Ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta có rất nhiều dân tộc thiểu số, cùng với đó là nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng. Trong thời gian gần đây có rất nhiều hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện và hoạt động ở khu vực này, như: Hiện tượng Giê Sùa, Hiện tượng Bà Cô Dợ, Hiện tượng Dương Văn Mình, Hiện tượng San sư khẹ tọ, Hội thánh Đức Chúa Trời... đã có những tác động tiêu cực đến cuộc sống của đồng bào, gây phức tạp xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự ở khu vực. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo...
1. Các hiện tượng tôn giáo mới
Thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, năm 2015 có khoảng 30 loại đạo lạ với trên 13.000 người bị ảnh hưởng, ở 264 xã, phường, thị trấn, 80 huyện, thị xã, thành phố thuộc khu vực. Đặc biệt là hoạt động của hiện tượng Dương Văn Mình trên địa bàn bốn tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang và Thái Nguyên, với hơn 7.000 người(1) tin theo, trong đó có cán bộ, đảng viên. Người theo các hiện tượng tôn giáo mới bao gồm trí thức, sinh viên, nông dân... song chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS) vùng nông thôn, vùng cao, biên giới.
Hiện tượng Giê Sùa
Hiện tượng Giê Sùa hay “Đạo Giê Sùa” có nguồn gốc từ Mỹ, do David Her (tên gọi khác là Hờ Chá Sùng), người Mông(2), hiện tại đang sinh sống ở bang California, Mỹ, thành lập và phát triển, tuyên truyền, tán phát các tài liệu, video clip bằng tiếng Mông trên các trang mạng nhằm lôi kéo người dân tộc Mông tin theo. Họ cho rằng Chúa Giê Sùa, chứ không phải là Chúa Giêsu như quan niệm của Kitô giáo, sẽ cứu rỗi thế giới và con người; chỉ có “đạo Giê Sùa” là tôn giáo thật và kêu gọi người Mông tin theo. Một số bài giảng của David Her về hiện tượng Giê Sùa đề cập đến việc phát triển tổ chức tôn giáo và thành lập chính quyền riêng của người Mông.
Đầu năm 2015, ở tỉnh Điện Biên, một số người Mông theo đạo Tin Lành ở bản Na Cô Sa 3, Huổi Thủng 2, xã Na Cô Sa và bản Nậm Hài, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ sử dụng điện thoại thông minh truy cập, xem các nội dung truyền giảng của David Her; đồng thời tải các đoạn video, bài giảng này để mở cho nhiều người cùng xem với mục đích tuyên truyền để nhiều người tin theo. Sau đó họ tiếp tục truyền đạo cho họ hàng, người thân cùng dân tộc Mông ở các huyện Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên Đông. Trong một thời gian ngắn, hiện tượng Giê Sùa đã lan rộng và phát triển rất nhanh ở các huyện nói trên. Thời điểm nhiều nhất có 1.229 người tin theo hiện tượng Giê Sùa; có 54 người cầm đầu trong đó có cán bộ, đảng viên(3). Đến giữa năm 2019, toàn tỉnh có 1.208 người, vốn trước đây theo đạo Tin Lành đã chuyển sang tin theo hiện tượng Giê Sùa, với 52 người cầm đầu ở 5 huyện.
Hiện tượng Giê Sùa xâm nhập vào tỉnh Lai Châu tháng 8-2015, bắt đầu từ việc một số tín đồ đạo Tin Lành người Mông ở huyện Sìn Hồ đã tìm hiểu về hiện tượng này trên mạng internet, và tuyên truyền, lôi kéo anh em, họ hàng, tín đồ ở điểm nhóm đạo Tin Lành Pa Cha Ô tin theo. Sau đó, hiện tượng Giê Sùa phát triển sang bản Nậm Lúc II xã Phăng Xô Lin, bản Pa Phang II xã Phìn Hồ, hình thành 3 điểm sinh hoạt với 14 hộ/75 người tin theo (những người này là tín đồ đạo Tin Lành chuyển sang). Năm 2017, hiện tượng Giê Sùa phát triển sang bản Xì Phải xã Dào San, bản Làng Than xã Mù San huyện Phong Thổ và bản Lao Chải 2 xã Khun Há, huyện Tam Đường. Năm 2018, có 149 người ở 3 huyện chuyển từ theo đạo Tin Lành sang theo hiện tượng Giê Sùa. Qua vận động của các địa phương đã có 51 người quay trở về sinh hoạt đạo Tin Lành. Điểm nhóm Pa Phang II theo hiện tượng Giê Sùa thường xuyên sinh hoạt tập trung ở xã Phìn Hồ huyện Sìn Hồ. Tín đồ ở các nơi khác sinh hoạt tại gia đình(4).
Hiện tượng Bà Cô Dợ
Hiện tượng Bà Cô Dợ hay “Đạo Bà Cô Dợ” (còn gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta) có nguồn gốc từ Mỹ, do bà Vừ Thị Dợ, sinh năm 1978, người Mông, vốn nguồn gốc từ Lào lập ra ở thành phố Milwau kee bang Wisconsin nước Mỹ, vào cuối năm 2016. Bà Dợ có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, trước đó theo Công giáo rồi đạo Tin Lành nhưng thường vi phạm giáo lý, giáo luật giáo hội, xuyên tạc Kinh Thánh nên bị trục xuất khỏi giáo hội. Hiện tượng Bà Cô Dợ du nhập vào Việt Nam thông qua mạng internet. Một số tín đồ đạo Tin Lành người Mông đã nghe bà Dợ giảng đạo trên mạng và tin theo. Những người theo Bà Cô Dợ tuyên truyền Chúa sẽ tái lâm lần thứ hai và đó là người Mông - Nu-Long, con trai út của Vừ Thị Dợ. Chúa sẽ cứu rỗi người Mông và cai trị thế giới 1000 năm tiếp theo.
Tại Lai Châu, giữa năm 2017, người Mông theo đạo Tin Lành ở bản Pa Mu, xã Hua Bum và bản Trung Chải xã Trung Chải huyện Nậm Nhùn đã xem và nghe bà Dợ thuyết giảng về Kinh Thánh, về Chúa tái lâm... trên kênh Youtube. Sau đó họ đã liên lạc với bà Dợ trao đổi về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và đề nghị bà Dợ giúp đỡ tiền để làm ăn. Bà Dợ đã gửi tiền cho những người này và đề nghị mua thiết bị điện tử, điện thoại thông minh, nối mạng để xem và sinh hoạt theo hướng dẫn của bà, đồng thời yêu cầu họ tuyên truyền cho những người khác tin theo hình thành nên các điểm nhóm sinh hoạt theo hiện tượng Bà Cô Dợ. Đến năm 2018, ở Lai Châu có 299 người Mông ở 3 xã của huyện Nậm Nhùn và Mường Tè đã chuyển từ theo đạo Tin Lành sang theo hiện tượng Bà Cô Dợ. Qua công tác tuyên truyền, vận động của các địa phương đã có 2 hộ với 3 người quay trở lại theo đạo Tin Lành.
Hiện tượng Bà Cô Dợ được truyền vào tỉnh Điện Biên đầu năm 2018 thông qua các băng, đĩa, video clip được phát trên mạng internet. Các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên cho biết, trong vài năm gần đây, Vừ Thị Dợ đã gửi tiền cho số người cầm đầu tuyên truyền hiện tượng Bà Cô Dợ trên địa bàn tỉnh với số tiền hàng trăm triệu đồng. Thời điểm cao nhất đã có 330 người theo hiện tượng này, với 8 người cầm đầu ở ba huyện: Mường Nhé, Mường Chà và Nậm Pồ. Huyện Mường Nhé, năm 2018, có hơn 400 người theo hiện tượng Bà Cô Dợ và hiện tượng Giê Sùa ở 6 xã trong toàn huyện. Nơi có nhiều người theo nhất là xã Mường Toong và Nậm Kè. Có xã tồn tại cả hai hiện tượng nói trên.
Hiện tượng Dương Văn Mình
Hiện tượng Dương Văn Mình do Dương Văn Mình(5), người dân tộc Mông thành lập tại xã Yên Hương huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang năm 1989. Những người theo Dương Văn Mình coi ông như “Đấng Cứu thế”, hay “Bố” của người Mông, dạy dỗ họ những điều tốt đẹp. Sau khi hình thành hiện tượng Dương Văn Mình đã phát triển sang các tỉnh khác ở vùng miền núi phía Bắc.
Ở tỉnh Cao Bằng, người Mông theo hiện tượng Dương Văn Mình từ năm 1989, hoạt động lén lút. Họ đã dựng nhiều “nhà đòn” để dụng cụ tang lễ. Tháng 6-2016, có 2.400 người, toàn bộ là người Mông theo hiện tượng này, trong đó có người là đảng viên, cán bộ xã, cán bộ xóm, đoàn viên, hội viên(6). Năm 2019, toàn tỉnh Cao Bằng có 2.772 người theo hiện tượng Dương Văn Mình, trong đó có người là đảng viên.
Tỉnh Bắc Kạn, tháng 3-2010, toàn tỉnh có 321 người Mông theo hiện tượng Dương Văn Mình ở 3 huyện: Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Mới. Năm 2015 có 760 người theo ở 5 huyện, trong đó có cán bộ, đảng viên, bí thư chi đoàn, trưởng thôn. Năm 2018 toàn tỉnh có 820 người theo hiện tượng Dương Văn Mình. Những người đứng đầu tổ chức thường xuyên liên lạc với các nhóm trong và ngoài tỉnh để trao đổi thông tin và tổ chức ăn tết chung; tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại chính quyền cơ sở; tái dựng nhà đòn; gặp gỡ người nước ngoài; tìm cách đối phó với chính quyền(7).
Tỉnh Thái Nguyên, năm 2019, số người tin theo hiện tượng Dương Văn Mình là 1.131 người; có 6 nhà đòn ở huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai(8).
Tỉnh Hà Giang, từ năm 2001 đã có 147 hộ người Dao ở 4/5 thôn, bản của xã Tả Pan huyện Mèo Vạc theo hiện tượng Dương Văn Mình. Gần đây hiện tượng này đã phát triển vào xã Tả Lủng và Niêm Sơn với 6 hộ/33 người.
Hiện tượng Dương Văn Mình chưa có hệ thống giáo lý hoàn chỉnh. Những lời dăn dạy của Dương Văn Mình là nền tảng tinh thần và phương châm hành xử của các tín đồ. Nghi lễ thờ cúng theo hướng giản tiện về nghi thức, hạn chế tốn kém về kinh tế và tiết kiệm thời gian, chủ yếu hành lễ trong những sự kiện quan trọng như lễ cưới, lễ tang, hay ăn tết chung. Những người theo đạo đã bước đầu hình thành tổ chức theo các điểm nhóm giống với đạo Tin Lành.
Hiện tượng San sư khẹ tọ
Hiện tượng tôn giáo San sư khẹ tọ có nguồn gốc từ Trung Quốc đã du nhập và phát triển mạnh trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang. Năm 2008, hiện tượng này đã hiện diện ở 3 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh. Về sinh hoạt tôn giáo của họ có những điểm giống với đạo Tin Lành. Tín đồ chủ yếu sinh hoạt tôn giáo tại gia đình, trong nhà có treo miếng vải đỏ (kích thước 60 x 90cm, in hình chữ thập ở giữa). Năm 2015 có 4.786 người theo hiện tượng San sư khẹ tọ, chủ yếu là dân tộc Dao tập trung tại vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện phía Bắc tỉnh Hà Giang(9).
Hội thánh Đức Chúa Trời
Hội thánh Đức Chúa Trời (hay Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ) có nguồn gốc từ Hàn Quốc, đã được du nhập vào Việt Nam năm 2001. Đến đầu năm 2018, Hội thánh Đức Chúa Trời đã xuất hiện ở trên 20 tỉnh, thành phố nước ta, với hơn 2.300 người theo. Thời gian gần đây, Hội thánh Đức Chúa Trời chuyển hướng phát triển vào vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc.
Năm 2018, Hội thánh Đức Chúa Trời đã gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội khi những người của tổ chức này truyền đạo bất hợp pháp trong các trường học, nơi công cộng dẫn tới tình trạng nhiều người vì tin theo tổ chức này đã phá bỏ bàn thờ tổ tiên, từ bỏ gia đình, bỏ học, bỏ công việc... gây xáo trộn, bất an trong nhiều gia đình và cộng đồng. Họ tuyên truyền chỉ có “Đức Mẹ” mới có thể cứu thế giới, giúp con người khỏi khổ đau, tội lỗi...
Tháng 6-2016, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có một nhóm gồm 35 người đến tuyên truyền Hội Thánh Đức Chúa Trời với việc thành lập Trung tâm Bảo tồn Phát triển cây thuốc Việt Nam. Đến tháng 5-2018, tỉnh này có 136 người theo Hội thánh Đức Chúa Trời tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và huyện Tuần Giáo. Hoạt động của nhóm này đã gây nhiều phức tạp về trật tự xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo với những hoạt động mê tín, lợi dụng niềm tin của người theo để trục lợi cá nhân(10). Gần đây hoạt động tuyên truyền Hội thánh Đức Chúa Trời đã diễn ra ở huyện Mường Ảng, Mường Chà.
Tỉnh Bắc Kạn, năm 2018, có 19 người theo Hội thánh Đức Chúa Trời. Những người truyền đạo vẫn tích cực hoạt động, thường xuyên thay đổi địa bàn, thay đổi nhân sự, chú ý củng cố đức tin của người theo, thay đổi nơi tạm trú, đa dạng hóa nghề nghiệp tạo vỏ bọc để lôi kéo người dân tham gia.
Hiện nay ở vùng đồng bào DTTS miền núi phía Bắc có nhiều hiện tượng tôn giáo mới khác như: Sề Chu Hà Ly Cha, Con đường mới, Ngọc phật Hồ Chí Minh, Hoàng Thiên Long, đạo Lưu Văn Ty, Pháp Luân Công, Pháp môn diệu âm... Đặc điểm chung của các hiện tượng tôn giáo này là đa số mới được du nhập và phát triển vào khu vực, chưa có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tổ chức hoàn thiện; chưa có cơ sở thờ tự, chủ yếu sinh hoạt tôn giáo theo nhóm tại gia đình; một số hiện tượng hoạt động lén lút và gây nên những bức xúc trong cộng đồng.
2. Nguyên nhân và ảnh hưởng của các hiện tượng tôn giáo mới
Nguyên nhân
Nguyên nhân cơ bản làm cho một bộ phận đồng bào DTTS theo những hiện tượng tôn giáo mới là do đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của họ còn khó khăn. Đến nay, vùng Tây Bắc vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước; cơ sở kinh tế như điện, đường, trường trạm còn hạn chế, giao thông, đi lại khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS nói chung còn nghèo nàn, ở nhiều địa phương, nặng về các cuộc tang lễ, cưới xin, cúng bái với hủ tục nặng nề tốn kém, thực sự là gánh nặng đối với người dân. Họ đã theo hiện tượng tôn giáo mới để vừa thỏa mãn được nhu cầu tâm linh, tôn giáo vừa đỡ tốn kém trong thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo.
Một lý do rất quan trọng dẫn tới tình trạng đồng bào DTTS theo các hiện tượng tôn giáo mới là do một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Miền núi phía Bắc là nơi thực hiện Chỉ thị 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành (sau đây gọi là Chỉ thị 01) chậm hơn cả so với các vùng miền khác trong cả nước. Đến nay toàn vùng vẫn còn hơn 50% điểm nhóm đạo Tin Lành chưa được cấp đăng ký sinh hoạt, tức là chậm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người DTTS, từ đó những hiện tượng tôn giáo mới có cơ sở thuận lợi phát triển để bù đắp vào khoảng trống tâm linh của người dân.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng một bộ phận đồng bào DTTS miền núi phía Bắc theo những hiện tượng tôn giáo mới là do hoạt động truyền giáo ở trong nước cũng như từ nước ngoài. Trong thực tế, những cá nhân ở nước ngoài đã liên hệ, cung cấp tiền cho một số nhóm người DTTS ở các tỉnh để họ có kinh phí hoạt động, mua điện thoại, hòa mạng internet, vào các trang mạng xã hội nghe, xem truyền giáo, chỉ đạo trực tiếp từ nước ngoài. Sau đó, số “người truyền đạo” tích cực ở các địa phương lợi dụng hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc Mông ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa để lôi kéo họ tham gia. Lực lượng này kết hợp các hình thức hỗ trợ vật chất, lôi kéo, đặc biệt thường lợi dụng triệt để những vấn đề bức xúc, khó khăn của người dân, những người bị mất niềm tin vào cuộc sống thực tại để tác động lôi kéo họ vào đạo.
Ảnh hưởng của các hiện tượng tôn giáo mới trong vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Giống như các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác, hiện tượng tôn giáo mới cũng có chức năng an ủi, xoa dịu nỗi đau của con người trong đời sống xã hội. Nó đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh, bù đắp sự cô đơn và mong ước được khỏi bệnh tật, đói nghèo của không ít người dân. Sự đơn giản trong nghi lễ của các hiện tượng tôn giáo mới cũng được xem là phù hợp với xã hội hiện đại. Thực tế hơn 7.000 người DTTS theo hiện tượng Dương Văn Mình, cũng như hàng nghìn người Dao ở Hà Giang theo hiện tượng San sư khẹ tọ hiện nay là những minh chứng thuyết phục về nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào khi theo hiện tượng tôn giáo mới.
Tuy nhiên, những hiện tượng tôn giáo mới tác động tiêu cực đến cộng đồng DTTS miền núi phía Bắc, gây phức tạp tình hình, làm xáo trộn đời sống xã hội nói chung, gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ, tiềm ẩn nhân tố gây bất ổn trong vùng đồng bào. Một số hoạt động có tính chất cực đoan, mê tín. Hơn nữa, những “người truyền đạo Giê Sùa” đã tuyên truyền tư tưởng ly khai, chủ trương tập hợp lực lượng thành lập “Nhà nước Mông” ở khu vực.
3. Một số giải pháp đối với hiện tượng tôn giáo mới ở vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Trước sự phát triển các hiện tượng tôn giáo mới, trong thời gian qua các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện một số nhiệm vụ để ổn định tình hình xã hội vùng DTTS. Tuy nhiên, tình hình hiện tượng tôn giáo mới vẫn diễn biến khá phức tạp, vì vậy trong thời gian tới chúng ta cần lưu ý thực hiện một số giải pháp để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, hạn chế những tác động tiêu cực của các hiện tượng này, góp phần ổn định và phát triển vùng DTTS.
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó bao gồm những nội dung cơ bản như: khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta; Thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Chủ động phòng ngừa, đấu tranh với hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo... Hơn nữa, đối với vùng miền núi phía Bắc, nơi có số lượng lớn người DTTS theo đạo Tin Lành, cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc chủ trương từng bước đi tới bình thường hóa hoạt động của đạo Tin Lành theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, chú trọng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác tôn giáo; sắp xếp, kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo ở cơ sở, nhất là những địa bàn trọng yếu, đông tín đồ đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ; bố trí, sắp xếp cán bộ là người DTTS tại địa phương làm công tác tôn giáo ổn định, lâu dài.
Thực hiện hiệu quả hơn quá trình bình thường hóa hoạt động của đạo Tin Lành. Bởi vì, việc thực hiện chưa tốt Chỉ thị 01 ở vùng miền núi phía Bắc trong thời gian qua đã dẫn đến những phức tạp trong tình hình đạo Tin Lành và là một nguyên nhân cơ bản làm phát triển các hiện tượng tôn giáo mới. Vì vậy, cần thúc đẩy nhanh hơn việc cấp đăng ký sinh hoạt cho các điểm nhóm đạo Tin Lành để đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân, từ đó sẽ có tác dụng lâu dài hạn chế sự phát triển các hiện tượng tôn giáo tiêu cực.
Thứ ba, củng cố, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát huy lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng tôn giáo mới. Thực tế cho thấy, ở một số tỉnh, phòng chuyên môn, các tổ chức đoàn thể cấp huyện và chính quyền xã chưa thực sự vào cuộc, chưa thực hiện tốt công tác tôn giáo, công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết các sự việc xảy ra tại cơ sở, nhất là những nơi có nhiều người theo hiện tượng tôn giáo mới.
Nâng cao vai trò của đội ngũ những người có uy tín trong cộng đồng các DTTS trong việc duy trì tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc. Chính sách đối với những người có uy tín cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phát huy được nhiều nhất đóng góp đồng thời đáp ứng lợi ích thiết thân của họ. Bản thân những người có uy tín cũng phải thường xuyên trau dồi kiến thức để, một mặt, hướng dẫn cộng đồng mình loại bỏ những hủ tục, mặt khác, vẫn tiếp tục duy trì và phát triển những giá trị văn hóa và đạo đức còn phù hợp, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Thứ tư, làm tốt việc tranh thủ các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, trong đó có đạo Tin Lành, để tuyên truyền, vận động người dân hiểu, nhận rõ bản chất các hiện tượng tôn giáo mới tiêu cực và không tin theo. Bởi vì, đến nay nhiều tổ chức đạo Tin Lành đã được Nhà nước công nhận, có đường hướng hành đạo tích cực, đồng hành cùng dân tộc. Trong khi đó có một số lượng đáng kể tín đồ đạo Tin Lành bị những hiện tượng tôn giáo mới lợi dụng, lôi kéo theo họ.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, mục tiêu quốc gia xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng ở vùng DTTS miền núi phía Bắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS, để họ ổn định cuộc sống, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc và đoàn kết tôn giáo.
Nguồn: Internet