TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Hậu quả của điện than đâu chỉ có môi trường (kì 2)

Hậu quả của điện than đâu chỉ có môi trường (kì 2)

19:32 | 20/04/2023

Giá điện thấp đang dành cho ai?

Dĩ nhiên, vì vẫn muốn duy trì giá điện thấp, các nhà quản lý dường như không muốn bỏ trợ thuế BVMT hay tính chi phí môi trường cho than đá để có giá điện thực. Nhưng thực tế, giá điện thấp đang dành cho ai?

Theo cơ cấu biểu giá điện hiện hành (Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg), giá điện sản xuất chỉ bằng 87,8-97,1% so với giá điện bình quân (tính theo 24 giờ tiêu thụ, hình 3). Trong khi đó, khối kinh doanh phải trả từ 135,8-149,4% so với giá điện bình quân. Tương tự, giá điện sinh hoạt từ 101 kWh trở lên phải trả 110% so với giá điện bình quân, và càng dùng nhiều giá càng cao. Ở mức từ 401 kWh trở lên, người dùng điện sinh hoạt phải trả 159% so với giá điện bình quân.

Như vậy, những người kinh doanh, cũng như những hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt từ 101 kWh trở lên đang trả tiền điện cao hơn giá bình quân để bù chéo giá điện thấp hơn giá bình quân mà khối sản xuất đang được hưởng. Trong dự thảo biểu giá điện mới (www.evn.com.vn), giá điện sản xuất chỉ bằng 84,8% đến 98,3% so với giá điện bình quân, nghĩa là khối sản xuất vẫn tiếp tục được các nhóm khách hàng khác bù chéo giá điện.

Theo số liệu của EVN (documents1.worldbank.org), khối công nghiệp và xây dựng, mà công nghiệp chiếm đa số, đã tiêu thụ tới 55% lượng điện, trong khi cả hai nhóm kinh doanh và sinh hoạt chỉ tiêu thụ 38% lượng điện. Rõ ràng rằng, những người tiêu thụ ít điện hơn phải trả giá cao hơn để bù chéo tiền điện cho những người tiêu thụ nhiều điện hơn, là khối sản xuất.

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra giá điện sản xuất của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong các nước châu Á. Chính sách duy trì giá điện sản xuất thấp đã dẫn đến việc du nhập những công nghệ lạc hậu trong suốt thời gian qua, mà hưởng lợi nhiều nhất là những doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc (www.moit.gov.vn và nhipcaudautu.vn).

Và những hậu quả của nhiệt điện than giá rẻ

Duy trì điện sản xuất giá thấp còn dẫn đến sử dụng điện không hiệu quả. Tổng hợp từ số liệu của BP và WB cho thấy trung bình 10 năm qua, Việt Nam phải sử dụng lượng điện năng gấp 2,7 lần trung bình của thế giới để tạo ra 1 đô la tăng trưởng GDP. Tỷ lệ này của Việt Nam gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; gấp 1,6 lần Trung Quốc; 1,8 lần Malaysia; 2,2 lần Hàn Quốc; 2,5 lần Thái Lan; 3,1 lần Philippines; 3,4 lần Indonesia; 3,9 lần Nhật Bản và 5,7 lần Singapore (hình 4).

Có thể thấy, việc duy trì giá nhiệt điện than theo cách “giá rẻ cưỡng bức” bằng cách trợ thuế BVMT để không tăng giá điện chủ yếu đem lại lợi ích cho hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Điều này, suy cho cùng là gây thiệt hại cho nền kinh tế. Hậu quả của chính sách nhiệt điện than giá rẻ là ô nhiễm và suy thoái môi trường gia tăng. Một cách gián tiếp, chính sách này là thỏi nam châm thu hút công nghệ lạc hậu từ nước ngoài, trong khi gây lãng phí điện năng và tạo áp lực liên tục lên nguồn cung điện. Như một vòng luẩn quẩn không có lối ra, Việt Nam lại phải tiếp tục tìm nguồn vốn bổ sung nguồn điện mới, trông cậy vào nhiệt điện than để giải tỏa cơn khát điện…

Trong khi đó, người dân vừa phải trả thuế BVMT qua xăng dầu cao gấp vài trăm lần so với than đá, vừa phải trả giá điện cao hơn cho khối sản xuất, đồng thời phải tự trả giá cho ô nhiễm môi trường không phải do mình trực tiếp gây ra. Đó là nghịch lý kép, là những sự thật mà những người ủng hộ nhiệt điện than không muốn đề cập tới.

Việt Nam đã từng có cơ hội có nguồn điện sạch hơn nếu có một bản quy hoạch tốt hơn Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh và Quy hoạch điện 7 gốc. Thực tế đã chứng minh sự phụ thuộc an ninh năng lượng của Việt Nam vào nhiệt điện than hiện nay là một lựa chọn, không phải tự nhiên mà có.

Một là, tiếp tục phát triển nhiệt điện than, trợ giá điện cho sản xuất, và chấp nhận để nhiệt điện than ăn vào môi trường, đồng thời phụ thuộc ngày càng sâu hơn vào nó. Hai là, chọn nguồn điện sạch hơn, bỏ bù chéo giá điện để loại bỏ những công nghệ lạc hậu, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Lựa chọn nào tốt hơn cho tương lai Việt Nam?

Nguồn: Greenid

Tin cùng loại