Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã cùng phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ...
Ngày 30 tháng 7 năm 2021, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã cùng phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức chương trình hội thảo trực tuyến tổng kết Dự án “Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và địa phương về các giải pháp năng lượng tái tạo (NLTT) và sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo và truyền thông nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh tại Việt Nam (E-Enhance)" do GreenID chủ trì thực hiện từ tháng 8 năm 2017 tới tháng 8 năm 2021 với sự hỗ trợ tài chính của Phái đoàn Liên minh Châu Âu.
Hội thảo không chỉ chia sẻ các kết quả, bài học kinh nghiệm từ dự án mà còn mở ra thảo luận về việc chuyển giao, nhân rộng các kết quả dự án, đồng thời ghi nhận và trao giải cho các đối tác tham gia tích cực trong quá trình triển khai dự án. Mặc dù được tổ chức trong bối cảnh Covid diễn ra khá phức tạp, hội thảo đã thu hút được gần 300 lượt tham gia của các đại biểu đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu EU tại Việt Nam, Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên hiệp Hội các tỉnh, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo và các trường đại học, trường THCS, các cộng đồng hưởng lợi từ dự án.
Lễ tổng kết bao gồm 2 phiên:
Phiên sáng: Tổng kết chương trình Trường học công dân Xanh, lắng nghe ý kiến rút kinh nghiệm, đóng góp cho chương trình từ các em học sinh và giáo viên 14 trường trong hệ thống.
Phiên chiều: Tổng kết toàn bộ dự án, trao đổi về các bài học kinh nghiệm với các đối tác, cộng đồng hưởng lợi; Trao chứng nhận và vinh danh các cá nhân, tập thể đã có nhiều đóng góp với dự án.
Qua 04 năm triển khai, GreenID đã phối hợp với các đối tác trong các lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc như các trường học, các cơ quan nhà nước, chuyên gia, các mạng lưới, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông để thực hiện các hoạt động. Đến nay, dự án đã hoàn thành các mục tiêu với kết quả vượt ngoài mong đợi. Dự án đã đào tạo về phát triển năng lượng bền vững cho 60 tổ chức khoa học, xã hội ở Việt Nam và 07 Giảng viên nguồn đã tập huấn cho hơn 2600 người dân ở các cộng đồng về năng lượng bền vững; 14 trường học với hơn 520 học sinh và giáo viên tham gia trực tiếp chương trình Trường học Công dân Xanh; 09 cộng đồng tại 07 tỉnh trên cả nước với khoảng 10.000 người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ 08 mô hình năng lượng bền vững được ứng dụng tại các cộng đồng. Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về năng lượng bền vững và tăng cường tiếp cận năng lượng cho các cộng đồng nghèo, cộng đồng chưa có điện lưới, hiện thực hóa mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững – không ai bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, đánh giá cao các kết quả mà dự án đã đạt được trong hành trình 4 năm vừa qua. Dự án đã nâng cao năng lực, tập huấn, truyền thông cho các cộng đồng địa phương, từ đó tạo nên sự thay đổi với nhiều đối tượng trong xã hội.
Cũng ghi nhận các kết quả của dự án, ông Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) hi vọng kết quả này sẽ được nhân lên thông qua các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, qua truyền hình, báo chí. Với thông điệp chia sẻ và lan tỏa tương lai xanh, thông qua lan tỏa các kết quả của dự án, các giải pháp xanh sẽ tiếp tục được ứng dụng tại các cộng đồng nghèo, từ đó hướng đến mục tiêu thiên nhiên kỉ về phát triển bền vững, cam kết của Việt Nam tại thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Đại diện cho cộng đồng tại Cồn Hô, xã Mỹ Đức, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, ông Huỳnh Văn Nguyên chia sẻ: “Cồn Hô nằm độc lập giữa sông nên không có điện và nước sạch sinh hoạt, có 21 hộ gia đình sinh sống. Trước kia, chúng tôi phải dùng đèn dầu hoặc đi sạc bình rất khó khăn, phải qua sông lớn, rất tốn kém. Từ lúc được dự án hỗ trợ điện năng lượng mặt trời và đèn đường năng lượng mặt trời, bà con rất vui, nhất là trong việc tiếp đón khách du lịch cộng đồng.”
Thay mặt đội ngũ các giảng viên nguồn trực tiếp triển khai, thực hiện các hoạt động dự án tại cộng đồng, cô Huỳnh Thị Kim Tuyến cho biết: “Nhìn lại chặng đường 4 năm đã qua, chúng tôi có thể tự hào mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt được mục tiêu của dự án đề ra. Chúng tôi đã truyền thông cho bà con dân tộc thiểu số, cộng đồng vùng sâu vùng xa về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Nụ cười, ánh mắt rạng ngời của bà con đồng bào dân tộc là niềm động viên lớn nhất với chúng tôi. Tôi mong rằng chúng ta sẽ có thêm nhiều dự án về đào tạo nâng cao năng lực cho địa phương, đặc biệt cho chị em phụ nữ để thực hiện và thúc đẩy các giải pháp xanh cho cộng đồng.”
Đại diện cho các thành viên CLB Sao Xanh tham gia chương trình Trường học Công dân Xanh, bạn Đào Minh Ánh – học sinh tại Hệ thống giáo dục Skyline, Đà Nẵng, rất vui vì được tham gia CLB Sao Xanh, được nâng cao kiến thức về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giao lưu học hỏi với các bạn học sinh từ khắp các tỉnh thành tại Việt Nam. Từ đó, cùng chia sẻ kiến thức đã được học cho các bạn học sinh trong trường để chung tay tiết điệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống luôn xanh-sạch-đẹp.
Hành trình 4 năm của dự án mới chỉ là sự khởi đầu cho hành trình hướng đến năng lượng xanh ở Việt Nam có thể tiến tới mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050. GreenID hi vọng kết quả của dự án sẽ được các giảng viên cộng đồng lan tỏa tới các miền quê, các mô hình năng lượng tái tạo phân tán sẽ được khuyến khích ứng dụng để tăng cường tiếp cận năng lượng cho cộng đồng nghèo - cộng đồng chưa có điện lưới. Và Trường học công dân Xanh sẽ tiếp tục được nhân rộng trong hệ thống giáo dục Việt Nam để chuẩn bị hành trang cho các Thủ lĩnh Xanh đẩy bánh đà chuyển dịch năng lượng sạch, bền vững đi nhanh hơn vì một Việt Nam Xanh, thịnh vượng.
Nguồn: Greenid