TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » Ảnh hưởng của giá trị Phật giáo ở châu Á

Ảnh hưởng của giá trị Phật giáo ở châu Á

16:39 | 25/04/2023
Là một trong 4 tôn giáo lớn của thế giới, Phật giáo với lịch sử hơn 25 thế kỷ, ánh đạo vàng từ bi, trí tuệ luôn tỏa chiếu ảnh hưởng lan rộng khắp châu Á. Ảnh hưởng rất lớn ở vương quốc Thái Lan, thường được tôn xưng là “Vương quốc Phật giáo” hay “Đất nước chùa tháp”.

Theo Tiến sĩ Swaran Singh, Giáo sư Đại học Jawaharlal Neru (New Dlhi), Chủ tịch Hiệp hội ASIA Ccholars, Tổng Thư ký Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á và Thái Bình Dương, giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Ấn Độ Dương, Đại học Kinh tế Tài chính Vân Nam (Trung Quốc): mặc dù Phật giáo là một tôn giáo cổ đại nhưng vẫn liên quan đến cuộc sống hiện đại ở Thái Lan và xã hội Thái Lan được kết nối bởi Phật giáo. Không những vậy, tôn giáo còn được đề cập và bảo vệ trong Hiến pháp của đất nước, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì tinh thần của Phật giáo là “Thiểu dục và tri túc”, giúp đỡ những người khó khăn.

Đối với Trung Quốc, mặc dù Phật giáo là một tôn giáo ngoại nhập, cùng tồn tại với Khổng giáo của Trung Quốc. Tiến sĩ Tống Khánh Nhuận (宋慶潤), nhà phân tích Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc cho biết: triết lý trong Khổng giáo và Phật giáo có rất nhiều điểm tương đồng. Triết lý Nho giáo - Phật giáo rất khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau và cả hai điều ủng hộ chủ nghĩa tập thể, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Tại sao châu Á vẫn nghênh đón Phật giáo trong thời đại thông tin? Tiến sĩ Tống Khánh Nhuận nói: Phật giáo vẫn phổ biến vì đạo Phật ủng hộ một cuộc sống đơn giản và tìm kiếm sự bình an ngay nội tâm. Quan điểm này giúp cho những người có quá nhiều áp lực giảm bớt căng thẳng từ cuộc sống hiện đại.

Tinh thần Phật giáo đề cao việc chung sống hòa bình, hài hòa với các tín ngưỡng tôn giáo khác ở châu Á như Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Phật giáo chấp nhận những niềm tin khác và cho phép các tín hữu hài hòa các giá trị của họ.

Hiện nay, Phật giáo vượt xa yếu tố tôn giáo và trở thành một cách sống tuyệt vời. Thậm chí, một số bạn trẻ ở Trung Quốc còn tuyên bố rằng họ là “Thanh niên Phật tử”, những người duy trì lối sống cân bằng, quán vô thường trước mọi sự việc của cuộc sống. Tiến sĩ Tống Khánh Nhuận tin rằng Phật giáo sẽ trở thành một phần cuộc sống của thế hệ trẻ, nhưng cũng cảnh báo rằng những người trẻ tuổi không nên phụ thuộc vào tôn giáo để giải quyết vấn đề của họ.

Nguồn: NLĐ

 

Tin cùng loại