TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Bài nghiên cứu » Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống của người Hoa ở TP Hồ Chí Minh

Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống của người Hoa ở TP Hồ Chí Minh

09:05 | 25/04/2023

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, có bề dày lịch sử về truyền thống cách mạng vẻ vang, một trung tâm về nhiều mặt của cả nước. Đây còn là nơi có nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng sinh sống và lập nghiệp. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, dân tộc Hoa chiếm 5,78 %, dân tộc Khmer có 0,33%, dân tộc Chăm có 0,10% và các dân tộc thiểu số khác chiếm 0,20% trong tổng số dân toàn thành phố. Từ lâu, các dân tộc anh em sinh sống ở thành phố đã đoàn kết, gắn bó, tích cực đóng góp công sức kể cả xương máu của mình trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh từ sau 30-4-1975 đến nay.

Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh rất phong phú và được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: hoạt động kinh tế, đời sống vật chất, sinh hoạt tinh thần, quan hệ ứng xử, phong tục tập quán, nếp sống, tín ngưỡng dân gian. Văn hóa vật thể và phi vật thể người Hoa đều có nét đặc sắc riêng.

Văn hóa vật thể của người Hoa nổi bật là những cơ sở tín ngưỡng dân gian như miếu, điện, cung… Đó là nơi bà con người Hoa tập trung để tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng dân gian mang tính chất cộng đồng. Đình, điện, miếu là một loại kiến trúc đặc sắc của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 60 cơ sở tín ngưỡng dân gian. Nhiều cơ sở, đình, điện, miếu của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy ban nhân dân Thành phố xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu là Chùa Bà (Tuệ Thành Hội quán); Chùa Ông (Nghĩa An Hội quán); Chùa Ông Bổn (Nhị Phủ Miếu Hội quán); Chùa Bà Hải Nam (Quỳnh Phủ Hội quán); Chùa Bà Thiên hậu (Quần Tân Hội quán); Chùa Quan Âm (Ôn Lăng Hội quán); Chùa Ông hay chùa Minh Hương Thất Phủ (Hội quán Phước An)...

Âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật sân khấu là món ăn tinh thần của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại các quận đông người Hoa sinh sống, biểu diễn nghệ thuật cổ truyền của người Hoa rất phát triển. Đoàn ca kịch Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh (Quảng Đông và Triều Châu) tồn tại từ sau ngày giải phóng miền Nam, nay là đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp do Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố quản lý. Ngoài ra còn các nhạc xã như: Mân Nam của Hội quán Phước Kiến, Đội ca kịch của Hội quán Hải Nam, nhạc xã Đồng Đức, Tân Lệ Viên, Triều Quần…, các Câu lạc bộ tiếng Hoa của các quận, đội văn nghệ của các Trung tâm dạy môn Hoa văn: Mạch Kiếm Hùng, Khải Tú, Vĩnh Xuyên, Trần Bội Cơ, đội nhạc cổ Hoa Sen quận 6, đội ca múa nhạc Trung tâm văn hóa quận 5, Hằng Anh Đường quận 11...

Hằng năm, ngoài việc tham gia biểu diễn nghệ thuật chào mừng các ngày lễ, tết ở các tụ điểm Trung tâm văn hóa quận, còn biểu diễn tại các rạp hát, nhà hàng và trong các Hội quán, phục vụ cho bà con người Hoa. Các đội múa lân, rồng, môn nghệ thuật truyền thống người Hoa cũng đã góp phần quan trọng tạo nên không khí sôi động, phấn khởi chào mừng các lễ hội, lễ tết của Thành phố.

Văn học nghệ thuật người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh từ sau năm 1975 cũng có bước phát triển quan trọng, đáp ứng yêu cầu thụ hưởng của đồng bào Hoa và các dân tộc. Năm 1993, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh đã tập hợp gần 300 hội viên là văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật người Hoa, Chăm, Khmer và một số dân tộc thiểu số khác. Trong đó văn nghệ sĩ người Hoa chiếm 2/3 tổng số hội viên của Hội, hoạt động trong các chuyên ngành văn học, mỹ thuật, thư pháp, nhiếp ảnh và các loại hình biểu diễn nghệ thuật.

Đã từ lâu, hoạt động văn học nghệ thuật trong cộng đồng người Hoa Thành phố đã thực hiện xã hội hóa, được người Hoa quan tâm, xây dựng và ủng hộ. Đặc biệt là từ khi Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố Hố Chí Minh được thành lập thì hoạt động văn học nghệ thuật trong cộng đồng người Hoa không những được duy trì và phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước ta, mà còn là địa chỉ, là cầu nối khơi dậy tiềm năng bảo tồn và phát huy đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần tích cực giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những năm qua, hội viên, văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số đã có nhiều tác phẩm có ý nghĩa mang tính giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho giới văn nghệ sĩ trẻ. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các ban ngành liên quan, tổ chức lớp học chuyên ngành: ca nhạc, mỹ thuật, thư pháp, nhiếp ảnh kỹ thuật số; tổ chức tọa đàm về kỹ năng viết văn, vẽ tranh thủy mặc cho giới văn nghệ sĩ trẻ; tổ chức các cuộc thi viết văn, thi thư pháp, thi đơn ca tiếng Hoa, ca cổ tiếng Quảng Đông…

Nghệ thuật

Trong những năm qua, Báo Sài Gòn Giải phóng (bản Hoa văn) đã tổ chức cuộc thi thơ mới bằng tiếng Hoa, nhận được 40 tác phẩm của 40 tác giả ca ngợi sự đoàn kết gắn bó giữa bà con người Hoa, người Kinh và các dân tộc anh em Việt Nam. Ngợi ca sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Tháng 6 năm 1990, Báo Sài Gòn Giải phóng (bản Hoa văn) lập trang văn nghệ mang tên “Quế Quán văn nghệ”. Đến nay trang Văn nghệ chủ nhật hàng tuần duy trì và phát triển, nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ, mỹ thuật, thư pháp, nhiếp ảnh nghệ thuật được đăng tải, tạo nên sức thu hút của độc giả. Nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi được Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số thành phố tổ chức biên tập và xuất bản thành sách mang ý nghĩa chính trị, lịch sử văn hóa sâu sắc như: Góp phần tìm hiểu văn hóa người Hoa Nam Bộ (2006); tác phẩm Quá trình hội nhập và phong trào đấu tranh cách mạng của người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam Bộ từ năm 1930 đến năm 1975 (Do Hội phối hợp với Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối người Hoa, 2013), và một số tác phẩm như: Hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh (2014); tác phẩm Văn hóa người Hoa Nam Bộ (2015)...

Ngoài ra các lĩnh vực mỹ thuật, hội họa, thư pháp, nhiếp ảnh nghệ thuật của các họa sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân người Hoa cũng phát triển mạnh mẽ và phong phú, nhiều tác phẩm mỹ thuật, thư họa và nhiếp ảnh nghệ thuật được giải thưởng của các ngành liên quan của Trung ương và thành phố.

Như vậy dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự quan tâm của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và sự hướng dẫn tạo điều kiện của Phòng Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên Giáo Thành ủy và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố, những năm qua, hoạt động văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng và phát triển văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số trong vườn hoa muôn sắc màu của nền văn hóa Việt Nam trên địa bàn.

Để góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp và kiến nghị như sau:

- Cần hỗ trợ đào tạo văn nghệ sĩ trẻ các dân tộc thiểu số vừa hồng vừa chuyên, phát triển toàn diện nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, nhất là sáng tác văn học và lý luận phê bình.

- Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện các mặt hoạt động văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là về Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4), Giải thưởng, Trại sáng tác, Về nguồn...

- Hiện nay, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng còn nhiều bất cập, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan liên quan trong việc triển khai nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, nhằm giáo dục truyền thống và phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

- Có chính sách khen thưởng kịp thời động viên gắn với việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết 23/NQ-TW ngày 16-8-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Triển khai thực hiện Nghị quyết 33 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

- Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần có chính sách đầu tư phù hợp xây dựng nhà văn hóa các dân tộc thiểu số Thành phố, nhằm hội tụ các điều kiện công năng về thiết chế văn hóa để giúp cho cộng đồng các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và văn nghệ sĩ người Hoa nói riêng có nơi hoạt động sáng tạo tác phẩm, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, đào tạo bồi dưỡng các chuyên ngành văn học nghệ thuật và chính trị tư tưởng cho văn nghệ sĩ trẻ.

 

                                                                                                                          LƯU KIM HOA

                                                                                                   Hội VHNT các DTTS Tp. Hồ Chí Minh

 

 

Tin cùng loại