Hội thảo diễn ra ngày 31.8 do Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng phối hợp với Tổ chức Nhân dân Australia vì Y tế, Giáo dục và Phát triển Hải ngoại (APHEDA) tổ chức. Rủi ro tiềm ẩn GS-TS Lê Vân Trình cho biết, cho tới nay, vẫn có một rủi ro tiềm ẩn không chỉ đối với cộng đồng dân cư nói chung mà cả môi trường, đặc biệt là việc tháo dỡ, thay thế, xói mòn và phong hoá vật liệu xây dựng amiang - ximăng. Ở các nước phát triển, những biện pháp phòng tránh tác hại của amiang đã đề ra từ quản lý các vật liệu amiang đang còn sử dụng, đến loại bỏ nó. Trong nhiều năm tới, các nước sẽ phải rất nỗ lực để loại bỏ một cách có hệ thống và xử lý an toàn các sản phẩm có chứa amiang tránh phát tán sợi và gây ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khoẻ của người lao động và người dân. Phân tích thêm về vấn đề này, GS-TS Lê Vân Trình nhấn mạnh, ở Việt Nam, một trong những nước sử dụng nhiều tấm lợp ximăng amiang, theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 30.6.2015 về quản lý chất thải nguy hại, trong phụ lục C, chất thải có amiang được đưa vào chất thải nguy hại với Mã CTNH 06 03 01: Chất thải có amiang (trừ sản phẩm amiang ximăng bị loại bỏ) từ quá trình sản xuất amiang ximăng; 11.06: Vật liệu cách nhiệt và vật liệu xây dựng có amiang thải. Tuy nhiên điều khó hiểu, chỉ là chất thải có amiang từ quá trình sản xuất amiang ximăng, còn các sản phẩm amiang bị loại bỏ như tấm lợp bị vỡ, bị phá huỷ, hay các lớp amiang cách nhiệt từ các lò hơi cũ bị phá huỷ, từ các lớp cách nhiệt đường ống dỡ bỏ thì lại không được nêu vào. Từ những sản phẩm loại bỏ này, sợi amiang rất dễ phát tán ra môi trường gây nguy hiểm cho con người. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận về những vấn đề về quản lý chất thải nguy hại và chất thải amiang ở Việt Nam hiện nay; các biện pháp xử lý chất thải nguy hại; an toàn khi tháo dỡ vật liệu và xử lý chất thải rắn có chứa amiang; các phương pháp xử lý chất thải có chứa amiang. Một vấn đề được bàn thảo là tại các thành phố lớn ở Việt Nam, tỉ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ tái chế nhựa lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Theo kỹ sư Nguyễn Văn Khuông (Hội An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam), có rất nhiều nguồn phát sinh chất thải nguy hại, thực trạng này đã gây không ít khó khăn trong việc quản lý và phân loại. Không chỉ riêng các khu sản xuất mà mỗi cá nhân cũng cần ý thức được mối hiểm họa từ chất thải nguy hại, từ đó, có cách thức xử lý đúng cách. Quần áo làm việc có dính bụi amiang phải được để riêng biệt Trao đổi về an toàn khi tháo dỡ vật liệu và xử lý chất thải rắn có chứa amiang, ThS Trương Thị Yến Nhi (Khoa Bảo hộ Lao động, Đại học Công đoàn) đề cập đến những yêu cầu nghiêm ngặt đối với người lao động (NLĐ) trong quá trình làm việc và xử lý các vật liệu chứa amiang. Bởi việc tiếp xúc bất cẩn và không đúng cách đối với vật liệu có chứa amiang trong quá trình tháo dỡ, giải phóng mặt bằng hoặc xử lý có thể dẫn đến việc phát sinh một cách đáng kể và không kiểm soát được bụi có chứa sợi amiang. Để giảm thiểu rủi ro, các yêu cầu nghiêm ngặt được áp dụng cho các nhóm NLĐ, yêu cầu họ phải có kiến thức đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động khi tiếp xúc và làm việc với vật liệu có amiang. Một trong những yêu cầu khi sửa chữa, tháo dỡ tấm lợp có chứa amiang mà ThS Yến Nhi đưa ra là cố gắng tháo dỡ nguyên vẹn tấm lợp, tránh làm vỡ vật liệu. NLĐ phải mặc quần áo bảo hộ lao động và đeo khẩu trang, mặt nạ đúng cách, đồng thời thận trọng khi giặt chúng sau khi làm việc. Quần áo làm việc có dính bụi amiang phải được để riêng biệt với quần áo mặc ra đường. ThS Yến Nhi cũng nhấn mạnh, khi tiến hành công việc phá huỷ, giải phóng mặt bằng hoặc bảo dưỡng tại các khu nhà có vật liệu có chứa amiang, NLĐ phải có quyền được có phòng vệ sinh bao gồm các thiết bị rửa và tắm. Khi làm việc ngoài trời, đơn vị thi công luôn phải cố gắng có chỗ làm sạch quần áo bảo hộ và giày, ủng để tránh việc NLĐ mang bụi amiang vào khu dân cư hoặc về nhà... Nguồn: NLĐ