Do ảnh hưởng của các cơn bão trong 2 năm 2017 - 2018 gây lũ ống, lũ quét đã làm sạt lở một số điểm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của 41 hộ dân, 205 nhân khẩu của 2 bản Suối Tre, bản Bèo, xã Tường Phong, huyện Phù Yên. Trước thực trạng đó, huyện Phù Yên đã trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án di chuyển và bố trí sắp xếp điểm tái định cư tập trung cho 41 hộ dân, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, hiện đang triển khai thi công hạng mục san lấp nền điểm tái định cư. Dự kiến, hoàn thành và di chuyển dân trong năm 2022.
Còn tại điểm tái định cư Suối Dinh 1, 2, xã Mường Bang, tháng 1 vừa qua, 17 hộ dân đầu tiên của xã Bắc Phong đã bốc thăm vị trí nền nhà và chuyển đến nơi ở mới. Theo kế hoạch, khu tái định cư này sẽ đón 90 hộ dân các xã vùng dọc sông Đà như Bắc Phong, Tân Phong, Tường Phong, Nam Phong, Tường Hạ… Đây là những hộ dân sinh sống ở ven sông thiếu đất ở, đất sản xuất, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ.
Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết: Thực hiện Đề án bố trí, sắp xếp dân cư tập trung, an toàn phòng chống thiên tai, trong năm 2021 - 2022, huyện Phù Yên xác định tập trung thực hiện hoàn thành 2 hạng mục là dự án bố trí sắp xếp dân cư điểm tái định cư Suối Dinh và bản Suối Tre, bản Bèo. Qua đó, nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân tại các khu vực xung yếu, các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét.
Vân Hồ cũng là một trong những địa phương của tỉnh Sơn La có tới 12/14 xã có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét. Huyện đã khẩn trương triển khai các dự án bố trí ổn định dân cư, di chuyển kịp thời các hộ dân khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi ở mới an toàn, ổn định. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện 6 dự án di chuyển dân vùng thiên tai, bố trí ổn định cho hơn 200 hộ dân. Hiện đang tập trung thực hiện Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai sạt lở đất bản Dón, bản Tà Phù tại khu định cư tập trung Pu Nhay, xã Liên Hòa cho 150 hộ dân; bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Cong, xã Quang Minh cho 25 hộ dân…
Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai
Theo Kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Sơn La đã rà soát, phân vùng các khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại lưu vực suối Nậm La, Nậm Pàn, suối Muội, suối Tấc, suối Sập, suối Sập Việt, Nậm Công, Nậm Ty… và trên địa bàn có độ dốc lớn trên 25 độ. Toàn tỉnh có 152/204 xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét; trong đó, thành phố Sơn La có 8/12 xã, phường; huyện Phù Yên 22/27 xã; Mường La 12/16 xã; Bắc Yên 7/16 xã…
Để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, trước mắt, Sơn La đã đưa 21 dự án sắp xếp ổn định dân cư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Giao nhiệm vụ cho các sở ngành, xây dựng chính sách hỗ trợ xây nhà an toàn phòng chống thiên tai, các công trình công cộng gắn với giải pháp trở thành nhà tránh lũ cộng đồng, xây dựng nhà ở đạt tiêu chí 3 cứng, phát triển nhà ở đảm bảo đạt chất lượng từ bán kiên cố trở lên; phấn đấu giảm 51% tỷ lệ nhà đơn sơ hiện có.
Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ phục vụ dự báo, cảnh báo sớm thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chi tiết đến cấp xã. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ưu tiên công nghệ dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch Nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng với mục tiêu nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân, đặc biệt là người dân tại khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động, tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân.
Nguồn: Internet