Từ năm 2014 đến 2016 chúng tôi có dịp may mắn được Viện Âm nhạc mời đi nghiên cứu điền dã then Tày, Nùng, Thái ở 11 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam([1]). Đây là dịp may có một không hai đối với những người làm công tác nghiên cứu âm nhạc cổ truyền ở Việt Nam như tôi. Tôi tận dụng thời cơ, dồn hết tâm lực vào một số công việc “bếp núc” của người nghiên cứu điền dã. Tôi đã dự đủ 25 lễ then, do 25 ông, bà then thực hiện (từ đây xin gọi chung là thầy then). Đó là các lễ then Cấp sắc, Giải hạn cầu an, Nối số, Thôi tang, Cầu hồn, Cầu mùa, Cầu hoa, Cống sứ, Tìm vía dưới Long Vương, Nhập hồn cô dâu về nhà chồng, Bắc cầu truyền nghề, Phi tì, Kin pang then, Kin pang pi mấu. Tôi đã phỏng vấn các thầy then, các nhà nghiên cứu then, con nuôi của các ông bà then, các gia đình đã từng tổ chức làm then, những người dự lễ then, một số cán bộ quản lý văn hóa các tỉnh, thành phố và địa phương về nhiều vấn đề liên quan đến then. Tôi đã dự đủ 11 cuộc tọa đàm và hội thảo khoa khọc do Viện Âm nhạc tổ chức tại 11 tỉnh, thành phố. Tôi đã đọc hết 40 ngàn 800 câu hát trong 25 lễ then do các dịch giả là người địa phương của 11 tỉnh kết hợp với các thầy then phiên âm và dịch nghĩa.
Căn cứ vào những tư liệu thu thập được, những phân tích tư liệu sau điền dã, tôi kết luận: Then đã sinh ra và tồn tại một cách tự nhiên trong đời sống xã hội của người Tày, Nùng, Thái từ rất xa xưa cho đến hôm nay. Mặc dù cũng có lúc thăng trầm, lúc thịnh suy nhưng trong trường kì lịch sử then chưa khi nào đứt mạch. Từ đó, tôi xin có đôi lời làm sáng tỏ kết luận này.
Then và hồn vía con người
Người Tày, Nùng, Thái cùng có quan niệm: con người và vạn vật đều có thân xác và hồn vía. Khi hồn vía bỏ đi thì thân xác ốm đau, cây cối héo tàn. Lúc ấy người ta phải mời then về làm lễ gọi vía, đưa vía về nhập xác. Lễ thức này là hình thức tín ngưỡng gắn liền với đời sống con người từ khi sinh ra cho đến khi khuất bóng. Xin chứng minh, lúc người mẹ mang thai cho đến khi đứa trẻ sinh ra được 1 tháng tuổi người ta làm then An va (An thai) và then Đặt tên; lúc dựng vợ gà chồng và khi vợ chồng gặp cảnh hiếm muộn người ta làm then Nhập hồn cô dâu về nhà chồng và then Cầu hoa (Cầu tự); khi dựng nhà và lúc khánh thành nhà mới người ta làm then Tứn lườn và then Vào nhà mới; khi ốm đau, bệnh tật, khi già cả người ta làm then Chữa bệnh, then Nối số, then Mừng thọ; khi khuất bóng, khi mãn tang người ta làm then Tang lễ, then Thôi tang. Ngoài ra còn có then thụ nghề, then thôi nghề, như Cấp sắc, Cáo lão; then trong lễ hội Lồng tồng, Kin pang then, Kin pang pi mấư, Khất pang... và còn rất nhiều các lễ then khác nữa vẫn đang hiện hữu trong đời sống xã hội người Tày, Nùng, Thái mà chúng ta chưa thể thống kê hết. Chỉ riêng lễ then giải hạn cho trẻ em, Triệu Thị Mai đã thống kê có tới 36 lễ([2]).
Kết quả mà các lễ then đem lại chưa được kiểm chứng bằng khoa học, hoặc chưa có khoa học nào kiểm chứng được, nhưng nó đã được kiểm chứng bằng những câu chuyện của chính những người đã từng được thầy then làm lễ cho mình.
Chị Khoàng Thị Ngoăn([3]) ở Tp. Điện Biên nói với chúng tôi: “Tôi cưới được 3 năm, không có con. Vợ chồng tôi cùng nhau đi khám bệnh viện, chụp chiếu khám nhưng không tìm ra nguyên nhân, hai vợ chồng rất buồn vì không có con. Không biết xoay xở thế nào chúng tôi mới đến nhờ then Thiếm đến hát then và làm “Lễ cầu con”, sau đó mới có con, mới vui, mới sướng. Giờ cháu cũng được 10 tuổi rồi”.
Em Điêu Thị Giang([4]) ở Mường Lay, Điện Biên kể: “Ngày ấy em bị ốm và em đi chữa ở Điện Biên rồi chuyển tuyến về Hà Nội. Bệnh nặng quá em bị tức ngực, đau lưng, cả cơ thể ốm yếu, đi cũng không vững, người không bình thường, trở nên héo hon, sau đó em quay về và không biết làm thế nào. Em đã tìm mời thầy then đến nhà để lễ, nhưng lại nghĩ chắc không bằng đến nhà thầy làm lễ. Rồi em đến nhà then nằm làm lễ ở đấy. Ông Then đã lấy đồ làm lễ cho em. Từ đấy em khỏi và em trở thành con nuôi của thầy”.
Chị Tô Thị Tính([5]) ở Tp. Lạng Sơn nói: “Tôi thấy là đi cầu lộc có lộc, cầu tài được tài, đi buôn, đi bán đều đắt hàng. Tháng này lấy then về làm ở đây nên bán rất đắt hàng. Tôi cầu mong buôn bán đắt hàng, nhiều khách, bán được nhiều hàng, con cái, gia đình hòa thuận”.
Căn số làm then
Cộng đồng người Tày, Nùng, Thái quan niệm, các vị thần linh nắm giữ căn số của từng người. Tùy thuộc vào căn số mà thần linh sắp đặt cho họ các chức phận khác nhau trong đời sống xã hội con người. Căn số của người làm then là người được thần linh mặc định phải làm then. Người ấy thường là con cháu trong dòng họ làm then truyền đời (cả nội và ngoại). Tuy nhiên, con cháu trong dòng then không phải người nào cũng được trời định cho căn then. Vì vậy trong gia đình, họ hàng, nội tộc cũng rất hiếm người có căn then, nhiều khi cách hai ba đời mới lại có người hiện căn số làm then.
Người có căn số làm then là người được thần linh lựa chọn giao cho việc hành đạo ở dưới trần gian “cứu nhân độ thế”. Khi đã chọn được người nào đấy, thần linh sẽ thử thách họ bằng nhiều cách khác nhau như bắt ốm đau triền miên, bắt nhảy vào bụi cây, bắt điên điên dại dại. Người vướng vào những hiện tượng ấy phải mời thầy then về làm lễ thoát bệnh, nếu không bệnh sẽ kéo triền miên.
Sau lễ thoát bệnh, họ tự nguyện theo thầy học làm then. Thời gian học không nhiều, thậm chí có người không học, bởi theo họ, thì cứ hằng đêm họ đã được thần thánh dạy học làm then ngay trong giấc ngủ. Lời ca then trong lễ then Cầu hoa([6]) có câu “Dạy con trong giấc ngủ/Truyền dạy trong giấc say/Giấc say vía then con học/Dạy con then quản lễ cầu hoa” đã phản ánh đúng cách học thần bí này.
Sự học kéo dài đến một thời điểm nhất định họ sẽ được thầy dạy đứng ra tổ chức Lễ then Cấp sắc. Cấp sắc vừa là lễ “tốt nghiệp” vừa là lễ công bố danh tính và tư cách của thầy then mới trước đông đảo bà con nội ngoại, bản làng, lân bang về dự lễ. Sau lễ Cấp sắc thầy then mới đã có đủ tư cách độc lập để đi làm lễ then.
Khi tìm hiểu về căn số then, chúng tôi được các thầy then cho biết về căn số then của mình:
Then Mỗ Thị Kịt([7]) nói: “Cái mệnh của mình có đúng, có chấp được lệnh ở Nam Tào, Bắc Đẩu thì mới làm then được. Trước khi làm, thánh mang đi ngâm dưới sông (pây áp đang) đi tắm sông cho sạch. Xong thì 21 ngày ăn chay, nằm mộng, không được ăn thịt, không được ăn mỡ, khác nằm riêng ở trong màn, màn phủ hai bên, phong vào, không có ai được vào. Khác học ở đấy với bà then già. Bà then già đóng cái ấn vào trán, vào hai bên ngực và đằng sau 3 cái nữa. Trước mặt có 5 lần ấn, xong mới học, học đi học lại biết bói rồi đến năm 22 tuổi bà mới cấp sắc”.
Then Lương Thị Sao([8]) kể về căn số người học trò của mình là Chu Thị Hồng Vân: “Hồng Vân này trước nó ốm, nó dở dở khùng khùng, hơi điên mới gọi bà về cúng, cúng xong nó khỏi và nó đi theo. Dạy một tháng, bà về lập ban hương cho đi làm”.
Then Lưu Đình Bạo([9]) nói: “Bố tôi lúc còn sống cũng làm then. Tám đời làm then rồi. Sau khi bố qua đời lại nhập xuống bản thân tôi buộc tôi phải làm then, hành là phải làm thôi, không làm không được, không làm thì nhà tan tác, nên tôi phải làm. Khi thánh nhập xuống rồi, hành một thời gian thì tôi biết đánh đàn tính. Then chỉ cần để sách trước mặt thôi, tự nhiên khắc biết hát thôi”.
Vậy theo quan niệm dân gian, căn số then là sự định đoạt của thần linh về sự ra đời của thầy then. Sự định đoạt ấy ý chí con người không thể tác động, không thể làm thay đổi.
Nghệ thuật trình diễn then
Trong mỗi lễ then, việc chủ yếu của thầy then là kể chuyện về quá trình đưa đoàn quân then đi dâng lễ vật lên các cửa thần linh. Nào là chuyện nàng Hương, chuyện nàng Thanh Thơ - Thanh Thảo, chuyện Tiên nữ trên trời yêu Quan trạng, chuyện vợ chồng phu lái đò, chuyện chợ Tam Quang, chuyện mượn gậy của yêu tinh Dả Dỉn, chuyện mua trâu, chuyện Pú Ké, chuyện Pụt và Then, chuyện Bách điểu, chuyện làng ngu làng dốt, chuyện làng lười, chuyện làng hút thuốc phiện, chuyện gái khôn gái dại. Chuyện cứ diễn ra trên suốt chặng đường then đem lễ vật dâng lên các cửa thần linh, mỗi câu chuyện phản ảnh một sự việc, một mảnh đời vừa huyễn hoặc vừa gần gũi.
Khi kể chuyện, thầy ngồi nghiêm trước bàn cúng then vừa đàn vừa hát. Thầy không nhảy nhót, múa may, không làm những trò phù thủy, không phán, không ban lộc, không rú rít ầm ĩ. Chủ nhà và bà con nội ngoại, làng xóm lân bang ngồi dự lễ bị cuốn hút vào từng câu chuyện kể của thầy. Nhờ nghệ thuật trình diễn bình dị, giọng hát êm nhẹ, tiếng tính, tiếng chùm nhạc xóc đều đặn vào từng từ của mỗi câu thơ. Rồi hết một khổ hát, tiếng tính lại trỗi lên những câu nhạc gian tấu có giai điệu giàu nhạc tính làm thay đổi cảm giác âm nhạc cho người nghe. Càng về khuya, cái yên ắng kì thú như đắp thêm sự huyền bí vào từng câu chuyện kể.
Chuyện của thầy then kể không phải là những câu chuyện xa vời, hoang đường, hoang tưởng mà là những câu chuyện rất thật, rất đời. Nội dung đời của những câu chuyện lại xảy ra trong thế giới vô hình là nguyên nhân làm cho cộng đồng tin vào khả năng khác thường của các thầy then. Chuyện săn nai được then Chu Thị Hồng Vân kể trong lễ then “Tạ ơn tổ tiên” là một ví dụ.
Chuyện rằng: “Để làm cỗ lễ dâng lên các mẹ trên trời, đoàn quân của Chúa then phải vào rừng săn con nai, con hoẵng. Cuộc vây bắt diễn ra rất rầm rộ, nào súng săn hàng trăm khẩu, chó săn hàng trăm con bủa vây khắp núi rừng. Mẹ hoẵng chốn xuống khe, mẹ nai lao xuống đèo nhưng đèo tối tăm, khe nối khe, chạy không thoát. Mẹ nai, mẹ hoẵng bị bắt, quỳ gối lạy van xin đừng xẻo thịt róc xương, xin đừng vội giết. Nhưng số phận đã định sẵn, nai, hoẵng đành cam chịu. Trước khi chết, nai, hoẵng cất tiếng gọi con: Con ơi! Ở đâu về bú mẹ một lần. Từ nay con đói hãy tìm chỗ ăn xa, khát nước hãy tìm ăn ngọn lá. Con ở nơi trần thế còn non dại, bữa có, bữa không biết con sống sao đây ?! Cuối cùng nai và hoẵng đều bị xẻo thịt, róc xương để làm cỗ dâng lên mẹ trên trời”([10]).
Tài diễn xướng, nội dung diễn xướng là chìa khóa mở cánh cửa nối thế giới con người với thế giới thần linh. Những câu chuyện kể nối nhau qua từng tiết lễ đã làm cho người ta tin thế giới thần linh là có thật, thần linh tác động đến từng con người là có thật. Điều đó xảy ra khi được trải nghiệm một chuyến đi cùng thầy then đến các cửa thần linh trong thế giới vô hình của những câu chuyện kể.
Kết thúc lễ then, thầy thu vía về túi áo vía của chủ, thu khoăn (vía) của tất cả những người ngồi dự lễ trả về cho thân xác của họ. Chính thầy then cũng tin rằng, vía của tất cả mọi người ngồi dự lễ đã đi theo thầy trong suốt cuộc hành quân dâng lễ vật lên các cửa thần linh.
Khi thầy then Vàng Văn Thức ở thị trấn Mường Lay làm lễ “Bắc cầu truyền nghề then”, tôi hỏi chuyện em Lò Thị Phiu đang ngồi dự lễ, em nói: “Then hát đến đâu em đều tưởng tượng và hiểu được nội dung và từng trường đoạn của bài then đấy. Then hát đến “pu vạt” hay “xam xảu”... em đều biết. Thầy hát đến “pu đào” em cũng biết cả đường lên mường trời. Then hát đến đoạn gọi hồn, gọi vía, em cũng hiểu. Khi then hát đến đoạn gọi hồn về, lúc đó em thấy rất dễ chịu, cảm thấy ốm đau tan biến. Khi nghe thấy tiếng tính tẩu, em rất thích, em biết rằng về theo then sẽ tốt, bây giờ then bảo gì em cũng tin, cũng nghe, bảo em làm việc gì em cũng làm”.
Có một thời người ta đưa ra dự báo rằng, khoa học phát triển cao sẽ giải thích được các hiện tượng tự nhiên chi phối đời sống con người. Khi đó người ta sẽ không tin vào những điều nhảm nhí nữa. Tôi được tiếp cận với điều dự báo này từ khi học lớp 4 trường làng. Sau hơn 60 năm trải nghiệm cuộc đời, tôi thấy dự báo này xem ra chưa hẳn đã đúng. Con người hiện đại của thế kỉ XXI, thế kỉ tin học vẫn tin có lực lượng siêu nhiên chi phối đời sống của họ (có thể dễ dàng dẫn ra rất nhiều thí dụ để chứng minh sự bùng nổ niềm tin tín ngưỡng ở xã hội Việt Nam hiện đại). Suy như vậy thì quan niệm về hồn vía của người Tày, Nùng, Thái cũng sẽ còn tồn tại giống như nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác đang tồn tại trong thế giới loài người. Thật khó bảo họ thôi đừng tin là con người không có hồn vía, đừng tin là không có thế giới thần linh tồn tại ngoài thế giới con người.
Khi đã quan niệm thế giới loài người bị chi phối bởi thế giới thần linh thì căn số, tức cái phận của một người nào đó phải tuân theo sự phân công, sắp đặt của lực lượng siêu nhiên là có thật. Điều đó đồng nghĩa với sự ra đời của các thầy then là do trời định. Mà đã là trời định thì xem ra sự can thiệp của con người là vô vọng. Thế là các thầy then được coi là những người của Ngọc Hoàng thượng đế phái xuống trần gian “cứu nhân độ thế”. Với tư cách đó chúng ta có muốn cũng không thể tạo ra được các thầy then.
Quan niệm về hồn vía, về căn số và cách thức trình diễn nghệ thuật là ba yếu tố then chốt làm cho then tồn tại một cách tự nhiên trong đời sống xã hội người Tày, Nùng, Thái. Chỉ khi nào người Tày, Nùng, Thái không tin con người có hồn vía, không tin người làm then phải có căn số, không thích nghe thầy then hát kể chuyện trong thế giới vô hình, khi ấy then mới biến khỏi đời sống. Chuyện ấy chẳng biết đến bao giờ mới xảy ra!
Từ những yếu tố làm nên sự tồn tại bền vững của tín ngưỡng then, chúng tôi suy nghĩ về một số giải pháp bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể khác của các dân tộc thiểu số hiện đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Ở Việt Nam, các dân tộc thiểu số có rất nhiều loại hình tín ngưỡng thể hiện sự sùng tín thần linh, xuất phát từ việc coi thần linh là lực lượng siêu đẳng, có năng lực chế ngự cuộc sống con người. Ví dụ: Pụt, Tào, Mo, Nàng Hai của người Tày, Nùng; Nhiàng chằm đao, Củ tải của người Dao và còn rất nhiều tín ngưỡng của các dân tộc khác. Những tín ngưỡng ấy đã ăn sâu vào đời sống, đã trở thành tập tục trong sinh hoạt cộng đồng. Nó là nơi sinh ra và lưu giữ rất nhiều các hình thức nghệ thuật như âm nhạc, múa, thơ ca, mỹ thuật có nội dung phản ánh đời sống của nhân dân trong các thời kì lịch sử. Đây có thể coi là kho tàng văn hóa dân gian vô giá, giúp chúng ta tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tâm lý tộc người. Những loại hình tín ngưỡng này cũng có nhiều yếu tố giống với then, hiện nay nó vẫn đang tồn tại vững chãi trong đời sống cộng đồng. Vì vậy không cần có kế hoạch và giải pháp bảo tồn, chỉ cần chúng ta có thái độ ứng xử thận trọng và đúng mực với các loại hình tín ngưỡng của các dân tộc là nó sẽ/vẫn tồn tại không phải lo lắng bảo tồn.
Cùng với các loại hình văn hóa, nghệ thuật tín ngưỡng, các dân tộc thiểu số Việt Nam còn có rất nhiều các hình thức nghệ thuật giải trí và giáo dục cộng đồng. Ví dụ:
- Về hát có: Ru con, sli, lượn, quan làng, phong slư, khắp, thường, dá hai...
- Về nhạc đàn có: Khèn Thái, kèn Hmông, sáo Hmông, các loại pí, các loại kèn dăm, các loại đàn dây gẩy, dây kéo...
Những viện dẫn ra trên đây chỉ là một phần rất nhỏ của kho tàng dân ca, dân nhạc các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
Trái ngược với kho tàng văn hóa và nghệ thuật tín ngưỡng, kho tàng văn hóa, nghệ thuật giải trí và giáo dục đang ngày một hao dần. Các địa điểm trình diễn dân ca theo lối truyền thống đang thu hẹp; các điệu dân ca đang hao mòn; các giọng ca hay, các tay đàn giỏi ngày một ít đi. Nguy cơ nhãn tiền đang xảy ra và sẽ xảy ra đó là sự “biến mất” nhanh chóng của nhiều hình thức nghệ thuật ca hát giải trí và giáo dục cộng đồng. (Nếu đối chiếu với kho băng âm thanh của Viện Âm nhạc thu thanh cách nay hơn 40 năm, lúc đó đã thu được 200 bài tính tẩu do các nghệ nhân bậc thầy biểu diễn, nay rất ít nghệ nhân còn chơi được).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến mất, chúng tôi xin viện dẫn một số nguyên nhân chính sau đây:
Những hình thức nghệ thuật giải trí và giáo dục không liên quan đến tín ngưỡng, không bị các lực lượng siêu nhiên ngự trị; thích thì chơi, thích thì nghe, ngày nay không còn là nhu cầu bức thiết.
Thời đại thông tin đa phương tiện, nghệ thuật có ngay trong túi quần, túi áo, muốn xem bấm máy lên thế là đủ loại nghệ thuật Tàu, Tây, Mỹ, Nhật, Nga,... thế thì tội vạ gì đi học mấy câu quan làng dạy dỗ nhau nhiều tập tục, nhiều ứng xử “cổ lỗ”; muốn gặp nhau bấm máy lên chít chát, hẹn hò, xe máy vút, đâu chẳng có chỗ ngồi thoải mái.
Nhà trường cũng chưa đưa vào giảng dạy các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ, do đó việc yêu cầu lớp trẻ phải biết tiếp thu, biết giữ gìn vốn quý của cha ông là điều khó thực hiện. Mà cái quỹ thời gian học của học sinh cũng không còn chỗ để các em tự tìm hiểu, tự xâm nhập vào cái thế giới văn hóa cổ truyền.
Những môi trường sinh hoạt xưa kia nuôi dưỡng nhiều hình thức ca hát giải trí, giáo dục như đi rừng, đi củi, chợ phiên, dựng nhà mới, cưới hỏi đều đã biến đổi. Phương pháp canh tác nông nghiệp biến đổi, chợ búa đang hiện đại hóa, đường xá mở ra thông thoáng, cưới hỏi nhạc Âu - Mỹ ầm ĩ, con khóc dụ xem ti-vi, xem điện thoại di động một lát là ngủ... Tóm lại môi trường diễn xướng cũ hầu như tan rã, đang nhường chỗ cho môi trường hiện đại.
Chúng ta đều thống nhất với nhau rằng, vốn nghệ thuật cổ truyền của mỗi dân tộc là cơ sở, là chỗ dựa để xây dựng, để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng hôm nay chỗ dựa ấy đang có nguy cơ biến mất, làm thế nào gấp rút giữ nó lại, không để cho nó trượt dốc. Vấn đề này đang còn quá nhiều bàn thảo.
Có nhiều nhà nghiên cứu phát biểu rằng, nghệ thuật dân gian phải diễn ra trong môi trường sinh thái của nó, đem nó ra sinh hoạt ở môi trường khác, sinh thái khác nó sẽ không còn là nó. Tôi tán thành quan điểm này, nếu như những môi trường đó, sinh thái đó đang còn hiện hữu trong đời sống hiện đại. Tiếc rằng, tổ chức xã hội đã quá thay đổi, cơ cấu nông nghiệp đã quá thay đổi, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng quá thay đổi. Đứng trước hiện trạng này, chúng ta nên hành xử ra sao? Theo chúng tôi, chúng ta cần tiến hành những biện pháp sau đây, nếu các nhà quản lý và điều hành xã hội thực sự thấy đây là việc làm bức thiết để xây dựng cơ sở vững chắc nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nước nhà:
- Cần nhanh chóng tiến hành xây dựng các cơ chế chính sách, các đề án, dự án, các chương trình kế hoạch riêng cho công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật cổ truyền các dân tộc thiểu số. Điều này rất cần sự vào cuộc của Trung ương và cấp tỉnh.
- Cần đầu tư, hỗ trợ kính phí cho các tổ chức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật hiện có như các câu lạc bộ, các nghệ nhân. Ngày nay nhiều câu lạc bộ, nhiều gia đình nghệ nhân đã tự tổ chức sinh hoạt nghệ thuật nhưng chưa có được sự hỗ trợ sinh hoạt và tài chính tốt của xã hội và nhà nước.
- Cần có kinh phí, kế hoạch thường xuyên để tổ chức liên hoan nghệ thuật cổ truyền các dân tộc ở các cấp khác nhau. Ví dụ: Cấp huyện 6 tháng/lần, cấp tỉnh 1 năm/lần, cấp Trung ương 2 năm/lần. Các diễn viên, nghệ nhân tham gia trình diễn phải được xếp hạng cao, thấp và phải được trao giải có giá trị kinh tế thỏa đáng. Bấy lâu nay kinh tế kèm theo bằng khen, giấy khen là quá ít, không đủ sức động viên. Cứ thử có giải thưởng như ngành thể dục thể thao xem, chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều tài năng nghệ thuật cổ truyền.
Xung quanh việc trao giải thưởng trong các liên hoan nghệ thuật cổ truyền còn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có người quan niệm các nghệ nhân đến tham gia liên hoan chỉ là để vui, để được khoe văn hóa của dân tộc mình, của bản thân mình, của gia đình mình, do vậy không phân giải cao thấp. Ai đến dự liên hoan đều có giải. Có ý kiến lại cho rằng nếu không có giải là cào bằng. Ai cũng như ai thì sẽ không có cạnh tranh để nâng cao chất lượng nghệ thuật. Hai ý kiến khác nhau, đúng sai chưa có lời giải. Việc này rất cần có cuộc trao đổi để đi đến thống nhất cách làm, nhằm đạt được hiệu quả xã hội tốt nhất, tránh cách làm dung hòa như hiện nay.
- Thành lập quỹ Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật cổ truyền các dân tộc thiểu số. Kêu gọi, thuyết phục các nhà hảo tâm, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp, hỗ trợ cho quỹ này.
- Trong khi kinh phí còn hạn hẹp, cần phối kết hợp giữa cơ quan quản lí văn hóa với các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật để lựa chọn, phân loại các hình thức văn hóa, nghệ thuật cổ truyền. Từ kết quả lựa chọn, phân loại sẽ sắp xếp được thứ hạng cần đầu tư bảo tồn trước, sau, tránh dàn trải, lãng phí.
- Cần nghiêm túc loại bỏ lối “cách tân”, “hiện đại hóa” làm méo mó nghệ thuật cổ truyền khi đưa nó lên sâu khấu hiện đại. Cần tổ chức các hội thảo khoa học để các nhà khoa học, các nhà quản lí văn hóa cùng đánh giá về kết quả, hướng đi, cách làm khi chúng ta chuyển đổi chức năng cho nghệ thuật đời thường thành nghệ thuật sân khấu.
Văn hóa, nghệ thuật giải trí và giáo dục cổ truyền không đủ năng lực tự tồn tại trong đời sống cộng đồng như văn hóa, nghệ thuật tín ngưỡng. Muốn nó tồn tại không thể chỉ trông cậy vào sự “tự sướng” của cộng đồng mà phải có sự “cùng sướng” của các cấp chính quyền từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh, huyện, xã.
Công tác bảo tồn và phát huy vốn văn hóa nghệ thuật cổ truyền các dân tộc thiểu số lâu nay chúng ta đã làm và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng nếu đánh giá khách quan, khoa học thì như vậy vẫn là chưa đủ, nếu không nói là thiếu hụt, mất đồng bộ.
Đặng Hoành Loan
[1]() 11 tỉnh: Hà Giang, Bắc Giang, Điện Biên, Lạng Sơn, Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai.
[2]() Triệu Thị Mai, Lễ cầu tự của người Tày Cao Bằng, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2013, Tr. 23-35.
[3]() Khoàng Thị Ngăn, sinh 1982, dân tộc Thái, trả lời phỏng vấn ngày 29-02-2016 tại Điện Biên.
[4]() Điêu Thị Giang, sinh 1990, dân tộc Thái, trả lời phỏng vấn ngày 28-02-2016 tại Mường Lay, Điện Biên.
[5]() Tô Thị Tính, sinh 1980, dân tộc Tày, trả lời phỏng vấn ngày 9-03-2016.
[6]() Lễ then Cầu hoa do then Nông Thị Lìm làm vào ngày 9-3-2016 tại Tp. Lạng Sơn.
[7]() Then Mỗ Thị Kịt, sinh 1922, ở thôn Pác Sào, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, trả lời phỏng vấn ngày 12-3-2016.
[8]() Then Lương Thị Sao, sinh 1940, ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, phỏng vấn ngày 28-3-2016.
[9]() Then Lưu Đình Bạo, sinh 1942, ở thôn Quan Nưa, xã Dương Quang, Tp. Bắc Kạn, phỏng vấn ngày 21-4-2016.
[10]() Then Chu Thị Hồng Vân, sinh 1968 tại thôn Hố Cao, xã Hưng Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Bà làm then “Tạ ơn tổ tiên” vào ngày 29-12-2015 tại gia đình. Chuyện “Săn nai” chúng tôi tóm tắt từ 275 câu hát then trong tiết lễ “Chấu quang chấu nạn” - lễ then “Tạ ơn tổ tiên”.