Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso vừa ký sắc lệnh mở rộng khu bảo tồn biển Galapagos thêm 60.000 km2 về phía Bắc nhằm bảo tồn các loài sinh vật biển, nhất là các loài động vật di cư.
Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso vừa ký sắc lệnh mở rộng khu bảo tồn biển Galapagos thêm 60.000 km2 về phía Bắc, nâng tổng diện tích toàn khu lên 198.000 km2, tạo thành hành lang Thái Bình Dương nối dài tới Vườn quốc gia đảo Cocos của Costa Rica nhằm bảo tồn các loài sinh vật biển, nhất là các loài động vật di cư.
Để đánh dấu việc khai trương khu bảo tồn biển, tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đã cắt một dải băng làm từ các vật liệu thu thập được trong quá trình dọn dẹp bờ biển ở Galapagos.
Việc mở rộng khu bảo tồn thêm 60.000 km2 là bước đầu tiên trong kế hoạch được Ecuador đồng thuận với các nước láng giềng Colombia, Costa Rica và Panama tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow năm ngoái nhằm tạo ra một hành lang chung mà qua đó các loài bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và đánh bắt công nghiệp có thể di cư.
Các nhà bảo vệ môi trường cho biết khu bảo tồn sẽ giúp bảo vệ ít nhất 5 loài cực kỳ nguy cấp bao gồm cá mập búa, cá mập voi, rùa, cũng như các loài khác di cư giữa Galapagos và đảo Cocos của Costa Rica.
Trong những năm gần đây, Chile, New Zealand, Hoa Kỳ và các quốc gia khác cũng mở rộng các biện pháp bảo vệ sinh vật biển thuộc địa phận lãnh hải. Những nỗ lực này đang được tiến hành khi các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu bảo tồn 1/10 các khu vực biển và ven biển trên thế giới như một phần của Công ước đa dạng sinh học. Nhiều nhà khoa học và chính trị gia đang kêu gọi các quốc gia tăng tỷ lệ này.
Khu bảo tồn Galapagos được thành lập từ tháng 3/1998, là nơi sở hữu đa dạng sinh học phong phú và truyền cảm hứng cho sự ra đời thuyết tiến hóa của Charles Darwin. Darwin từng nói Galápagos là “một thế giới nhỏ bên trong chính nó”. Nhiều loài chim sẻ, rùa và các loài động vật khác được ông quan sát ở đây từ năm 1835 đã thôi thúc các ý tưởng về sự tiến hóa mà không nơi nào khác trên trái đất có được.
Galapagos cũng là nơi cấm đánh bắt công nghiệp và là khu bảo tồn lớn thứ hai trên thế giới, trở thành Di sản thế giới tự nhiên với hơn 2.900 loài sinh vật biển được báo cáo trong quần đảo.
Hiện các nhà chức trách đang lên kế hoạch cho sự mở rộng các khu bảo tồn liền kề thuộc Colombia và Panama để tạo thành một khu dự trữ sinh quyển biển quốc tế. Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia cũng cùng ký sắc lệnh với tổng thống Lasso.
Ngay khi Chính phủ Ecuador chính thức thành lập một khu bảo tồn mới, vụ giao dịch đổi nợ lấy bảo tồn thiên nhiên sẽ được thực hiện. Theo nhà môi trường vào điều hành du lịch Roque Sevilla, đây là một giao dịch đầy tham vọng: "Chúng ta đang nói về giao dịch đổi nợ để phát triển bảo tồn thiên nhiên trị giá 1.100 triệu đô la. Trên thế giới có gần 70 giao dịch tương tự đã được thực hiện, nhưng lần này thì khác, đây là một dự án hoán đổi lớn nhất chưa từng xảy ra trên thế giới".
Ba tổ chức quốc tế đã hợp tác với nhau để quản lý dự án hoán đổi này: Tổ chức tài chính quốc tế của Hoa Kỳ, Ngân hàng phát triển Hà Lan và Quỹ Pew. Trong giai đoạn đầu, một ngân hàng quốc tế cho liên minh 3 tổ chức này vay 600 triệu đô la.
Theo ông Sevilla, với 600 triệu đô la này và tận dụng lợi thế về tỷ lệ khấu trừ là 40 %, số tiền này có thể cho phép mua hơn 1 tỷ số nợ của Ecuador bằng trái phiếu xanh lam, trái phiếu được phát hành nhằm bảo vệ biển đại dương. Với bảo lãnh thanh toán của Chính phủ Hoa Kỳ, Eucador chỉ cần hoàn trả 600 triệu và đầu tư 400 triệu còn lại.
Mỗi năm, khoản lãi 14 triệu cho phép mua các drone (máy bay không người lái), tàu tuần tra chặn bắt và thanh toán các phí tổn cho phép Ecuador bảo vệ khu bảo tồn mới của mình.
Với hơn 17 triệu dân, Cộng hòa Ecuador phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nặng nề hơn do đại dịch Covid-19. Nợ nước ngoài lên đến 46 tỷ đô la, tương đương với 46 % tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo Ngân hàng Trung ương, 15,6 % tổng số nợ của nước này là các khoản nợ nước ngoài, như Vương Quốc Anh, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.
Nguồn: Internet