TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Khí thải điện than đang tác động mạnh đến ô nhiễm môi trường ở Hà Nội (kì 2)

Khí thải điện than đang tác động mạnh đến ô nhiễm môi trường ở Hà Nội (kì 2)

19:53 | 21/04/2023

Tiêu chuẩn phát thải ở VN còn dễ dãi

Như vậy, các nghiên cứu và mô hình khoa học độc lập cùng chỉ ra rằng các nhà máy điện than, tập trung ở phía đông Hà Nội, có thể sẽ có phần đóng góp đang gia tăng mạnh nhất vào nồng độ PM2.5 trong cả năm ở thủ đô.

Các chuyên gia về môi trường cho rằng phần ô nhiễm không khí do điện than gây ra cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Mặt khác, nhiều ý kiến nêu tầm quan trọng và sự cần thiết của điện than trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng ở Việt Nam.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2016, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2030 bình quân tăng khoảng 9 -10%/năm, gấp khoảng 1,5-1,8 lần tăng trưởng GDP, tiến sĩ Trần Văn Lượng, cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công thương, cho biết trong một bài viết trên trang Năng lượng Việt Nam, cơ quan của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

“Trong bối cảnh hiện nay... thủy điện đã đạt tới hạn... điện hạt nhân tạm dừng, các năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chiếm diện tích lớn, chi phí cho hệ thống truyền tải tăng và trong hệ thống rất cần có nguồn chạy nền để đáp ứng được ổn định điện phụ tải”, ông Lượng viết vào tháng 3/2018.

Khí thải từ các nhà máy điện than được xử lý bằng ba hệ thống: lọc bụi tĩnh điện (ESP), xử lý NOx, và xử lý SO2. Ông lượng cho rằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện và xử lý NOx ở các nhà máy nhìn chung kiểm soát được lượng bụi và NOx, đáp ứng các yêu cầu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Việt Nam nằm trong vài nước có tiêu chuẩn phát thải cao (dễ dãi) nhất trên thế giới (cùng với Indonesia, Australia), cao hơn hai nước dùng nhiều than nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, vốn đã gặp vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng, theo ông Trần Đình Sính từ GreenID.

Nguồn: GreenID.

  •  
  •  
image002.jpg

 

image002.jpg
Nguồn: GreenID.

“Tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam còn cách xa so với tiêu chuẩn tốt nhất (best practice) của quốc tế”, ông Myllyvirta, chuyên gia từ Greenpeace, nói với Zing.vn. “Các nhà máy điện ở Việt Nam được phép phát thải 5-10 lần so với các nước đang theo tiêu chuẩn tốt nhất”.

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ yêu cầu các nhà máy điện than phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với khí thải.

Nhiều ý kiến cho rằng việc minh bạch thông tin phát thải, một trong những biện pháp nổi bật trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí của Trung Quốc, vẫn còn hạn chế.

Ông Trần Đình Sính từ GreenID cho biết một số nhà máy điện lớn như Vĩnh Tân, Duyên Hải đã lắp đặt màn hình và chiếu các thông tin về phát thải như SOx, NOx, PM2.5, nhiệt độ nước thải cho công chúng xem. Đồng thời các thông tin này được truyền trực tuyến về các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường địa phương, tuy nhiên điều này còn một số bất cập.

“Một số nhà máy như nhiệt điện Hải Phòng do đường truyền và thiết bị không phù hợp nên các thông tin vẫn chưa truyền trực tiếp được. Một số nhà máy khác vẫn chưa lắp đặt thiết bị để cho công chúng biết”, ông Trình Đình Sinh từ GreenID viết cho Zing.vn. “Việc công khai minh bạch cho công chúng là một điều tốt”.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, trong một hội thảo ngày 11/10 về ô nhiễm không khí, đặt câu hỏi: “Các nhà máy cung cấp thông tin về cho Sở Tài nguyên - Môi trường, các thông tin ấy được cung cấp cho người dân chưa? Hiện nay cũng còn ở mức hạn chế. Ví dụ nhà máy Vĩnh Tân thì với sức ép của người dân cũng đưa thông tin lên bảng điện tử, nhưng tôi đọc cũng rất khó hiểu”.

Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nghiên cứu, hai viện IIASA và VAST đã thu thập dữ liệu theo tỉnh về nhiều lĩnh vực như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, nhà máy nhiệt điện, cụm công nghiệp, với nguồn dữ liệu đa phần là từ số liệu thống kê quốc gia, tổ chức quốc tế, và từ các báo cáo khoa học trước đó.

Về cơ bản, phương pháp của nghiên cứu này là dùng dữ liệu về các hoạt động gây ô nhiễm ở các tỉnh và các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp lớn ở các miền Bắc, để xác định lượng phát thải (trong đó có tính đến các biện pháp kiểm soát khí thải, giả sử các quy định đã ban hành đều được tuân thủ).

Sau đó, mô hình GAINS, mô hình được nhiều nước châu Âu sử dụng, được sử dụng để tính toán sự phát tán của các chất thải, và tính toán mức độ PM2.5 ở từng khu vực quanh miền Bắc.

Nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận hạn chế của các phân tích ban đầu này, như khả năng đánh giá thấp mức độ phát thải từ các làng nghề thủ công.

“Các vấn đề này được đưa ra nhằm giải quyết trong khuôn khổ Giai đoạn 2 của dự án”, nghiên cứu viết.

“Đây là những con số có thể tham khảo được. Nhưng rất tiếc là chưa có thêm những nghiên cứu tương đương để kiểm chứng thêm những con số đó”, TS Hoàng Xuân Cơ, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nói với Zing.vn khi được hỏi đánh giá về nghiên cứu trên. Ông không nằm trong nhóm nghiên cứu.

Tương tự, nghiên cứu Burden of Disease dùng mô hình GEOS-Chem, trong đó mô phỏng sự chuyển động của các chất gây ô nhiễm trong bầu khí quyển. Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu phát thải cho mỗi nhà máy nhiệt điện, dựa vào giới hạn phát thải SO2, NO2, và các loại bụi khác.

Họ giả thiết rằng lượng phát thải thực tế bằng với giới hạn cho phép, sau đó mô phỏng xem các chất ô nhiễm sẽ phát tán như thế nào, Lauri Myllyvirta, tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Nguồn: Internet

Tin cùng loại