Quy hoạch điện thời gian qua đánh giá cao vai trò của nhiệt điện than trong việc góp sức vào bảo đảm an ninh năng lượng nhưng chiến lược này đã bị phá sản với hàng loạt dự án bất động và có thể bị loại bỏ vĩnh viễn
Trong một kịch bản được đưa ra tại dự thảo Quy hoạch điện VIII, sẽ không xây dựng thêm dự án nhiệt điện than mới trong giai đoạn 2026-2030.
Không làm thêm dự án mới
Có hơn 17 GW điện than nhập khẩu đã phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ đẩy lùi ra giai đoạn sau 2030 hoặc loại bỏ, theo dự kiến tại dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong đó, 7,6 GW điện than bị lùi lại sau 2030 như dự án nhiệt điện Hải Hà, nhiệt điện Quảng Ninh II, nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và 2… Còn 9,5 GW bị loại bỏ thuộc các dự án Hải Phòng III, Vũng Áng III, Long An I và II…
Đồng thời, dự án nhiệt điện than cận tới hạn (phát thải cao)chỉ được xem xét tiếp tục đầu tư cho các nhà máy sử dụng than nội nếu chất lượng than không thể đốt trong các lò cải tiến hơn. Theo dự thảo, giai đoạn 2025-2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn trở lên. Sau 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến. Như vậy, Quy hoạch điện VIII đã loại bỏ những dự án nhiệt điện than có công nghệ thấp gây ảnh hưởng đến môi trường.
Đáng nói là điện than vốn được đưa nhiều vào Quy hoạch điện VII với kỳ vọng về một nguồn năng lượng giá rẻ, có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng năng lượng ít nhất 10%/năm để phục vụ phát triển kinh tế. Một trong những điểm khác biệt nhất giữa định hướng phát triển năng lượng giai đoạn trước đây và giai đoạn từ 2021-2030 là điện than bị đẩy xuống thứ yếu.
“Hàng loạt dự án nhiệt điện than không thể thi công trong khi thủy điện cạn kiệt, điện khí chưa được triển khai nhiều và điện nhập khẩu trong cơ cấu nguồn có tỉ lệ rất ít đã khiến miền Nam rơi vào tình trạng hết sạch dự phòng điện, đe dọa đến an ninh năng lượng. Như vậy, quan điểm đưa nhiều dự án nhiệt điện than vào quy hoạch khiến quy hoạch điện giai đoạn trước thực chất bị phá sản” – một chuyên gia năng lượng bình luận và cho rằng giảm bớt điện than là phương án đúng đắn khi cơ hội phát triển nhiều nguồn khác.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã loại bỏ hoàn toàn những dự án nhiệt điện than có công nghệ thấp gây ảnh hưởng đến môi trường
Trước đó, hồi cuối năm 2019, bản tuyên bố chung của các liên minh tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sức khỏe, môi trường, năng lượng, pháp lý cũng nêu rõ đề xuất Chính phủ tạm dừng triển khai một số nhà máy nhiệt điện than để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của các dự án này. Bản tuyên bố cũng ghi nhận hàng loạt địa phương như Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên – Huế, Tiền Giang đã mạnh dạn bác bỏ các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh để thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch hơn. Một trong những nguyên nhân khiến nguồn điện này gây lo ngại cho nhiều người là bởi nguy cơ hủy hoại môi trường, sức khỏe con người nếu công nghệ được sử dụng không bảo đảm tiêu chuẩn.
Giá điện than không còn rẻ
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, cũng nêu rõ bên cạnh lo ngại về môi trường thì điều kiện thích hợp để triển khai điện than càng ngày càng giảm. Cụ thể, vốn dành cho điện than không đủ để triển khai dự án trong bối cảnh phần lớn dự án phải vay nước ngoài, đặc biệt là vay từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong khi đó, phía WB gần đây đã thống nhất quan điểm điện than có thể gây ra biến đổi khí hậu nên cần áp rào cản kỹ thuật đối với các dự án này khi vay tiền để thực hiện. Với quan điểm không ủng hộ điện than và hạn chế cho vay vốn, chắc chắn những dự án này không thể triển khai từ sau năm 2026. Nếu không chuyển sang phát triển các nguồn điện khác, chắc chắn Việt Nam đối mặt với thiếu điện trầm trọng.
Mặt khác, cũng theo ông Lâm, Việt Nam đã tham gia những chương trình phòng chống biến đổi khí hậu của quốc tế và phải thực thi các giải pháp giảm phát thải. Do đó, để tránh mối nguy từ dự án nhiệt điện than không đạt tiêu chuẩn, việc xem xét giảm phát triển thêm là cần thiết. “Đặc biệt, giá của điện than sẽ ngày càng tăng cao nên ưu thế về nguồn điện giá rẻ sẽ mất đi, còn giá năng lượng tái tạo có xu thế giảm xuống, tính cạnh tranh rất cao” – ông Lâm nhấn mạnh thêm.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), chỉ ra một thực tế là nguồn than nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu và Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu than để duy trì vận hành các nhà máy nhiệt điện than hiện có cũng như nhà máy trong danh mục “các dự án chắc chắn xây dựng” trong quy hoạch. Cùng với những khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng từ những tổ chức tài chính quốc tế, việc xem xét ngừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than từ năm 2030 và chuyển sang phương án phát triển điện khí là khá phù hợp.
“Tuy nhiên, việc đưa vào quy hoạch các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng thiên nhiên cũng cần tính toán hợp lý để tránh làm tăng đột biến chi phí đầu vào, dẫn tới việc bắt buộc phải tăng giá điện ở mức cao trong thời gian ngắn để bù đắp các chi phí cao từ nguồn điện khí và việc trợ giá cho nguồn điện tái tạo” – ông Sơn lưu ý.
Nguồn: NLĐ