TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Bụi phổi amiăng: Dấu hiệu, Nguyên nhân, Chẩn đoán và Điều trị

Bụi phổi amiăng: Dấu hiệu, Nguyên nhân, Chẩn đoán và Điều trị

16:56 | 23/04/2023
Bệnh bụi phổi amiăng là một bệnh phổi mãn tính do hít phải sợi amiăng. Tiếp xúc lâu dài với các sợi này có thể gây ra xơ phổi và khó thở. Các triệu chứng của bệnh bụi phổi amiăng có thể từ nhẹ đến nặng và thường không xuất hiện nhiều năm sau khi tiếp xúc liên tục. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin chính xác nhất để nhận biết và phòng ngừa bệnh bụi phổi amiăng.

1. Tổng quan về bệnh Bụi phổi amiăng

Amiăng là một khoáng chất tự nhiên có khả năng chịu nhiệt và ăn mòn. Được sử dụng phổ biến trước đây trong các sản phẩm như vật liệu cách nhiệt, xi măng và gạch lát sàn.

Hầu hết những người mắc bệnh bụi phổi amiăng đã nhiễm bụi trước khi Chính phủ bắt đầu điều chỉnh việc sử dụng amiăng và các sản phẩm amiăng trong những năm 1970. Ngày nay, xử lý bụi amiăng đã hoàn toàn được kiểm soát. Bệnh bụi phổi amiăng hiếm có khả năng xảy ra nếu bạn tuân theo các quy trình an toàn tại nơi làm việc. Điều trị bệnh tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng là chủ yếu.

2. Dấu hiệu để chẩn đoán bệnh

Ảnh hưởng của việc tiếp xúc với amiăng trong thời gian dài thường không xuất hiện cho đến 10 đến 40 năm sau. Các triệu chứng có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bao gồm:

  • Khó thở
  • Ho khan, dai dẳng
  • Mất cảm giác ngon miệng, sụt cân
  • Ngón tay và ngón chân có vẻ to và tròn hơn bình thường (như dùi trống)
  • Nặng ngực hoặc đau ngực

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nếu bạn tiếp xúc với bụi amiăng trong một thời gian dài, amiăng trong không khí có thể đi vào trong phế nang. Phế nang là các túi nhỏ trong phổi giúp trao đổi oxi và carbon dioxide trong máu. Các sợi amiăng kích thích và gây sẹo phổi, làm cho phổi bị xơ cứng, dẫn đến khó thở.

Khi bệnh bụi phổi tiến triển, ngày càng nhiều mô phổi bị sẹo. Cuối cùng, mô phổi của bạn trở nên cứng đến mức không thể co giãn bình thường.

Hút thuốc làm tăng sự lưu giữ các sợi amiăng trong phổi và thường làm cho bệnh tiến triển nhanh hơn.

 

Thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm cũng là một trong các nguyên nhân gây ra bụi phổi amiăng

Thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm cũng là một trong các nguyên nhân gây ra bụi phổi amiăng.

4. Yếu tố nguy cơ của bệnh

Những người làm công việc khai thác, xay xát, sản xuất, lắp đặt hoặc tiêu hủy các sản phẩm amiăng trước những năm 1970 có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng. Ví dụ như:

  • Công cụ khai thác amiăng
  • Máy bay và cơ khí tự động
  • Người vận hành nồi hơi
  • Công nhân xây dựng
  • Thợ điện
  • Công nhân đường sắt
  • Nhà máy lọc dầu
  • Công nhân đóng tàu
  • Công nhân loại bỏ amiăng xung quanh ống hơi trong các tòa nhà

Nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng liên quan đến số lượng và thời gian tiếp xúc với amiăng. Phơi nhiễm càng nhiều, nguy cơ tổn thương phổi càng cao.

Phơi nhiễm gián tiếp có thể xảy ra với thành viên trong gia đình của công nhân bị phơi nhiễm. Vì sợi amiăng có thể dính trên quần áo của người công nhân và theo họ về nhà, gây phơi nhiễm cho người thân của họ. Những người sống gần khu mỏ cũng có thể tiếp xúc với sợi amiăng trong không khí.

Nói chung, ở gần nơi có amiăng vẫn có thể an toàn miễn là các sợi amiăng không bị thoát ra ngoài không khí và không bị hít vào phổi.

5. Hậu quả mà bụi phổi amiăng mang lại

Nếu bạn bị bệnh bụi phổi amiăng, bạn có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Đặc biệt nếu bạn hút thuốc hoặc có tiền căn hút thuốc. U trung mô ác tính, ung thư mô quanh phổi có thể xảy ra nhiều năm sau khi tiếp xúc với amiăng, nhưng rất hiếm.

6. Chẩn đoán bệnh Bụi phổi amiăng như thế nào?

Bệnh bụi phổi amiăng khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như nhiều loại bệnh hô hấp khác.

6.1. Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh lý, nghề nghiệp và nguy cơ phơi nhiễm với amiăng. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe âm phổi bất thường khi hít vào.

Làm các xét nghiệm chẩn đoán để giúp xác định chẩn đoán bệnh

6.2. Hình ảnh học

  • X-quang ngực. Bệnh bụi phổi amiăng có tổn thương tăng đậm độ quá mức trong phổi. Nếu bệnh ở mức độ nặng, cả hai phổi đều bị ảnh hưởng và có hình ảnh như tổ ong.

 

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT). Cung cấp thông tin chi tiết hơn và giúp phát hiện bệnh bụi phổi amiăng trong giai đoạn đầu, ngay trước cả khi có tổn thương trên X-quang ngực.

6.3. Đo chức năng hô hấp

Xác định xem phổi của bạn hoạt động tốt như thế nào. Test chức năng hô hấp đo lượng không khí mà phổi của bạn có thể giữ được và đo luồng khí ra vào phổi.

Trong quá trình đo chức năng hô hấp, bạn sẽ được yêu cầu thổi hết sức có thể vào một thiết bị đo không khí gọi là phế dung kế. Các xét nghiệm chức năng phổi hoàn chỉnh hơn có thể đo lượng oxi được chuyển vào máu của bạn.

Phế dung ký

Phế dung ký.

6.4. Quy trình chẩn đoán

Trong một số tình huống, bác sĩ có thể lấy dịch phế quản, dịch màng phổi hoặc mô để xét nghiệm tìm amiăng hoặc các tế bào bất thường. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Nội soi phế quản. Ống nội soi phế quản được đưa qua mũi hoặc miệng, xuống cổ họng và vào phổi của bạn. Đèn và camera nhỏ trên ống soi phế quản cho phép bác sĩ nhìn vào bên trong đường thở để tìm dấu hiệu bất thường hoặc để lấy mẫu dịch hoặc mẫu mô (sinh thiết) nếu cần.
  • Chọc hút dịch màng phổi. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê và sau đó đưa kim xuyên qua thành ngực giữa xương sườn và phổi của bạn để lấy lượng dịch dư thừa để đem đi xét nghiệm và giúp bạn thở tốt hơn. Bác sĩ có thể đâm kim với siêu âm hướng dẫn.

 

Bệnh bụi phổi amiăng trên CT scan ngực

Bệnh bụi phổi amiăng trên CT scan ngực.

7. Các phương pháp điều trị Bụi phổi amiăng

Không có cách điều trị nào có thể đảo ngược tác động của amiăng đối với phế nang. Điều trị tập trung vào việc làm chậm tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.

Chăm sóc theo dõi thường xuyên, chẳng hạn như chụp X-quang ngực hoặc CT scan và kiểm tra chức năng phổi đều đặn tùy thuộc vào mức độ bệnh.
 
7.1. Trị liệu

Hỗ trợ oxi để giảm bớt khó thở.

Tham gia chương trình phục hồi chức năng phổi. Chương trình cung cấp các bài tập như kỹ thuật thở và thư giãn, cách cải thiện thói quen hoạt động và giáo dục để cải thiện sức khỏe tổng quát.

7.2. Phẫu thuật

Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, có thể cần phải ghép phổi.

7.3. Thay đổi lối sống

  • Không hút thuốc lá. Bệnh bụi phổi amiăng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ này. Cố gắng tránh khói thuốc. Hút thuốc cũng gây hại cho phổi và đường thở của bạn, làm giảm thêm dung tích phổi dự trữ.
  • Tiêm ngừa. Tiêm vắc-xin cúm và phế cầu có thể giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi. Kịp thời điều trị nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Tránh tiếp xúc với amiăng. Tiếp xúc nhiều hơn với amiăng có thể làm tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.

8. Một số biện pháp phòng ngừa

Giảm tiếp xúc với amiăng là cách phòng ngừa tốt nhất. Tại Hoa Kỳ, luật liên bang yêu cầu chủ lao động trong các ngành làm việc với amiăng (như xây dựng) phải thực hiện các biện pháp an toàn đặc biệt.

Nhiều ngôi nhà, trường học và các tòa nhà khác được xây dựng trước những năm 1970 có các vật liệu như ống và gạch lát sàn có chứa amiăng. Nói chung, không có nguy cơ phơi nhiễm miễn là amiăng được giữ kín và không bị thoát ra ngoài không khí. Khi các vật liệu chứa amiăng bị hư hại có nguy cơ thải sợi amiăng ra không khí và có thể bị hít vào trong cơ thể.

 

Chẩn đoán bệnh bụi phổi amiăng

Chẩn đoán bệnh bụi phổi amiăng.

Bệnh bụi phổi amiăng có thời gian tích lũy lâu dài, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, như xơ phổi, ung thư phổi và có thể đòi hỏi phải phẫu thuật ghép phổi. Tuân thủ đúng các nguyên tắc làm việc với sản phẩm chứa amiăng sẽ làm giảm nguy cơ bệnh. Nếu bạn có tiền căn phơi nhiễm với amiăng và có triệu chứng khó thở tăng dần, hãy đến khám để phát hiện sớm bệnh Bụi phổi amiăng và có phương pháp điều trị tốt nhất.

Nguồn: Internet

 

 

 

Tin cùng loại