ tiểu học đến đại học những giờ dạy nhạc để cho học sinh, sinh viên, chí ít cũng hiểu được những nét đại cương của kho tàng văn hóa - âm nhạc các dân tộc Việt Nam nói chung. Ngành Giáo dục - Đào tạo phải chủ động kết hợp với ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch để cùng biên soạn nội dung chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Với quan điểm chung: Giữ gìn, phát huy những giá trị âm nhạc truyền thống của các dân tộc, khôi phục truyền thống hát ru để trả lại cho trẻ em bài học đầu tiên về nhạc điệu, trả lại cho trẻ em những bài hát dân ca và dạy cho các em những bài hát mới sáng tác theo làn điệu dân ca, âm điệu dân tộc trước khi dạy các em hát những bài hát theo âm nhạc phương Tây. Từ thế kỷ XV, đại thi hào Nguyễn Trãi đã đánh giá vai trò của âm nhạc dân tộc: “Nhạc sinh ra từ lòng dân, nhạc là tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng mẹ ru con, tiếng gà gáy sớm nơi thôn dã...”. Giáo sư - Nhạc sĩ Trần Văn Khê cũng chỉ rõ: “Những nét nhạc, điệu múa đã cùng đi theo cuộc sống của một con người khi còn trong nôi tới lúc nằm dưới mồ.

Nói chung, những lời hát ru là những bài học vỡ lòng về nhạc mà đứa bé tiếp nhận từ người mẹ. Cùng lúc với dòng sữa mẹ thấm vào cơ thể đứa bé, một làn điệu dân ca, một lời ca dao cũng được ghi vào ký ức đứa bé. Sau này, đứa bé sẽ gắn liền tình yêu mẹ với nhạc điệu những lời hát ru, và người ta đã thấy trong nhiều bài dân ca của một vùng cái cấu trúc nhạc điệu trong những lời hát ru của vùng ấy”([9]).

- Để tôn vinh những giá trị độc đáo trong kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc, hằng năm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên tổ chức các cuộc liên hoan nghệ thuật âm nhạc dân gian các dân tộc với quy mô toàn quốc, hoặc theo từng khu vực. Trên cơ sở đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc sưu tầm và phát huy các giá trị nghệ thuật âm nhạc của các dân tộc, mở rộng giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau góp sức bảo vệ những giá trị âm nhạc truyền thống của cha ông.

- Phát huy hơn nữa vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc tuyên tuyền - giáo dục những giá trị của kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc, đặc biệt là vai trò của báo viết, báo điện tử, đài phát thanh và truyền hình... Cuộc liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc mà VTV đang tổ chức có một ý nghĩa lớn, đặc biệt là với chủ trương tiếp cận với cái chân chất, hồn nhiên và mộc mạc của dân ca, có nghĩa là dân ca nguyên bản.

- Nhà nước cần phải có chế độ, chính sách thỏa đáng cho lực lượng làm công tác văn hóa văn nghệ trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo những người làm công tác âm nhạc là con em đồng bào các dân tộc, bởi không ai có thể hiểu hết được những giá trị và những vị đắng ngọt, và kể cả những giọt mồ hôi, nước mắt chìm sâu trong từng lời ca, tiếng nhạc của mỗi dân tộc bằng chủ thể cũng như con em của các chủ thể đã sáng tạo ra nó.

- Ngoài ra, cần gắn các hoạt động văn hóa với du lịch. Đây là một hướng phát triển lâu dài và có nhiều triển vọng tốt đẹp mà nhiều tỉnh bạn đã thực hiện như Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam...

Có như vậy, âm nhạc dân gian Tây Nguyên mới có điều kiện bộc lộ những giá trị độc đáo của mình, góp phần làm phong phú thêm nét đặc sắc của kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, âm nhạc dân gian Tây Nguyên là những giá trị vật chất và tinh thần do đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn, lịch sử. Mặc dù chịu sự tác động của quy luật đào thải tự nhiên và những tác động tiêu cực của các cuộc chiến tranh tàn khốc trong thế kỷ XX... âm nhạc dân gian Tây Nguyên vẫn tồn tại và phát triển với một sức sống mãnh liệt. Tuy nhiên, trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền là điều có thật.

Trong những năm qua, dưới ánh sáng của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, với trách nhiệm công dân và lương tâm của người nghệ sĩ, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên bằng những tác phẩm công trình nghiên cứu có giá trị. (Tuy nhiên, đây mới chỉ là những phác thảo bước đầu. Nếu có thời gian và công sức thì có lẽ mấy trăm trang sách vẫn chưa thể nói hết được những gì mà các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ chúng ta đã thể hiện trong các tác phẩm của mình). Âm nhạc dân gian không chỉ là nguồn sữa ngọt lành nuôi dưỡng con người mà còn là nhu cầu thể hiện lẽ sống của con người, giúp con người vững bước tiến lên phía trước. Những giá trị của kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên, trong đó có các phương tiện diễn tả âm nhạc chẳng những có giá trị góp phần khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên trong quá khứ, hiện tại và tương lai mà còn có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hơn lúc nào hết, âm nhạc dân gian Tây Nguyên và những người làm công tác văn hóa ở Tây Nguyên đã và đang cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời, cụ thể của Đảng và Nhà nước.

Th.S  Lê Xuân Hoan


[1]()  Nhiều tác giả, Bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007, Tr. 235.


[2]() Tô Ngọc Thanh (chủ biên), Fônclo Bâhnar, Sở Văn hóa - Thông tin Gia Lai - Kon Tum, 1988, Tr. 203.


[3]() Chữ dùng của nhà văn Nguyên Ngọc.


[4]() Hoàng Vinh (chủ biên), Một số vấn đề lý luận văn hóa thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, Tr. 19.


[5]() Nguyễn Thị Kim Vân, Tín ngưỡng và tôn giáo của cư dân bản địa Gia Lai, những chuyển biến và tác động đến văn hóa - xã hội (từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay) - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 2011, Tr. 169.


[6]() Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Quan niệm về folklore, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, Tr. 107.


[7]() Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Sđd, Tr. 107.


[8]() Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tr. 75.


[9]() Cao Xuân Phổ (chủ biên), Nghệ thuật Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á, Hà Nội,1984, Tr. 271.

 

Tin cùng loại