Tại Hội nghị COP26, ngoài tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch. Những tuyên bố hết sức mạnh mẽ của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết này, Việt Nam cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Theo ông Đỗ Đình Chiến - Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Dịch vụ Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, có thể nhận thấy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi sang các dạng năng lượng tái tạo, và thúc đẩy các giải pháp xanh, các giải pháp dựa vào tự nhiên đóng một vai trò quan trọng để giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết.
Đây cũng là những mục tiêu và và nội dung ưu tiên trong các văn bản quyết sách quan trọng của tỉnh Quảng Nam liên quan đến các công tác về ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế địa phương như: Quyết định số 3462/QĐ-UBND Ban hành Kế hoạch thực hiên Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Kế hoạch hành động Tăng trưởng Xanh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; hay Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 và sau năm 2020. Tỉnh Quảng Nam đã và đang thể hiên quyết tâm cao cùng Chính phủ để đạt được mục tiêu theo kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.
|
Dự án rồng rừng phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm
|
Với mục tiêu kỳ vọng đến năm 2030, hầu hết các tỉnh/thành phố của Việt Nam đều xây dựng được các mục tiêu cụ thể và chính xác trong hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, Chương trình Thành phố Xanh (OPCC) đã hỗ trợ các thành phố trong tiến trình triển khai các hoạt động nhằm đóng góp cho các mục tiêu chiến lược chung trong bản Đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC), Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia và Hiệp định Paris…
Theo kết quả kiểm kê, ba lĩnh vực phát thải khí nhà kính nhiều nhất tại Việt Nam là: Năng lượng cố định (chủ yếu là điện năng trong các khu nhà, sản xuất công nghiệp – xây dựng); Giao thông; Chất thải (rác thải và nước thải). Để giảm phát thải nhà kính trong thành phố, nhiều địa phương đã triển khai các dự án phát triển năng lượng tái tạo; giao thông xanh.... Điển hình như tại thành phố Tam Kỳ, các dự án trồng rừng phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm; Hệ thống đèn LED có cảm biến; Phân loại rác tại nguồn... đang bước đầu cho kết quả khả thi.
Theo Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, đại diện cho Tổ chức WWF - Việt Nam, Tam Kỳ nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung là địa phương rất quan tâm và tích cực trong các công tác ứng phó với BĐKH, tỉnh đã ban hành và triển khai những chính sách quan trọng liên quan đến vấn đề BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính và hiệu quả năng lượng nhằm hướng tới đạt được mục tiêu chung trong Thỏa thuận Paris, Chiến lược Tăng trưởng Xanh…WWF đã và sẽ luôn đồng hành cùng Quảng Nam và các địa phương khác trong quá trình xây dựng thành phố xanh giảm phát thải khí nhà kính.
Nguồn: Internet