"Tôi đã khảo sát một số văn phòng công ty và nhận thấy còn nhiều nhân viên không dành hết thời gian cho công việc mà vẫn làm việc riêng hoặc tranh thủ lướt web, giao lưu trên mạng xã hội...
Còn ở nhà máy, cũng công việc đó, thiết bị đó nhưng năng suất của lao động Việt Nam lại thấp hơn đáng kể so với lao động trong khu vực Đông Nam Á".
Một chuyên gia lao động - tiền lương đã nói như vậy trong một hội thảo về chất lượng nguồn lao động. Không chỉ năng suất lao động mà nhìn rộng ra, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều. Chúng ta đang có nguồn lao động xã hội dồi dào với số người tham gia lao động là hơn 54 triệu người. Tuy nhiên, nguồn lao động của nước ta còn nhiều hạn chế về chất lượng. Các chương trình giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Một lực lượng lao động lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Xu thế hội nhập và vận dụng khoa học kỹ thuật ngày càng mạnh mẽ sẽ xuất hiện nhiều ngành, công việc mới đòi hỏi ít nhân lực và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực, công việc truyền thống mất đi, đồng nghĩa với việc mất đi nhiều việc làm của người lao động (NLĐ).
Nâng chất lượng nguồn nhân lực cũng song hành với nâng cao năng suất lao động bằng cải tiến quản trị, đào tạo kỹ năng và siết chặt kỷ luật lao động. Một doanh nghiệp mạnh phải có đội ngũ lao động giỏi nghề, năng suất cao; một nền kinh tế phát triển phải có nhiều doanh nghiệp có sức cạnh tranh mạnh mẽ, có ý chí vươn lên và từng NLĐ đều có động lực làm việc, nâng cao tay nghề, phát triển bản thân. Có như vậy, đất nước ta mới có thể vững vàng phát triển, sẽ bớt đi nỗi lo trước hiện trạng 46 triệu lao động chưa qua đào tạo của nước ta đứng trước rủi ro không được làm công việc có doanh thu cao, bị thay thế bởi robot, thiết bị công nghệ thông minh trong thời kỹ thuật số, công nghệ 4.0.
Với nền kinh tế dựa trên tri thức là chủ yếu, với xu hướng hội nhập thì nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, giải pháp hàng đầu là phải nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các bậc học, đặc biệt là bậc đại học, cao đẳng. Các cơ sở giáo dục chú trọng đào tạo các ngành nghề chất lượng cao như lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học... Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc cho nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sự thành công hay thất bại, tận dụng tốt thời cơ, vận hội hay vượt qua nguy cơ, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở nước ta hiện nay phụ thuộc cách quyết định vào phương thức khai thác nguồn lực con người, nhất là việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao đầy ý chí và khát vọng sẽ là động lực để sớm đưa nước ta vươn lên, bắt kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ đang diễn ra như vũ bão hiện nay.
Nguồn: NLĐ